Ghi chép 

Anh chị em tôi

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Anh em như thể tay chân…
Có chân mà thiếu tay, không thể lao động, sinh hoạt bình thường. Có tay mà mất chân, việc đi lại khó khăn. Có những trường hợp đặc biệt, hạn hữu, người không tay vẫn có được kỹ năng dùng chân để nấu bếp, ăn uống, sử dụng máy tính, điện thoại…Xem vài clip về sinh hoạt “gần như là bình thường” của một người không may bị mất cả hai tay, ta thán phục và cảm thương.
Nhưng con người luôn cảm thấy thật cần thiết có đủ tay chân, để đáp ứng được yêu cầu của cá nhân và xã hội. Chân với tay phối hợp với các bộ phận khác tạo nên sự hoàn chỉnh cho vẻ đẹp của con người kế cả hình thể lẫn tinh thần.
Anh em như thể tay chân
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần
Máu chảy ruột mềm, một giọt máu đào hơn ao nước lã…Những câu ca dao ấy vừa khẳng định, vừa nhắc nhở chúng ta phải luôn trân quý tình nghĩa anh em. Lúc khỏe cũng như khi đau ốm, tối lửa tắt đèn, cần phải nương tựa vào nhau, như môi với răng, không để môi hở răng lạnh. Anh và em cùng với thuộc tính nhờ vả và giúp đỡ chính là nét đẹp của truyền thống Việt Nam. Tình cảm anh em trong gia đình có thắm thiết thì quan hệ xã hội mới có thể tốt đẹp. Anh em trong nhà xào xáo thì cách đối nhân xử thế cũng không thể đúng mực.
Nói dông dài chẳng qua để kể về chuyện anh em nhà tôi. Ba má tôi rất đông con. Mười chị em chúng tôi sống với nhau từ lúc lọt lòng đến khi trưởng thành, sum vầy, quấn quít bên nhau tưởng như sẽ hết kiếp này nếu không có chuyện lấy chồng, cưới vợ. Có thể tự hào rằng không có anh em nhà nào đông người mà lại luôn luôn hòa thuận như chúng tôi. Lớn nhường em, nhỏ kính anh chị. Tuổi của chúng tôi gần như cách nhau năm một, hồi bé cứ hay “mày tao mi tớ” khiến ba má cứ dạy mãi. Ba má tôi không giàu có gì, chỉ đủ ăn, nhưng trong ngôi nhà chung, tiếng cười luôn rộn rã.
Rồi chúng tôi lớn lên, đi làm, lập gia đình. Tưởng rằng sẽ “mạnh ai nấy sống”, nhưng không phải vậy. Câu nói dân gian “Giúp lời, không ai giúp của/ Giúp đũa không ai giúp cơm” đối với anh chị em nhà tôi hoàn toàn xa lạ. Mỗi khi ai gặp chuyện, anh chị em đều quan tâm, tìm cách giải quyết, giúp đỡ. Mỗi khi đổi mới vật dụng trong nhà, từ chiếc xe đạp, xe máy đến cái giường, cái tủ…đều cho hoặc bán rẻ như cho anh chị em khác, trước khi bán ra ngoài. Ai gặp khó khăn tài chính thì anh chị em khác cùng góp lại, kẻ ít người nhiều cho qua cơn hoạn nạn. Thêm nữa, người nào cũng cố gắng báo hiếu cho song thân.
Chị tôi qua Mỹ sinh sống, làm đầu tắt mặt tối vẫn không quên gửi tiền quà về cho ba má, các em. Em trai út tôi ra nước ngoài làm việc cũng thường xuyên gửi thuốc men, tiền bạc về để chăm lo cho má, giúp anh giúp chị. Cho đến lúc tôi về hưu, ngoài sự chu cấp của hai đứa con hàng tháng, thỉnh thoảng chị và mấy đứa em tôi còn cho tôi tiền. Em trai út tôi còn lo cho tôi về mặt tinh thần, biết tôi thích làm trang web nên mua cho tôi tên miền và hosting thời hạn cả một năm. Đến em dâu tôi còn nhắn tin: “Anh có cần gì thì nói tụi em nhé, đừng ngại”. Thật quá cảm động.
Chị em chúng tôi nay đã lớn tuổi cả, ai cũng làm ông nội, bà ngoại của mấy đứa cháu. Noi gương cha mẹ, các con các cháu tôi đều thuận thảo, kính trên nhường dưới, sống theo đạo nghĩa. Chúng tôi gọi đó là Phước Đức do ba má để lại.

(20-2-2021)

Related posts

Leave a Comment

%d bloggers like this: