Đang nghĩ đề tài để viết blog, đột nhiên trong đầu nảy ra ý tưởng về cái chết. Nếu có chút dị đoan, người ta sẽ nghĩ đến sự xui xẻo. Tôi thì không. Cái chết dù đến gần cũng chỉ là điều bình thường, như một sự tan chảy, biến mất của một chất hóa học.
Trong đời tôi, không cần cố gắng cũng nhớ được những sự ra đi về cõi vĩnh hằng của người thân, bè bạn. Tôi đã từng chứng kiến bà cố, bà ngoại, ba tôi, chị Hai tôi, bà dì, má tôi qua đời. Đã từng nghe tin những người bạn như Lương, Ngọc, Huyền mất đột ngột. Từng đến phúng điếu một người bạn giữa trưa không một người khách viếng, chỉ có một mình người vợ đáp lễ. Tôi luôn tìm cách tránh dự những đám tang. Với tôi, chết là hết, cho dù tôi là một tín hữu đạo Công giáo.
Thời gian sẽ xóa nhòa tất cả. Lâu ngày có nhớ lại một ai đó đã ra đi vĩnh viễn thì cũng chỉ là buồn man mác. Cuộc sống luôn tạo ra nhiều biến động khiến ta phải lo đối phó, còn quá ít thì giờ để nhớ về những chuyện không vui.
Tuy nhiên vào lúc tuổi xế chiều tôi hay lo nghĩ, không phải về cái chết, mà là về viễn cảnh của những người thân. Không biết tương lai của họ sẽ ra sao? Họ sẽ giàu, nghèo như thế nào? Tất cả có được an lành, hạnh phúc? Rồi tôi cảm thấy mình lo vậy là thừa, vì nếu có biết trước tôi cũng chẳng làm gì được. Nên thôi, cứ phó mặc cho dòng đời, cho dù có phũ phàng, nghiệt ngã.
Có những cái chết được gọi là “hưởng thọ” và cũng có những cái chết gọi là “hưởng dương”. Có những cái chết tốt và những cái chết oan. Bà cố, bà ngoại, bà dì và má tôi ai cũng thọ trên 90 tuổi. Bạn tôi khi mất, người nào cũng trên 60, quá tuổi về hưu. Tôi chắc rằng không ai trong số họ cảm thấy luyến tiếc khi về với đất. Phải, chúng ta rồi ai cũng sẽ về với đất:
“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi”
Cuộc sống trần gian vốn vô thường còn phận người thì mong manh, giới hạn. Phải chăng ta nên trân quý cuộc sống và biết sống một đời ý nghĩa.
(25/8/2022)
SĨ HUỲNH