* Một chút ghe, một chút xe, một chút phà

Xe ôm chạy từ đường cái tới bến phà chừng 10 phút. Chuyến phà qua lại liên tục, đứng bên đây nhìn qua bờ bên kia, tưởng như chạy ào một cái là tới. Anh bước lên phà. Gió lồng lộng. Buổi chiều thôn quê thật dễ chịu. Có 3 chiếc xe máy, 5 người khách. Bao nhiêu cũng chạy. Tới giờ là chạy. Anh nhìn quanh quất, hy vọng gặp được người quen. Mà anh quen ai ở đây nhỉ? Cô ấy có về đây không? Đúng ra là có, vì thật ra cô ấy không có chỗ để đi. Ngoài Sài Gòn, quận 7 ra, cô ấy chỉ có thể về huyện Thạnh Trị này.
Phà chạy 5 phút là đã qua tới bờ bên kia. Anh xe ôm lại đèo anh đi tiếp, hỏi lại cho chắc ăn:
● Nhà dì Năm Tâm Long phải không chú?
● Bộ tui già lắm sao kêu bằng chú hoài vậy?
● Chú thông cảm, tại con quen miệng thôi.
● Ờ, chạy đi. Nhà sát bên mé sông á.

Dì Năm Tâm Long là tên người ta gọi mẹ vợ anh. Bố vợ anh thứ Năm, tên Tâm Long, đã lấy vợ khác ngoài thị trấn cũng gần mười tám năm. Mấy lần anh gởi tiền về, nhà xe điện kêu bố vợ đến lấy. Bố vợ điện kêu mẹ anh ra.
Coi vậy mà gần ệu, đi mấy phút là tới. Anh trả tiền xe, đứng bên này đưa tay bắt loa gọi:
● Mẹ ơi…
Một bé gái 7 tuổi trong nhà chạy ra, nhìn thấy anh liền reo lên mừng rỡ:
● Ngoại ơi, ba về. Ba về…
Một người phụ nữ trạc 50 tuổi ở đâu đó bên hàng xóm xuất hiện rồi đến tháo dây chiếc ghe cột ngay mé sông, bước xuống chèo qua.
Bé gái bệnh, sốt ba bữa, uống thuốc giờ đã đỡ hẳn, ngày mai sẽ đi học lại. Anh ôm con, thấy nó gầy nhom, tay chân dài ngoằng, khẳng khiu mà tội nghiệp. Bé có nước da đen nhẻm vì rám nắng, đôi mắt to tròn như hai hạt nhãn, long lanh nhìn cha nuôi, nụ cười rạng rỡ với chút lúm đồng tiền bên má trái. Trông bé giống y hệt mẹ.
Vậy đó, về nhà mẹ vợ là có một chút xe, một chút phà và một chút ghe. Đây là lần thứ ba anh về. Hai lần trước đi cùng Diễm. Lần này là đi tìm Diễm, nhưng coi bộ Diễm không về đây. Người vợ này vốn là tình chấp nối. Còn bé gái kia là con riêng của cô ấy. Bà mẹ vợ thì hiền queo, nhận nuôi cháu từ ngày mới lọt lòng, bị ba nó bỏ.
Mẹ vợ anh biết anh về là để tìm vợ, nhưng không nói gì. Bà chuẩn bị nấu cho anh ăn món ưa thích, đó là lẩu mắm.Lẩu mắm hay còn gọi là mắm kho với những loại rau đồng, cá nội, nhất là đọt năn dùng chấm ăn thiệt là hết ý. Bà nấu thật ngon, hệt như đầu bếp trong nhà hàng. Con gái anh cũng thích món này. Hồi anh gặp nó, nó mới 5 tuổi. Sáng ra mẹ vợ chèo xuồng đưa hai cha con qua sông, đi được một đoạn con gái chợt nói:
● Ba ẳm con được hôn ba?
Anh không nói gì, cúi xuống bế con lên đi tiếp. Con gái bảo:
● Bạn con cứ nói con không có cha. Bữa nay cho tụi nó lé mắt hết nè.
Đi dọc đường, ngang qua nhà bạn, con bé lại kêu lên:
● Bạn ơi, đi học chưa?

Anh đưa con tới trường, nó muốn ăn bánh mì chan. Anh kêu con ăn bánh mì thịt đi, nó không chịu, nói ăn dính răng. Anh nhìn hàm răng con vừa thưa vừa bị xiết ăn, thấy tội.
Vậy là Diễm không về. Cô ấy còn đi đâu được nhỉ? Anh nhớ cái tát tay chiều hôm kia mà lòng cứ ray rứt mãi. Mà phải chi Diễm chửi anh một tiếng anh sẽ đỡ hối hận hơn. Đàng này cô ấy chỉ quay mặt đi, giấu một bên má bị đỏ ửng, ràn rụa nước mắt.
Anh quay về, mẹ vợ khua mái chèo vài cái đã đưa anh lên bờ, bước vô sân nhà. Cái xứ sở gì mà dễ thương ghê, cứ đi một chút xe, một chút phà, một chút xuồng ghe là tới. Anh lững thững ra sau vườn chuối, nhìn cái nhà tắm bằng cây gỗ xiêu vẹo ai đó dựng trên cái ao. Cái nhà sàn nhỏ xíu, chật chội ấy tưởng như có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào, mà lại như dẻo dai gai sức, oằn mình qua ngày tháng. Hai lần trước về, anh đã định nhờ mẹ gọi ông thợ nào đó cất lại cái nhà tắm cho đàng hoàng, nhưng lại quên mất. Trong câu chuyện chiều hôm kia, Diễm có nhắc đến cái nhà tắm, giọng điệu có vẻ ấm ức lắm:
● Như cái nhà tắm đó, anh nói làm lại hoài mà có thấy làm đâu.
Anh cảm thấy bất ngờ. Tự nhiên lôi chuyện cái nhà tắm ra. Mà đâu phải là tình cờ gì. Diễm đang kiếm chuyện trách móc anh đó thôi. Diễm nói và chờ anh phân trần, nhưng anh không để mình sa vào những vụn vặt của phụ nữ. Anh cứ bám hoài vào câu hỏi: “Em chán tôi rồi phải không? Giờ mới biết tôi nghèo chứ gì?”. Diễm không thèm trả lời trực diện câu hỏi có tính chung chung đó. Cô không hề có ý chê bai anh không phải là đàn ông, vì anh vốn tốt hơn nhiều người đàn ông khác. Nhưng cô hận anh vì đã xúc phạm cô. Đây chỉ là là lần đầu tiên thôi, mà chính là đầu tiên nên cô không chịu nỗi. Có vẻ như anh chỉ nói qua vậy thôi, nói trong lúc bức xúc chứ không để dạ. Nhưng cô không thể chấp nhận.

Anh vẫn thong thả, chậm rãi bước từng bước một quanh khu vườn. Tự nhiên anh có cảm giác như Diễm đang lẩn khuất đâu đây. Anh lại nhớ đến cái tát tai, nghe như có tiếng đánh bốp ở đâu đó vọng về. Lòng anh chùng xuống. Đó là lần đầu tiên anh đánh vợ. Thật ra câu chuyện diễn biến nhanh quá trong nỗi gấp gáp mà anh nghĩ khó thể chờ lâu. Khi đó Diễm đang nghe điện thoại của mẹ:
● Không có tiền thì mượn đỡ của dì út đi. Con nhỏ sốt thì mua thuốc cho nó uống. Tui làm gì được bây giờ.
Diễm còn nhằn mẹ đủ điều, nói bà xài lớn. Mới cho 500 ngàn hồi…tháng rồi mà giờ đã hết. Từ đầu đến cuối câu chuyện Diễm không nhắc qua anh một tiếng. Anh ngồi nghe mà cảm thấy bức xúc. Diễm vừa cúp máy anh vội đứng lên.
● Anh đi đâu đó?
● Vô Chợ lớn gởi tiền về cho mẹ.
● Thôi đi, tập quen cho bả hả. Để bả tự lo đi.
Anh không nghe, dẫn xe ra cửa. Diễm cản lại: “Không cần anh đâu”. Anh gỡ tay Diễm ra. Diễm gào lên: “Nó đâu phải con anh. Kệ nó đi”. Rồi Diễm ra đứng chặn ngay cửa: “Tui với anh chỉ cặp bồ cho vui thôi. Anh không phải có trách nhiệm gì đâu”. Tự dưng anh cảm thấy như có cục nghẹn giữa lồng ngực:
● Cái gì? Em nói cặp bồ cho vui sao? Em để tôi đi. Con nó đang sốt. Mẹ đang cần tiền.
● Nhưng không cần tiền của anh.
Anh dựng xe, ngồi bệt xuống một góc nhà. Căn phòng vốn chật chội giờ càng chật thêm khi có chiếc xe máy chắn ngay lối cửa. Hai người lời qua tiếng lại một lúc, toàn là chuyện trách cứ nhau. Diễm bắt lỗi ngay câu nói hớ của anh:
● Anh nói anh lo cho tui. Lo được cái gì?
Đến lúc Diễm lập lại câu “Không cần anh lo”, bức xúc quá anh la lên:
● Em là bà mẹ ác độc. Là đứa con bất hiếu.
● Anh chửi tôi? Đồ…đồ khốn nạn.

Anh vung tay. Một tiếng bốp vang lên khô khốc. Bầu không khí trong phòng chợt trở nên tĩnh lặng lạ thường. Diễm không hề khóc, mặt sưng sỉa lên với dấu tay ửng đỏ. Anh dẫn xe ra, chạy đến nhà xe trong quận 5 để gởi tiền về cho mẹ vợ.
Anh quen Diễm trong buổi tiệc sinh nhật người bạn. Anh bạn đặc biệt mê cải lương nên đãi mấy bàn trong nhà hàng Sông Quê. Diễm là nghệ sĩ ca cổ, thường giúp vui văn nghệ và kiêm luôn tiếp viên chạy bàn. Anh nhớ, buổi tối hôm đó Diễm hát bài “Lá trầu xanh”. Anh không thích vọng cổ lắm nhưng thấy cũng hay hay. Diễm mời bia, cụng ly với anh. Bữa ấy Diễm mặc chiếc áo dài màu thiên thanh có điểm những cành hoa trắng, gương mặt rạng rỡ, đôi mắt lấp lánh phấn nhủ kim tuyến.
Hai người đến với nhau nhẹ tênh như không. Anh bỏ quận 4 về thuê phòng trọ quận 7 cho gần địa bàn của Diễm. Một hôm anh đi làm về, thấy trong phòng có thêm một phụ nữ luống tuổi và một bé gái. Anh bắt đầu “gia nhập” vào gia đình của Diễm.
Cha bé gái bỏ nó ra đi khi nó vừa lọt lòng mẹ, từ lúc đó không một lần ghé về thăm. Hai bà cháu hủ hỉ bên nhau mấy năm nay. Gặp được anh, bé gái vui mừng, quấn quít thấy rất tội nghiệp.
Anh và Diễm sống với nhau, có thể gọi là “mạnh ai nấy sống”. Những gì anh làm cho Diễm hoàn toàn là tự nguyện, như mua cho cô chiếc xe máy (sau đó cô mới bắt đầu tập lái), trả tiền thuê phòng, điện nước hàng tháng, đi ăn tiệm…Hai lần về quê anh đều tỏ ý định xây lại nhà tắm, nhưng rồi lại quên. Không ngờ Diễm lại coi trọng việc này, chủ động nhắc nhở khi lời qua tiếng lại. Phụ nữ thực dụng, quan tâm chi tiết là vậy. Mà, cô ấy nói cũng đúng. Nhớ lại, anh thấy mắc cỡ với chính mình.

Rồi anh lại nhớ đến câu “chửi” của mình: “Em là bà mẹ ác độc. Là đứa con bất hiếu”. Ồ, hình như anh đã đi quá giới hạn của mình. Hình như anh chưa đủ tư cách để phê bình Diễm, vì thật ra anh có lo được gì cho Diễm đâu. Bấy lâu cô ấy vẫn một mình lo cho con, cho mẹ.
Anh bước tới mé sông, nhìn con nước đang ròng. Dòng nước trôi lững lờ, chậm rãi, không có gì gấp gáp. Anh mong nước chảy thật mạnh, thật nhanh để cuốn phăng đi mọi uẩn khúc trong lòng. Anh không muốn nhớ nữa.
Nhưng rồi anh lại nhớ những tháng ngày vợ chồng bên nhau hạnh phúc. Diễm thật bình dị, sống thật lòng và không đòi hỏi gì. Hồi mới quen Diễm anh ngờ rằng cô ấy đoán anh giàu có nên mới ưng. Nghĩ vậy nên anh chải chuốt hơn, chi xài rộng tay hơn. Nhưng rốt lại không phải. Diễm thờ ơ với tất cả, không quan tâm gì đến công việc của anh, thu nhập của anh. Diễm chỉ biết vun quén cho nghề nghiệp của mình, trân trọng từng show do bầu mời gọi. Có nhiều show xa, đi tỉnh, Diễm vẫn nhận sau khi báo với anh. Anh cũng chưa bao giờ thử phản đối để xem thái độ của vợ, nhưng anh đồ rằng cô ấy vẫn sẽ đi. Hai người vẫn luôn giữ cho nhau một chừng mực nhất định, vẫn dành cho nhau sự riêng tư cần thiết. Đôi lúc anh nghĩ mối quan hệ này rồi có được bền lâu? Cuộc sống sẽ dẫn lối hai người về đâu khi chẳng có mối buộc ràng nào cả. Nhưng rồi hàng đêm khi nghe tiếng cười khúc khích lúc chuyện trò, nhìn ánh mắt nồng nàn đầm ấm của vợ khi ôm siết trong vòng tay, anh lại quên đi tất cả, để cho câu hỏi mãi mãi không lời đáp.
Anh vào nhà, ngồi trò chuyện với mẹ vợ một lúc rồi từ giã đi Sài Gòn. Mẹ vẫn không hỏi chuyện của anh và Diễm. Anh đưa mẹ tiền, nhờ mẹ mua bánh kẹo cho con. Mẹ bảo:
● Chiều mẹ ra chợ lấy tiền. Ba con Diễm mới gọi, nói nó vừa gởi tiền về.
Anh hơi ngớ người ra. À, vậy chắc Diễm đã nhận show tỉnh. Anh đã đoán nhầm. Quen cô bấy lâu, anh thấy hình như cô không có tính giận lẫy. Bởi vậy sống bên nhau cả đời cũng chưa chắc hiểu hết được nhau. Đến hôm nay anh mới nhận ra, với Diễm, công việc là trên hết.
Mẹ chèo ghe đưa anh qua sông, dặn dò một câu khiến anh nghe mà mủi lòng:
● Có gì vợ chồng từ từ bảo nhau, nhé con. Coi vậy chứ con Na nó còn dại lắm.

Lâu rồi mới nghe nhắc tên Na. Đó là tên khai sinh của Diễm. Đi hát, Diễm lấy nghệ danh là Hồng Diễm, do ông thầy dạy cải lương đặt cho.
Mẹ đã kêu sẵn cho anh chú Bảy xe ôm trong xóm. Anh bảo chú:
● Ra tới đường cái để con đón xe đi Sài Gòn nhen chú.
● Ờ, mẹ con nói rồi.
Vậy là một chút ghe, một chút xe, một chút phà để đưa anh rời mảnh đất thân thương và cũng chưa biết ngày trở lại. Đón được xe rồi, xe Bạc Liêu – Sài Gòn, ngồi hàng kế cuối, anh dựa đầu vào thành ghế lim dim ngủ. Nhưng dễ gì. Hình ảnh Diễm cứ như lờn vờn trước mặt. Bất chợt, anh nhớ đến cái nhà tắm sau vườn. Anh buông một câu vừa sững sờ, vừa ngơ ngác:
● Ôi, lại quên nữa rồi!

(27/3/2022)

SĨ HUỲNH