Ghi chép 

Tại sao phải nói “cám ơn”

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

“Cám ơn” một từ ngữ ngắn gọn, súc tích, mang hàm ý cảm động với ân huệ, sự giúp đỡ của người khác. Cám ơn biểu thị sự biết ơn hay sự lịch sự, sau khi nhận được một sự giúp đỡ.
Từ thuở ấu thơ, chúng ta đã được cha mẹ dạy nói từ “cám ơn” một cách tự nhiên, không ép uổng. Được mẹ gắp cho miếng thịt, miếng cá, đứa con nói: “Cám ơn mẹ”. Được bà hàng xóm cho cái bánh, đứa bé khoanh tay” “Dạ, con cám ơn bà”. Với đứa bé hơn, chưa biết gì, khi cho thứ gì đó bà mẹ không đưa liền mà nhứ nhứ trước mặt con, dạy: “Cám ơn mẹ đi con”.
Với người lớn, tiếng cám ơn ngoài việc bày tỏ lòng biết ơn còn có ý nghĩa lịch sự từ chối.
Trong tiếng Anh, Thanks và Thank you là 2 cách phổ biến nhất để thể hiện rằng bạn thấy vui và biết ơn với những gì người khác làm hay nói cho bạn. Trong đó, Thank you trang trọng hơn một chút.
Nếu muốn nhấn mạnh hay tỏ ra cực kỳ lịch sự, bạn còn có thể dùng Thanks a lot, Thanks very much, Thank you very much và Thank you so much.
Ngày nay, khi sự cạnh tranh trên thị trường đã thêm nhiều quyết liệt, các cửa hàng, nhất là các siêu thị, shop mua bán lớn, tiếng “cám ơn” đã trở thành lời đầu môi không thể thiếu, đã thành một thói quen “dễ như ăn cháo” (Tiếng Anh nói “As easy as a pie” – Dễ như ăn bánh). Vào mua hàng tại Điện máy XANH quận 9, tôi đếm có đến 6 lần tiếng “cám ơn” của các nhân viên ở đấy dành cho tôi. Tôi ra về, nhân viên bán hàng còn tiễn xuống bậc thềm trước cửa, kèm theo lời cám ơn thứ 7. Thật ra khi bạn không chọn được hàng, quyết định không mua, bạn vẫn nhận được lời cám ơn dù có phần hơi khách sáo.
Tôi có anh bạn học hành chưa đến nơi đến chốn, chưa tốt nghiệp phổ thông trung học. Nhưng cách anh dạy con phải khiến người ta học hỏi. Từ đứa lớn đã đi làm cho đến cậu bé 10 tuổi, mỗi lần tôi ghé chơi đều chạy ra khoanh tay chào: “Con chào chú Sĩ”. Cho món đồ gì, đôi khi chỉ là cái bánh, cục kẹo, các cháu đều khoanh tay nói Cám Ơn. Cho đến hôm nay, mấy mươi năm trôi qua rồi, gia đình ấy luôn hạnh phúc.
Tuy nhiên cũng có vài câu chuyện về người lớn và trẻ nhỏ không bao giờ biết nói lời cám ơn, cho dù chỉ là đầu môi chót lưỡi. Anh bạn khác của tôi dẫn bé gái 5 tuổi theo uống cà phê, tôi cho bịch bánh snack Oishi, bé vội cầm lấy bóc ra ăn ngay. Ông bố bảo: “Cám ơn bác đi con”. Bé làm thinh như không nghe thấy. Ông bố giục thêm 2 lần nữa, không ngờ cô nhỏ quay sang đấm bố một phát, biểu lộ vẻ mặt cau có khó chịu. Có lẽ đây là sự “mất cân đối” trong việc dạy dỗ con cái giữa vợ và chồng.
Còn người lớn? Câu chuyện sau đây sẽ khiến nhiều người bức xúc:
Ở quê tôi có cô hàng xóm kia không chồng, một nách 5 con, trai gái đầy đủ, nhưng bé trai lớn chỉ mới 9 tuổi. Cha của những đứa bé mất trong một tai nạn xe cộ. Hàng ngày cô phải ra chợ bán rau quả từ 5 giờ sáng đến 9,10 giờ mới về. Thương tình, bà nhà kế bên qua phụ trông coi mấy đứa nhỏ. Thời gian dần qua rất nhanh, mới đó mà bé kế út đã vào lớp 1. Bà hàng xóm vẫn “kiên trì bám trụ”, ngày nào cũng đúng giờ là qua với lũ nhỏ. Một hôm, bà nấu nước sơ ý làm bỏng đứa út vì nó bỗng dưng chạy tới đâm sầm vào bà. Bà hoảng hốt sơ cứu và nhờ người nhắn cho mẹ đứa bé đang bán ngoài chợ. Cô ta tức tốc bỏ bán chạy về. Câu đầu tiên mà cả xóm nghe được từ miệng cô ấy khi vừa bước vào nhà là đây:

  • Trời ơi, chị giết con tôi rồi.
    Rồi cô lính quýnh cũng không biết làm gì cho con, chỉ ôm và khóc. Hàng xóm qua, có người tốt bụng chở hai mẹ con đi bệnh viện. Sau này nghe lối xóm kể lại, bà chăm con giúp có vô thăm nhưng bị bà mẹ “đuổi” về, lớn giọng: “Thôi vô đây làm gì. May mà con tôi không sao, chứ có gì là chị không yên với tôi đâu”. Bà chăm con thất thểu ra về. Mọi người hỏi thăm, bà mếu máo kể: “Chăm con cho nó mấy năm nay, một tiếng cám ơn cũng không có. Giờ con nó tự nhiên chạy vào tôi lúc đang cầm ấm nước sôi nên bị phỏng, chứ có phải tại tôi đâu. Vậy mà nó…”. Ai cũng thương cảm cho bà và tỏ ý trách bà mẹ vô ơn.
    “Lời nói chẳng mất tiền mua
    Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”
    Đời sống xã hội ngày càng phát triển, có vẻ như người ta bớt quan tâm đến nhau, sống có phần ích kỹ hơn, thế hệ trẻ ngày nay ít nhiều bị ảnh hưởng, tạo ra những con người chai lì, vô cảm, khiến cho xã hội mất đi sự gắn kết cần có.
    Văn hóa cám ơn là một nét đẹp vừa giản dị vừa thanh cao của cả thế giới mênh mông rộng lớn. Người được nhận không chỉ vui mà nó còn giải tỏa nhiều khúc mắc, gỡ rối các quan hệ và con người cũng vì thế mà sống vị tha hơn.
    Câu chuyện của Mahatma Gandhi, người anh hùng dân tộc của Ấn độ, kể rằng khi ông ăn trưa trong một quán ăn bình dân, sau khi trả tiền ông nói với người phục vụ lời nói cám ơn, và người phục vụ tâm sự: “Thưa ông, tôi sẽ nhớ ông mãi, vì hơn 25 năm phục vụ ở đây, tôi chưa bao giờ nghe ai nói cám ơn”.
    Nhưng ta cũng nên nhớ rằng, lời nói phải đi đôi với hành động, phải xuất phát tự đáy lòng chứ không nên sáo rỗng. Gladys Bronwyn Stern (GB Stern) – nữ tiểu thuyết gia, nhà phê bình văn học nổi tiếng của nước Anh đã từng nói: “Lòng biết ơn thầm lặng không có mấy tác dụng với ai”. Và Stephen Gosson : “Một lời xin lỗi vụng về vẫn tốt hơn im lặng”.

(07/3/2021)

Related posts

Leave a Comment

%d bloggers like this: