

Quà tặng thường được trao ở trong những trường hợp phổ biến sau:
• Thể hiện của tình bạn hoặc tình yêu
• Thể hiện lòng biết hơn, sự cảm ơn
• Thể hiện sự hiếu thảo
• Giúp những người không may mắn
Chúc mừng hoặc tặng vào các ngày đặc biệt trong năm: sinh nhật, đám cưới, giáng sinh, năm mới, ngày kỷ niệm…
Ý nghĩa của việc tặng quà cho nhau rất phổ biến ở mọi tầng lớp và những món quà ấy dù ít hay nhiều, dù to lớn hay nhỏ bé, đều mang lại niềm vui cho người trao lẫn người nhận.
Bắt nguồn từ năm 1843 khi ông Henry Cole, một thương gia giàu có nước Anh, đã nhờ Horsley, một họa sĩ ở London, thiết kế một tấm thiệp thật đẹp để tặng bạn bè. Ngay lập tức, thiệp giáng sinh nhanh chóng bùng phát và trở thành mốt thịnh hành ở Anh. Không lâu sau, nó được lan rộng ra nhiều nước trên thế giới.
Khi Chúa Giê-su cất tiếng khóc chào đời tại Bethlehem trong một cái máng cỏ, ba vị vua phương Đông đã đến để bày tỏ sự thành kính của mình. Họ mang đến ba món quà quý giá, đó là vàng, trầm hương và mộc dược. Vàng tượng trưng Chúa Giêsu là vua, trầm hương tượng trưng Giê-su là Thiên Chúa và mộc dược biểu hiện hình ảnh Giê-su bị đóng đinh trên cây thánh giá hay nói rõ hơn là sự chịu chết của Chúa Giê-su để cứu rỗi nhân loại.
Trong dịp lễ Giáng sinh, ông già Nô-en thường cưỡi xe tuần lộc trên trời, đến nhà có cây thông giáng sinh và leo qua ống khói để đem đến những món quà cho các em nhỏ đang ngủ và thường để quà trong những chiếc tất.
Mỗi món quà đều có những ý nghĩa khác nhau. Có những món quà chỉ thuần túy mang ý nghĩa tinh thần. Có những món quà khiến ta vui sướng, có những món quà làm ta ấm lòng… Có những món quà chỉ khiến ta lưu tâm trong chốc lát nhưng cũng có những món quà ta mang theo suốt cả cuộc đời.
Không hiểu sao thời tuổi trẻ tôi chưa hề biết tặng món quà gì đó cho cha mẹ. Các chị tôi có không, tôi cũng không nhớ. Ba má quanh năm buôn gánh bán bưng hầu như cũng không quan tâm chuyện này. Nhà tôi không có tập quán tặng quà cho nhau, kể cả sinh nhật. Những ngày kỷ niệm ấy luôn trôi qua trong âm thầm lặng lẽ. Đến tuổi trung niên tôi mới biết tặng hoa cho mẹ, nhân ngày 8 tháng 3, ngày Phụ nữ Việt Nam, nhất là ngày sinh nhật mẹ. Lúc ấy thì ba tôi không còn nữa.
Về nhà vợ, mấy năm rồi không thiếu những buổi sinh nhật của mẹ, của vợ, của mấy đứa em và các cháu. Vậy là tưng bừng quà cáp, thứ nọ món kia, tuy không đắt giá nhưng bao giờ cũng biểu lộ tấm lòng chân thành, sự kính trọng và tình yêu thương lay láng. Vợ tôi kể, thời cơ cực vẫn chúc nhau bằng mâm cơm ấm áp, bằng cánh hoa dại hái ngoài vườn.
Bỗng dưng tôi nhớ một câu chuyện cũ, “hồi nẫm”, lúc còn học năm thứ ba trường đại học Kinh tế. Có thằng bạn không thân mấy bảo tôi:
- Ê, hôm nay là sinh nhật tao nè, mày cho tao 1 đồng được không, để tao đi xe buýt vô bệnh viện hiến máu.
- Chà, mày cũng làm từ thiện nữa hả?
- Từ thiện khỉ khô gì. Tao hiến máu để lấy tiền nhậu thôi.
Thiệt hết biết. Tôi sực nhớ ra thằng bạn này còn quá trẻ mà đã là dân nhậu.
Anh bạn khác của tôi lại kể một câu chuyện tặng quà nghe thật bức xúc. Chả là hôm ấy nhằm ngày sinh nhật vợ, anh chở thằng con trai ba tuổi rưỡi đi mua quà. Anh chọn một cái hộp mở ra có gương soi mặt, dạy con mấy câu chúc mừng để chiều nói với mẹ. Thằng bé hí hửng, cố học thuộc lòng. Chiều mẹ đi làm về, thằng bé chạy ra đón, cầm hộp quà trao và nói:
- Con chúc mẹ sinh nhật vui vẻ.
Người mẹ có vẻ như hoảng hốt, bỏ túi xách đi làm xuống và mở ngay hộp quà: - Mua cái gì đây? Trời ơi, mua mấy thứ đồ quỷ này làm gì. Tốn tiền tốn bạc.
Rồi ngồi phịch xuống ghế, bần thần, tiếc của. Thằng con tiu nghỉu bỏ đi. Anh bạn tôi cũng cụt hứng, cảm thấy quá bất ngờ về thái độ của vợ. Từ đó đến nay đã mấy chục năm, anh và các con không hề tặng bất cứ một món quà gì cho cô ấy nữa.
(13/3/2021)