Ghi chép 

Vợ tôi và Bố già Trấn Thành

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Vợ tôi thường cùng tôi xem phim bộ TVB trên kênh STV9 lúc 8 giờ tối “cho cay mắt để ngủ”- cô ấy nói. Có nhiều tình huống trong phim vợ tôi đoán trước được một cách tài tình, khiến đôi lúc tôi phải buột miệng hỏi:

Vincom plaza Lê văn Việt
  • Ủa, phim này em coi rồi hả?
    Vợ ngạc nhiên:
  • Đâu có.
    Tôi sực nhớ ra, bộ phim đang xem là mới toanh, chiếu đồng thời với TVB Hồng Kông.
    Lần khác, xem bộ phim cổ trang, hết tập 1 cô ấy bảo:
  • Em nghi bà hoàng hậu ấy là giả, hoàng hậu thật có lẽ bị nhốt lại rồi.
    Quả nhiên tối hôm sau, tập 2 diễn biến giống y vậy.
    Có thể nói vợ tôi có “khiếu bẩm sinh” xem phim. Cô ấy còn để ý nhiều chi tiết đắt giá mà có lẽ tác giả chỉ mong người xem “hiểu được ngụ ý”. Cô ấy ít xem phim Mỹ, nhưng mỗi lần xem đều tập trung. Nhớ có lần cô ấy bảo:
  • Coi phim Mỹ, có nhiều tình tiết diễn biến sau đó chỉ dựa vào một câu thoại của một nhân vật phụ, nếu mình bỏ qua sẽ không hiểu.
    Ô, vợ nói đúng quá. Tôi cũng thấy như thế. Hơn nữa, phim Mỹ còn có cái đặc sắc riêng, chẳng hạn như nhân vật chỉ xuất hiện trong một phân đoạn, nhờ một câu thoại lặp đi lặp lại 2, 3 lần mà khán giả nhớ mãi. Như bộ phim truyền hình Mỹ tựa đề gì đó tôi đã quên, có vai ông già kia bắt quả tang cặp đôi đang trộm ô tô. Họ bảo:
  • Ông giúp chúng tôi, đừng báo ai biết nhé
    Ông lão mau mắn:
  • Có tiền là được.
    Cặp đôi dúi tiền cho ông, dặn thêm:
  • Hay là có gì ông cứ bảo “Không thấy gì hết” nhé.
    Ông lão nói không cần suy nghĩ:
  • Có tiền là được.
    Cặp đôi lại dúi tiền vào tay ông.
    Xem xong phim, tôi cứ nhớ ông lão “có tiền là được” mãi.
    Thời còn đi học, vợ tôi thường đi xem phim ké ở hàng xóm, cách nhà cả 3,4 km. Ti vi nhà người quen nhỏ xíu, có 7, 8 người chụm đầu coi. Phim Brazil, Ấn độ, Hàn Quốc…phim nào cũng cảm động khiến vợ khóc hết nước mắt. Khi về, đi ngang qua nghĩa địa, có lúc gặp cả ma. Sợ thì có sợ nhưng cô ấy cứ một mạch đi thẳng, về đến nhà cũng hơn 10 giờ đêm. Có lẽ nhờ “luyện phim” nhiều nên khi thưởng thức phim cô ấy rất nhạy bén.
    Mới rồi vợ chồng đi coi phim “Bố già” của Trấn Thành ở rạp BHD Star trên tầng 4 Vincom Plaza Lê văn Việt. Khán giả đông nghịt, xếp hàng dài. May mà vợ tôi đã mua vé online. Sau khi làm vài tấm hình kỷ niệm chúng tôi vào rạp. Hình như phim dài 128 phút, tôi nhớ thế. Phim chiếu ngay, không nhiều quảng cáo, có lẽ để dành nhiều suất. Mở đầu phim với cảnh Sài Gòn nhộn nhịp người xe cùng bài hát “Sài Gòn đẹp lắm” đầy vui tươi háo hức. Nhưng bối cảnh tiếp sau là khu xóm lao động nhà cửa bộn bừa, nhếch nhác, triều cường nước ngập, ồn ào, rối ren, vợ chồng cãi nhau như cơm bữa. Những cảnh đời của ông Ba Sang (Trấn Thành) diễn ra tại đây cùng mối mâu thuẫn tưởng chừng khó hàn gắn với Quắn (Tuấn Trần) con trai ông. Vợ chồng tôi cùng nhấm nháp bắp rang và Pepsi, tập trung xem phim không nói với nhau lời nào, khác với thường lệ. Trong bóng tối, tôi chừng như thấy đôi mắt vợ nhoà đi qua những trường đoạn nhiều cảm xúc.
    Ra về, vợ nói:
  • Em thấy cái kết không trọn vẹn. Sao lại để ông Ba Sang chết?
    Tôi đùa:
  • Chắc Trấn Thành muốn kết thúc luôn, không muốn làm phần 2 nữa.
  • Vậy sao? Giờ làm “Thời niên thiếu của bố già” cũng được mà.
  • A, ý hay đó nha. Hà hà…
    Về đến nhà vợ lại nói:
  • Vai thím Ánh do Lan Phương diễn bị nhiều người ghét. Khi bị chồng tát nổ đom đóm mắt, khán giả rất hài lòng. Nhưng em thấy nhân vật này cũng rất đáng thương, chỉ qua một câu thoại: Ông mà có mệnh hệ gì thì tôi biết sống làm sao?
    Vợ tôi thật tỉ mỉ, để ý từng chi tiết bộ phim. Có lẽ các tác giả chỉ mong được có thế, để chứng minh thím Ánh dù sao vẫn là một người vợ tốt.
    Bộ phim cũng nêu bật được ý nghĩa vừa hài vừa chân thật: Câu chuyện về một gia đình nhiều thế hệ gồm Hai Giàu (Ngọc Giàu), Ba Sang (Trấn Thành), Tư Phú (Hoàng Mèo) và Út Qúy (La Thành). 4 chị em Giàu – Sang – Phú – Quý nhưng mãi vẫn … nghèo, vẫn phải sống chen chúc cùng nhau trong con hẻm lao động, quanh năm triều cường ngập lối.
    Chưa có bộ phim Việt nào khiến vợ chồng tôi bày tỏ nhiều ý kiến như Bố Già. Bố Già đúng là một hiện tượng cực kỳ hiếm thấy ở điện ảnh nước nhà, nên con số doanh thu 200 tỷ chắc chưa dừng lại.
    Và vợ tôi lại thêm một dịp nữa hé lộ nhiều phân tích sắc bén về bộ phim, những điều mà tôi nhận thấy các bài báo chưa đề cập đến. Nếu có một cuộc thi dành cho khán giả có những bình luận hay nhất, sâu sát nhất về bộ phim Bố Già có lẽ vợ tôi sẽ đoạt giải nhất. Mong rằng Trấn Thành sẽ đọc được bài này.
    Nhưng vừa nghĩ đến đây thì vợ tôi lại nói:
  • Em thích nhất là vai Quắn. Tuấn Trần diễn xuất thần quá, có đoạn khiến em nổi da gà. Nghe kể trong một cảnh gia đình cãi nhau, Quắn đã đấm tay lên kệ gỗ. Và Tuấn Trần đã diễn rất thật, đấm mạnh nhiều lần khiến tay bị thương nặng.
  • À, anh nhớ chuyện này. Lúc đó Trấn Thành hoảng hốt, than thở: Trời ơi nó khùng rồi! Diễn vậy mà nó cũng diễn được.
    Trấn Thành mà đọc đến đây chắc bị mất hứng: Ối, tưởng gì, bả chỉ nói đến thằng Quắn thôi mà.
    Đùa cho vui chứ vợ tôi bảo Trấn Thành rất có tâm, có đức, trên trang Facebook cá nhân hết lăng xê cho Tuấn Trần lại đến Lan Phương, ngay đến một diễn viên phụ ngoài đời bán bánh bông lan trứng muối cũng được Trấn Thành giới thiệu.

(19/3/2021)

Related posts

One Thought to “Vợ tôi và Bố già Trấn Thành”

Leave a Comment