

Cải lương, một bộ môn nghệ thuật lâu đời, là loại hình kịch hát hình thành trên cơ sở dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long và dòng nhạc đờn ca tài tử.
Có thể giải thích “Cải lương” theo nghĩa: Cải là cải cách, lương là lương truyền, có nghĩa là làm mới thể loại âm nhạc dân tộc để qua đây lương truyền tuồng tích, các vấn đề muốn gửi gắm đến khán giả.
Thời kỳ vàng son của cải lương là vào thập niên 60-70 với cả mấy chục đoàn hát từ Sài Gòn đến các tỉnh, nhiều nhất là ở miền Tay Nam bộ. Các đoàn chính quy thường đóng đô tại Sài Gòn như Thanh Minh Thanh Nga, Kim Chung, Dạ Lý Hương…Còn lại thường xuyên đi lưu diễn. Các nghệ sĩ đình đám có thể kể: Thanh Nga, Thành Được, Hữu Phước, Bạch Tuyết, Hùng Cường, Tấn Tài, Minh Cảnh, Minh Phụng, Mỹ Châu, Ngọc Giàu, Ngọc Hương, Bo Bo Hoàng, Thanh Sang, Phượng Liên, Phương Quang, Thanh Tuấn, Hoài Thanh, hề Văn Hường, hề Kim Quang…Các đoàn lớn tranh nhau ký hợp đồng giành nghệ sĩ lớn. Khán giả đến rạp chật kín hàng đêm.
Nhà tôi có chiếc ti vi Panasonic không nhớ bao nhiêu inch, chỉ nhớ là màn hình khá to. Thời đó ti vi chỉ có đen trắng, phát sóng từ 6 giờ chiều đến 11 giờ đêm là hết. Cứ đến 8 giờ tối thứ sáu là bà con hàng xóm kéo đến xem cải lương, có đến trên chục người chưa tính con nít. Các tuồng tích sau khi diễn sân khấu đã đời thì cho lên truyền hình phát sóng cho khán giả coi. Nào là Nửa đời hương phấn, Con gái chị Hằng, Tấm lòng của biển, nào là Yêu người điên, Cô gái Đồ long, Quỷ kiến sầu, Tiếng hạc trong trăng, Tuyệt tình ca, Chuyện tình Lan và Điệp…Vở nào cũng dễ dàng lấy nước mắt của khán giả. Xem xong bà con ra về, trên má còn chưa khô ngấn lệ.
Lần đầu tiên tôi đi xem cải lương ở rạp là vào năm 1979. Tôi nhớ đó là tuồng Cho Trọn Cuộc Tình của đoàn Sài Gòn 1, biểu diễn tại rạp Thủ Đô, Chợ Lớn. Cặp đôi nghệ sĩ chính là Phượng Liên – Thành Được. Kịch bản có cao trào, nhiều bài bản, chất giọng nghệ sĩ ngọt ngào, mượt mà tha thiết làm nên thành công của vở diễn. Sau này tuồng ấy được ê kíp trẻ biểu diễn, hình như có nữ nghệ sĩ Thanh Kim Huệ, lời hát được soạn giả viết dài hơn để nhằm vào ưu điểm hát hơi dài, khán giả xem vừa lạ vừa thích.

Các vở cải lương thời sau giải phóng có nhiều tuồng tích hay và giá trị, như Máu thắm đồng Nọc nạn, Tìm lại cuộc đời, Thái hậu Dương Vân Nga, Tiếng trống Mê Linh, Tâm sự Ngọc Hân, Người ven đô, Gánh cỏ sông Hàn, Khách sạn hào hoa, Đời cô Lựu…đều được truyền hình phát sóng phục vụ khán giả cả nước. Các nghệ sĩ tên tuổi trước 75, khi về già lại được toả sáng như Út Trà Ôn, Thành Được. Không khí cải lương chừng như trở lại thời hoàng kim với khá nhiều đoàn hát được thành lập, như Sài Gòn 1, Sài Gòn 3, Nhà hát Trần Hữu Trang, Thanh Nga, đoàn Văn Công TP.HCM…Có một điều rất lạ, giai đoạn này dù là thời bao cấp khó khăn, nhưng khán giả TP.HCM vẫn ùn ùn đi xem cải lương. NSND Diệp Lang kể: “Vé vừa bán một, hai tiếng đồng hồ đã hết sạch. Chợ đen thì giá gấp 3 – 4 lần. Có tuồng hát cả trăm suất vẫn còn đông, thậm chí cả ngàn suất như Nàng Xê Đa, Ngao Sò Ốc Hến…”.

Nhưng rồi dần dần cải lương âm thầm xuống dốc, chỉ sau 10 năm trỗi dậy hào nhoáng. Sự bùng nổ của làn sóng băng video, phim nhựa và truyền hình vào đầu những năm 90 khiến cải lương mất thế thượng phong. Sân khấu ca cổ không còn nhiều đất sống, các chủ đoàn hát tư nhân rút vốn đầu tư. Cải lương nguyên tuồng trở thành hiếm hoi, nhiều rạp chỉ lấy trích đoạn tuồng cũ hay nhất ra biểu diễn. Sân khấu rơi vào cảnh đìu hiu vì mất khán giả. Sự bùng nổ của nhiều loại hình giải trí nghe nhìn, game show càng khiến sân khấu truyền thống rơi vào cảnh khó khăn, khốn đốn.
Các rạp hát đã dần thay đổi phương thức kinh doanh, không còn là sân khấu cải lương nữa. Hình như chỉ còn mỗi rạp Hưng Đạo. Các điểm có trình diễn cải lương như Nhà hát TP.HCM, Sân khấu 5B cũng hoạt động cầm chừng hoặc theo phong trào. TP.HCM hiện có gần 100 nghệ sĩ cải lương được vinh danh qua các cuộc thi nhưng thiếu nơi quảng bá tài năng của họ. Những sàn diễn cho họ trụ được với nghề ngày càng thưa vắng. Các sàn diễn xã hội hóa của nghệ sĩ Kim Tử Long, Vũ Luân ; Bình Tinh – Huỳnh Long ; Sân khấu Cải lương mới Đại Việt… cũng cố gắng “sáng đèn” để phục vụ khán giả mê cải lương, thường là những người lớn tuổi còn ủng hộ loại hình nghệ thuật truyền thống.

Các tài danh cải lương đã ra đi nhiều, trong lúc những người trẻ nổi lên qua những cuộc thi thì không có đất diễn. Cải lương chắc khó có cơ hội “Trở lại và lợi hại hơn xưa” nhưng duy trì và bảo tồn loại hình nghệ thuật này là vấn đề luôn được nhắc nhở. Có một điều không thể chối cãi là người trẻ hôm nay đa số đều xa lạ với cải lương, có bạn thật thà hỏi:
- Cải lương là gì vậy?
(17/3/2021)