* Vết thương không lành lặn

Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao lúc ấy lại để em ra đi một cách dễ dàng và nhanh chóng như vậy. Dường như tôi đã hết yêu em, hoặc vả trước giờ tôi chưa từng yêu em mà chỉ “thương”- thương một cô bé tự lập đáng quý; thương một tấm lòng nhân hậu.

Tôi và em quen nhau cũng gần 10 năm rồi, tuy không chính thức nhưng cũng thuộc dạng “già nhân ngãi, non vợ chồng”. Đáng lẽ không còn điều gì không hiểu về nhau. Nhưng chua chát thay khi kẻ lớn tuổi hơn nhiều là tôi lại chưa hiểu hết được em. Nếu người không biết sẽ cho rằng lòng ghen tuôn mù quáng đã khiến tôi mụ mẫm, nhưng không phải. Cho đến giờ này nhìn lại cả một quá trình tôi biết chắc em chưa bao giờ phản bội.

Ngày mới quen cho đến những năm đầu chung sống, tuy không thể gọi là hạnh phúc nhưng gia đình nhỏ của chúng tôi luôn êm ấm. Tôi được em kính trọng còn em luôn được tôi chìu chuộng. Nói từ “chìu chuộng” ở đây tôi thấy cũng hơi bị gượng ép vì thật ra em hoàn toàn không đòi hỏi gì ở tôi cả. Tất cả đều do tự tôi mang đến cho em. Em nhận hết, có lẽ vì muốn tôi vui. Có lẽ phải nói ngược lại là em luôn chìu tôi mới đúng.

Chuyện vỡ lỡ hết rồi mới ngồi kể lễ, nhớ tới đâu kể tới đó, cũng khiến người đàn ông như tôi cảm thấy lòng cay đắng. Nhưng phải nói ra hết để cho tâm hồn được phần nào thanh thản. Đau nhất cho tôi là thật ra tôi đâu phải là người đàn ông xấu. Ai cũng khen tôi có lòng nhân hậu, vị tha. Tôi ít lo cho mình mà cứ hay quan tâm đến người thân, bè bạn. Thời trẻ, cũng vì lòng tốt mà tôi đã bị bạn bè lừa đảo. Đến lúc đầu hai thứ tóc rồi, cũng tại lòng tốt quá đáng mà tôi bị người nhà nghi ngờ, lợi dụng và vong ân bội nghĩa. Chỉ với em thì lòng tốt của tôi mới mang lại tình thương. Phải, em đã thương tôi, thương vì cách đối xử, vì lời nói nhẹ nhàng đúng mực, thương vì em cảm nhận được tình yêu của tôi, thương thôi chứ không phải yêu bởi vì với tình yêu tôi thiếu nhiều điều kiện cần và đủ.

Sống bên nhau, tôi đi làm, em đi học. Nhưng tôi chưa hề “nuôi” em bởi vì em rất giỏi và siêng năng. Tôi biết tánh em không thích sống dựa vào ai. Em làm được nhiều việc theo từng giai đoạn và có thu nhập để học xong cao đẳng kinh tế, rồi đại học. Đúng ra em đã muốn tìm việc làm chính thức từ sau tốt nghiệp cao đẳng nhưng cũng vì nghe lời tôi mà em học tiếp lên đại học. Sau này, khi thấy em đem mảnh bằng đại học đi phỏng vấn xin việc nhiều nơi không có kết quả, tôi đâm ra hối hận. Thật ra không phải em không xin được việc làm, mà là không hài lòng với đồng lương và sự thăng tiến. Nhưng em chưa từng trách tôi, chỉ có tôi tự trách mình.

Rồi sóng gió bắt đầu nổi lên, có nhiều lúc tưởng như có thể lật úp chiếc thuyền tình bé bỏng. Cũng do em quá thật thà chuyện gì cũng cho tôi biết. Cứ mỗi lần biết có thằng nào theo đuổi em, tôi đều tìm cách trách móc, bảo rằng em không lo làm ăn mà cứ lo chuyện trai gái. Em cười bảo em đâu cho người ta cơ hội. Tánh em hiền lắm, chuyện gì cũng nhường tôi nên tôi thường lấn lướt. Em hỏi có phải tôi ghen không? Tôi trả lời “không” chắc nịch. Chắc em chưa hề tin tôi, riêng về điều này. Nhưng sự thật là thế. Tôi không ghen, mà chỉ sợ em quá nhẹ dạ thế nào cũng bị lừa đảo. Em có bạn mới là con gái tôi cũng lo, lựa lời hỏi han để biết thêm, vì tôi sợ em bị người đồng tính quyến rũ, sợ em bị người ta lừa bán nội tạng (!?). Em đi chơi về trễ tôi càng lo hơn nữa. Ngày này qua tháng nọ, chuyện của em cứ làm tôi lo lắng, có lúc tôi tự nghĩ chắc mình bị bệnh hoang tưởng. Trong lúc ấy tôi đâu biết, cũng ngày này qua tháng kia, vì áp lực của tôi mà em cũng mắc chứng tâm thần rối loạn.

Tôi kể dông dài nảy giờ nhưng lại  thiếu đi một yếu tố rất quan trọng, đó là cách hành xử của tôi đối với em mỗi khi em làm tôi lo lắng. Từ những lời chỉ trích nặng nề đến thái độ giận hờn, làm mặt lạnh hay bỏ mặc không thèm ngó ngàng gì tới, tôi đều đổ trút lên người em với mong muốn em “đừng làm vậy nữa”. Lúc nào tôi quá quắt lắm em mới cãi lại vài câu, còn thường thì em chỉ im lặng chịu đựng. Sự im lặng đó khiến tôi càng thêm bực tức vì nghĩ rằng em “bất hợp tác”.

Tôi cũng biết suy nghĩ, hiểu vấn đề tâm lý học lắm nên sau tất cả tôi nhanh chóng cho qua, tìm cách vui vẻ trở lại. Nhưng tôi không hề biết rằng, sau tất cả, em không bao giờ trở về trạng thái cân bằng được mà chỉ cố chìu theo tôi bằng nụ cười giả tạo. Vết thương trong tâm hồn em chưa bao giờ lành lặn.

Chắc không ai tin rằng em có sức chịu đựng khủng đến như vậy. Nhưng, chính sự ráng sức chịu đựng đó là nhân tố chủ yếu làm tinh thần em suy sụp.

Càng ngày em càng ít nói. Em bắt đầu chứng bệnh tâm thần bằng sự tự kỷ. Bệnh hoang tưởng của tôi cũng nặng lên. Cho đến một hôm đang lúc trách cứ, bắt bẻ em chuyện về trễ không lý do, bất chợt em hét lên khiến tôi giật nẩy mình:

  • Anh đừng coi em là con nít hoài có được không?

Lúc này thì đến phiên tôi im lặng. Lòng tôi run lên. Một cảm giác gì đó kỳ lạ lắm, giống như lo sợ, vừa xâm chiếm tôi. Em hét xong ngồi ôm mặt khóc nhưng không ra tiếng mà chỉ thấy đôi vai run bần bật từng hồi. Lần đầu tiên tôi thấy em khóc.

Nhưng tôi không hiểu em ít khóc hay là chỉ khóc thầm. Sống bên em lâu vậy mà tôi chưa hiểu em, chính vì vậy mà tôi cũng không nghĩ đến vấn đề bệnh trầm cảm. Tôi thật đáng trách đến ngàn lần.

Em khóc chút thôi, đi lấy khăn lau mặt rồi bảo tôi, giọng tỉnh rụi:

  • Em xào mì anh ăn nhé?

Dù hiểu em đang dằn lòng chịu đựng như mọi khi, nhưng tôi cho đó là việc bình thường nên cũng ậm ừ cho qua chuyện.

Sáng hôm sau xe tôi bị hư, đề hoài không nổ do hết bình nên tôi đi ké xe em. Tôi đưa em đến công ty của em rồi đi làm, hẹn chiều lại rước. Chiều, tôi tranh thủ về sớm đi đón em vì sợ kẹt xe. Đợi em cả tiếng đồng hồ mới thấy em tất tả chạy ra (có lẽ sợ tôi la vì bắt đợi lâu). Nhìn cảnh tình ấy tôi cũng thấy tội em nên không nói gì. Em nói:

  • Sao anh không qua quán cà phê bên đường chờ em.

Tôi không kìm được bực dọc:

  • Ai biết em ra trễ như thế này. Anh cứ tự nhủ là em sắp ra nên ráng chờ.
  • Chuẩn bị về thì khách hàng đến kêu xuất hoá đơn. Làm cho người này vừa xong là có người khác tới tiếp.
  • Thì cầm điện thoại lên nhắn cho anh một tin. Chỉ mất 30 giây chứ mấy.
  • Thì em nghĩ ráng viết lẹ lẹ rồi về. Ai dè ông giám đốc kêu lục tìm dùm cái hợp đồng.
  • Thôi bỏ đi. Anh cũng đâu bắt lỗi em. Tại em hỏi sao anh không ngồi cà phê chờ nên anh giải nghĩa cho em hiểu thôi.

Chúng tôi đi trên đường, không ai nói thêm câu nào nữa. Về gần tới nhà em mới hỏi:

  • Anh thèm ăn gì không?

Tôi lại bực mình:

  • Sao nãy giờ không hỏi, giờ tới nhà rồi. Mà thôi, anh không thấy đói. Em muốn ăn thì cứ đi ăn một mình đi.

Tất nhiên là em không thể “đi ăn một mình” được, vì em chưa bao giờ làm thế. Những lúc tôi hờn mát như vậy em thường im lặng, buồn buồn nằm online. Có lúc tôi ngồi kế bên, nghe tiếng bụng em kêu đói, nhưng vì tự ái nên cũng không thèm nói gì. Mà, lúc ấy tôi cũng đói nữa. Rồi em cũng thiếp đi với cái bụng trống rỗng. Giờ nhớ lại tôi cảm thấy mình quá ác.

Càng ngày em càng ít nói hơn, dáng vẻ tiều tụy hẳn. Lâu rồi không thấy nụ cười trên môi em. Giữa chúng tôi chẳng phải “chiến tranh lạnh” gì, chỉ là cả ngày bận việc, tối về hỏi nhau vài câu xã giao rồi mạnh ai nấy ngủ.

Rồi một hôm, giữa đêm khuya trằn trọc không ngủ được, em ôm vai tôi nói khẽ:

  • Anh, em muốn dọn ra ở riêng!

Tôi cũng khó ngủ, nằm xoay trở mãi, nghe em nói vậy chợt cảm thương, nhưng biết rằng lòng em đã quyết. Tôi hình dung ra tình cảnh sắp đến của mình, khi mỗi ngày sống một mình trong căn gác lạnh, đi về không người đưa đón. Lòng tôi nhói đau.

Em dọn đi, chỉ cái túi xách và mấy bộ quần áo, còn bỏ lại hết. Em nói: “Để từ từ em về lấy thêm sách vở và mấy thứ còn lại”.

Em đi rồi, tôi lao vào công việc, đi làm không muốn về nhà. Con người tôi thật kỳ lạ khi bạn bè có thể làm tôi quên bẳng em. Tôi đi công tác ở Long Hải, Vũng Tàu, các tỉnh miền Tây. Có hôm nhận được tin nhắn em:

  • Em mới ghé qua nhà lấy đồ. Em có đi chợ về nấu cơm cá kho tộ cho anh.

Lúc ấy tôi đang trên xe hướng về Xuyên Mộc. Chúng tôi đang đi tìm bối cảnh cho bộ phim sắp quay. Tin nhắn của em khiến tôi xao lòng. Nhưng chỉ trong phút chốc thôi. Vì tôi đang nghĩ đến chắc em đã có bạn mới. Dù tôi vẫn luôn mong cầu cho em được hạnh phúc trong cuộc sống mới, nhưng vẫn không kềm được lòng ganh tỵ. Đây chính là tật xấu thật vô cùng đáng trách của tôi.  Tôi reply cho em, tỏ vẻ dửng dưng khi em đã cố công nấu cho tôi bữa ăn mà tôi ưa thích:

  • Anh đi công tác rồi, mấy bữa nữa mới về. Em đem đồ ăn về nhà em đi nhé!

Sĩ Huỳnh

%d bloggers like this: