Phố bà Hai Đính


Con đường đất đỏ nối liền Bình nguyên và Bình phú thẳng tắp, như rẽ cánh đồng lớn thành hai mảng mênh mông bát ngát, mỗi bên vệ đường là hàng me xanh rờn, cao vút.
Nhà tôi nằm trong khu phố bà Hai Đính, có khoảng 8 căn cho thuê. Phía trước có sân chung, cổng rào lớn. Phía sau là vườn nhà, có những kênh mương ngắn, giếng nước, cây đa cổ thụ và bụi tre xanh. Ba tôi trồng năm cây trứng cá bên hông nhà. Cây cao tốt, thường xuyên có trái, lúc chín tới rợp cả khung trời một màu đỏ hồng tuyệt đẹp.
Nhà tôi ở căn bìa, được bà Hai Đính ưu tiên nhiều thứ vì ở lâu. Các nhà khác thường đổi chủ liên tục. Thỉnh thoảng chúng tôi lại qua nhà bà chơi, quen với mấy người con của bà như anh hai Dinh, chị tư Thoại, chị năm Nương và thằng Bảy, tên là Để. Hết mùa gặt, chị em tôi lại rủ thằng Bảy ra đồng bắt cua. Những con cua đồng to bằng nắm tay người lớn, gặp chúng tôi liền chạy đi, bò nghênh ngang trên đất xốp. Nhưng tôi lại không thích bắt cua vì sợ cua kẹp, hay lang thang dưới bờ đê tìm hang bắt dế. Một bữa, tôi phát hiện một con dế lửa to đang bò vào hang, liền thò tay để bắt. Không ngờ trong hang có một con rắn, đánh hơi được mùi lạ nên nó thò đầu ra, thè chiếc lưỡi đỏ hỏn. Tôi sợ quá bỏ chạy đến bên bà chị, hổn hển:
- Con rắn. Chị ơi, con rắn.
Chị tôi đang tìm bắt cua, nói không ngẩng lên:
- Em cứ hay lò mò mấy cái hang. Thôi, đừng có mà bắt dế nữa.
Mùa hè đã về. Buổi chiều trời trong gió mát. Chị em tôi thường ra đồng chơi, hít thở mùi thơm rơm rạ, lăn lộn trên những ụ rơm to đùng rồi rủ nhau chơi trốn tìm. Có lúc chúng tôi chơi thả diều, những con diều ba tôi làm bằng giấy bóng mờ, loại dùng để bao tập sách. Dây nhợ chúng tôi mua ở tiệm tạp hoá. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ, vì ba tôi làm đuôi diều ngắn quá nên khi lên cao diều cứ chao đảo chứ không bay “đầm” như diều của người ta.
Tôi đi học ở trường tiểu học nằm trong đình Bình nguyên. Nói là trường chứ thật ra chỉ có hai lớp, lớp năm và lớp tư, tức lớp một và lớp hai bây giờ. Cô giáo dạy tôi tên Dung, tôi nhớ cô mặc áo dài trông rất đẹp. Trong đình Bình nguyên còn có một khu chợ nhỏ, người ta nhóm vào buổi sáng, đến 9 giờ là tan. Có ông người Hoa đẩy xe bánh mì thịt vào đình bán. Tôi còn nhớ mãi mùi thơm và hương vị khúc bánh mì thịt ông bán cho tôi, một đồng nửa ổ. Tôi trả cho ông tiền đồng xu mà tôi kiếm được từ thằng bạn cùng lớp tên Dân. Nó dốt toán nên tôi gạ sẽ chỉ nó làm bài nếu nó đưa tôi 1 đồng. Nó đồng ý. Tôi nhớ “ăn” của nó mới được 3 đồng thì bị bể dĩa. Nhà nó sát cạnh nhà tôi trong phố bà Hai Đính. Chúng tôi gọi ba nó là “chú Ba”. Có lẽ chú là công chức ở cơ quan nào đó nên đi làm quần áo rất chỉnh tề, chạy chiếc vespa màu xanh nhạt. Một hôm tôi nghe bên nhà chú có tiếng quát tháo, tiếng bé Hà, em gái thằng Dân khóc to mà không hiểu chuyện gì. Không nghe tiếng thằng Dân, sau này mới biết nó rất lỳ, bị đòn không khóc. Chuyện là ba nó thấy điểm toán nó mấy kỳ đều cao nên gạn hỏi. Bí quá nó mới khai ra vụ cho tôi 1 đồng để giải dùm bài toán. Thế là chú Ba nổi trận lôi đình, quất roi tới tấp. Sau bữa đó, má tôi kêu tôi ra giếng nước, nói để không ai nghe:
- Bắt đầu ngày mai má cho con 1 đồng để đi học, muốn ăn gì thì mua. Đừng có lấy tiền của người ta nữa nhé.

Nhà phố tôi ở rất rộng, cũng ba gian: phòng khách, phòng ngũ và nhà bếp. Nhà bếp gồm toilet, hồ nước, bếp, còn có cả một lò nướng bánh mì ngọt. Cứ 2,3 giờ chiều là má tôi nhồi hai thau bột lớn rồi để đó cho nở. Bột nở vung lên, má tôi nắn thành những chiếc bánh mì hình con tôm, còn chúng tôi phụ gắn những hạt đậu đen làm mắt. Xong cho vào những chiếc xửng lớn đẩy vào lò. Hồi lâu bánh chín, má tôi kéo xửng ra để nguội rồi xếp vào thùng để mai mang ra tiệm bán. Tôi hay ngồi nắn con cá, con trâu rồi gởi ké vào xửng, lúc lấy ra, chiếc bánh tôi làm nở thành một khối chẳng ra hình thù gì cả.
Đến giờ tôi vẫn không nhớ ra bắt chước ai mà làm những cái bẫy bắt chim sẽ. Tôi đào cái lỗ cạn, đặt vào mảnh giấy trên rắc vài hạt gạo, rồi lấy mảnh ngói chống lên bằng nhánh cây nhỏ. Chim sà xuống mổ gạo ăn sẽ làm trợt nhánh cây, miếng ngói sẽ ụp xuống. Tôi đứng đàng xa để theo dõi, nhưng cái bẫy đó chưa bao giờ bắt được chim, vì chúng vô cùng nhanh nhẹn, nghe động một tí là đã vụt bay. Nhớ có hôm đang ngồi đào lỗ thì ông Hai Đính đi ngang. Ông đứng nhìn một lúc rồi hỏi:
- Mày làm cái gì đó.
Tôi sợ quá, ấp úng:
- Dạ…con…con đào lỗ chơi.
Ông Hai Đính cười xoà:
- Tao hỏi vậy thôi, có gì đâu mà sợ.
Có một chuyện mà không hiểu sao đã in vào trí nhớ tôi khiến tôi nhớ mãi đến bây giờ. Hôm đó tôi đi học về, thấy ba tôi đang ngồi mở radio nghe tin tức. Đài phát thanh đang phát đi một giọng nói uy nghiêm, đầy cảm xúc. Tôi hỏi ba tôi:
- Ai đang nói vậy ba?
Ba tôi đáp, giọng gần như ởm ờ, chắc có lẽ nghĩ “con nít mà biết gì”:
- Tổng thống.
Tôi cảm thấy hơi hài lòng về câu trả lời ấy nên thôi không hỏi tiếp, chứ thật ra có biết tổng thống là gì đâu.
Đến lúc trưa thì cậu Hai tôi bên Vĩnh Long ghé qua chơi. Tôi nghe cậu nói với ba:
- Đảo chánh rồi đó anh hai.
Rồi hai người ngồi nói chuyện huyên thiên, tôi nghe không hiểu gì cả. Sau này lớn lên, nhớ chuyện cũ, tôi mới biết thì ra hôm đó là đảo chánh, và người đọc bài diễn văn cuối cùng trên đài phát thanh lúc ấy là Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Cuối năm đó, gia đình tôi chuyển về chợ Mới gần chùa Viên Giác và chùa Ông. Kỷ niệm về những năm tháng sống trong khu phố bà Hai Đính vẫn luôn in đậm trong tôi. Nhớ tiệm tạp hoá phía trước, bên hông sân trường, nơi tôi thường hay đến mua kẹo dừa, gọi là kẹo Mỏ Cày, gói trong những bao giấy bóng mờ đủ màu sắc. Viên kẹo nho nhỏ chứ không to như bây giờ, ăn vào thơm ngon, béo ngậy. Nhớ lớp tư kế bên lớp năm tôi học có thầy Ngải chuyên đánh học trò, có lúc đá trò văng vào cái trống cạnh bên. Cái trống để đánh báo hiệu vào học và tan trường. Tôi sợ thầy, đến đỗi khi thi lên lớp của thầy tôi không làm được đề thi là bài toán cộng ba con số. Nhớ hôm đó tôi ngồi cắn bút mãi cho đến lúc thầy gom bài, nghe mấy thằng bạn nói với nhau “Mười ba. Mười ba” tôi vội ghi vào đáp án con số 13.
Vậy là tôi thi rớt và phải ở lại học lớp năm thêm một năm nữa.
(23/4/2020)

