Bánh mì thịt của bà Hai Rết

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Từ lâu lắm rồi, bánh mì thịt với tôi không còn ngon nữa, cho dù đó là những thương hiệu nổi tiếng như Huỳnh Hoa, Như Lan, Tuấn mập…Bánh mì thịt ngon nhất trong đời tôi chính là bánh mì Bà Hai Rết ở Bến Tre đã bị thất truyền. Những lát thịt phá lấu nhà làm cùng với xíu mại, lát mỏng dưa leo, những sợi ngò thơm, lát ớt nhỏ cay vừa ăn, mới nhìn thôi đã thèm. Thuở còn cắp sách đến trường, mỗi sáng đi học tôi đều ghé tiệm Bà Hai Rết ở ngay đầu chợ thị xã làm một ổ nóng giòn. Tôi ghiền đến đỗi ăn quanh năm suốt tháng mà chưa bao giờ ngán. Tôi ăn mà không phải trả tiền, vì Bà Hai Rết chính là…má tôi 

Má tôi không có truyền nhân vì con cái má cho ăn học, đi làm những nghề khác hết. Chỉ có tôi “suýt” trở thành người nối nghiệp má nếu như đừng biết yêu quá sớm. Về chuyện này có lẽ tôi sẽ kể hầu các bạn trong một dịp khác. Tuy vậy, nếu thay mặt ba má làm chủ tiệm bánh mì, tôi cũng không chắc sẽ làm được những ổ bánh mì thịt ngon tuyệt vời như của má.

Hàng ngày ba má thức dậy lúc 4 giờ sáng, chuẩn bị các thứ để 5 giờ xe lôi đến chở ra chợ. Tiệm của ba má nằm ngay đầu chợ, là một kios nhỏ với bảng hiệu “Đại lý bánh mì Vĩnh Phát”. Bánh mì từ lò chuyển ra nóng hổi, ba má chất lên chiếc sạp kê ra ngoài, xếp theo thứ tự ổ lớn ổ nhỏ. Phía trong là chiếc tủ kính nhỏ để thịt phá lấu, pa tê, xíu mại, dưa leo, hành ngò…Khách thích mua bánh mì thịt má làm vì ngon và rẻ hơn mấy tiệm khác. 

Thỉnh thoảng tôi lại theo ba má ra tiệm, ngồi nghe loa phát thanh phát bài vọng cổ từ 6 giờ sáng:

“Con nước lớn đầy sông mát đồng lúa chín, bến đò xưa em đón anh…về”

“Vành nón nghiêng nghiêng xao xuyến một khung trời”…

Rồi đài truyền thanh phát bản tin buổi sáng, cùng lúc má tôi đưa cho tôi ổ bánh mì thịt thơm phức mùi ngò. Ổ bánh giòn thơm, loại nhỏ, lò Vĩnh Phát làm hơi to hơn mấy lò khác. Ông chủ lò rất dễ thương, hay cười. Ông là người Hoa, mập mạp bụng phệ, tuổi chưa quá 50. Ở thị xã Bến Tre theo tôi biết có mấy lò: Kiến Tân, Hữu Đức, Tân Sanh, Vĩnh Phát. Bánh mì của mỗi lò có kiểu dáng khác nhau một tí. Những năm trước đó ba má tôi thường lấy bánh của lò Kiến Tân, lúc ấy nướng lò than. Khi ông Mập chủ lò qua đời, cả năm sau Kiến Tân mới có lò điện. Bánh mì lò than ổ rất to, ăn có vị chua, bánh nướng không được đều nên không cạnh tranh được với lò điện. Ông Mập đối với ba tôi rất thân tình vì là đồng hương với nhau. Tết năm nào ông cũng ghé nhà chúc Tết, lì xì cho chị em tôi rất hậu hỉ và xoá nợ trong năm cho ba má. 

Ở chợ thị xã, bánh mì thịt ít bán trong tiệm, thường là xe. Mỗi xe bánh mì đậu một điểm cố định, như trước chợ có hai xe trấn các lối ra vào, trước chùa Viên Minh có một xe, ngoài đầu đường Hàng chuối có hai xe, cầu Cái cối cũng hai xe. Tiệm bà Ba Lý cách tiệm ba má tôi vài bước chân chỉ bày bán bánh mì không, riêng bánh mì thịt thì bà ngồi bán phía ngoài, trên cái sạp nhỏ gần đường cái, chạy ra chạy vào cũng gần. Nhưng bánh mì thịt của bà rất dở, thấy toàn con nít mua ăn. Thịt ba rọi bà chỉ luộc lên rồi trét màu đỏ thực phẩm. Bà chuyên bán bánh mì cũ. Tôi nhớ có đứa nhỏ kia đến mua, cầm ổ bánh mì lên bóp bóp rồi nói:

  • Bánh mì cứng quá bà ơi.

Bà đáp tỉnh bơ:

  • Vậy hả con? Để bà chan nước sốt nhiều lên là nó mềm lại à. 

Tiệm Lạc Long ngay đầu đường, xéo xéo tiệm của ba má tôi thì không có bán bánh mì thịt, chỉ bán bánh mì không, bánh mì ngọt hình con tôm con cua kiêm thêm bán báo. 

Đâu lưng với tiệm ba má tôi là tiệm Hoà Lợi của bác Ba, chuyên bán văn phòng phẩm, tập viết, bút mực. Là “bạn hàng” lâu năm, bác xin hỏi cưới người chị thứ sáu của tôi cho con trai bác. Sau này anh chị có được ba mặt con, toàn là trai, đứa nào cũng “công thành danh toại”. 

Sau ngày giải phóng tôi về, cùng đứa em gái thứ chín mỗi buổi chiều ra chợ, đem sạp để gần đường cái bán bánh mì không kiêm thêm bánh mì thịt. Má tôi làm thịt phá lấu, xíu mại cho chúng tôi bán, ngày nào cũng bán hết không khi nào bị ế. Thịt phá lấu phải làm bằng ba rọi, có nạc có mỡ mới ngon. Chiều lò giao bánh mì ra, mới tinh, nóng hổi. Khách mua có hôm nườm nượp. Tôi bán bánh mì thịt rẻ hơn nhỏ em, có vẻ nhiều thịt hơn nên khách thường chờ có mặt tôi mới mua. Ngồi chung sạp là nhỏ con dâu bà Ba Lý, chuyên bán bánh bò, bánh da lợn. Thường, anh em tôi bán đến 8 giờ tối là dọn sạp. Buôn bán ở chợ rất vui, người bán phở, hủ tíu thì thỉnh thoảng mua bánh mì thịt của tôi để ăn chơi, còn anh em tôi lại ăn hủ tíu, phở. Ban đêm phố chợ đông vui, đèn đường sáng choang, các cửa hiệu cũng lung linh những sắc màu xanh đỏ. 

Thịt phá lấu má làm từ lúc trưa. Nồi nước nhiều gia vị như ngũ vị hương, củ riềng…hoàn toàn không có phẩm màu nhưng bỏ ra rổ miếng nào miếng nấy vẫn đỏ tươi, thơm bốc khói. Tôi thường canh me, thấy có miếng thịt nhỏ nào sắp rơi ra là bốc bỏ vô mồm nhai ngấu nghiến. Mùi củ riềng gây nghiền đến lạ. Xíu mại thì má mua thịt nách là loại có mỡ dai dai, ăn không ngán. Má băm chung với hành tỏi, trộn với ít bánh mì, ướp thêm gia vị tiêu và bột ngọt rồi bỏ vào cái tô đá to đem chưng cách thuỷ. Có một điều lạ, là khi làm xíu mại cho cả nhà ăn, má không bỏ bánh mì vào nhồi chung với thịt nên chúng tôi ăn không thấy ngon. Nói má nghe thì má cười khẩy: “Hứ, làm toàn thịt không mà lại chê, đòi trộn với bánh mì”. 

Lên Sài Gòn, ăn ổ bánh mì có nhiều loại thịt, phá lấu, dăm bông, chả lụa, giò thủ, pa-tê, xíu mại…vẫn không thấy ngon. Có xe bánh mì thịt ở đường Nguyễn thiện Thuật quận 3, gần lối vào chợ, món thịt phá lấu ăn thấy thơm thơm, gợi nhớ bánh mì thịt của Bà Hai Rết. 

(06/1/2021)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *