

Một bài báo phân tích về bộ phim Bố Già của Trấn Thành đã có kết luận như sau: “Vậy nên, đừng vĩ cuồng gọi Bố già là phim điện ảnh, hãy gọi Bố già là phim chiếu rạp. Bố già không thể là Bố già (The Godfather) từ cách định nghĩa là phim điện ảnh cho đến tham vọng trở thành một “bố già” của nền điện ảnh Việt”. (*)
“The Godfather” của đạo diễn lừng danh Francis F.Coppola sản xuất năm 1972. Đây được xem là một trong những bộ phim có dàn diễn viên hùng hậu nhất trong lịch sử điện ảnh Hoa Kỳ, với bốn diễn viên chính là Marlon Brando, Al Pacino, Robert Duvallvà Diane Keaton đều từng dành giải Oscarcho diễn viên chính xuất sắc nhất.
Bài báo còn viết: “Khán giả chỉ cần câu chuyện đủ để khóc cười chứ không cần đó là phim điện ảnh hay thể loại gì”.
Vâng. Người xem và nhất là các nhà phê bình chắc không có ai “vĩ cuồng” cả, càng không có ai “mạo muội” so sánh Bố Già của Trấn Thành với The Godfather, hay nói đúng hơn họ không mảy may quan tâm đến điều ấy.

Khán giả trẻ thời nay, rất tiếc lại là số đông thống lĩnh phòng vé, có mấy người biết đến “The Godfather” – Bố Già của Mỹ. Và họ đến rạp không những để giải trí mà còn biết phê bình. Không phải họ “không cần đó là phim điện ảnh hay thể loại gì” mà trước hết họ muốn ủng hộ phim Việt. Nhiều bộ phim Việt khác trước đây được chiếu cạnh tranh với phim bom tấn vẫn hút khách. Phim hay thì một đồn mười, mười đồn trăm, khán giả lại kéo đến chật rạp. Bạn tôi xem xong, gặp ai cũng xúi: Đi coi Bố Già liền đi. Hay lắm. Kẻo hết chiếu đó. Nhiều người khác cũng thế, khen nức khen nở và giới thiệu cho bạn bè. Tôi gọi đó là “làn sóng Bố Già”. Không có nghĩa ai không xem là lạc hậu, mà người ta muốn nhiều người cùng thưởng thức, cùng xem phim Việt để cùng bàn luận, chia sẻ cảm xúc. Vâng, Bố Già thật sự đã tạo ra nhiều cảm xúc khác nhau cho khán giả. Một điều dễ thấy là bộ phim đã lấy đi nước mắt của hầu hết người xem.

Hai cô bạn nói chuyện với nhau, một cô rủ:
– Ê, mình đi xem Bố Già đi.
Cô kia ngần ngừ:
– Mình muốn xem Raya.
– Thôi, ủng hộ phim Việt đi mà.
– Ừ, cũng được. Nhưng xong rồi mình phải xem Raya.
– Raya thì Raya. Ha ha…
Còn cô bạn nhỏ của tôi kể:
– Hôm qua kêu ổng đi xem Bố Già, biết ổng trả lời sao hông? Ổng nói: Không coi phim Việt Nam. Tui nói: Giờ có đi coi hông thì bảo? Ổng nói: Hông. Tui hăm: Hổng coi thì chia tay. Ổng trợn mắt: Coi thì coi chứ làm gì dữ vậy. He he, ông thấy tui diễn hay hông?
– Hay lắm, sợ em luôn.
Nhìn tổng thể, “Bố Già” là một bộ phim chất lượng, ra đời đúng thời điểm, cho dù có phảng phất một chút hình dạng của dòng phim sitcom, phim truyền hình, nhưng qua những cú máy đặc sắc, các khuôn hình đã nổi lên rất đẹp và sắc nét. Các tình tiết của bộ phim cùng với nền nhạc phù hợp với từng bối cảnh đã làm nên thành công mỹ mãn. Các hạt sạn trong phim đã được khán giả vui lòng cho qua, người khó tính nhất cũng không làm chuyện “vạch lá tìm sâu” mà chỉ nói: Phim Việt thế là hay lắm rồi. Một lời phát biểu nghe mát lòng mát dạ.
Hãy nghe người trong cuộc chia sẽ một câu xuất phát tự đáy lòng: “Làm phim tôi thấy trong cái vui có cái tủi, cái buồn. Vì khi bộ phim của tôi càng được nhiều người đón nhận, người xem càng khóc nhiều thì chứng tỏ người Việt mình càng có nhiều tâm lý cần được giải toả. Họ không nói chuyện được với bố mẹ mình, họ có vấn đề về giao tiếp giữa hai thế hệ. Cả bố mẹ cũng vậy, cả con cái cũng vậy. Nên khi xem phim mình họ thấy giống, họ đồng cảm rơi nước mắt. Ai cũng có tâm lý cần được giải toả”. Trấn Thành xúc động bày tỏ.
Câu chuyện là như vậy. Không ai để ý hay phát ngôn gì về “Bố Già có phải là phim điện ảnh không?”. Phim được ủng hộ vì trước tiên đó là bộ phim hay, sau nữa đó là phim Việt. Thế thôi, không có chuyện gì đình đám cả. Bài báo nói trên theo tôi thiển nghĩ chỉ là sự phản biện nhẹ nhàng đối với Bố Già sau khi được khá nhiều lời tung hô. Tuy nhiên, người đưa tin và các nhà phê bình phim không ai “vĩ cuồng”, thậm chí có bài báo còn “nhặt sạn” rất cụ thể. Tôi tâm đắc với một bài báo với trích đoạn như sau:
“Điều quan trọng nhất là Trấn Thành và những người làm ra tác phẩm này biết khán giả cần gì. Họ đưa cho người xem những câu chuyện đời thường nhất, những mảnh ghép có thể gặp ở bất kỳ đâu và một nội dung về tình cảm gia đình mà tổng thể là rất dễ hiểu, dễ thưởng thức và có thể tạo ra sự đồng cảm của số đông. Khi đó, khán giả có thể dễ dàng bỏ qua những tình tiết phi lý trong tác phẩm…”. (**)
(19/3/2021)
(*) https://m.plo.vn/giai-tri/bo-gia-chua-the-la-bo-gia-973213.html
