Tôi ngồi khóc. Mãi vẫn không thấy Bụt hiện lên hỏi. Mẹ tôi thường bảo rằng con phải ngoan, phải ngủ sớm, dậy sớm thì Bụt mới thương. Chắc tại tôi thường dỗ được giấc ngủ rất muộn. Còn anh Hai tôi thì bảo mày đừng tin. Không bao giờ có Bụt ! Tôi cứ tin, vì tôi thương cô Tấm và thương cả tôi nữa !
Chị Hà bảo dạo này sao chị hay quên quá. Tôi cũng thấy thế. Có hôm chị cầm cây thước trên tay và đi tìm kiếm nó. Anh Hai tôi thường bảo chị mày bị bệnh đãng trí. Còn tôi mới thật là chúa hay quên. Nhiều bữa chị Hà sai nấu giùm ấm nước, tôi để sôi đến cạn queo. Chị không rầy tôi nhưng xuýt xoa xót ruột vì nghĩ đến tiền điện trong tháng.
Chị ngồi may hàng cho khách xong, chuẩn bị cắt cho bé Ti bộ đồ mặc ở nhà. Trong nó cứ thấy như bị đẹt. Chị bảo thế. Đến chừng may quần áo mới, mới biết. Thì ra nó đã lớn đại lúc nào không hay. Con bé cũng giỏi gớm ! Học chữ chưa tròn năm tháng đã lõm bõm đọc hết cả một quyển truyện tranh Đôrêmon. Tất nhiên là chị Hà chỉ nói chuyện với tôi cho có nói. Gần như là độc thoại. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp đôi mắt mở tròn đượm vẻ lạ lẫm của tôi, chị lại nhẹ nhàng quay đi. Có lần chị thì thầm với anh Hai tôi : “Con bé có cái nhìn ghê ghê lạ !”. Tôi nghe được và tự dặn lòng sẽ cố tránh cho chị khỏi phải sợ nữa. Còn anh Hai tôi chỉ lặng buồn. Chị Hà biết lỗi. Hóa ra vết đau của anh Hai tôi vẫn còn đó, vừa bị người ta chạm phải. Tôi thương anh, muốn cất lời an ủi anh nhưng lại cảm thấy mình quá lố bịch. Vả chăng, tôi cũng không biết phải diễn tả ý nghĩ của mình như thế nào cho người khác hiểu. Từ ngữ và giọng điệu của tôi cứ xô bồ, lẫn lộn và ngắc ngứ. Tôi thường chỉ nói được những câu ngắn, rất ngắn thành ra cộc lốc. Khi tôi cố gắng diễn đạt một ý dài, cơn đau trong đầu lại xuất hiện. Chị Hà bảo năm nay tôi tròn mười hai tuổi, sắp bước vào tuổi mười ba. Cả ngày, nếu chị Hà không có việc gì để sai bảo, tôi thích ôm ấp con búp bê và thì thầm với nó những lời mà chỉ có tôi và nó hiểu. Dễ chừng bé búp bê của tôi cũng đã gần sáu tuổi. Ngày ấy mẹ mua cho tôi, quần áo của bé đơn giản mà xinh xắn quá chừng. Bộ đồ đó, tôi đã đau lòng đốt nó đi vì nó đã cũ mèm, tơi tã. Mẹ tôi thường đốt đi những thứ có thể đốt được, trong cái thùng sắt đựng rác. Đó là những thứ không còn ý nghĩa nữa. Mẹ bảo thế. Như những lá thư tình của cha tôi gởi mẹ hồi còn trẻ. Mẹ tôi không đẹp nhưng có một khuôn mặt hồn hậu và đôi mắt ánh lên vẻ bao dung pha lẫn một nét buồn u ẩn. Mọi người thường bảo rằng tôi giống mẹ ở đôi mắt. “Rồi mày sẽ khổ thôi, con ạ ! Cũng giống như mẹ mày. Thời buổi này mà phải một mình đi làm nuôi hết chồng con !” Bác Tám thợ hồ – cha của chị Hà, có lần ngắm tôi bảo thế.
Vậy là chị Hà đã may cho bé búp bê của tôi một bộ đầm mới, nhưng nó sặc sỡ quá, màu mè quá, không xứng với một khuôn mặt dịu hiền thanh thoát. Dù sao tôi cũng thầm cám ơn chị vì chị cũng thương bé búp bê giống như tôi. Bộ đầm nay đã cũ, nhưng tôi không có ý định cho bé búp bê thay đồ mới. Tôi yêu những cái cũ xưa. Yêu những kỷ niệm đẹp. Yêu đám bạn bè trong trắng ngây thơ của trường Mầm Non cũ. Và yêu mẹ. Buồn và tha thiết.
Bé Ti thì khác, chẳng thích búp bê. Nó khoái đồ chơi xài bằng pin, có thể điều khiển được. Dạo này nó tập tành trò chơi điện tử. Ông ngoại nó mua cho nó với điều kiện mỗi tuần chỉ được chơi vào hai ngày thứ năm và chủ nhật, mỗi lần không được quá nửa tiếng. Nhưng mẹ nó thì cứ chiều con, thường thả lỏng. Bằng tuổi bé Ti, tôi chưa biết đến video-game – Chưa biết contra là gì ? Thế nào là xếp hình hái nấm ? Nó dạy tôi chơi và luôn miệng kêu lên : “Trời ơi ! Ngu quá !” Khiến chị Hà bực mình mắng nó hỗn, và một lần, tát một cái đau điếng. Nó khóc, còn tôi thì không chơi nữa, từ đó. Bé Ti tính cộc cằn, nóng nảy. Giá mà anh Hai tôi còn sống để nhìn xem bé Ti ngày một lớn, giống anh như khuôn đúc. Anh Hai tôi làm thợ hồ. Một hôm trên đường về vì nóng lòng can gián một vụ chồng đánh vợ, anh bị gã chồng trong cơn say đâm một nhát. Anh trút hơi thở cuối cùng ở bệnh viện vì mất quá nhiều máu. Chị Hà khóc khan cả tiếng, kêu gào rằng anh bị chết oan. Hóa ra trên đời này có lắm người phải bị chết oan. Vài bữa sau chị Hà đến trường bổ túc văn hóa mang về một mảnh bằng tốt nghiệp của anh Hai, lồng vào khung kính trên mặt bàn rồi ngồi nhìn, mắt quầng thâm, ráo hoảnh. Anh Hai chết, tôi không khóc. Nước mắt của tôi đã quá nhiều để khóc cho những chuyện không đâu, những chuyện nghiệt ngã đau lòng của ký ức. Nhưng đêm đêm, tôi lại mất ngủ, người gầy sọp hẳn đi. Chị Hà cho tôi uống si rô an thần. Tôi vẫn không tài nào chợp mắt và phát hiện ra chị Hà còn thức khuya hơn tôi. Bỗng một hôm, chị đến ngồi xuống bên tôi cầm lấy đôi tay gầy guộc của tôi và bảo : “Mai nè ! Bây giờ chỉ còn lại hai chị em mình. Đời sống cơ cực quá. Em có muốn giúp chị không?” Rồi chị dạy tôi may. Tôi học trước quên sau nhưng được cái khéo tay nên chẳng bao lâu đã thành nghề, may được những bộ quần áo thông thường cho lũ nhóc ở trong xóm. Dần dần, tôi cũng may được đồ bộ cho phụ nữ, sơ mi cho đàn ông. Chị Hà khen tôi sáng dạ và quyết định cho tôi tiền để dành riêng. Chị bảo : “Em biết không, thời của mẹ mình sao mà khổ. Kiếm được đồng tiền muốn chảy máu con mắt ! Hồi đó em còn nhỏ chắc không biết đâu. Hết làm ở bệnh viện, mẹ phải đi làm thêm. Có hôm phải đạp xe đi mười cây số để thay băng cho bệnh nhân, được thù lao năm mười ngàn. Vậy mới nuôi được em và anh Hai. Cả cha em nữa, vì lúc đó ổng đang thất nghiệp. Cha chị bảo có một dạo mẹ bị lao hạch, giấu cả nhà, tự mình đi chữa trị. Gần cả năm, mẹ gầy yếu xanh xao, thường buồn nôn vật vã. Vậy mà mẹ vẫn một mực van nài cha mẹ chị đừng cho cha em biết.” Ổng đi tìm việc làm. Đừng để ổng buồn và phân tâm !” Mẹ bảo thế. Nghĩ lại mà tội cho mẹ quá ! Cho nên từ lâu, chị đã coi mẹ như mẹ ruột của mình!”.
Nghe chị Hà kể, lòng tôi đau như kim châm, muối xát. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao mẹ thường đi làm về muộn. Ở trường mẫu giáo, bao giờ tôi cũng là đứa bé ra về cuối cùng. Và tôi tự hỏi không hiểu tại sao những lúc ấy cha tôi không đến đón tôi ? Tại sao chuyện gì cũng phải một tay mẹ đảm đương, gánh vác ?
Mẹ tôi mất vừa lúc anh Hai tôi phải đưa tôi đi khám bệnh đau nửa đầu. Đau khủng khiếp. Về. Nhà tôi đông người quá. Chị Hà chạy ào ra, khóc nức nở. Anh Hai tôi chết lặng, ràn rụa nước mắt. Rồi anh nắm tay tôi đến quỳ xuống bên mẹ. Mọi người chờ anh về để vuốt mắt cho người chết. Anh cầm bàn tay bé nhỏ gầy guộc của tôi đưa lên. Hai anh em cùng vuốt cho đôi mắt mẹ khép lại. Vĩnh viễn. Tôi chỉ khóc như mưa lúc người ta đưa thi hài mẹ xuống lòng đất sâu. Chỉ lúc đó tôi mới ý thức được rằng mình không có mẹ nữa.
Làm sao tôi có thể quên được chiều thứ năm hôm ấy. Phải, đúng là thứ năm. Ngày này, ở trường mẫu giáo, chúng tôi không được học chữ. Trời chiều đã nhạt nắng từ lâu. Bạn bè tôi lần lượt ra về hết. Tôi ngóng chờ mẹ đến mỏi mòn. Cuối cùng thì mẹ tôi cũng đến. Hai mẹ con đến ngồi xuống xích đu. Mẹ sửa soạn lại quần áo cho tôi, lau mặt cho tôi bằng khăn ướt vắt khô, lấy nước lọc cho tôi uống. Mẹ hỏi tôi ăn có nhiều không, ngủ có ngon không và có bị bạn nào ăn hiếp không ? Tôi trả lời mẹ, ôm lấy cổ mẹ để hôn và thầm mong sao cho thời gian dừng lại mãi. Tôi sợ phải về nhà, sợ bầu không khí nặng nề và ngột ngạt ở đó. Anh Hai tôi đi đâu biệt mấy bữa rày không thấy về. Mẹ tôi buồn rầu và lo lắng. Ước gì tôi được ở mẫu giáo cùng các bạn. Có cả mẹ và anh Hai nữa. Nhưng mẹ tôi vốn không có nhiều thời gian rảnh. Ở nhà khối công việc đang đón chờ bà. Hôm qua bà vừa mua cho tôi một con búp bê xinh đẹp, dễ thương và nhỏ nhắn. Bà nhắc, khêu gợi trong tôi lòng hớn hở muốn về nhà.
Căn nhà nồng một mùi rượu khó ngửi. Cha tôi ngồi khật khưỡng, gật gà trên đi-văng. Nhà cửa bề bộn, đồ đạc tung toé. Mẹ con tôi lặng lẽ, gần như sợ sệt, bước vào. Tôi giật mình nghe giọng nói lè nhè quen thuộc :
– Trả một trăm ngàn lại đây !
Tôi nép mình sau lưng mẹ. Mẹ tôi thả tôi lên giường cùng bé búp bê rồi lẳng lặng thu dọn nhà cửa. Tôi nghe mẹ tôi hỏi :
– Anh nghi tôi ?
Cha tôi sừng sộ :
– Không mày thì ai vào đây ?
Mẹ tôi lo tiếp đến chuyện bếp núc, giọng lạnh nhạt !
– Tôi không lấy ! Anh lục lọi kỹ rồi mà ?
Cha tôi lảo đảo bước đến :
– Mày trả không ? Chiều nay đài mà xổ con 89 là mày chết !
– Anh mới trúng số hôm qua đấy mà ! Hết tiền nhanh vậy sao ?
– Im mồm ! Đó là chuyện của tao, không cần mày quan tâm.
Cha tôi cầm túi xách đi làm của mẹ tôi, trút đồ ra, lục soát. Được một lúc, không tìm được gì ngoài mấy tờ bạc lẻ, ông hầm hầm bước đến mẹ tôi, gằn giọng:
– Bây giờ tôi hỏi lần cuối : Mày có chịu trả tao một trăm ngàn đây không ?
Mẹ tôi lặng thinh, xách thớt đi làm cá. Bất ngờ, cha tôi tát vào mẹ tôi một cái toé lửa. Con dao và tấm thớt từ tay mẹ tôi rơi xuống, mỗi thứ một chỗ. Tôi chạy đến ôm chân cha tôi, kêu khóc : “Ba ơi ! Ba ơi !” nhưng bị ông gạt văng ra một góc. Mẹ tôi đến đỡ tôi dậy, nhặt con dao và giận dữ :
– Mày là thằng chồng khốn nạn ! Bữa nay tao phải ăn thua đủ với mày !
Cha tôi lừ lừ bước tới :
– Mày ngon !
Chợt ông cúi xuống, nhặt lên tấm thớt. Mẹ tôi lùi lại, dư dứ con dao ra phía trước. Tôi khóc lóc, sợ hãi.
– Mày chém tao đi !
Cha tôi gầm lên và tiếp tục bước tới. Mẹ tôi lại thụt lùi. Tôi ôm lấy mẹ, nhìn đôi mắt đỏ ngầu của cha, lòng chết khiếp. Mẹ tôi run rẩy, đánh rớt con dao rồi xoay người che cho tôi. Tôi vẫn ngoái nhìn cha tôi. Ông nhào đến, hai tay cầm tấm thớt giáng xuống đầu mẹ tôi. Mắt tôi hoa lên, tai bùng bùng nghe một tiếng bụp khô khốc. Tôi nghe lồng ngực đau nhói rồi bất tỉnh…
… Chị Hà đưa mẹ tôi về nhà. Từ lúc sáng hai chị em tôi đã dọn sẵn chỗ cho mẹ. Ở bệnh viện, bác sĩ đã dặn dò bác Tám gái đủ thứ. Ông còn ôm ấp, vỗ về tôi, cho tôi tiền. Cô y tá phụ với mẹ con chị Hà đỡ mẹ tôi từ băng ca lên xe của bệnh viện. Họ đã làm mọi việc một cách tận sức. Anh Hai tôi vẫn biền biệt. Từ bữa bị cha tôi đánh vô cớ, anh đánh trả thất bại rồi hầm hầm, uất ức bỏ đi. Mười lăm tuổi, anh mong quật ngã cha mình nhưng vẫn chưa đủ sức, dù ông ta đang say. Anh giận cha mình và giận dữ hàng xóm láng giềng chỉ vì hành động của anh không được mọi người tán đồng. Họ sẽ không tha thứ cho anh. Không ai chấp nhận có một người con dám đánh lại cha mình, dù chỉ là tự vệ. Chị Hà bảo anh bỏ đi và thề sẽ không bao giờ trở lại. Nhưng anh đã trở lại, ngay bữa gặp được bác Tám ở một công trình đang xây cất. Thì ra anh đi làm phụ hồ. Anh trở về, lạnh lùng, phẫn uất. Ngồi đổ nước cháo cho mẹ ăn, anh không khóc nhưng nước mắt dàn dụa. Rồi anh đi khắp nhà, xóa bỏ những dấu vết của người cha để lại. Tôi hỏi anh : “Sao mẹ lại ăn cắp tiền của ba, anh Hai ? Mẹ bảo ăn cắp là xấu lắm cơ mà?” Anh nhìn tôi, quắc mắt : “Ăn cắp để nuôi mày, có gì xấu ?”. Tôi tủi thân và khóc. Anh vỗ về tôi như người biết lỗi : “Nín, anh Hai thương !” Rồi anh lặng nhìn mẹ, nói một mình, nghẹn ngào, khe khẽ : “Nếu có anh Hai ở nhà, mẹ đã không chết !” Tôi kinh ngạc: “Mẹ còn sống mà, anh Hai ?”. Anh cắn môi, nấc nghẹn : “Sống như vầy… không bằng chết… sướng hơn !”
Cha tôi vào tù. Ngay chiều hôm đó ông đã bị bắt. Chị Hà lén anh Hai tôi, dắt tôi vào thăm. Cha tôi hối hận, khóc, mặt mày sưng húp. Lần thứ hai, bác Tám thợ hồ dắt tôi đi. Tôi gặp cha tôi với cái bụng trướng nước. Bác Tám bảo : “Ba mày bệnh gan”. Tôi động lòng, nắm lấy tay run rẩy của ông chìa ra, nhưng lại cảm thấy rùng mình, ghê ghê lạnh. Chưa đầy một tháng sau khi xuất viện về, mẹ tôi mất. Gần nửa năm tiếp theo, cha tôi cũng qua đời. Được giấy báo tin, anh Hai tôi vò nát, quăng ra đường. Chị Hà bảo : “Dù gì ổng cũng là cha anh !”. Anh Hai tôi lạnh lùng, ngồi châm thuốc hút. Chị Hà nài nỉ : “Đi đi anh ! Người đã chết rồi, anh còn giận mãi sao ?”. Anh tôi vẫn ngồi không nhúc nhích. Chị Hà giận dỗi : “Anh không đi thì tôi đi !”. Và chị đi thật. Vài phút sau, anh Hai tôi hấp tấp đuổi theo. Họa vô đơn chí ! Đêm đó bỗng dưng tôi sốt mê man. Khi tỉnh lại ở bệnh viện, tôi gần như người mất trí, nói năng lảm nhảm. Về sau, bình phục dần nhưng tôi vẫn cảm thấy còn lơ mơ, lúc nào cũng sống như trong mớ hỗn độn của ký ức. Chị Hà bảo với tôi rằng không hiểu sao dạo này chị cứ hay quên. Tôi định nói rằng em còn quên gấp mười lần chị nữa. Nhưng tôi lại không biết phải bắt đầu câu nói như thế nào cho phải. Mấy đứa trẻ trong xóm gọi tôi là “bà khùng”. Mới rồi, chị Hà vừa rầy chúng. Rồi chị vuốt tóc tôi, an ủi : “Đừng giận tụi nó, hén !”. Tôi mỉm cười, lắc đầu và buột miệng: “Em không giận tụi nó đâu !”. Nghe tôi nói được một câu dài có ý nghĩa, chị Hà vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ. Chị ngồi xuống, ôm tôi vào lòng, cằm tựa lên tóc tôi, âu yếm : “Tội nghiệp em tôi !” Rồi chị nâng mặt tôi lên, nhìn vào đôi mắt tròn xoe của tôi, dịu dàng bảo: “Mai giỏi lắm! Vài bữa nữa, chị sẽ dạy em học chữ. Chịu không ?” Tôi không trả lời chị Hà, mà hỏi lại: “Chị Hà ơi ! Mẹ em đâu có ăn cắp tiền của ba. Phải không chị?” Chị Hà ngẩn người giây lát, giọng đau xót: “Không bao giờ! Chị tin như vậy. Mai có hiểu không, nếu sự thật mẹ có lấy tiền của ba, hành động đó là đúng, là công bằng, không có gì tội lỗi cả !” Rồi chị kể cho tôi nghe về chuyện vợ chồng; vấn đề trách nhiệm của người chồng, người cha, bổn phận của người vợ, người mẹ. Tôi không ngờ một người sớm làm vợ, làm mẹ nhưng gần như còn son trẻ như chị Hà lại có những suy nghĩ chín chắn, già giặn như vậy. Hóa ra cha tôi là một người hẹp hòi, ích kỷ. Ông chỉ biết hưởng thụ mà không hề nghĩ gì về trách nhiệm của mình đối với gia đình. Tôi ôm lấy chị Hà và khóc. Nước mắt chị cũng thấm ướt vai áo tôi. Trời tối sầm bên ngoài cửa sổ. Gió thốc tấm rèm vải hoa kêu lạch phạch. Chị Hà bảo xem vậy chứ trời chưa mưa nổi đâu. nhưng rồi mùa mưa cũng sẽ đến thôi. Sáng, mới bảnh mắt ra đã mưa. Chiều, cơn mưa sẽ thường bất ngờ đổ ập xuống, không báo trước. Ngán ngẩm nhất là phải đưa đón bé Ti vào mùa này. Ngán đi chợ nữa ! Mai nè, đưa con búp bê cho chị xem. Quần áo của nó cũng đã cũ quá rồi. Còn chút vải này cũng đủ may cho nó bộ đồ mới.
– Con búp bê này cũng sáu, bảy tuổi rồi, Mai nhỉ.
Tôi quay lại và thấy chị Hà đang săm soi con búp bê. Một lúc, chị bảo:
– Mai nè, hình như trong cánh tay trái của búp bê có gì ấy ! Em xem thử đi!
Không dưng mà tôi lại cảm thấy bồn chồn một cách kỳ lạ. Tôi mang búp bê lại chỗ đèn sáng và xem xét. Quả đúng như lời chị Hà nói, bên trong cánh tay trái con búp bê lờ mờ một vật gì đó, hình thù không rõ rệt. Gần như đó là một cuộn giấy hoặc một nhúm vải vụn. Quá tò mò và hồi hộp, tôi phạm vào một điều cấm mà tự mình đã đặt ra từ ngày có búp bê về làm bạn: tháo rời thân thể nó. Tôi gỡ cánh tay trái búp bê ra và phát hiện ngay một vết nứt dọc theo gờ giáp nối, tựa như ai đó đã dùng một vật bén và mảnh để rọc thủng. Tôi dùng tay banh nó ra nhưng vô ích. Chị Hà bước đến trao cho tôi cái kéo, giọng bình tĩnh đến kỳ lạ:
– Em cứ cắt chỗ nối đó ra đi. Không sao đâu. Búp bê chỉ là đồ vật, nó không biết đau đớn. Cắt đi em !
Tôi run rẩy cầm chiếc kéo và cắt, mắt nhắm lại, lòng xót xa.
– Nhìn này ! – Chị Hà kêu kên. – Giấy bạc ! Mai ơi, giấy bạc !
Tôi nhìn chị Hà rút ra trong cánh tay búp bê những tờ năm ngàn đồng, mười ngàn đồng xanh xanh đỏ đỏ. Chúng như quyện vào nhau, trú ẩn một cách kín đáo trong đó để đừng ai phát hiện. Tôi nấc nghẹn gọi “Mẹ ơi!”. Rồi gục vào lòng chị Hà, khóc nức nở. Khóc như lần tiễn mẹ đi xa. Bên ngoài mưa rơi. Gió mang theo hơi đất ùa vào nhà. Ẩm ướt.
Tôi ngồi khóc. Mãi vẫn không thấy Bụt hiện lên. Mẹ tôi thường bảo con phải ngoan, phải ngủ sớm thì Bụt mới thương. Còn anh Hai tôi lại bảo mày đừng tin. Không bao giờ có Bụt…
Tháng 4-1995
Huỳnh Nhân Sĩ (Sĩ Huỳnh)
(Đăng trên báo VĂN NGHỆ – Hội Nhà văn Việt Nam)