* Cô bé ở ghép

Truyện ngắn của Sĩ Huỳnh đăng trên Tuần báo VĂN NGHỆ TP. Hồ Chí Minh.

Link: http://tuanbaovannghetphcm.vn/co-be-o-ghep-so-638/

Dãy nhà trọ tôi ở nằm lẫn trong khu biệt thự sang trọng. Lúc đầu đó là mảnh đất trống được cho thuê lại trong thời hạn 5 năm. Người ta xây lên khu phòng trọ hai dãy đối diện nhau, mỗi bên 5 căn, chừa lối đi rộng khoảng 2 mét rưỡi. Căn bìa bên trái sát cổng là của người quản lý, một chị tuổi khoảng 35 – 36, sống một mình, thỉnh thoảng có cô em đến thăm. Căn phòng nhỏ bằng một nửa phòng cho thuê, chị quản lý bày bán một ít hàng tạp hóa và cà phê. Khách lai rai, ngồi băng ghế đá trước phòng.

Có một lần đoàn phim tôi cần bối cảnh nhà trọ, người trợ lý của tôi đi tìm và phát hiện ra khu này rất phù hợp với kịch bản, lại dễ quay do ban ngày người ta đi làm hết, không ai ở nhà. Chị quản lý đồng ý ngay vì thích đoàn phim chứ không phải vì mấy trăm ngàn đồng tiền cho thuê. Sau buổi quay tôi nảy ra ý định mướn phòng để ở. May phước, còn một phòng trống.

Từ phòng trọ ra hẻm rồi ra đường cái chỉ mươi bước chân, xe cộ dập dìu, buôn bán sầm uất. Đủ cả tiệm ăn, quán cà phê, tiệm tóc, khách sạn, tiệm tạp hóa… suốt ngày đông vui, nhộn nhịp. Riêng quán cà phê từ đầu đường đến cuối đường, tôi đếm được khoảng 10 quán. Ở con hẻm nhỏ nằm giữa đoạn đường, buổi chiều có xe hủ tíu gõ dọn ra và bao giờ cũng chật kín khách.

Thường tôi đi làm phim ít có mặt ở nhà. Khi không có phim, tôi hay la cà các quán cà phê bên quận 1, quận 5, quận 10, quận 8 cùng bè bạn. Ăn uống thì cơm đường cháo chợ. Tuy vậy, nơi mình ở, buổi sáng tôi cũng thường ủng hộ chị quản lý, ngồi băng đá làm ly cà phê, hút vài điếu thuốc rồi mới đi làm.

Một bữa kia tôi đi quay về, vừa vô cổng chị quản lý như chờ sẵn, nói:

– Anh, em có chuyện cần bàn nè.

Tôi bỏ ba lô ra ngồi xuống băng ghế đá. Có một cô bé trong phòng hé đầu ra nhìn. Chị quản lý bảo:

– Em ra đây chị giới thiệu.

Cô bé bước ra, dáng người thon gọn nhỏ nhắn, mặt trái xoan, đôi mắt to tròn như mắt nai, da dẻ trắng hồng, nụ cười quyến rũ. Cô ngồi xuống cạnh tôi, vẻ có phần bạo dạn.

– Đây là chủ phòng số 9. Còn đây là khách định thuê phòng, nhưng không còn phòng trống. Em nói đi.

Cô bé mở lời, vô thẳng vấn đề:

– Em cần thuê phòng gấp nhưng rất tiếc chưa tìm được chỗ nào. Bạn em giới thiệu chỗ này nhưng lại hết phòng. Chị đây nói thấy anh ban ngày cũng ít khi ở nhà. Anh có thể cho em ở ghép được không? Em làm nhà hàng, ca đêm ngủ lại đó luôn, ban ngày mới về nhà.

Tôi cảnh giác:

– Cũng có lúc tôi ở nhà ban ngày chứ. Chẳng qua thời gian này tôi đi quay đó thôi. Không có phim thì tôi ở nhà chứ ở đâu.

Cô bé nhìn chị quản lý như cầu cứu. Chị quản lý ôn tồn:

– Kệ, anh ráng giúp bé. Hoàn cảnh nó cũng tội nghiệp, ở quê lên đây đi làm để giúp gia đình. À, bé cùng quê với em đó anh. Mà đi làm phục vụ trong quán nhậu lương không bao nhiêu. Thuê phòng ở một mình lâu dài sẽ mất đi một khoản thu nhập kể cũng…

– Anh cho em ở…

– Kêu chú đi. Tôi già rồi, con trai tôi nay đã 20 tuổi…

– Dạ, chú.

– Thôi được rồi. Vậy chừng nào con đến ở?

– Dạ sáng mai.

– OK. Để chú sắp xếp lại phòng ốc. Con ngủ dưới nhà nhé. Chú trên gác. Có tấm nệm không?

– Dạ để mai con mua.

– Ừ. Vậy nhé. Chú về phòng đã.

– Uống ly cà phê kìa anh. Bé nó mời.

Vậy là khi không phòng tôi lại có thêm một người ở cùng, lạ quơ lạ quắc. Chị quản lý này cũng quởn thiệt. À, ngày mai phải nói cho cô bé kia biết “nội quy” của tôi nữa. Trước hết là ăn ở phải vệ sinh; sau, không được tiếp khách tại nhà. Thôi cũng được. Tôi cũng chỉ là kẻ lang bạt kỳ hồ, chẳng có tài sản gì đáng giá, khỏi phải sợ.

Hôm sau cô bé đến thật sớm, vừa lúc tôi sắp ra ngồi cà phê của chị quản lý. Đồ đạc cô bé mang đến chỉ có chiếc chiếu, mền gối cùng chiếc ba lô to đùng quảy trên vai.

– Đây là chìa khóa phòng. Lát con có đi mua đồ ghé đầu đường có chú làm khóa kêu nó đánh thêm một cái chìa nhé.

– Dạ, chú.

– Chú đi đây. À, chú có viết 2 điều “nội quy” để trên bàn vi tính, lát con đọc rồi nhớ làm theo.

Cô bé ở với tôi 3 ngày không có chuyện gì xảy ra. Tối tôi đi quay về thì cô đã đi làm. Sáng tôi rời nhà thì cô về tới. Cô rất siêng năng, quét lau phòng sạch sẽ. Tấm nệm cô mua về đặt ở góc phòng gần cầu thang, chiều đi làm cô dựng lên sát vách.

Ngày thứ tư đoàn phim kẹt bối cảnh nên nghỉ một bữa, tôi đi cùng người bạn vô ngồi quán cà phê đến chán không còn biết đi đâu nên về nhà. Trùng hợp là hôm ấy quán nhậu cô bé làm cũng nghỉ bán vì phải lo chạy giấy tờ gì đó – cô bé kể. Tôi lên gác nằm còn cô bé lục đục gì dưới nhà một lúc thì tôi nghe tiếng nước chảy, có lẽ cô bé đang tắm. Chợt nghe tiếng cô bé thét lên hoảng hốt khiến tôi giật mình leo xuống. Cô bé từ phòng tắm chạy ra, thấy tôi liền nhào tới ôm chặt:

– Con trùn. Chú ơi có con trùn. Ghê quá! 

Lụa và hoa – sơn dầu – nguyễn trung tín.

Tôi hoàn hồn nhìn xuống. Một tấm thân không mảnh vải che lộ ra những đường cong quyến rũ. Làn da trắng ngần, cặp ngực trần bồng bềnh như dán vào người tôi. Hai người cùng ướt sũng. Tôi gỡ tay cô bé, vào phòng tắm. Một con trùn bé nhỏ đang bò lắn quắn trên nền gạch bông gần bàn cầu vệ sinh. Tôi bắt nó lên bỏ vào cầu, dội nước.

– Rồi, chú giết nó rồi. Khỏi sợ nữa nhé. Vô tắm tiếp đi.

Tôi ra ngoài. Cô bé đã tìm đâu được chiếc khăn quấn người lại, nép mình, cúi đầu bước vô phòng tắm. Tôi lên gác nằm, bần thần mãi… Vóc người không che phủ của cô bé cứ ám ảnh tôi. Dường như đã lâu lắm rồi tôi không được nhìn thấy một cô gái khỏa thân. Tôi cũng kinh ngạc khi nhìn thấy cô bé có một khuôn ngực nở nang, đầy đặn đến thế, khiến lòng tôi cứ bồi hồi tưởng nhớ những người tình đã chia xa.

Có tiếng cô bé gọi khẽ phía dưới nhà:

– Chú. Xuống đây nói chuyện chơi nè.

Tôi leo xuống cầu thang, ngồi cùng cô bé trên tấm nệm. Cô bé như đã quên hẳn chuyện vừa rồi, hồn nhiên hỏi:

– Con tò mò chút nhen chú. Sao chú đi ở trọ vậy?

– Sao là sao?

– Ý là sao chú ở một mình. Còn thím đâu? Và các con nữa?

– Chú ly dị 7 năm rồi. Nhà để cho ba mẹ con ở.

– Lớn tuổi rồi mà ly dị chi hả chú?

– Con hỏi chú cũng không biết trả lời thế nào. Có lẽ do duyên đã hết. Không hợp nhau nữa thì chia tay.

– Chú nói nghe dễ dàng quá. Nhưng con hiểu. Chắc do chú làm phim có nhiều người đẹp nên thím ghen chứ gì.

– Con thông minh lắm. Nhưng thôi, chuyện lâu rồi chú không muốn nhắc lại. Còn con, định chừng nào lấy chồng?

– Chồng con gì chú ơi. Con còn ba má và cả một bầy em, lo không xuể đây.

– Thì ráng kiếm một ông chồng giàu có là được rồi.

– Ở đâu ra hả chú? Có thì cũng không đến lượt mình. Mà mấy ông đại gia, người nào cũng có vợ hết rồi. Không lẽ mình chịu làm nhân tình để vợ người ta tạt a-xít.

– Con nói cũng đúng. Nhưng làm nghề phục vụ như vậy, biết khi nào mới khá lên được.

Cô bé thừ người ra, vẻ nghĩ ngợi. Im lặng giây lâu, cô nói:

– Chú đói chưa? Hay là mình đi ăn gì đi. Sáng giờ con chưa có gì trong bụng.

Hai chú cháu ra tiệm phở ngay ngã ba. Cô bé nhìn tôi mỉm cười nói nhỏ:

– Chú ăn thoải mái đi nhé. Bữa nay con chiêu.

– Vậy sao được. Nam giới phải ga-lăng chứ.

– Ga-lăng thì để bữa khác đi, hôm nay con muốn được trả tiền.

– Ừ, thôi cũng được. Làm tô đặc biệt cho con tốn tiền chơi.

– Nhằm nhò gì ba chuyện lẻ tẻ đó. Hi hi…

Tự dưng, không hiểu sao trong đầu tôi lại nảy ra ý nghĩ cô bé là… con gái của mình. Lúc mới lấy vợ, tôi cứ mong con đầu lòng của mình sẽ là gái. Tôi thấy bé gái nào cũng đáng yêu, sắm quần sắm áo cho bé mặc sẽ thật xinh thật đẹp. Từ áo đầm, áo kiểu, đồ bộ cho đến đồng phục đi học đều sẽ rất dễ thương.

Ai dè lọt lòng lại là bé trai. Tiếp đứa thứ hai cũng thế. May mà hai đứa con tôi đứa nào cũng ngoan, hiếu học và nhất là cũng đẹp trai… giống tôi, khiến tôi dần cũng quên đi ước mơ về một nàng tiên bé bỏng. Giờ ngồi trước mặt tôi là một cô bé nhỏ nhắn, dễ thương, dễ gần gũi. Nói sao đây nhỉ? Là “con gái nuôi” hay là bạn? Tôi cứ phân tâm mãi về chuyện này. Mà thôi, thời gian còn dài, cứ để mọi việc thuận theo tự nhiên.

Nhưng rồi một bữa kia, tôi đi quay về sớm hơn mọi bữa, bắt gặp cô bé ở trong phòng cùng một gã đàn ông lạ mặt. Hai người đang tranh cãi chuyện gì đó. Tôi bước vào, gã không chào tôi mà hỏi cô bé:

– Ai đây? Sao em nói chỉ ở trọ một mình?

Tôi trả lời thay cô bé:

– Tôi là chủ phòng này. Còn anh là ai?

– Tôi… tôi…

– Ảnh là bạn của con. Thôi, anh về đi. Em còn phải đi làm. Trễ giờ ông chủ đuổi.

– Em muốn thì để anh thuê phòng riêng cho ở, tội tình gì phải ở ghép như thế này.

– Ở ghép vậy thì sao? Đâu cần anh lo. Thôi về đi.

– Trai đơn gái chiếc vầy mà nói không sao.

Tôi bực quá, nói hơi to tiếng:

– Cái gì mà trai đơn gái chiếc. Mời anh về cho. Ở đây không hoan nghênh anh.

Gã đàn ông không nhìn tôi mà cứ chăm chăm vào cô bé. Gã định nói gì đó nhưng lại thôi, trở gót bước ra cửa. Gã trở đầu xe, nói vọng vào:

– Tối nay anh bận không đến quán được. Hẹn sáng mai gặp.

Cô bé chạy ra:

– Muốn gặp thì vô quán, trước 6 giờ sáng. Đừng tới đây nữa.

Gã đàn ông rồ máy xe chạy đi. Cô bé nhìn tôi, lí nhí:

– Xin lỗi chú. Cháu đã vô tình làm sai nội quy. Hứa với chú là tuyệt đối không có lần thứ hai.

– Thôi bỏ đi. Nhưng mấy cô gái làm quán nhậu như con có nhiều mối quan hệ phức tạp quá. Chú e là chưa yên đâu.

– Dạ… Xin lỗi chú.

Qua hôm sau đoàn phim có bối cảnh quay Đà Lạt nên lên đường sớm. Chương trình quay là một tuần kể cả thời gian đi và về. Tôi cũng quên không cho cô bé biết. Đến chừng quay xong, về đến nhà, một lúc sau tôi mới để ý thấy cô bé đã dọn đồ đi hết, để lại trên bàn vi tính một mảnh giấy viết nguệch ngoạc mấy dòng chữ: Cám ơn chú đã cho con ở ghép gần nửa tháng. Con gởi lại chìa khóa và 500 ngàn để phụ tiền thuê phòng với chú.

Tôi thở dài, thầm nói một mình: “Tiền thuê phòng cái gì không biết. Chú tính rồi, nếu con đàng hoàng chú sẽ cho ở miễn phí luôn, để con có tiền gởi về lo cho cha mẹ”.

Tôi nhìn quanh quất. Nhà cửa sạch sẽ, sáng trưng. Nồi ơ, bếp lò bóng loáng. Cô bé đã tốn không ít thời gian để sắp xếp, thu dọn. Tôi nghĩ có lẽ cô bé đã được gã đàn ông kia bao, lo cho chỗ ở. Lòng tôi dậy lên chút bùi ngùi thương cảm.

*
Gần nửa năm sau, bữa kia tôi đi quay miền Tây 2 tháng trở về, vừa đến phòng, quay lưng bước vô thì bị ai đó ôm chặt. Ngoảnh đầu lại nhìn tôi nhận ra ngay cô bé. Cô vẫn chưa chịu buông, vừa cười vừa nói:

– Con nhớ chú quá.

Tôi xoay người ôm lấy tấm thân bé nhỏ:

– Chú cũng nhớ con.

Hai chú cháu nhìn nhau mừng mừng tủi tủi. Tôi thấy trên khuôn mặt cười của cô bé hình như long lanh ngấn lệ.

– Nói chú nghe. Mấy rày con đã đi đâu?

– Ba con bệnh nặng nên con phải về quê chăm sóc. Ổng mất hồi 3 tháng trước. Bị ung thư gan.

– Vậy sao không nói chú biết?

– Bữa đó con gấp lắm, chỉ biết quơ đồ cho lẹ để về quê. Mà con tưởng sẽ ở dưới luôn nên lấy hết không chừa lại thứ gì. Với lại con cũng ngại để đồ đạc trong phòng chú nữa.

– Rồi giờ con tính sao?

– Đi làm lại chứ sao. Con thuê phòng đối diện phòng chú kìa.

Cô bé đưa tay chỉ. À, thì ra có người vừa dọn đi.

– Sao không ở với chú? Mướn riêng một phòng vậy tốn tiền lắm.

– Con ở với chị bạn làm chung.

– À, vậy cũng được.

– Mà giờ con làm công việc khác rồi. Con làm theo dây chuyền sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử đó chú.

– Giỏi quá ta.

Cô bé giả bộ phụng phịu:

– Không giỏi gì, nhưng ai giỏi hơn là con không chịu.

Tôi trầm ngâm một lúc rồi nói:

– Hôm con ra đi, chú cứ tưởng là để chung sống với người đàn ông đó chứ.

– Người đàn ông nào? À, cái ông mà có lần đến đây phải không? Trời ơi, lúc đầu quen ổng, con tưởng ổng độc thân. Sau mới phát hiện ra ổng vợ con đùm đề. Mà ổng cũng đâu giàu có gì, chỉ đua đòi ăn nhậu và hám gái. Vợ ổng dữ dằn lắm, đến quán nhậu đánh ghen nhưng nhầm người, không phải con. Tội nghiệp nhỏ bạn bị oan. May mà không xảy ra chuyện gì đáng tiếc. Thế là con có cớ xù ổng luôn.

– May phước cho con.

– Con đâu muốn phá hoại hạnh phúc gia đình người ta. Quen mấy người đàn ông lớn tuổi con ngại và cảnh giác lắm.

Tôi nhìn cô bé ra vẻ cảm thông nhưng không ngờ cô bé lại tiếp liền:

– Ngoại trừ chú.

Rồi không đợi tôi nói gì thêm, cô bé mau mắn:

– Thôi con đi học đây.

– Ủa… học gì?

– Con học Anh văn… À, để rảnh rảnh con lấy số di động của chú nhé. Con mới sắm cái điện thoại cùi bắp.

Tôi nhìn theo cái dáng nhỏ nhắn vừa khuất sau cổng rào, lòng thấy vui vui như vừa được ai tặng cho món quà quý. Vậy là cô bé đã trở lại và “lợi hại” hơn xưa, đã đi làm công nhân đàng hoàng, không còn sống bấp bênh với nghề phục vụ quán nhậu nữa.

Cô bé còn chịu khó học thêm để tiến thân.

Tôi vào nhà, đi tắm. Khi trở ra, bên ngoài trời chợt nổi cơn giông lốc, gió ùa vào phòng mát lạnh. Trận mưa đầu mùa sắp đến rồi. Tôi ở căn phòng này cũng đã được hai mùa mưa. Căn phòng coi vậy thật tốt, cho dù mưa gió bão bùng thế nào cũng không hề hấn. Tôi yêu chỗ trọ này, yêu căn phòng bé nhỏ. Kể từ hôm nay tôi lại có thêm được một người bạn nhỏ để chia sẻ buồn vui. “Hay là mình nhận cô bé làm con nuôi nhỉ? Để yên tâm, khỏi phải suy nghĩ những điều vớ vẩn”.

(25/3/2021)