

Có đi làm phim mới thấy các đạo diễn chọn và xử lý bối cảnh rất tài tình, nhất là những cảnh toàn. Phim mang tính lịch sử, đi tìm nơi phù hợp để quay đã vô cùng khó khăn, chỉ đạo thiết kế theo nội dung kịch bản càng khó gấp bội.
Các dạng phim của nhà văn Hồ biểu Chánh, về phương diện tái tạo bối cảnh luôn là một thách thức cho tổ chế tác, nhất là ngoại cảnh. Câu chuyện xảy ra trong thập niên 30, 40 giờ biết tìm đâu căn nhà, con đường làng, chợ búa…cho phù hợp với tiểu thuyết, kịch bản.
Yếu tố giảm giá thành cho một bộ phim là phải quay cụm điểm. Đạo diễn không thể tuỳ hứng quay tỉnh này vài cảnh, tỉnh khác vài phân đoạn. Kế hoạch toàn trình một bộ phim luôn chỉ rõ đâu là bối cảnh chính, đâu là phụ. Thời gian quay đã được định trước, không thể tuỳ tiện kéo dài.
Có khi trong nội dung bộ phim lại chỉ có vài cảnh ở một địa phương nào đó, có thể quay một buổi là xong. Ví dụ như cảnh đôi nam nữ đi dạo trong rừng thông Đà Lạt, đạo diễn có thể chọn khu Con Nai Vàng ở Thủ Đức để thay thế, tạo khói để giả sương mù. Hoặc như cảnh con thuyền, bến nước ở miền Tây có thể được quay ở quận 9, nơi có con kênh, rặng dừa, nếu cần thì trang trí thêm cái lu, cạnh bên vắt chiếc gàu múc nước. Lên phim khán giả mà biết ở quận 9 là chết liền.
Tuy nhiên, đã gọi là bối cảnh thay thế thì không thể quay toàn, cùng lắm chỉ được trung cảnh. Trong phim Ván Bài Lật Ngữa, có cảnh tấn công đồn địch trên cao nguyên, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã chọn Thủ Đức. Ông đúng là có biệt tài quay cận ảnh và đặc tả. Những bước chân hành quân. Chiếc nón sắt lăn lóc trên vùng lau sậy. Khói lửa mù mịt phía sau. Cảnh đánh giáp lá cà. Tất cả hoà quyện cùng âm thanh, tiếng động đã làm tăng cảm xúc chiến tranh, khiến khán giả bị cuốn hút theo mạch phim, hồi hộp theo từng plan ảnh. Đó cũng là cách quay cổ điển để tạo hiệu quả đặc biệt, nhất là trong các bộ phim võ thuật Hồng Kông.
Phim hiện đại ít tạo áp lực về bối cảnh cho các đạo diễn. Phim tình cảm, quay ở đâu miễn thơ mộng là được. Phim kinh dị, các địa danh càng hư cấu càng tốt. Trong bộ phim Hai Phượng của Ngô Thanh Vân, bối cảnh phim theo kịch bản là Vĩnh Long, Trà Vinh nhưng thật ra phim lại được quay ở…Sa Đéc. Ngoại cảnh phim là toàn bộ một khu chợ ở Sa Đéc, thiết kế lại theo miêu tả của kịch bản. Trong phim có một số cảnh chợ nổi thì được quay tại chợ nổi Cái Răng – thành phố Cần Thơ.
Có nhiều cảnh không thể quay thật tại nơi xảy ra câu chuyện, ví dụ cảnh đánh đấm, vật lộn dưới biển trong phim Ván Bài Lật Ngữa giữa Nguyễn Thành Luân và tên người nhái, phải “dời” vào quay trong hồ bơi An Đông, do chính đạo diễn ôm máy quay dưới nước. Hiệu quả trên phim vẫn là hai nhân vật đang quần thảo dưới biển.
Nhiều bộ phim, kịch bản đã mặc định địa điểm quay, như bộ phim Người Không Mang Súng của tác giả Văn Thảo Nguyên, địa danh chính là nơi người dân tộc K’Hor sinh sống. Đoàn phim phải vào tận buôn Đinh Trang Thượng, cách huyện Di Linh – Lâm Đồng 40 kí lô mét đường đèo. Chỉ nơi đó mới có núi rừng, suối sâu, bản làng với những căn nhà sàn không lẫn với chỗ nào khác. Phim chiến tranh của đạo diễn Hồng Sến, ông thường đem bầu đàn thê tử về Mộc Hoá -Long An để quay, như các phim Cánh Đồng Hoang, Mùa Nước Nổi. Mộc Hoá chính là căn cứ kháng chiến của ông thời chống Mỹ.
Thành công của một bộ phim có phần đóng góp khiêm tốn của bối cảnh quay. Nhưng đôi khi do câu chuyện hấp dẫn, mạch phim liền lạc cộng với tài năng diễn xuất của diễn viên khiến khán giả quên, không để ý đến địa danh, vùng miền nữa. Dù sao cũng phải khen ngợi các đạo diễn đã cố công đi chọn cảnh, tìm là được, chưa từng bó tay.
(25.11.2020)