Có một chàng trai quê ở Sóc Trăng, mười tám tuổi đã đến với điện ảnh và giữ được niềm đam mê ấy cho đến bây giờ. Nhưng thực ra anh là một nhà kinh doanh, đóng phim chỉ là nghề tay trái. Người ấy chính là diễn viên Huỳnh Du.
Đã gọi là đam mê nên Huỳnh Du ít khi từ chối một vai nào dù lớn nhỏ. Các đạo diễn lúc đọc kịch bản hoặc viết phân cảnh thường “chấm vai” cho những nhân vật quan trọng nên có khi cố tình viết thêm vài cảnh “đắc địa” cho diễn viên ấy. Phim nào cũng phải casting để tìm ra diễn viên phù hợp, nhưng không phải trong tay đạo diễn chưa có ai, mà lúc nào cũng có vài diễn viên “available”- có sẵn. Khi xem một bộ phim đôi lúc ta thấy có vai nào đó diễn xuất thật hay, thật tài tình khiến ta có cảm giác diễn viên ấy là người “không thể thay thế”. Trước hết, đó là tay nghề của đạo diễn khi casting. Thứ đến chính là tài năng của diễn viên. Huỳnh Du là diễn viên “hân hạnh” nằm trong danh sách được “chấm vai”. Theo tuổi đời, nghề diễn viên của anh cũng ngày thêm già dặn mặc dù phim ảnh với anh chỉ là “một cuộc chơi”, bởi vì “Nghề chơi cũng lắm công phu” như đại thi hào Nguyễn Du đã viết.
Viết đến đây tôi muốn chơi chữ với Huỳnh Du cho vui một tí: Tôi muốn gọi anh là Diễn viên “tài tử” Huỳnh Du
Là doanh nhân tham gia điện ảnh, ngoài việc mê đóng phim, có lần anh còn “bạo gan” làm luôn nhà sản xuất phim. Tôi nhớ đó là bộ phim Đoạn Cuối Thiên Đường- bộ phim thị trường đầu tiên của đạo diễn Hồng Sến. Lúc ấy tôi làm trợ lý kinh tế cho chủ nhiệm Bùi Đức Tầm. Hiểu được nỗi lo lắng của Huỳnh Du về kinh phí cho đoàn phim, một bữa trong đại cảnh có rất đông diễn viên quần chúng, tôi bàn với anh: “Anh đừng lo thất thoát tiền bạc. Ngày mai anh chuẩn bị sẵn phiếu để phát cho anh em đóng phim, lúc quay xong ai có phiếu thì mang lại lãnh tiền. Huỳnh Du mừng lắm, làm y vậy. Anh tư Hồng Sến cũng thương Huỳnh Du lắm, ai xúi quay thêm cảnh này cảnh nọ là bác liền: “Tốn tiền lắm, tội nghiệp thằng Du tụi bây ơi”.
Huỳnh Du được anh em đoàn phim, nhất là các đạo diễn thương quý, nhờ tánh tình hiền hậu, khiêm tốn. Vậy mà anh toàn được giao những vai ác như sát thủ, ông hội đồng, trùm băng đảng buôn lậu mà tuý…và hoàn thành vai diễn rất ấn tượng. Vai ác mở hàng cho sự nghiệp điện ảnh của anh là vai chú lính ngụy bắn chết Châu- người yêu của Bé Ba (Thuý An đóng) trong bộ phim Mùa Gió Chướng. Sau đó là sát thủ bắn chết Ly Kai trong Ván Bài Lật Ngữa. Vai nhỏ nhưng được khán giả nhớ, đó chính là niềm vui lớn của người nghệ sĩ.
Tôi ngồi thử đếm các bộ phim mà Huỳnh Du đã tham gia từ năm 1978 mà thấy nhiều quá nên cũng làm biếng. Chỉ có những bộ phim sau này thì dễ nhớ vì báo chí khen nhiều và khán giả cũng thích như Mùa Hè Lạnh (đạo diễn Ngô Quang Hải), Chàng Trai Cầu Ông Me, Lòng Dạ Đàn Bà (đạo diễn Hồ Ngọc Xum), Truy Tìm Dấu Vết, Đôi Mắt Ân Tình, Tham Vọng (đạo diễn Xuân Cường)… Gần đây tôi được dịp gặp lại Huỳnh Du trong bộ phim điện ảnh Đường Xuyên Rừng (bộ phim chiến tranh- Hãng phim Giải Phóng sản xuất theo đơn đặt hàng của Cục Điện Ảnh). Là bạn bè của tôi và đạo diễn Xuân Cường nên Huỳnh Du cũng đồng ý góp mặt cho vui.
Là doanh nhân thành đạt nên Huỳnh Du đến bây giờ vẫn chỉ là “tài tử khách mời” của điện ảnh. Nhưng dù sao cuộc dạo chơi của anh trong vườn hoa nghệ thuật thứ bảy đầy mê hoặc vẫn tạo ra một nét đẹp đáng trân trọng, giống như một kẻ lữ hành vừa thưởng thức, vừa biết góp phần chăm sóc các loài hoa.
Những phim đã tham gia:
– 1978 – 1979: Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang.
– 1981: Vùng gió xoáy
– 1982: Hòn đất, Người không mang súng.
– 1984: Ván bài lật ngửa
– 1993: Đoạn cuối thiên đường
– 2007: Cay đắng mùi đời
– 2008: Giá mua một thượng đế, Chàng trai cầu Ông Me
– 2009: Bức hoạ tình yêu, Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa, Đời cần có nhau, Tình yêu còn lại, Truy tìm dấu vết, Tham vọng
– 2010: Về đất Thăng Long.
– 2011: Cạm bẫy, Đại gia không chồng, Lòng dạ đàn bà, Đường Hồ Chí Minh trên biển.
– 2012: Mùa hè lạnh
– 2014: Đường Xuyên Rừng