Ghi chép 

Thương hiệu cơm bình dân ở Sài Gòn

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Ở Sài Gòn, bước ra đường là gặp ngay những quán cơm bình dân bán từ sáng đến tối, có nhiều quán chỉ bán buổi trưa để phục vụ công nhân, người lao động. Đa số quán với diện tích không rộng lắm, chỉ độ chừng 5, 6 chục mét vuông nhưng thực đơn rất phong phú, đa dạng, phù hợp với nhiều vùng miền.
Quán cơm bình dân đúng nghĩa lần đầu tiên tôi ăn cơm bụi, không biết giun rủi thế nào mà lại là quán Bà Cả Đọi nằm trong con hẻm đường Nguyễn Huệ. Đến nơi, bước lên cầu thang vào căn phòng đâu chừng hơn 50m², kê bàn ghế san sát. Quán không có bảng hiệu nhưng chính là quán cơm bình dân lâu đời nhất nằm giữa trung tâm Sài Gòn. Tên “Bà Cả Đọi” do thực khách đặt. “Đọi” nghĩa là “đói” đọc trại ra, có lẽ do quán chuyên phục vụ dân lao động nghèo, khách quen nhiều bữa không tiền được cho “ăn chịu”. Thức ăn của quán theo khẩu vị miền Bắc, vì Bà Cả quê gốc Hà Nội, thường là giò heo giả cầy, thịt luộc, tàu hủ chiên, dồi trường, rau muống xào, trứng non, trứng đúc thịt, canh cua rau đay, cá bống kho tiêu, ốc nấu chuối…và một món không thể thiếu trong các quán cơm Bắc chính là cà pháo mắm tôm.


Tôi đi với hai người bạn, phải chờ một lúc mới có bàn ngồi. Phục vụ là mấy bé gái tuổi chừng 14, 15, lanh lẹn, gọn gàng, chạy tới chạy lui như chong chóng. Vài món ăn nhanh chóng được dọn lên, nóng sốt, thơm phức. Ngon quá. Chúng tôi ăn ngấu nghiến như chưa từng được ăn, loáng cái đã hết sạch. Thực khách kéo tới ngày càng đông, đứng chờ chật lối. Khi gọi tính tiền, một cô bé chạy đến đưa tay đếm các đĩa, tô nhẩm tính rồi cúi nhìn dưới gầm bàn. Tôi hỏi bạn:
• Con bé tìm gì vậy?
Bạn tôi lắc đầu không biết. Cô bé trả lời thay:
• Coi thử xem có giấu bớt đĩa tô gì không?
• Là sao?
• Thì tại có mấy người chơi ăn gian, giấu bớt tổ đĩa đi để bớt tiền.
• Chài, vậy cũng được nữa sao?
Chúng tôi ra về, bụng no anh ách. Phải nói đây chính là quán ăn bình dân ngon và rẻ nhất Sài Gòn.
Về sau quán dời về đường Tôn thất Thiệp, lấy tên là Đồng Nhân, thực đơn cũng như cũ nhưng bổ sung thêm vài món ăn miền Nam. Để khách dễ nhận diện, quán làm thêm tấm bảng ghi “Cơm Bà Cả”. Mỗi lúc có bối cảnh quay ở gần đó tôi đều đến ăn trưa. Tôi làm phim, mỗi ngày đoàn phát tiền ăn tự túc. Ở trung tâm, chợ búa, tiệm hàng đông đúc, sầm uất, đoàn phim chỉ có thể quay trong nội cánh như vũ trường, nhà hàng chứ khó lòng quay ngoài đường phố. Nghỉ trưa, anh em đoàn tản ra mạnh ai nấy ăn, nhưng không ai theo tôi. Một mình tôi vào cơm Bà Cả để tìm lại hương vị cũ.
Một quán ăn bình dân ngon, bổ, rẻ nữa nằm trên đường Võ văn Tần, khúc gần Cách mạng tháng 8. Quán bày bàn ghế ra cả lề đường, chỉ bán buổi trưa. Đặc biệt ở đây còn có món tôm càng nướng, tuy mắc tiền nhưng xứng đáng. Tôi nhớ lần đầu thèm món này nhưng sợ mắc quá không đủ tiền trả nên hỏi bà chủ:
• Cơm tôm nướng bán sao vậy chị?
Bà chủ lò xúc cơm, nói không ngẩng lên:
• Cũng vậy hà.
Tôi yên tâm vì nghĩ “cũng vậy” chắc là bằng giá một đĩa cơm bình thường. Đúng là tôi “ngây thơ vô số tội” vì khi tính tiền, cơm tôm càng nướng giá 80 ngàn một đĩa, mắc gấp 5 lần cơm thịt kho trứng, cơm cá bông lau kho…Thì ra “cũng vậy” có nghĩa là “không lên giá”.

Cũng năm trên đường Võ văn Tần, đoạn gần ngã tư Nguyễn thượng Hiền có quán “cơm tấm Trần quý Cáp” lấy theo tên cũ của con đường. Quán nhỏ chật hẹp, bày thêm hai bàn ngoài hẻm. Thức ăn chủ yếu là sườn bì chả, thịt kho trứng, tép rang, canh duy nhất chỉ có khổ qua dồn thịt, hợp với khẩu vị số đông. Tôi thích nhất là món chả, thịt bằm hấp trứng dai dai mềm mềm, thơm thảo mùi gia vị. Gần đây nghe dân mạng chê đồ ăn bình thường nhưng giá mắc. Thật ra quán mang tên bình dân nhưng giá thì không bình dân, bán được nhờ thương hiệu lâu đời.
Ở khu Phú Mỹ Hưng có một quán cơm bán trưa và chiều. Quán khá chật hẹp, nhưng không dám bày thêm bàn ghế ra lề sợ bị phạt. Các món ăn tuy không nhiều nhưng món nào cũng cực kỳ chất lượng, nhất là món sườn muối bao giờ cũng hết trước. Món canh thì đặc biệt hơn vì ít quán ăn nào bán, như canh khoai mỡ, canh tàu hủ non nấu hẹ. Ông chủ luôn có nụ cười trên môi, nhìn ông có nhiều nét giống nghệ sĩ hài Duy Phương nên đoàn phim đặt ông là Duy Phương luôn cho dễ gọi. Chúng tôi thường quay khu Phú Mỹ Hưng vì có thể giả được cảnh đường phố Sài Gòn. Cứ buổi trưa nghỉ giải lao tôi cùng tổ đạo diễn lại hẹn hò:
• Cơm Duy Phương nhé.
Quán cơm tấm “Bụi Sài Gòn” ở đường Nguyễn Thị Thập quận 7 trước đây ăn rất ngon, bán từ 10 giờ sáng đến gần nửa đêm, gồm các món sườn non nướng, gà nướng tỏi, chả cá thác lác thì là, canh cải chua gân bò, canh nghêu đậu hủ non…Khi có bối cảnh quay ở quận 7, chủ yếu là Khu định cư Tân quy Đông, chúng tôi thường ghé quán ăn trưa. Nhưng gần đây đọc trên mạng, khách hàng có ý kiến trong mấy trang Foody, Địa điểm ăn uống thường để lại comment chê là chính, như: gà sườn nướng chưa chín tới, món ăn hơi mặn, nhân viên phục vụ thiếu tế nhị, mặt mày khó chịu, hỏi đến chỉ trả lời qua loa, chiếu lệ. Tôi nghĩ có khi do quán đã đổi chủ, thiếu quan tâm đúng mực đến công tác huấn luyện nhân viên.
Đường Rạch Bùng Binh quận 3 có nhiều quán cơm nhưng chỉ có một quán thật đông khách vào buổi trưa. Chỗ này gần hãng phim nên chúng tôi cũng thường đến ăn. Quán rộng, có hai căn. Thực đơn phong phú với các loại cá kho, chiên, nấu canh chua, thịt kho tiêu, thịt ram, tép rang, đồ xào…Có một món mà các tiệm khác không thấy bán đó là cà farci. Cà chua cắt đôi, nhồi thịt chiên. Tôi thích nhất món này, đến tiệm là gọi ngay không cần suy nghĩ.
Đời làm phim rong ruổi các nơi, nói quay Sài Gòn nhưng thật ra chỉ lòng vòng ở các địa điểm quen thuộc như Phú Mỹ Hưng, Khu định cư Tân quy Đông quận 7, Khu dân cư Trung Sơn (thuộc xã Bình Hưng Huyện Bình Chánh, nối với quận 7 qua cầu Him Lam, và nối với quận 8 qua cầu Kênh Xáng). Nơi nào cũng có những quán cơm bình dân đúng nghĩa, tức là vừa ngon vừa rẻ, phù hợp với túi tiền của giới công nhân, người lao động. Thời nay còn có dịch vụ ship hàng tận nơi, các anh Grab food hoạt động liên tục đem cơm trưa đến các công ty, phân xưởng.
Về quận 9 ở, vợ chồng tôi thường đến ăn ở quán Kim Linh trên đường Hoàng Hữu Nam gần nhà. Quán rất rộng, bày biện nhiều bàn ghế. Món ngon nhất của quán là gà nướng. Giá cả thì thật hấp dẫn, một đĩa to thịt kho trứng, đùi gà nướng, sườn cọng…chỉ có 30k. Canh khổ qua dồn thịt rẻ chưa từng thấy: 10k một trái.
Xưa đi làm phim, quen cảnh “cơm đường cháo chợ”. Giờ vẫn hay cháo chợ cơm đường vì vợ đi làm cả ngày, có khi tăng ca đến 8, 9 giờ tối, thỉnh thoảng mới rảnh để nấu ăn. Dù ở đâu tôi cũng lần mò tìm cho ra một địa điểm cơm bình dân hay còn được gọi là cơm bụi. Rất may, tìm là có. Các món ngon và rẻ chính là thương hiệu của quán cơm bình dân khiến nơi tôi đến thường tồn tại qua nhiều năm tháng, như quán cơm Bà Cả Đọi ở quận 1 chẳng hạn, có lẽ đã truyền đến đời cháu và đã mở thêm chi nhánh.

(23/3/2021)

Related posts

Leave a Comment