Tản văn 

“Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau”

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Mỗi lần chán đời tôi lại nhớ hai câu thơ trong bài ca trù (hát nói) Đời Đáng Chán của thi sĩ Tản Đà- Nguyễn Khắc Hiếu:

“Đời đáng chán hay không đáng chán
Cất chén quỳnh, riêng hỏi bạn tri âm”

Tất nhiên câu trả lời đã có sẵn:

“Chán! ”

Mà đã gần 7 năm nay tôi hay chán đời lắm. Lý do chỉ có một: Quá rảnh rỗi!

Đúng vậy, từ ngày về hưu, gã chán đời liền mon men đến gần đòi kết bạn. Lâu ngày chầy tháng, tôi và gã đã trở thành bạn thân từ lúc nào không biết.

Có khi nỗi buồn chán đổ ập xuống khiến tôi cảm thấy như mình đang tiệm cận sự tuyệt vọng. Cuộc đời với tôi gần như mất hết ý nghĩa sống. Không may, trong 7 năm qua tôi bỗng trở nên lầm lỳ ít nói, mất dần khả năng chia sẻ. Mỗi lần như thế, tôi cứ đinh ninh rằng cơn tuyệt vọng đã lên tới đỉnh điểm. Tôi chợt nhớ câu triết lý sâu sắc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

“Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Từ buổi con người sống quá rẻ rúng, tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá. Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa”.

Có thật sự tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa không? Tôi không thấy. Không cảm thấy. Có thể do nỗi tuyệt vọng của tôi chưa đi đến tận cùng chăng?

Tôi nhìn lại cuộc đời, từ quá khứ đến hiện tại, nhận ra có biết bao hoàn cảnh đã bị mất hết, không còn hy vọng gì nữa. Thế rồi sao? Người ta vẫn sống kiên cường, vẫn cố tìm cách vượt qua nạn kiếp. Với lòng bao dung, họ “và cuộc đời đã tha thứ cho nhau”.

Thật ra tôi chưa từng tuyệt vọng. Vì một lý do hết sức đơn giản: tôi còn được sự quan tâm ưu ái của vợ, các con và những người thân. Hàng ngày vợ tôi đi làm, đến cử trưa là nhắn tin:

-Anh ăn gì chưa ông xã?

Lâu lâu vợ lại nhắn:

-Tự nhiên nhớ chồng quá!

Tôi vui thật sự khi đọc những tin nhắn ấy.

Thời gian gần đây vợ tôi không còn nhắn những tin đại loại như thế. Tôi hiểu và thông cảm cho vợ, vì công ty đổi giờ ăn trưa từ 11 giờ 30 thành 12 giờ 15, làm xáo trộn sinh hoạt. Tôi buồn nhưng chẳng biết làm gì hơn. Chỉ sợ về lâu dài nỗi buồn sẽ hóa thành buồn chán.

7 năm sống trong sự rảnh rỗi, tuy có buồn chán nhưng tôi luôn ý thức được nguyên nhân, hiểu được mình muốn gì. Khi tuyệt vọng, tôi lại nhủ lòng cố vượt qua, tự an ủi mình bằng câu chuyện: Có một cô gái tuyệt vọng đến đỗi muốn giải thoát mình bằng cái chết. Một hôm cô thấy mình đang đi lên tầng thượng của chung cư và nhảy xuống. Cô lơ lửng trên không trung, ngang qua tầng 8, thấy người vợ đang bị chồng đánh tới tấp vì không chịu đưa tiền cho hắn đi đánh bạc. Rơi xuống tầng 7, cô cảm thương cho bà cụ sống một mình neo đơn không người chăm sóc. Tầng 6 là cậu sinh viên đang thất vọng vì không tìm được việc làm. Tầng 5 là đứa con gái đang nức nở bên giường người mẹ bị ung thư sắp mất. Và tầng 4, tầng 3, tầng 2… tầng nào cũng có một câu chuyện đáng thương, đáng tuyệt vọng. Cô gái hồi tâm chuyển ý khi thấy còn nhiều hoàn cảnh khác còn tệ hại hơn mình. Cô không muốn chết nữa, nhưng đã quá muộn vì cô sắp chạm đất. Cô nhắm mắt lại, tưởng tượng một tiếng “phụp” vang lên. Nhưng bất chợt cô giật mình thức giấc. Thì ra chỉ là một giấc mơ. Từ đó, cô từ bỏ ý định tự tử, cố tìm vui trong cuộc sống.

Vẫn là Tản Đà, với câu kết bài “Đời đáng chán”:

“Đời đáng chán biết thôi là đủ
Sự chán đời xin nhủ lại tri âm
Nên chăng nghĩ lại kẻo nhầm”

Sài Gòn, 30/3/2023
Sĩ Huỳnh

Related posts

Leave a Comment