

Sáng nay bệnh viện Đại học y dược khá vắng vẻ. Tôi làm thủ tục khai báo y tế nhanh gọn. Lên phòng xét nghiệm thấy chỉ lèo tèo vài người, ngồi chờ chưa đầy 5 phút đã đến lượt. Thứ bảy bệnh viện chỉ khám buổi sáng,tôi nhớ những thứ bảy trước lúc nào cũng đông đúc.
Thử máu xong vợ chồng tôi đi ăn sáng ở tiệm hủ tíu quen thuộc đường Ký Hoà. Quán đông, ngồi chờ hơn 15 phút. Khu người Hoa thường ăn uống rất mắc tiền. Một tô hủ tíu thập cẩm ở tiệm này những 70k. Tôi gọi hủ tíu mì giò heo nấu chao, lúc xem phiếu tính tiền thấy ghi 80k. Mỗi tháng một lần thôi, chứ ăn hàng ngày chắc nghèo luôn. Nhưng tiền nào của nấy, tô hủ tíu ở đây rất đáng đồng tiền bát gạo.
Từ bệnh viện Đại học y dược, đi ngược đường Hồng Bàng, rẽ trái Phù Đổng Thiên Vương, bước chừng mươi bước là đến ngã ba Ký Hoà. Nếu đi thẳng sẽ đến Nguyễn Trãi, chợ Xã Tây. Lúc xưa tôi ở quận 5, từng đi chợ này mấy lần. Chợ hẹp chiều rộng, nở chiều dài đến đường Trần Hưng Đạo. Đồ ăn hơi mắc hơn các chợ khác nhưng được tuyển nên có ngon hơn, khách người Hoa là chủ yếu.
8 giờ rưỡi có kết quả xét nghiệm, tôi mang vào phòng nội tiết chờ khám. Bác sĩ bảo:
- Đường huyết cao quá. Chế độ ăn uống của anh thế nào?
- Dạ mỗi bữa tôi chỉ ăn có chén rưỡi cơm.
- Ăn một chén cơm thôi, nhiều đồ ăn vào.
- Hôm kia tôi ăn chay cả ngày sao đường vẫn cao vậy bác sĩ?
- Ăn chay đường huyết càng cao vì ăn nhiều cơm.
Tôi sực nhớ, hôm nấu đồ chay, trưa, chiều tôi ăn cả tô cơm, tính ra mỗi buổi ăn hai chén. Bữa đó tôi làm món khổ qua xào đậu hủ thật ngon nên…lợi cơm. Vậy là bác sĩ nói đúng.
Bệnh tiểu đường đeo đẳng tôi hơn 12 năm trời, dù có chữa trị nhưng sẽ suốt đời nên gọi là nan y. Có lẽ do tôi không ăn kiêng được nên bệnh lúc trồi lúc giảm. Mà toàn ăn tiệm, lâu lâu vợ rảnh mới nấu cho bữa cơm nhà, nên chuyện kiêng khem càng khó.
Hồi trước tôi sống ở quận 5 cũng sáu, bảy năm, nhà gần hãng bia Sài Gòn nên rành đường xá trong đây. Những con đường lớn như Nguyễn chí Thanh, Lý thường Kiệt, Hùng Vương, Hồng Bàng, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn tri Phương, Ngô gia Tự…hay những đường nhỏ Nguyễn Kim, Ngô Quyền, Thuận Kiều, Triệu quang Phục, Lương nhữ Học, Tản Đà, Lý nam Đế…tôi thuộc như lòng bàn tay của mình vậy. Rồi tôi về quận 3, ở gần ba mươi năm, ở quận 4 hai năm, quận 7 năm năm, cuối cùng về quận 9. Ký ức về mỗi nơi ở đều khó phai mờ, nhưng thời tươi đẹp, nhiều mơ ước nhất chính là thời ở quận 5, vì đó là thời…trẻ.
Quận 5 với xe mì xào buổi chiều trên lề đường, xe mì gõ trong con hẻm ngắn, xe nước mía đông khách, rạp chiếu phim buổi sáng chiếu thường trực, trưa chiều tối chiếu xuất, xe chè với món hột gà trà thơm lừng, chí mè phủ nóng hổi, những sạp báo ngã tư đường…tất cả như là những thứ riêng có của chàng trai mười tám tuổi, đơn giản như đang giỡn, là những ký ức không thể nào quên. Có điều, sáu-bảy năm sống tại quận 5, tôi chưa một lần phải đi khám bệnh. Vậy mà giờ đây lúc bóng ngã xế tà, tôi lại từ quận 7 rồi quận 9 chạy vào quận 5 để khám.
“Tà dương khuất trong sương là mỗi lần ngóng chờ
Nhìn theo phía chân mây, đợi chuyến xe xưa về chưa”
Chuyến xe xưa sẽ chở tôi về nơi bến hẹn, là điểm dừng mơ ước, phải chăng đó chính là quận 5 xưa?
(19.12.2020)