“Bạn học cũ”
Hồi còn làm phim với nhau, cậu bạn trẻ của tôi thường dùng từ “bạn học cũ” để chỉ người vợ đã chia tay của mình. Thấy hay hay nên nhiều người xài, tôi cũng thế. Lúc đó tôi và vợ vẫn còn chung sống. Đâu ngờ rằng có một ngày vợ tôi lại trở thành “bạn học cũ”.
Tôi vốn là một kẻ si tình, theo đuổi người con gái ấy ráo riết, nhỏ nước mắt khi cảm thấy tuyệt vọng, mừng như bắt được vàng khi được nàng đồng ý làm vợ. Tôi quen nàng được 5 năm thì cưới, đưa nàng về căn hộ chung cư được Xí nghiệp phim tổng hợp cấp. Chỉ trong 3 ngày tôi đã tập cho nàng đi xe đạp. Ngày thứ tư nàng đã tự mình đạp xe đi làm. Chúng tôi sống bên nhau thật hạnh phúc. Năm 1982 nàng sinh cho tôi cậu con trai đầu lòng. Năm 1989 sinh thêm thằng con nữa. Quê nàng ở huyện Tây Sơn, Bình Định cũng là quê hương của Nguyễn Huệ Quang Trung.
Làm vợ tôi, nàng chịu nhiều thiệt thòi, phải một mình chăm sóc con vì tôi thường đi tỉnh này tỉnh nọ làm phim. Tôi cho rằng chỉ có tình thương mới khiến nàng vượt qua mọi khó khăn vất vả trong những ngày tháng đó. Các con tôi lớn lên đã sớm cảm nhận được tình mẹ bao la nên đứa nào cũng hết lòng yêu thương mẹ.
Lúc chưa có con, cuối tuần tôi chở nàng bằng xe đạp đi xem ca nhạc, xem kịch, có khi đi rất xa, từ quận 3 vô quận 5 coi vở cải lương Cho Trọn Cuộc Tình do Đoàn Sài Gòn 1 diễn. Gần hơn là đi rạp Hưng Đạo ở quận 1 xem vở kịch Khúc Thứ Ba Bi Tráng do Đoàn kịch nói trung ương từ Hà Nội vào. Khi có con rồi, thỉnh thoảng vợ chồng lại chở con đi coi ca nhạc Trống Đồng, Cầu Vồng 126…Cuộc sống êm đềm trôi qua, tuy đôi lúc bất đồng nhưng không đáng kể.
Tôi thì có tính đào hoa mà vợ thì cả ghen. Đỉnh điểm của mối xung đột vợ chồng là tờ quyết định ly hôn. Tôi cương quyết dù nàng không hề muốn. Tôi cho rằng 28 năm làm vợ chồng tôi đã chịu đựng quá đủ. Nợ duyên đã dứt, tôi không còn gì phải luyến tiếc.
Khi đã hết yêu người ta thường nhìn thấy khuyết nhược điểm của đối phương hơn là những ưu điểm. Nàng chỉ có tội ghen như Hoạn Thư, ghen mù quáng, chứ còn lại mọi thứ đều tốt, thậm chí rất hoàn hảo, như việc nuôi dạy con cái, chăm sóc chồng. Nàng đã chịu đựng khổ cực biết bao nhiêu năm khi chấp nhận làm vợ tôi. Có lẽ hạnh phúc lớn nhất của nàng là nhìn các con khôn lớn nên người. Ly hôn rồi nàng ở vậy cho đến bây giờ, chuyên tâm chăm sóc mấy đứa cháu nội.
Còn tôi, rời mái ấm, tôi sống kiếp đời ở trọ. Những mối tình chắp vá rồi cũng qua nhanh không để lại nhiều dấu ấn. Nhờ công việc làm phim liên tục mà tôi đỡ buồn, yên lòng sống qua ngày đoạn tháng. Cuối cùng, nhờ một duyên may, tôi gặp được người vợ sau hết lòng yêu thương, lo lắng cho tôi những năm tháng cuối đời.
Lâu lâu tôi lại nhớ “bạn học cũ” với đôi chút ngậm ngùi. Từ “bạn học cũ” ngày xưa chúng tôi sử dụng mang tính hóm hỉnh, giờ đây không hiểu sao lại gây cho lòng tôi ít nhiều chua xót. Nhưng có điều kỳ lạ là nhớ về “bạn học cũ” tôi chỉ nhớ những chuyện vui, những kỷ niệm đẹp của gần 30 năm chung sống, không gợn chút gì về các vụ ghen tuông lớn nhỏ.
(14/4/2023)
Sĩ Huỳnh