Cự củi nhà mẹ

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Đóng hai cái cọc rồi chất củi lên ngay hàng thẳng lối bên hiên nhà, hoặc tận dụng khoảng trống dưới gầm bếp để xếp củi là đã có một cái cự củi. Cự củi đẹp hay không là do việc sắp xếp củi có bằng phẳng, ken đều không. 

Hồi nhỏ ở Chợ Mới- Bến Tre, nhà tôi cũng có một cự củi to và đẹp. Hai cái bếp lò ít khi được nghỉ ngơi, rảnh lắm cũng là đun ấm nước, lửa liu riu. Nhằm mùa mưa, củi bị ẩm khó cháy, phải dùng ống thổi. Đó là chiếc ống bằng nhôm, dài nửa tấc, móp méo qua nhiều năm tháng. Đường kính lỗ ống vừa với cái chụm miệng để thổi. Lắm lúc củi khó bắt lửa phải thổi phồng cả má, cay cả mắt. 

Ở vùng nông thôn dù đã có bếp ga, bếp dầu, nồi cơm điện, thậm chí cả lò vi sóng nhưng người dân vẫn thích xài bếp củi. Nhà nào cũng làm một cái chái để đặt bếp lò và cự củi. Cái chái ấy gọi là nhà phụ, thường rộng, thoáng, lộ thiên để khói bếp dễ thông toả. 

Lần đầu về nhà vợ, thấy lò bếp củi khiến tôi nhớ đến chái bếp nhà mình thời thơ ấu. Một cự củi nằm gần đó, sát bên chuồng gà, tuy không đẹp nhưng cũng ngay ngắn. Vợ tôi chụm lửa bằng hai thanh củi dài, từ từ đẩy vào lò khi đoạn đầu đã cháy thành than. Củi khô quéo, được phơi ngoài sân, khi trời sắp mưa là mang vào chất thành cự bên mái hiên. Mưa lớn thì phủ tấm bạt. 

Mẹ có chàng rể “chuyên” về vấn đề củi. Đó là Vũ, chồng của Hoa. Vũ có tiệm sửa xe ngoài đường cái, cách nhà mẹ khoảng 300 mét. Mẹ thường xin hoặc mua củi của bạn bè, hàng xóm, kêu Vũ lấy xe ba bánh chở về. Vũ phải chờ lúc tiệm vắng khách mới đóng cửa đi lấy củi. 

Nhà mẹ có vườn tràm, đến khi thấy bán được thì người ta trả rẻ quá nên mẹ quyết định không bán, để dành làm củi chụm. Nhà sắp hết củi, Vũ lại vào cưa tràm, mé nhánh ra phơi trước. Thân tràm thì cưa ra từng đoạn rồi bổ thành từng thanh nhỏ, trải ra sân phơi vài nắng là dùng được. Vợ tôi về cũng xắn tay áo lên, ra sân chẻ củi. 

Ở nhà tôi hồi xưa còn có lá dừa khô làm thành bó để làm mồi chụm. Lá thường cháy giòn, dễ bắt lửa cho củi. Rút chừng 4,5 cọng lá trong bó ra, gộp lại, bẻ đôi rồi đốt lên cho vào lò chung với củi, mồi lửa này rất bén. 


Vợ tôi và 2 đứa em gái vừa xếp xong cự củi

Một cự củi gọi là “chắc” thường gồm các thứ như trâm bầu, xoài, mít, vú sữa…Sang hơn nữa là tràm, đước. Còn thì ở trong vườn “gặp gì quơ nấy”. Nhà mẹ chủ yếu là nấu bếp củi. Hai bếp lò thường đỏ lửa suốt ngày. Ăn sáng, trưa, chiều, tối. Nấu nước uống, nước tắm, nấu cháo cho mấy chú chó cưng. Nhà còn một bếp nhỏ phía trong bồ lúa, xài bằng ga để phụ thêm khi hai bếp củi đều “bận”. Tuy cơm nấu bằng nồi điện nhưng nếu có đông người ăn phải nấu thêm nồi bằng bếp củi. 

Những ngày Tết đến, nhà cửa thêm bận rộn, bếp núc luôn “cháy hết công suất”. Nhiều món ăn quá, mẹ, vợ tôi và mấy đứa em làm không kịp thở. Luộc gà, làm cá, kho thịt, nấu canh…Củi cháy liên tục, tiếng răng rắc reo vui như muốn cùng chúng tôi đón chào năm mới. Ngoài sân là nồi bánh tét to đùng, bếp cũng đang hừng hực cháy, đêm khuya vẫn có người thức canh. 

Thắm thoát mà củi tràm đã xài hết. Vũ vừa lấy xe ba bánh đi chở củi ở đâu đó về. Tối hôm qua nghe mẹ có ý định mua củi, vợ tôi và mấy đứa em can:

  • Khoan đã mẹ. Củi còn xài cũng được mấy tuần. Mua thì lúc nào chả được. 

Mẹ tôi làm thinh. Mấy ai hiểu được người lớn, lúc nào cũng hay “tích cốc phòng cơ”. Cái cự củi chính là biểu hiện sự lo xa của mẹ. Không biết những nơi khác thế nào, may mắn là ở quê vợ tôi vẫn còn cự củi. Mỗi lần nhớ quê, hình ảnh đầu tiên mà tôi mường tượng chính là dáng mẹ cần mẫn thổi lửa nơi chái bếp, bên cự củi chất đầy. Lòng tôi lại nôn nao muốn về với ngôi nhà đầm ấm. 

(17/7/2020)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: