

Tiệm bánh mì của ba má tôi nằm ngay đầu chợ, trong dãy kios hai mặt từ ngoài kéo dài đến hàng chuối, đâu lưng với tiệm văn phòng phẩm của bác Ba, về sau là sui gia với ba má. Tiệm nhìn sang bên kia đường là đình An hội, có bãi đậu xe lôi phía trước. Hình như ba má “bắt thăm” được vị trí ấy hồi năm 1966, đến năm 1976 sau giải phóng thì bị giải tỏa để xây lại chợ.
Hồi nhỏ, đâu chừng 7, 8 tuổi tôi thích sáng sớm theo ba má ra tiệm chơi. 5 giờ sáng tiệm mở cửa, bánh mì được lò giao tới, nóng giòn, thơm phức. Ba má lấy bánh của nhiều lò: Kiến tân, Hữu đức, Tân sanh…Sau này lò Vĩnh phát ra đời, tiệm làm đại lý. 6 giờ sáng tiệm thuốc tây Thu Cúc đối diện mở cửa, tôi chạy qua tìm bắt dế dưới đường ray cửa sắt. Mấy con dế than, dế lửa trú thân, bò lổm ngổn. Thấy có bàn tay thò vào chúng búng chân nhảy dựng. Chú Ba chủ tiệm chỉ cho một mình tôi bắt dế, mấy đứa nhỏ khác đến chú xua đi hết. Chú Ba thân với ba má tôi, thích ăn bánh mì thịt má bán. Về sau tiệm đổi tên là Hùng Vương, đến sau ngày giải phóng thì đóng cửa, nghe nói vợ chồng chú về quê ở Vĩnh Long.
Kế bên tiệm ba má là tiệm may, chị thợ được má tôi là khách quen, chuyên may quần áo cho chị em tôi đi học, đến năm học đệ thất, đệ lục tôi vẫn là mối quen của chị.
Ngay đầu chợ mà cũng có đến 3, 4 tiệm bánh mì. Tiệm Lạc Long nằm sát đường, phía trong là tiệm không có bảng hiệu của bà Ba Lý. Những ngày bán đắt, nhất là đầu tháng người ta đến đình An hội lảnh lương thì đắt đều, đến trưa tiệm nào cũng hết bánh, má thường bảo tôi chạy xuống chợ cá sát mé sông để gom mua của mấy sạp lẻ.
Thời gian đầu má tôi bán thêm bánh mì thịt, khách mua rất đông vì quá ngon. Má làm xíu mại không chê vào đâu được. Thịt phá lấu thì ướp ngũ vị hương thơm lừng. Lúc đầu mới bán má còn làm pa tê, bày ra đĩa là một khối chữ nhật màu gan heo có viền những sợi mỡ gân màu trăng trắng. Chưa bao giờ tôi ăn được miếng pa tê ngon đến vậy. Về sau thấy bán bánh mì thịt không lời được bao nhiêu nên má nghỉ, chỉ bán bánh mì không.
Nhiều năm từ lúc mới mở tiệm, ngoài bánh mì, ba má còn bán thêm kẹo bánh và các loại bánh tươi thời hạn sử dụng ngắn, chỉ độ hơn tuần, nửa tháng. Đến ngày, một chiếc vận tải nhỏ đến đổi bánh, vậy là có bánh mới thường xuyên. Bánh tươi gồm các thứ như su kem, bánh pía, bánh bột đậu…bày trong chiếc tủ kính. Bánh kẹo thì để trong những chiếc keo thủy tinh loại lớn, tròn đặt trên kệ phía trong. Tiệm chỉ còn một lối ra vào nhỏ hẹp.
Từ tiệm vào giữa chợ chỉ mươi bước chân, dày đặc những sạp hàng, tiệm tạp hóa, tiệm thuốc bắc, tiệm vải vóc…Buổi sáng chợ đông đúc, tấp nập người mua kẻ bán,đến trưa thì thưa dần, nhiều sạp hàng thu dọn nhưng cũng còn không ít khách vào ra. Các tiệm tạp hóa lúc nào cũng có người mua, tiệm thuốc bắc Tồn tế đường luôn có khách, đây là tiệm lớn đã có lâu đời, cả gia đình ông chủ đều là người Hoa, có bốn cậu con trai tứ quý.
Ba má tôi rất ham mua bán, có một dạo còn bán cả nhật báo, đặt trên chiếc kệ sắt bên ngoài cạnh tủ kính để bánh tươi. Chiều chiều báo từ Sài Gòn về, ba và chị tôi đem qua cửa bên hông nhà thuốc ngồi xếp. Tôi cũng hụ hợ, chỉ một chốc đã làm xong. Báo được móc trên kệ, chưa chi đã có người mua. Vì lấy ít nên hôm nào cũng hết, không có báo ế.
Hàng ngày đến 5 giờ chiều là tiệm đóng cửa. Bữa nào bán đắt thì ba má về sớm, chị Hai tôi ra thế. Tết đến, ba má nghỉ bán ba ngày, chị Hai tôi ra mở tiệm bán ngày mồng một, là ngày chủ lò bánh cho đặt mà không lấy tiền. Chị rủ tôi theo. Đến trưa thì hết bánh. Về, chị cho tôi tiền, tôi thường “đổ” vào “sòng bài” của mấy chị em trong nhà hết.
Tiệm bánh mì ấy của ba má tôi đã nuôi chị em chúng tôi ăn học, người nào cũng học đến nơi đến chốn, tuy không sung túc nhưng chúng tôi không thiếu thứ gì, cái ăn cái mặc luôn đầy đủ. “Ăn lấy chắc, mặc lấy bền” – Đó là cuộc sống của gia đình tôi từ lúc chúng tôi còn thơ dại.
Năm 1976 ba má mua miếng đất trong xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, chuyển cả nhà vào ở. Ba má đã già yếu, về lo mảnh vườn ao cá, để mấy đứa con đi làm, cùng nhau đắp đổi qua ngày. Nhưng chỉ 5 năm sau, nhà tôi lại chuyển ra thị xã. Má lại ra chợ bán bánh mì nhưng lúc này chỉ là cái sạp nhỏ đặt ở đầu chợ, trên khoảng đất trống ngay vị trí tiệm bánh năm xưa.
(04/4/2021)