* Chỉ là bạn bè thôi

Cô bạn nhỏ rủ cafe, tôi ra trước ngồi đợi đã đời mới thấy cô ấy đưa một người đàn ông đến:

  • Đây là bố em.
  • Chào…anh.
  • Chào anh.
  • Giờ em phải đi lấy hàng khoảng nửa tiếng sẽ quay lại đưa bố về giao cho mẹ. Tại xe thằng em mượn đi bị hư dọc đường đang chờ sửa. Anh ngồi cafe với bố em cho đỡ buồn nhé.

Tôi định nói “Chịu thôi” nhưng kịp chữa lại:

  • Ok em.

Cô bé vừa đi khuất ông bố đã vội hỏi:

  • Anh năm nay bao nhiêu tuổi rồi?

Tôi trả lời liền không chút cảnh giác:

  • Tôi năm mươi chín tuổi rồi anh.

Ông bố như muốn nhổm người khỏi ghế:

  • Hả? Ờ…ừ. Coi như sáu mươi đi. Anh được mấy cháu? Bà xã còn đi làm không?
  • Tôi có hai thằng con. Vợ tôi hưu rồi.
  • Anh quen sao với con gái tôi vậy? Năm nay nó mới hai mươi mốt tuổi.
  • Chúng tôi là bạn, quen qua những người bạn khác.

Cô phục vụ giờ mới chịu đến hỏi:

  • Dạ, bác uống gì ạ?

Ông bố cười:

  • Không uống có được không?

À, thì ra ông cũng có khiếu hài, biết trêu chọc khiến cô phục vụ cười gượng gạo, lúng túng:

  • Dạ…

Ông bố lại cười, xua tay:

  • Tôi đùa thôi. Cho một đá chanh nhé.

Nhìn dáng vẻ ông bây giờ thấy tươi trẻ hơn lúc nãy. Thật ra tôi không có ác cảm gì với ông cả, vì ông là bố của bạn tôi. Nhưng qua cách xử sự của ông tôi đã mất đi ý thức tôn trọng như lúc ông vừa bước vào quán. Tôi lấy thuốc lá châm hút, ông ngắm tôi giây lâu rồi nói:

  • Tôi bỏ thuốc được năm năm rồi đấy. Giờ nghe mùi khói cũng thấy khó chịu như người không biết hút. Tôi nói vậy thôi, anh cứ hút nhé.
  • Anh còn đi làm không?
  • Vợ chồng tôi nghỉ buôn bán lâu rồi, giao tiệm thời trang cho con gái lớn. Giờ thu nhập của chúng tôi chủ yếu là cho thuê phòng trọ. Ngăn nhà ra được mấy phòng cho sinh viên tụi nó ở đó mà. Còn anh, hiện tại làm gì?
  • Tôi làm phim. Nghề của tôi từ hồi trẻ đến giờ. Tức là quản lý công việc sản xuất của một đoàn phim.
  • Nghề này tôi mới nghe lần đầu. Coi phim hoài mà có bao giờ nghĩ tới chuyện sản xuất ra một bộ phim đâu. Chỉ quan tâm đến diễn viên, thêm nữa thì là đạo diễn. Công việc của anh chắc cực lắm?
  • Vất vả lắm đó anh, nhưng bù lại là rất vui vì được sống trong một tập thể gắn bó, mọi người biết quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Xong phim này lại đi phim khác, lại gặp gỡ những anh em khác. Đi xoay vòng vậy riết rồi cũng gần như quen biết nhau hết. Hôm nào anh rảnh, mời ghé đoàn phim chơi cho biết.
  • À, cái này được. Để xem bữa nào anh quay gần gần tôi sẽ ghé thăm.

Tôi có tin nhắn, mở ra xem thì là cô bạn nhỏ: “Em bị công an phạt ở góc Nguyễn Thượng Hiền- Điện Biên Phủ mà mua đồ hết tiền rùi anh. Đến giúp em cái”. Tôi bảo ông bố:

  • Anh ngồi chơi chờ tôi khoảng 15,20 phút được không?

Ông bố có vẻ thoải mái:

  • Anh có việc gấp thì cứ đi, không sao.

Rồi ông nhìn quanh quất:

  • Quán này không có tờ báo nào nhỉ?

Tôi lấy trong túi xách ra tờ Tạp chí Điện ảnh:

  • Anh xem tạm báo này nhé.

Ông bố đón lấy quyển tạp chí, rút kính trong túi áo ra xem:

  • Anh cũng còn đọc báo giấy à?
  • Báo của Hội điện ảnh tặng hàng tháng đó anh.
  • À…Thôi anh đi công việc đi.

Tôi sực nhớ là chưa reply cho cô bạn nên bấm vội vài chữ rồi đứng lên đi vội, không quên vỗ nhẹ vai ông bố:

  • Tôi đi nhé, chút quay lại.

Ông bố đang cắm cúi đọc báo, phẩy tay:

  • Vâng, anh đi.

Tôi ra lấy xe, nhận ra đường phố hơi đông vì đang giờ tan tầm. Cũng hên là chỗ cô bạn nhỏ bị phạt cũng khá gần. Tôi lại sực nhớ là trong túi mình cũng chỉ còn vài trăm nên hơi lo không đủ tiền đóng phạt. Thật ra tôi hiểu cô bạn muốn tôi gặp công an để xin giúp, đỡ tốn tiền. Cũng do tôi có tật hay kể lễ quen này quen nọ.

Tôi đến “điểm hẹn”, đang nhìn quanh quất để tìm kiếm thì nghe cô bạn gọi “Anh, anh”. Thì ra cô đang đứng bên lề ngay sau lưng tôi.

  • Ủa, sao rồi em?
  • Định gọi cho anh thì anh đến. Không sao, em năn nỉ được rồi. Thôi mình về cafe đi anh.

Chúng tôi vừa chạy xe vừa trò chuyện. Cô bạn nhỏ không đá động gì chuyện bị phạt nữa mà chỉ hỏi “Bố em sao rồi anh?”. Tôi cười hóm hỉnh “Bố đang đọc báo, nghiên cứu về phim ảnh”. Cô bạn cũng cười vui “Bố em suốt ngày chỉ thích xem báo”. Tôi chợt phát hiện ra một việc bèn hỏi “Ủa, hàng em đâu?”. Qua ngã tư đèn xanh đèn đỏ tôi bám theo xe cô bạn mới nghe câu trả lời “Hên ghê, thằng em sửa xe xong lại chạy ngang chỗ em đứng lúc nãy nên em bảo nó đem hàng về cho mẹ rồi”. Tới đèn đỏ tôi và cô bạn lại người trước người sau. Tôi lại dzọt lên cạnh cô “Hên quá”. Cô bạn quay nhìn tôi, ngạc nhiên:

  • Hên gì anh?
  • Thì vụ gặp thằng em đó.
  • Giờ mới nói. Anh chuyên môn trễ một nhịp. Hì hì.

Cô bạn nhỏ nói đúng nên tôi chỉ biết cười trừ. Mà cũng lạ, tôi thường bị rơi vào hoàn cảnh “trễ nhịp” như vậy lắm. Tôi nhớ có lần ở công ty, bạn tôi đang trò chuyện với chàng trợ lý đạo diễn người Pháp, tên Tô-ma, khen chiếc xe đạp sport của anh ta và hỏi “How much?”. Từ khoảng cách vài bước chân,sau lưng chàng trợ lý tôi bước đến để tham gia giao lưu. Tô-ma trả lời bạn tôi bằng thái độ khoái chí “Like it?”. Bạn tôi đáp “Wow, I like bikes”. Lúc đó Tô-ma mới nhìn thấy tôi và mĩm cười gật đầu chào. Tôi chào đáp lễ và hỏi “How much?”. Tô-ma ngạc nhiên “How much what?”. Bạn tôi bảo “Ý nó là which one đó anh”. Tôi chỉ tay vào chiếc xe đạp thì Tô-ma mới hiểu ra và cười phá lên. Đúng là trễ một nhịp trong tiếng Anh còn tai hại hơn nữa.

Chúng tôi lại trở vào địa điểm cũ: quán cafe có ông bố. Ông nhìn con gái bằng cặp kính trễ:

  • Xong rồi hả con?
  • Dạ, nhưng con đưa hàng cho thằng Beo về giao cho mẹ rồi bố.

Cô ngồi xuống cạnh ông, đưa tay chạm hờ như muốn khám phá quyển tạp chí điện ảnh:

  • Báo này hay không bố?
  • Được. Nó có vẻ chuyên môn hơn mấy loại báo điện ảnh kịch trường khác hay đăng mấy tin scandal tào lao.

Tôi góp chuyện:

  • Tặng anh cuốn này về coi chơi, nhà tôi còn nhiều số khác, để hôm nào biếu hết anh luôn. Cho anh thấy được bức tranh toàn cảnh của nền điện ảnh nước nhà.

Chúng tôi cùng cười vui. Cô bạn nhỏ còn góp ý:

  • Hôm nào anh mời bố đóng một vai quần chúng nhé.

Ông bố gỡ kính xuống vừa lau lau bằng vạt áo, vừa cười nói:

  • Trả thù lao cao cao bố mới đóng nhé.
  • Hai “chăm” được chứ hả bố?
  • Hai trăm một giờ nhé.
  • Vậy thì bố là “soái ca”, là “thánh quần chúng” rùi. Hi hi.

Cô phục vụ đến (có vẻ như quán này các bé phục vụ thường bị chậm đi mấy nhịp).

  • Chị uống gì ạ?

Cô bạn nhỏ suy nghĩ hơi lâu. Tôi gọi đại:

  • Cho bé này ly yaourt xoài, mà xoài ngọt nhé.

Cô bạn tôi gật đầu. Tôi thấy cô cười mĩm mĩm liếc nhìn ông bố rồi nhìn tôi. Tôi hay “liều” quyết định chọn dùm cô thức ăn thức uống và thường “thành công” tốt đẹp. Duy chỉ có món phở là bị thất bại mà đến gần nửa năm sau mới phát hiện. Thì ra phở là món cô ấy chúa ghét. Kể ra đây để thấy rằng cô ấy chìu tôi đến mức nào. Khi biết ra, tôi trách “Sao em không nói”. Cô ấy cười nhẹ “Thôi, nói làm gì. Để anh ăn cho ngon”.

Ông bố chợt cất tiếng:

  • Này, phim Kong mai mốt có chiếu ti vi không nhỉ?
  • Dạ chắc còn lâu lắm đó bố. Hay là để con dẫn bố mẹ đi xem?
  • Thôi! Rạp phim bây giờ chỉ dành cho các cô cậu tuổi teen, bố lọ mọ vào đó cho bọn nhỏ nó cười à.
  • Ai mà để ý anh ơi. Tôi vẫn hay xem rạp. Mà phim hoành tráng như Kong thì phải coi màn ảnh rộng, âm thanh nổi mới khoái.

Chúng tôi đang trò chuyện thì có Châu, bạn đồng nghiệp của con trai lớn của tôi bước đến gật đầu chào lễ phép:

  • Chào bác (xoay qua cô bạn tôi và ông bố) dạ, chào bác, chào em (xoay trở lại tôi và khom người nói khẻ như chỉ để mình tôi nghe) Dạo này thấy bác trẻ ra đó.

Tôi cười khà khà:

  • Trẻ gì. Lúc này bác đang thất nghiệp, chưa có phim đi. Gameshow nhiều quá nên phim truyền hình bị ế. Ha ha…
  • Dạ. Thôi con về bàn nhé. Đang tiếp khách hàng, thấy bác nên sang chào chút.

Tôi vỗ vỗ vai Châu “Ờ, cám ơn con” rồi nhìn theo cậu bé xem “khách hàng” của nó có “sộp” không. Châu làm nhân viên tín dụng ngân hàng, theo con trai tôi cho biết thì là loại giỏi. Chợt nghe cô bạn tôi hỏi bố:

  • Bố nhớ anh Châu đó không?

Ông bố ngạc nhiên:

  • Châu nào?
  • Anh mới vừa qua chào mình đó. Mới rồi bố mẹ vay ngân hàng để mua nhà trả góp cho anh Hai cưới vợ là nhờ anh Châu này hết đó bố.
  • Ừ, bố nhớ rồi, nhưng hôm nay trông nó lạ quá nhìn không ra. Thằng thiệt lạnh lẹn, giỏi nghề và uy tín.

Chuyện này tôi có nghe cô bạn nhỏ kể nhưng không ngờ “anh cán bộ tín dụng” đó lại là Châu. Tôi góp lời bằng mấy câu hài hước:

  • Anh cũng nên nhờ cậu Châu lo chuyện vay tiền mua nhà đất cho cô con gái rượu này đi là vừa.

Ông bố cười ha hả:

  • Nó lấy chồng thì có chồng lo rồi, đâu phiền gì đến mình.

Tôi chuyển hướng:

  • Không anh. Cô bé này toàn tính chuyện làm ăn, mua bán. Thay vì tốn tiền thuê mặt bằng thì mình vay ngân hàng mua nhà sẽ có lợi hơn nhiều.

Cô bạn nhỏ cười trêu chọc:

  • Dễ ăn của ngoại lắm à. Hi hi. Mở tiệm thì phải ở mặt tiền. Lấy gì thế chấp để vay ít nhất là 10 tỷ hả anh.

Ông bố cũng không chịu kém trong câu chuyện “thách thức danh hài”:

  • Thế chấp con bé này cho ông tín dụng kia chắc cũng được 9 tỷ à. Hà hà

Cô bạn tôi giả bộ phụng phịu:

  • Bố đánh giá con rẻ thế!

Tôi “hoà giải”:

  • Đâu có, bố em ra mức khởi điểm để đấu giá thôi mà. Này…9 tỷ lần thứ nhất!…Chín tỷ lần thứ hai…Chín tỷ…

Ông bố ra vẻ lạnh lùng, sắc bén:

  • 8 tỷ!

Cô bạn nhỏ kêu lên:

  • Sao kỳ vậy? Đấu giá ngược!

Chợt có điện thoại reo. Của cô bạn tôi.

  • Alo. Dạ mẹ…Dạ, đang về. Thôi nha mẹ, con đang chạy ngoài đường.

Ông bố quan tâm:

  • Bả kêu bố về hả?
  • Dạ, mẹ nói đã tìm ra mấy bộ đĩa phim Bao Công xử án của bố, kêu bố về gấp.

Ông bố nhún vai tỏ vẻ như bực mình nhưng giọng nói thì nghe vui đến lạ:

  • Tìm khắp cả nhà cả mấy tháng mà giờ mới thấy. Vô lý hết sức.

Cô bạn tôi thanh minh:

  • Không phải bố. Anh Hai đem cho mẹ vợ mượn coi giờ mới đem về trả đó.
  • Thằng mắc dịch. Tự động lấy đồ của tui.

Rồi ông quay sang ngoắc phục vụ:

  • Tính tiền!

Có tiếng Châu từ bàn bên kia vọng sang:

  • Dạ, con tính hết rồi bác ơi.
  • Ủa…
  • Ủa…
  • Cám ơn anh Châu nhen.
  • Không có chi. Bữa khác gặp nhé.

Chào qua chào lại mấy câu nữa thì tôi đã chạy ngoài đường, rẽ vào hẽm nhỏ để tránh kẹt xe. Câu chuyện hôm nay gần giống như chuyện relax cuối tuần khiến lòng tôi cảm thấy vui, yêu đời hơn. Về ông bố của cô bạn nhỏ, tưởng khó tánh mà hoá ra cũng dễ chịu. Chuyện cô bạn đặt tôi trước chuyện đã rồi, tự động giao ông bố cho tôi “xử lý” thế mà lại hay. Cô bạn tôi hay bảo thích tôi ở cái tánh ít đặt câu hỏi cho người khác. Cô ấy quan niệm: Chuyện gì muốn nói thì người ta sẽ nói chứ không phải chờ mình hỏi. Đôi khi hỏi chưa chắc nhận được câu trả lời thành thật. Còn về nhân vật tên Châu mà tôi cố tình đưa vào câu chuyện này thì thật ra chỉ nhằm PR cho con dâu của tôi thôi. Bạn nào tinh ý sẽ thấy ở trên đầu cột bên phải của trang web này có đăng quảng cáo cho công việc tín dụng ngân hàng của con dâu tôi, một cô bé luôn chịu khó học hỏi, giỏi nghề và uy tín.

Tối đến, di động tôi tít tít liên lục báo tin nhắn Zalo của cô bạn nhỏ:

“Bố nói thấy anh đàng hoàng, không như bố nghĩ lúc đầu”. (Điều này ngược lại với em)

“Bố nói khi phải liên tục trả lời những câu hỏi có vẻ gay gắt của bố, anh vẫn tỏ ra bình thường không bực bội gì cả” (Chiến thuật thôi)

“Bố nói còn thích anh ở điểm không đặt nhiều câu hỏi cho người khác” (Điều này giống em)

“Bố nói anh không có ý che giấu gì về vợ con nên bố quý lắm, chứ đàn ông “có ý đồ xấu” thường hay nói “đã ly hôn” hoặc “vợ tôi bỏ đi nước ngoài rồi” (Điều này bố đã đánh giá sai. Không lẽ anh giấu chuyện ly hôn? Nhằm mục đích gì?- Hỏi luôn vì làm biếng suy nghĩ)

“Bố nói lúc đầu hoàn toàn không tin khi anh nói anh với em chỉ là bạn. Giờ về tổng hợp lại các thứ bố nghĩ là anh nói thật, nên bố đỡ lo” (Bố đã bị lừa. Hi hi)…

Tôi nằm trên gác lạnh (vì mở máy lạnh) trong khu phố trọ buồn lặng vắng (vì cuối tuần mấy cô cậu sinh viên về quê hết) xem đi xem lại mấy dòng tin chat của cô bạn nhỏ mà không biết phải hồi âm như thế nào. Lát sau bí quá tôi mới bấm gửi đại mấy cái hình mặt cười. Cô bạn tôi và ông bố cô ấy khiến tôi phải suy nghĩ lại cách sống của mình. Ông bố bị lừa? Hay cô bạn nhỏ của tôi bị lừa? Hoặc vả, tôi đang lừa chính mình. Và, có phải chăng, sao cũng được, miễn là mình đừng bao giờ làm chuyện gì phương hại đến người khác?

Share this:

%d bloggers like this: