* Cô chủ nhỏ của tôi

1-
Gần nửa năm kể từ ngày chia tay, tôi không đi đâu xa cả, mà thuê một căn nhà khác cách nhà em chưa đầy hai trăm mét, có điều, từ đường cái vào phải đi một con hẽm khác. Vậy mà kể từ đó chúng mình chưa hề đụng mặt.
Tôi đã chủ động cắt đứt mọi liên lạc bằng cách đổi số mobile, dù chúng mình không hề giận nhau. Lý do chia tay của mình có lẽ “khùng” nhất thế giới, đó là để em đi lấy chồng!?
Một đêm kia phải ngoại giao tiếp khách, vì vui nên quá chén, tôi chạy xe về, càng lúc rượu càng thấm. Quỉ tha ma bắt thế nào mà tôi lại quẹo vào hẽm nhà cũ. Rồi như kẻ mộng du, tôi gạt chống xe, tra chìa vào ổ khoá cổng nhà em, loay quay mở. Chợt đèn trong nhà bật sáng rồi cửa mở toang ra, xuất hiện hai người một nam một nữ.
– Ủa, anh tư…
Người nữ kêu lên. Tôi nhướng cặp mắt cứ đang muốn sụp xuống để nhìn cho rõ, nhưng cơn say đã thấm khiến người tôi lảo đảo, quay cuồng. Người nam bước ra mở khoá cỗng và choàng tay đỡ tôi:
– Chú say quá rồi, vào nhà nghỉ chút nhé.
Người nữ cũng ra phụ:
– Gọi anh tư đi anh. Ảnh là chồng cũ của chị tư em đó.
Hai người dìu tôi ngồi xuống salon. Người nam nói:
– Anh đừng nằm! Nằm xuống là “die” luôn đó. Để em đi pha cho anh ly chanh nóng.
Người nữ cằn nhằn:
– Nhậu gì mà say dữ vầy trời. Em nhớ anh đâu biết nhậu đâu.
Từ khúc này trở đi tôi không còn nhớ gì cả. Chỉ nhớ khi tỉnh dậy đã 3 giờ chiều hôm sau. Nhìn trên bàn có mảnh giấy ghi nắn nót dòng chữ: “Tụi em đi làm. Anh thức dậy muốn ở chơi thì hâm cơm lại ăn nhé. Còn muốn đi thì bóp 2 ổ khoá nhà và cỗng lại dùm em”. Tôi nhận ra đây là chữ viết của Nhàn, em kết nghĩa của em.
Sáu tháng rồi! Căn nhà này không thay đổi nhiều lắm. Dưới nhà là vậy, không biết trên gác thế nào? Tôi tò mò muốn lên xem.
Tôi bước thật chậm lên từng nấc của cầu thang gỗ, tay níu chặt thành vịn vì tự dưng cảm thấy hồi hộp. Khi đầu tôi vừa nhô lên sàn gác, tôi chợt điếng người khi trông thấy em đang nằm trên nệm, nhìn tôi cười, nụ cười đẹp mê hồn như ngày đầu mới gặp.
– Em!
Tôi như đu người lên gác, nhào đến em. Chúng mình ôm ghì lấy nhau. Tôi nghe thoảng đưa mùi nước hoa quen thuộc, dìu dịu, lâng lâng. Hồn tôi như ngây dại…
– Anh đi tắm đi. Để em xuống nấu cơm cho anh ăn nhé!
Tôi nắm lấy cả hai bàn tay xinh xinh nhỏ nhắn của em và nhìn em bằng ánh mắt say đắm của kẻ đang yêu:
– Em đẹp lắm. Vẫn như ngày nào!
Em cười nhẹ, đôi mắt như pha lẫn một nỗi buồn kỳ lạ:
– Thiệt hả anh!
Rồi em chợt đứng lên, kéo tay tôi:
– Thôi xuống đi anh. Em đói bụng rồi nè!
Chúng mình xuống nhà. Em lui cui góc bếp, tôi vào phòng tắm. Nước mát lạnh, sảng khoái.
Khi tôi bước ra, thấy Nhàn đang ngồi sắp rau cải từ túi xách ra chiếc rỗ nhựa, ngước nhìn tôi cười:
– Anh mới dậy hả? Ngủ gì mà ngủ dữ!
Tôi cười hi hi, đi ra nhà trước để tìm em. Mới đó mà em đi đâu rồi. Ạ, chắc lên gác. Tôi trở vào, vừa định leo lên gác thì Nhàn hỏi:
– Ủa, anh lên gác chi vậy? Chỗ của hai vợ chồng em đó.
Tôi ngạc nhiên:
– Ủa…Còn chị em? Mới đây đi đâu rồi?
Nhàn kinh ngạc:
– Chị em? Chị nào hả anh?
Tôi trố mắt:
– Trời, thì chị tư em chứ chị nào nữa!
Nhàn đứng phắt dậy, giọng run run:
– Anh…nói…gì…anh gặp chị…tư em…hả?
– Em làm gì quan trọng vậy! Thì chiều giờ anh chị gặp nhau rồi mà.
Gương mặt Nhàn chợt xanh lên, hớt hải:
– Trời ơi!…
Tôi lay Nhàn:
– Gì vậy em? Bình tĩnh lại coi…
Nhàn chợt oà khóc:
– Anh ơi, chị tư chết gần nửa năm rồi mà!
Tôi bàng hoàng, đôi chân bủn rủn khuỵu xuống. Trời ơi, không thể nào như vậy được! Không thể nào.
– Em ơi!…
2-
Em đã ra đi vĩnh viễn thật sao?
Lòng tôi đau thắt từng cơn, mắt lệ mờ cả không gian nhỏ hẹp của căn gác xưa nhiều kỹ niệm.
Nhàn kể, giọng ráo hoảnh:
– Tháng rồi chị tư về quê chơi, tự nhiên bị sốt viêm màng não rồi mất tại bệnh viện dưới đó luôn.
Có tiếng gọi cửa, chồng của Nhàn vừa về tới. Tôi cùng Nhàn xuống nhà, sẳn đó từ giã hai vợ chồng:
– Thôi anh về. Cám ơn hai đứa nhé. Bữa nào rảnh anh ghé chơi!
Tôi lật đật dắt xe, vội vàng nổ máy chạy đi. Tự dưng tôi sợ ở lại thêm trong nhà em. Tôi muốn tìm lại sự yên tĩnh ở một chỗ khác. Ra đến đầu hẽm, tôi gỡ kính cận xuống lau, ghé mua gói thuốc. Hơi thuốc đầu tiên trong ngày phần nào giúp tôi lấy lại được thăng bằng. Tôi chạy xe quanh quẩn, không biết về đâu.
Em nghĩ tôi có tin Nhàn không?
Có. Tôi tin Nhàn lắm. Từ ngày bắt đầu sống chung dưới một mái nhà, tôi đã nghiệm thấy Nhàn chưa hề nói dối tôi một lần nào, cho dù đó là chuyện nhỏ nhặt. Cũng lạ, Nhàn không phải thật thà gì, vẫn thường nói dối với em đấy thôi, nhưng với tôi thì không, hay nói đúng hơn là chưa bao giờ. Tôi nói không phải để tự khen mình, mèo khen mèo dài đuôi, nhưng tôi nghĩ, sỡ dĩ Nhàn không gạt tôi điều gì là do nhận thấy tôi sống rất chân thành.
Nhưng chuyện vừa rồi Nhàn nói em chết, suy đi nghĩ lại, tôi không tin. Và tôi nghĩ chuyện này có sắp đặt. Để làm gì thì tôi chưa nghĩ ra, nhưng người sắp đặt thì tôi đã biết là ai.
Người đó chính là em!
“Em làm vậy là ác với anh lắm, em có biết không?”
Tôi không thể gặp ma được. Chưa bao giờ tôi tin có ma, em à. Lúc chiều khi ôm em trong vòng tay, tôi thật sự cảm nhận được hơi ấm của một người bằng xương bằng thịt. Tôi chỉ tin vào giác quan thứ sáu, vào thần giao cách cảm. Hôm kia tôi nằm mơ thấy em. Cuộc hội ngộ trong mơ thật buồn…
Đêm đó tôi lang thang phố Saigon, hết cà phê quán này lại đi quán khác. Khuya lắm tôi vẫn chưa có ý định về nhà. 1 giờ sáng tôi mua ổ bánh mì thịt nguội mang vào khách sạn, tắm gội, ăn rồi ngủ một giấc đầy chiêm bao mộng mị.
3-
Tôi nhớ mãi cô bé mới 20 tuổi, bằng tuổi với con trai út của tôi. Mình quen nhau trong một hoàn cảnh phải nói là rất hi hữu và rất là…hoàn cảnh. Chiều hôm đó tôi cà phê một mình trong góc quán quen, ngồi kế bên cặp tình nhân đang thì thầm tâm sự. Được một lúc chợt có một cô trạc 24, 25 tuổi từ ngoài quán xông vào, đến thẳng chỗ cặp tình nhân quát lên:
– Mày dụ dỗ chồng tao hả con kia!
Đôi trai gái giật mình nhìn lên rồi hoảng hốt. Cậu trai bảo cô bé:
– Em đi đi…
Rồi cậu ta đứng lên kéo tay cô gái bắt ghen:
– Về, về! Đừng có mà quậy ở đây!
Cô vợ gạt phăng:
– Anh ngồi yên đó!
Cô bé vừa đứng lên thì đã bị cô vợ nắm áo:
– Mày đi đâu, sợ hả?
Cô bé đúng là sợ thiệt nên cứ quày quả bước đi. Cô vợ vừa chạy theo vừa kéo tay, kéo áo:
– Mày đứng lại chưa, đồ…đồ…
Cô bé gạt tay, cô vợ bất chợt bị trợt té ngã sóng soài, rên la tỏ vẻ đau đớn. Tôi đoán có lẽ cô ta bị trẹo giày cao gót. Nhưng anh chồng đã kịp nhào tới đỡ cô vợ:
– Có sao không em?
Rồi anh ta ngẫng nhìn cô bé, mặt lạnh lùng với giọng nói giận dữ:
– Làm gì em phải xô người ta. Sao em ác quá vậy!
Cô bé bật khóc nhưng không ra tiếng trong đôi bàn tay úp mặt. Rồi cô liêu xiêu bước lại chỗ cũ, ngồi gục đầu tấm tức, đôi bờ vai cứ rung lên từng chập. Anh chồng cũng đỡ vợ lên, dìu ra khỏi quán.
Thấy cô bé cứ ngồi gục xuống khóc mãi, tôi lấy khăn lạnh xé ra đưa:
– Nè bé!
Cô bé ngẫng lên, nhìn thấy cái khăn lạnh liền cầm lấy lau mắt.
– Cám ơn anh!
Tiếng “anh” của cô bé nghe ngọt lịm khiến tôi mê mẩn. Lâu rồi ít được gọi như thế. Nghĩ vậy nhưng tôi lại nói:
– Tôi già lắm rồi.
Cô bé quay nhìn tôi:
– Dạ, cám ơn chú!
Óc khôi hài của tôi chợt trỗi dậy:
– Kêu bằng chú là sai rồi!
Cô bé ngạc nhiên:
– Ủa, sao sai chú?
– Bố của bé năm nay bao tuổi nè?
– Dạ 45.
– Vậy kêu chú là đâu có đúng. Phải kêu bằng bác!
Cô bé nhoẻn miệng cười xinh thật là xinh:
– Dạ, bác!
Mình quen nhau thật nhanh, em đúng là còn trẻ con, mới đó đã quên luôn chuyện đánh ghen. Sau này tôi mới biết em chỉ mới quen cậu trai đó hơn tuần và hoàn toàn không hề biết cậu ta đã có vợ. Nghe kể qua hôm sau cậu ta lại điện thoại rủ rê nhưng em đã lạnh lùng, dứt khoát. Kể từ hôm đó mình thường hẹn nhau đi cà phê, đi ăn, đi hát. Vẫn xưng hô “chú, cháu” và tình cảm ngày một thắm thiết hơn. Cho đến một ngày kia…

4-
Người ta nói nghề cắt, uốn tóc nam nữ là ” nhanh thợ chóng thầy” nghĩ thật quá đúng. Em đã chọn nghề này hay chính nghề này đã chọn em, tôi cũng không phân biệt được. Nhưng với đôi bàn tay khéo léo và bản tánh tỉ mỉ, chịu thương chịu khó của em, sự thành công là lẽ đương nhiên. Từ thợ phụ lên thợ chính rồi phụ trách dạy thêm học trò, em đã tiêu tốn rất ít quỹ thời gian dành cho một người muốn thành đạt.
Tuy vậy, mong ước của em lại chính là làm chủ, của một shop thời trang cũng được, chủ tiệm tóc, chủ một nhà sách cũng tốt. Một cô chủ nhỏ!
Mơ ước nhỏ nhoi, đơn giản quá phải không? Nhưng tất cả đều chỉ là ước mơ, là ở thì tương lai, là mục tiêu phấn đấu. Làm quản lý tiệm tóc, nghĩa là làm thuê cho người ta, thu nhập của em dù thuộc thứ hạng khá cao nhưng cũng chỉ vừa đủ để lo cho mẹ già và hai đứa em ở dưới quê ăn học. Tiền tích luỹ của em có lắm lúc bị thâm thủng khi người thân đau yếu, và mỗi độ xuân về tết đến tôi lại thấy em gầy đi, vẻ mặt hốc hác, buồn lo như một người lớn thực thụ, mặc dù em chưa đầy hai mươi mốt tuổi.
Thương em quá!
Nhưng tôi không thể giúp em được gì, vì thu nhập của tôi kém em xa, và em lại là một cô gái có lòng tự trọng cao, lắm khi quá đáng. Điều mà tôi có thể mang lại cho em chính là niềm lạc quan vui sống. Em thường bảo “anh giống như là một danh hài độc quyền của em” khiến tôi luôn cảm thấy mình quan trọng đối với em, sẽ cùng em sóng bước trên đường đời nhiều chông chênh, vực thẳm.
Tôi đã mất đi mái ấm của mình, muộn màng và cay đắng. Nhưng tôi đã cố nuốt từng dòng nước mắt uất nghẹn vào tim, nén lại ở đó, tự dặn lòng nhất định sẽ sống khác đi, phải biết ích kỷ, phải vì mình nhiều hơn. “Kẻ không vì mình trời tru đất diệt”. Em trai tôi cười khẩy bảo: “Anh mà làm được vậy tui chết liền!”. Và quả nhiên nó nói đúng.
Tôi quen em, tình cảm của mình ngày càng thắm thiết. Nhưng đó là thứ tình cảm gì thì tôi chưa định hình được. Tôi nhìn em, nghe em nói, để ý từng cử chỉ, ánh mắt em trao mà lòng rộn ràng, đắm chìm trong niềm hạnh phúc khó tả, vì tôi lờ mờ cảm nhận được một thứ tình cảm gì đó còn hơn cả tình yêu.
Em nói:
– Mẹ em lên chơi từ hôm qua. Mẹ nói muốn gặp anh!
Tôi sửng sốt:
– Trời, sao mẹ biết anh?
Em ngạc nhiên nhìn tôi:
– Thì em kể.
Rồi như nhận ra vẻ bối rối pha lẫn chút lo lắng trên gương mặt tôi, em cười nhẹ:
– Không sao đâu anh. Mẹ em hiền lắm!
Thật ra không phải tôi lo lắng gì cả. Tôi chỉ cảm thấy quá đột ngột, ngoài sức tưởng tượng của mình.
– OK em. Chiều anh ghé thăm mẹ. Hay là để anh mua vịt quay, bánh mì…
– Khỏi anh. Mẹ đem lên con gà, làm xé phai, nấu cháo. Chiều mấy giờ anh có mặt? Bữa nay em xin về sớm!
– À…chắc 6g đi hả. Đến sớm quá anh sợ phải làm phụ này nọ lắm!
Em cười phá lên khiến mấy thực khách trong tiệm mì ai cũng quay nhìn. Em nhìn ánh mắt tôi và cũng phát hiện ra điều đó. Mắc cỡ, em chồm người tới đấm vào vai tôi:
– Em hổng chịu đâu. Anh cứ chọc cười em hoài riết rồi em thành cô gái vô duyên đó thấy chưa!
– Không thấy!
– Vậy là sao?
– Vậy là anh vẫn thấy em có duyên chứ sao!
– Ghét anh! Thôi em về làm đây. Tiệm tóc gần đây, để em đi bộ được rồi. Ghé mua bắp nấu về cho mấy đứa.
Chiều hôm đó trời mưa to quá. Con hẽm dài vào nhà em ngập nước đến cả nửa bánh xe. Từ xa tôi đã thấy có người dẫn bộ vì xe chết máy. Không biết em đã về tới nhà chưa…
Nhìn bên ngoài, mẹ em thật hiền hoà, phúc hậu. Qua cuộc chuyện trò, tôi mới hiểu tại sao em dám kể cho mẹ nghe mối quan hệ của tôi và em. Mẹ em thương con cái còn hơn cả bản thân, coi chúng như là báu vật. Những điều em kể cho tôi nghe về mẹ, giờ mỗi lúc tôi lại phát hiện ra. Em thật hạnh phúc, được ông trời ban cho một người mẹ tuyệt vời mà không phải ai cũng có. Lòng mẹ bao la như biển Thái bình. Tôi nghe cay cay ở mi mắt vì nhớ mẹ tôi quá. Mẹ tôi cũng thế, hy sinh tất cả cho bầy con. Giờ này chắc mẹ cũng đang dùng cơm chiều và cũng đang nhớ về tôi. “Thằng bảy sao lâu quá không về!”. Dạ, thứ sáu tuần sau con về nha mẹ. Mẹ tôi nhớ nhớ quên quên thế thôi nhưng đầu óc còn tỉnh táo lắm, nhất là đối với những chuyện quan trọng. Tháng rồi về thăm mẹ cuối tuần, tôi cũng đã kể hết cho mẹ nghe về em. Nghe xong, mẹ buồn buồn bảo: – Con làm gì thì làm nhưng phải biết tội nghiệp cho con gái người ta nha con!
Thưa mẹ, con hiểu.
Và giờ đây là câu chuyện giữa tôi và mẹ của em.
– Nghe con tư nó nói bây và nó thương nhau phải không?
– Dạ…
– Con tư tội lắm, từ nhỏ đã không có cha, mới lớn lên đã đi làm xa gia đình. Nó thương bây, ngoài tình trai gái ra còn có tình cảm cha con nữa đó.
Nghe đến đây tôi rùng mình, kinh ngạc. Không ngờ một bà mẹ quê mùa, chất phác như thế này lại có được một nhận xét như của một nhà tâm lý học. Còn em, ngồi đó vừa lắng nghe vừa nhổ tóc bạc, tóc sâu cho mẹ, lâu lâu lại tìm kiếm ánh mắt tôi để lè lưỡi nhát ma hoặc đưa tay hôn gió. Ai có thể nhận ra được cô bé hồn nhiên kia lại đang mang trên lưng cả một gánh nặng kinh tế gia đình?
5-
Nghe em kể hồi đó làm ăn khó khăn, mẹ đi coi bói, ông thầy nói muốn giàu lên, gia đạo bình an thì phải xin con nuôi. Mẹ về bàn với cha thì bị ổng la cho một mách, bảo dòng con nuôi nó phản lắm. Lúc đó dì Chín nhà ở cuối xóm là chị em bạn của mẹ đang mang thai. Mẹ kể dì ấy nghe vụ coi bói, dì bảo:
– Ảnh nói đúng đó chị. Xin con nuôi làm gì. Mà chưa chắc ông thầy ổng nói trúng nữa. Hay là vầy đi, tháng sau em sanh, em và chị làm lễ cúng để chị nhận con em làm con nuôi “tinh thần” là được rồi. Chuyện này mình giấu biệt, đừng cho mấy ổng biết thêm rộn chuyện.
Em kể tới đây đột nhiên ôm bụng cười. Tôi thắc mắc:
– Gì vậy? Tự nhiên cười vậy bưởi!
– Anh biết sao không, hai chị em tính sao làm vậy, ai dè lúc dì Chín sinh mới biết là sinh đôi. Hai anh em giống nhau như hai giọt nước vậy. Lỡ rồi, mà thấy cũng không ảnh hưởng gì nên mẹ em OK nhận hai đứa con nuôi một lượt luôn.
– Vì lẽ đó mà em là con đầu lòng nhưng lại là thứ tư. Em tư!
– Thông minh quá ta.
– He he…Rồi bây giờ anh hai, anh ba của em đâu?
– Ở dưới quê đó anh. Một người có vợ có con, còn người kia thì nghe nói khó tánh quá nên mai mối họ chạy hết.
– Sao người ta không làm mai em cho nó?
– Có sao không, nhưng em không chịu.
Tôi nhổm dậy:
– Thiệt hả?
Em đẩy tôi ngồi xuống:
– Thiệt chứ nói dóc làm gì. Tại em không thích sống dưới quê và không thích làm dâu.
Tôi làm bộ hờn mát:
– À, thì ra nãy giờ làm bộ kể chuyện của mẹ để giới thiệu cho tui biết ông chồng hụt chứ gì!
Em nhào tới bóp cổ tôi:
– Hụt cái gì mà hụt. Thôi, em không thích giỡn mấy chuyện này đâu nghen!
Tôi giả vờ bị nghẹt thở, rên ứ ứ. Em buông tay:
– Mà cũng chưa biết. Vài năm nữa bị ế chắc em về quê ưng ông đó cho rồi.
– Biết lúc đó người ta còn F.A không!
Em quay nhìn ra cửa, đôi mắt mơ màng:
– Ổng nói không cưới được em ổng ở vậy luôn.
Thấy em có vẻ buồn buồn, tôi lãng qua chuyện khác:
– À quên nữa. Cô bé tên Nhàn mà em nói là em kết nghĩa gì đó, chừng nào lại đây ở chung?
– Đầu tháng anh. Nó nói để cho dễ tính tiền nhà. À, hay là anh dọn tới ở với tụi em luôn đi, cho đỡ tiền thuê nhà.
– Đôi bên cùng có lợi hả! Ha ha…Mà được không đó?
– Sợ ai mà không được. Em hỏi mẹ rồi, biết mẹ nói sao không?
– Mẹ nói: no OK.
– Hi hi…trật lất! Mẹ nói vầy nè: Tuỳ con thôi. Mẹ không đồng ý mà tụi bây lén ở tao cũng đâu có biết. Tao thấy nó cũng đàng hoàng. Đã dang dở một lần rồi, lại lớn tuổi nữa, chắc nó biết cách sống mà!
– Cám ơn mẹ!
– Mẹ ai?
– Mẹ của anh.
– Ham lắm. Chưa cho kêu đâu. Hi hi…
Mặc dù mỗi lần buồn em lại đẹp hơn lên, nhưng tôi chỉ thích em vui. Niềm vui của em thật kỳ lạ, chừng như có thể truyền cho người xung quanh, giống như sóng từ trường vậy.
Đâu chừng mười ngày sau, tôi dọn đến ở với em. Nhà thuê khá rộng vì có gác suốt. Nhàn siêng năng, hoà đồng nên tôi và em thương như em ruột. Hai chị em làm chung chỗ nên đi chung một chiếc xe, tiết kiệm được tiền xăng. Tôi làm ở công ty quảng cáo, giờ giấc không giống ai, nhất là khi có show làm phim. Hè, em đưa mẹ và hai đứa em lên chơi cả tháng khiến căn nhà trở thành một mái ấm thật sự, vừa ra đi đã muốn quay về!
Nhưng cuộc đời đâu dễ dàng cho ta cứ mãi vui và hạnh phúc như thế được. Với kinh nghiệm sống của mình, tôi luôn cảnh giác điều này. Có một điều mà có lẽ chúng ta cần nên tin tưởng và làm theo, để có thể ngủ yên giấc hàng đêm, để yên tâm vui sống. Đó là: hãy gieo những hạt mầm tươi tốt và siêng năng chăm bón để gặt lấy những quả chín mọng thơm ngon!
6-
Mùa mưa…
Mới đó mà đã tháng năm. Chúng mình sống với nhau dưới một mái nhà đã được gần một năm rồi hả em? Vùng ngoại thành này không biết từ bao giờ đã trở nên gần lại, gần với chỗ làm của em, của tôi; gần lại với trung tâm giải trí ở tận quận 1, quận 3…Hàng ngày tôi đi, về có khi 2, 3 lần mà đã mất đi cảm giác e ngại vì xa xôi. Em cũng vậy, rảnh việc là chạy về nhà. Em thích sắp xếp, trang trí nhà cửa, thích trồng vài chậu ớt, rau thơm trong khoảng sân 3m2.
Em thích mái ấm này, vì nó đã thuộc về quyền sỡ hữu của em. Hôm trước tết, em đã mua nó bằng tất cả số tiền dành dụm, từ vay mượn bạn bè và từ “phần hùn” của tôi. Nhà mua bằng giấy tay, có bằng khoán đất chung với chủ. Em cũng sợ rủi ro nhưng ông chủ phán một câu khiến em yên dạ: “Nhà này tụi bây ở 20 năm cũng chưa giải toả”. Em bàn với tôi: “Tính tiền thuê nhà 10 năm là bằng giá trị căn nhà này rồi, anh”.
Rời xa gia đình với hai bàn tay trắng, tôi chả biết đào đâu ra tiền để phụ em một tay. Em cũng chỉ hỏi ý kiến tôi về căn nhà chứ không đề cập gì chuyện tiền bạc. Như hiểu được tâm trạng khó xử của tôi, em nắm tay tôi, cười bằng mắt:
– Muốn hùn hông? Em chỉ còn thiếu 30 triệu nữa à!
– Ủa, sao hôm qua nghe em nói với Nhàn là còn thiếu tới 70 triệu?
– Em còn cổ phiếu, bán thì tiếc nhưng cũng phải bán…Đừng nhìn em như vậy. Hi hi…em không biết chơi cổ phiếu gì đâu. Tại nghe lời ông chủ của em thôi.
Chiều hôm đó tôi xin giám đốc công ty cho tạm ứng lương. Số nợ này sẽ trừ dần vào tiền lương các show làm phim quảng cáo. Đến giờ này tôi vẫn còn thầm cám ơn giám đốc của tôi, còn cảm thấy áy náy khi về sau tôi đã bỏ công ty để làm chỗ khác. Tôi sống cũng chưa được tròn đạo nghĩa lắm. Niềm ray rứt này chắc chắn sẽ theo tôi đến hết đời, như là quả báo!
Trời đang chuyển mưa, mây đen nghịt kéo về, gió thốc mạnh từng cơn dập cửa sổ nhà ai nghe rầm rầm không ngớt. Khu xóm xế chiều tự dưng vắng vẻ quá. Hôm nay tôi không có show, cũng không có độ nên sáng giờ nằm nhà đọc truyện.
Mấy ngày nay tôi thường bị những cơn đau bụng quặn thắt đến không thở nổi, khoảng năm, mười phút thì lại hết. Mua thuốc thì tiệm thuốc kêu đi khám đi, chứ biết bệnh gì đâu mà bán thuốc. Lúc nãy vừa mới bị một chập, đau đến xuất mồ hôi hột. Tôi có tiền sử đau dạ dày nhưng lâu rồi, đã trị dứt điểm. Giờ lại đau, mà vị trí đau rõ ràng là bao tử, không phải tim, gan, lá lách…Tôi choàng dậy đi lục thuốc uống. Bỗng nhiên cơn đau lại tái phát, dữ dội hơn. Tôi bò lại chỗ salon, cố gắng lấy chiếc di động trên bàn. Mắt tôi mờ đi, tay như muốn co quắp lại.
– Alo…em…
– Alo…gì đó anh? Em về tới đầu hẽm rồi nè…
Tôi đánh rơi điện thoại nhưng đau quá không thể làm gì khác hơn là ôm bụng kêu rên. Tiếng xe máy đang rất gần, gần lắm. Có lẽ tôi đã bị ngất đi trong giây lát.
Em mở cỗng, dựng xe gấp gáp rồi chạy ào vào nhà, ôm lấy tôi, gào khóc:
– Anh ơi…
Tôi thều thào:
– Đưa anh đi bệnh viện…
Em ghé sát mặt tôi, giọng cố giữ bình tĩnh:
– Dạ…Giờ anh thấy trong người sao hả anh?
– Anh đau bụng quá…giờ bớt rồi…
Em lấy đồ mặc vội cho tôi, dìu tôi ra xe. Tôi khom người bám tay vào cỗng rào sắt, chờ em khoá cửa nhà. Trời bắt đầu đổ mưa.
– Ráng chút nha anh!
Em chở tôi dưới cơn mưa rào rào, chốc chốc lại kéo tay bảo tôi ôm chặt. Tôi đã bớt đau nhưng cả người ê ẩm, gần như bị mất hết sức lực. Mặc chung áo mưa, tôi ngồi như rạp mình vào lưng em, vòng tay ôm rã rời. Vậy mà trong đầu tôi cứ vang lên câu hỏi: “Sao em về đúng lúc thế?”.
Giọng em bị át đi trong tiếng mưa gào, tiếng náo nhiệt của đường phố:
– Ráng lên nha anh, sắp tới bệnh viện rồi!
Tôi vẫn nghe được lời em. Đó là tiếng thì thầm từ con tim yêu đang nóng bỏng.
7-
Tôi nằm viện được gần ba ngày. Siêu âm, nội soi, chụp CT bụng đều cho kết quả bình thường. Cơn đau cũng không còn nữa. Em mừng ra mặt làm tôi có cảm giác được an ủi, yên tâm. Hai đêm rồi em ở lại bệnh viện làm người nuôi bệnh, khuôn mặt gầy sọp đi trông thấy. Thương quá!
Bác sĩ bảo tôi bị hội chứng ruột kích thích, không nguy hiểm nhưng dễ bị tái đi tái lại. Chủ yếu là ăn uống theo chế độ thích hợp và tránh stress. Qua ngày thứ 5 tôi xin xuất viện. Em đi taxi vào đón, tôi làm bộ nhằn:
– Trời, em chở anh được rồi, đi taxi chi cho tốn tiền.
Em cười, ghẹo lại:
– Anh trả mà, lo gì. Hi hi…
Tôi về, nằm nhà nghỉ ngơi vì cũng may là chưa có show làm. Em bắt đầu nấu những bữa ăn hàng ngày cho tôi. Nào giờ em toàn ăn cơm tiệm, đâu biết nấu ăn. Chỉ thỉnh thoảng chiên trứng hay nấu mì gói, ăn đồ hộp ở nhà. Vậy mà không biết học ở đâu, em lại làm món thịt kho trứng ăn ngon quá. Nghe tôi khen, em cười trố mắt:
– Thiệt hả anh?
– Thiệt.
– Vậy ăn ít ít, để dành tối mai em về ăn chung nhé. Em học cách làm trên mạng đó.
Những ngày tiếp theo em làm mấy món khác như: khổ qua xào trứng, canh khổ qua dồn thịt, bò xào củ hành…Em thật sáng dạ và có khiếu. Có điều, thấy em đi làm về trễ quá mà còn phải lui cui chuyện bếp núc, tôi chạnh lòng, dự tính nói dối là mai đi làm để em khỏi nấu ăn nữa.
Nhưng điều đáng nói nhất là em làm mọi việc bằng tâm trạng vô cùng thoải mái. Đó cũng là điều tôi cảm thấy rất lạ và cất công tìm hiểu. Lúc đầu tôi nghĩ em chỉ giả bộ vui cho tôi yên lòng thôi, nhưng không phải. Vả chăng, em cũng không cần thiết phải làm vậy. Bí quá, tôi đành hỏi thẳng, em lại mĩm cười, nụ cười luôn làm tôi xao xuyến:
– Em vui thiệt đó. Nhờ lo cho anh mà em biết nấu ăn ngon. Đang định tối mai nấu chè nữa nè.
Nhàn đã có bạn trai nên đi làm bằng xe riêng và thường về muộn. Nhưng em nói tối mai Nhàn sẽ phụ em nấu chè và có mời bạn trai lại nhà chơi. Chè gì thì em giữ bí mật, nhưng “gấu” của Nhàn thì em cho biết:
– Anh ấy tên Vinh, làm phiên dịch cho một đội bóng có huấn luyện viên nước ngoài. Tánh tình được lắm. Nhàn thiệt có phước mới quen được con gấu này.
Nghe em dùng từ facebook, tôi phì cười:
– Thôi được roài, dọn cơm ăn đi tềnh iu!
– Êh, một sự mất hứng không hề nhẹ nha…
– Ha ha…
Ước gì cuộc sống lứa đôi của mọi người đều được vui hoài như chúng tôi vậy nhỉ! À quên, đang kể chuyện mà bày đặt chảnh như vầy thế nào cũng bị ném đá.
“Tiệc chè” đã đến. Đúng như em nói, gấu của Nhàn thật dễ thương. Vinh hơn Nhàn 4 tuổi, trông nhanh nhẹn và khá handsome. Có lẽ gọi tôi bằng anh theo Nhàn không được thuận miệng cho lắm nên Vinh cứ gọi là đại ca suốt khiến Nhàn cũng phải bật cười:
– Kêu đại ca làm người ngoài tưởng anh Tư là trùm băng đảng đó. Hi hi…
Mãi mà tôi vẫn không để ý Nhàn gọi mình là anh Tư . Hèn gì tôi thấy em cứ nhìn tôi kiểu như để dò xét thái độ, đến nỗi tôi phải hỏi:
– Ủa, nhìn gì zạ cô chủ?
Em ghé sát tai tôi thì thầm:
– Nhàn nó gọi anh là anh Tư rồi kìa.
Đúng là một buổi tối vui theo rất nhiều nghĩa. Tự dưng tôi bị ngã theo chiều hướng siêu hình, nghĩ rằng sự hiện diện của Vinh là một điều may mắn cho tôi. Câu chuyện của chúng tôi từ đó chuyển sang hai đề tài: bóng đá và sinh ngữ!
Những tưởng Nhàn và Vinh sẽ là một cặp đôi hoàn hảo, ai ngờ chưa đầy hai tháng đã nghe em than với tôi:
– Nhàn nó kỳ quá anh ơi. Hai đứa tụi nó chia tay rồi!
Tôi kinh ngạc:
– Ủa sao kỳ vậy?
– Tại Nhàn vội vàng quá, cứ đem chuyện vật chất ra “hù doạ” anh Vinh hoài.
– Hù doạ là sao em?
– Thì cứ đòi mua đồ này nọ mắc tiền, đi ăn uống cũng phải nhà hàng sang trọng, anh Vinh chở đi chơi bằng xe Air Blade thấy cũng được rồi mà cứ xúi ảnh đổi SH. Mệt nó ghê!
Tôi trầm ngâm:
– Theo anh nhận xét là Vinh cũng thuộc gia đình khá giả đó, nhưng qua trò chuyện anh biết nó thích sống tự lập hơn.
– Giờ chắc anh ấy thất vọng về Nhàn lắm. Con gái ai lại không thích lấy chồng giàu. Nhưng cách xử sự như Nhàn thật lộ liễu quá. Em khuyên nó không được!
Tôi nhìn em, ngạc nhiên. Ý tứ, tình cảm, sự chu đáo, nỗi lo toan toát ra bên ngoài của em thật không tương xứng với độ tuổi còn quá trẻ. Có lần tôi đã nói cho em nghe về điều này, em chợt ôm ghì lấy tôi và thủ thỉ:
– Mẹ em cũng nói như anh vậy. Và mẹ sợ. Ai đó bảo rằng thông minh quá rốt cuộc rồi sẽ khổ. Anh thấy em thông minh lắm sao? Em thì chỉ thấy mình hiểu biết trước tuổi thôi. Có lẽ vì vậy mà em không thể nào yêu người cùng trang lứa được, vì gần gũi họ em luôn thấy mình hơn hẳn về phương diện nhận thức chân lý…
Em nói, từng lời như phả vào hồn tôi, khiến tôi lặng người đi vì xúc động. Đúng là cuộc đời em sẽ khổ, nếu không muốn nói là bất hạnh, vì em đã gặp tôi, một kẻ già đời si tình mơ mộng. Tôi thật có lỗi với em, có lỗi vì đã yêu em. Không! Tôi không có quyền khoá lại cánh cửa tương lai của em, nhốt em trong ngục tù yêu đương mù quáng. Tôi sẽ ra đi, nhưng không giống Vinh đối với Nhàn, tôi cần một cuộc chia tay tự nguyện!…

8-
Không nói ra nhưng tôi và em đều biết, sẽ không ai tin chúng tôi sống chung với nhau hạnh phúc như thế mà chưa từng một lần vượt qua giới hạn.
Có lẽ điều cản trở trước tiên, nếu có thể dùng từ này, đó là do tôi quá thương hai người mẹ. Mẹ em thì hiền lành chất phác còn mẹ tôi lại quá nhân hậu và quá tin tưởng con mình. Thứ đến là tôi tin có quả báo. Tôi có hai đứa con, và tôi không bao giờ có thể làm chuyện gì đó thất đức làm ảnh hưởng đến con mình.
Mặc dù em chưa hề đề cập đến quá khứ của mình – đã từng có người yêu chưa, có còn là con gái không – tôi vẫn chưa bao giờ tò mò thắc mắc. Tôi nghĩ rằng mình không đủ tư cách để tìm hiểu. Không phải tôi mặc cảm, mà chẳng qua tôi cho rằng những chuyện đó là vô nghĩa. Ngược lại, em cũng chưa lần hỏi chuyện quá khứ của tôi. Tôi lờ mờ nhận ra quan niệm sống của em chính là Nhìn Về Phía Trước.
Lửa gần rơm khiến cho lắm lúc xảy đến những xúc cảm không cưỡng lại được, nhưng tất cả đều dừng lại ở mức độ khám phá thân thể. Có khi em kêu khẽ lên hốt hoảng: “Anh ơi, em sợ…có con” khiến tôi như bừng tỉnh. Em đẹp quá! Một tấm thân không tì vết và căng tràn nhựa sống.
Ý tưởng chia tay cứ ám ảnh tôi mãi. Càng ngày, cứ nhìn thấy em là tôi lại cảm thấy tội nghiệp. Em càng âu yếm tôi, nỗi thương cảm trong tôi càng bừng dậy. Tôi thật quá khổ tâm với chính mình. Lắm lúc tôi tức giận tự rủa mình tại sao không bỏ đi cho rồi, còn bày đặt chuyện tình yêu cao thượng làm gì. Nhưng, tôi hiểu rằng, với ai thì được, với em thì không thể!
Cuối cùng thì tôi cũng tìm ra được một phương cách, hay có thể gọi là một kế sách cho sự chia tay tự nguyện, không ai bị tổn thương.
Tối hôm đó Nhàn đi chơi không về, tôi vào với em theo yêu cầu: ca cải lương cho em ngủ. Riêng vụ ca hát này đã là một chuyện lạ, là tôi ca dở ẹt vậy mà em cũng ngủ được.
Đầu tiên tôi hát trích đoạn tuồng “Quỉ bảo”, tuồng này em thích ngay chỗ tung độc chưởng “Đông kim chỉ” của Hoàng Thượng Chí, tôi đánh lưỡi “Rừ…ừ…”:
– Trong ba độc chưởng, ta đã thắng một…Ta đã thắng một!…Dù thắng được một, ta vẫn chưa giết được kẻ thù!…
Đêm nay tôi ca trích đoạn mới “Tiếng Hạc Trong Trăng”:
– Xuyên Lan ơi, tuổi anh đã vào thu đời buồn hơn nguyệt xế. Nghĩa tào khang một lần dang dở, anh chẳng màng chi người quê kẻ chợ chẳng màng chi má đỏ môi…hồng!
Bỗng hôm nay bèo nước tương phùng.
Giọt nước trường giang tưởng một lòng quay về biển, để trọn tình thương mến của đại dương. Chợt nghe tiếng hồ đẹp giữa rừng nên chạnh tình lưu luyến.
Kể từ đây nước không xuôi về biển, mà ở lại với hồ kia để xây giấc mộng yên lành…
Nghe tới đây tự nhiên em ngồi bật dậy:
– Ủa, bài này anh chế hả anh?
– Trời, anh chế sao nỗi.
– Sao em thấy nó giống anh và em quá!
Em nói xong, vòng tay ôm cổ tôi kéo nằm xuống. Đã tính trước, tôi thì thầm vào tai em:
– Mình làm đám cưới đi em!
Em đẩy mặt tôi ra để nhìn cho rõ:
– Anh nói gì hả anh?
– Anh muốn cưới em!
Em cười giả lả:
– Ngay và luôn hả anh! Hi hi…
Tôi không cười, giọng nghiêm túc:
– Anh nói thiệt đó.
Em im lặng một lát rồi nói, đầu cúi thấp:
– Anh chờ em một thời gian nữa được không anh? Em cần sự đồng ý của tất cả người thân của em. Em còn bà ngoại. Mấy dì nữa. Ngoại khó tánh lắm.
– Anh sẽ về gặp tất cả người thân của em để thuyết phục. Nếu không được anh sẽ…
– Đừng anh. Hãy cho em thời gian. Bây giờ em chưa tự tin lắm. Có thể 1, 2 năm nữa em sẽ tự mình quyết định.
– Anh đang tự cười chính mình. Bây giờ giống như anh là một cô gái già sợ bị ế nên nài nỉ người ta cưới. Em trưởng thành rồi, còn sợ chi những chuyện không đáng. Anh nói rồi, nếu không thuyết phục được gia đình em thì đó là lỗi tại anh, anh sẽ rời xa em, chúng mình sẽ chia tay vui vẻ…
– Anh làm em thất vọng quá! Chia tay mà anh nói là vui vẻ. Hôm nay người đang ngồi đây không phải là người em đã từng yêu và kính trọng. Hãy nói cho em biết: thật ra anh đang muốn gì?
Tôi đờ người ra, không biết nói thêm lời nào nữa. Trời ạ! Sao em thông minh đến thế. Hình như em đang đi guốc trong bụng tôi thì phải.
– Anh muốn chia tay để em có thể lấy được người chồng vừa trang phải lứa chứ gì? Anh ơi, em đã từng nói với anh những gì? Em không cần anh thương hại đâu. Em chỉ cần tình yêu. Nếu anh không có tình yêu thì cứ đi đi, em không ngăn cản và níu kéo.
Lần đầu tiên em nói một câu dài và mang hơi hướm của sự giận dữ, dù giọng nói của em vẫn nhẹ nhàng, xúc động. Bất chợt em nấc lên và ôm ghì lấy tôi. Nước mắt em thấm đẫm vai tôi. Lần thứ hai tôi nhìn thấy em khóc. Lần đầu là trong quán nước sau khi bị đánh ghen. Bao kỹ niệm nồng ấm bên nhau ùa về trong tôi để tôi cảm nhận ra mình mới chính là người che chở. Em ơi, anh yêu em lắm!…
9-
Có lúc tôi ngồi ngẫm lại và tự hỏi mình: Sao tôi lại biết trước là khi cầu hôn sẽ bị em từ chối? Lỡ em đồng ý thì sao?
Thật ra câu hỏi này cũng khá đơn giản nên rất dễ trả lời: Tôi biết trong mối quan hệ với tôi, em luôn chủ động: ai nghĩ gì thì nghĩ, biết được tới đâu thì biết, còn em không bao giờ kể. Làm đám cưới có nghĩa là thú nhận hết, đó là điều em chưa muốn. Còn tại sao chưa thì ngay lúc đó tôi không nghĩ ra.
Mổ xẻ bản chất của em dựa trên những hiểu biết về phụ nữ thông thường sẽ bị lâm vào ngõ cụt, vì tôi bảo đảm em không giống bất cứ người phụ nữ thông thường nào. Em là một cô gái cực kỳ đặc biệt. Sống chung với em càng lâu, những nét đặc biệt đó mới ngày một lộ dần ra. Như quan niệm về yêu đương chẳng hạn. Phải chăng tôi thật may mắn khi được em yêu? Có thể nói như vậy, vì tôi chẳng là gì cả. Tôi nhớ trước em tôi cũng đã gặp một cô trẻ tuổi, có chút nhan sắc nhưng đã vội chia tay chỉ vì một câu nói của mẹ cô ấy: – Con còn trẻ lắm, coi chừng mai mốt phải nuôi một ông già đó! Cô bé thật thà kể cho tôi nghe. Tôi cười bảo mẹ em nói đúng, còn em thì sao? Cô ấy nói, em tiếc là tuổi xuân của anh đã dành cho người khác hết rồi. Giờ mình sống bên nhau không còn bao lâu nữa. Trời ạ, thì em sống với anh cho hết kiếp này…của anh đi. Ha ha ha…
Vậy là chúng tôi chính thức sống như cặp vợ chồng không cưới hỏi. Nhàn bắt đầu ngủ riêng, nhường chỗ cho tôi. Bạn bè của hai bên dần dần cũng biết ra, ai cũng mừng cho chúng tôi. Tôi có anh bạn không thân lắm, rất giàu có, bữa kia mời chúng tôi đi ăn rồi đi hát, em bảo:
– Nhà tụi em xa lắm, không dám về khuya, chắc lát không đi hát được!
Anh bạn cười:
– Yên tâm đi, lát hát xong anh hộ tống tụi em về!
Anh ấy nói là giữ lời. Karaoke chán chê thì cũng đã hơn 11 giờ đêm. Chúng tôi ra về và được xe ô tô 5 chỗ của anh theo hộ tống tới tận đầu hẽm.
Về tới nhà em khều tôi, cười hỏi:
– Nè, bạn anh sao nhiều người giàu quá vậy, chỉ có anh là nghèo hà?
– Nhưng họ đâu có vợ trẻ đẹp như anh!
– Trả lời hay lắm. Hi hi. Lát em sẽ thưởng anh bằng một chầu…nặn mụn. Hổm rày mặt nổi nhiều mụn lắm nha đại ka!
Tôi vừa phát hiện ra em thích tôi còn vì tôi có khiếu hài hước. Nếu một ngày nào đó năng khiếu này mất đi, có lẽ…có lẽ…Tôi không dám nghĩ tiếp nữa. Không còn như trước đây, lúc này tôi rất âu lo khi nghĩ đến ngày chia tay, rất âu lo khi nghĩ đến ngày bị mất em vào tay người khác. Trời ạ, tôi ghen sao? Tôi ghét nhất là chữ “ghen” mà, chính nó đã phá huỷ biết bao mái nhà hạnh phúc!
Trước giờ tôi và em sống rất thoải mái, không ai thắc mắc về sinh hoạt riêng tư của đối phương. Tuy vậy, thỉnh thoảng em có đi đâu sớm hay về trễ đều tự động cho tôi biết lý do. Có lần em nói:
– Có anh bạn rủ em tối nay cà phê nên chắc về trễ lắm.
– Bồ cũ hả em?
– Sao anh hay vậy! Đúng đó. Anh này hồi trước đòi cưới mà em không chịu vì mẹ ảnh bắt về quê làm dâu. Tháng sau anh ấy lấy vợ rồi nên muốn gặp em lần cuối.
– Ok em, bảo trọng nhé!
Đêm hôm đó về đến nhà, em đi tắm thì điện thoại có tin nhắn, em kêu vọng ra:
– Anh coi dùm em ai nhắn gì kìa.
Tôi cười he he:
– Em kêu đó nha!
Rồi tôi mở máy, tin nhắn của người nào đó tên Trung:
“Cám ơn em đã dám đi xem phim với anh!”.
Em la lên, giọng ngạc nhiên trách móc:
– Trời, nhắn vậy đó hả! Ông này muốn đốt nhà người ta mà!
Lát sau em giải thích:
– Ảnh rủ em cà phê, đi nửa đường ngang qua rạp thấy phim hay quá nên đổi ý.
Tôi cười:
– Rốt cuộc em biết phim nói về nội dung gì không?
Em thật thà:
– Phim nói về một điệp viên không may bị lộ…
Nhìn vẻ mặt của tôi, em phát hiện điều gì đó nên ngưng lại, đấm vai tôi đau điếng:
– Ạ, hỏi xiên xỏ người ta chứ gì! Thấy ghét.
Đó là chuyện trước kia, còn bây giờ:
– Chủ nhật này em xin nghỉ để đi chụp hình ở Suối Tiên chơi. Có anh kia quen, là nhiếp ảnh gia cũng có tiếng lắm hứa làm cho em một album.
– Cho anh đi với!
– Thôi ông! Ông đi theo người ta ngại không chịu chụp là mất cơ hội của tui đó.
Bữa đó em đi sớm lắm. Đến trưa tôi nhắn tin không thấy trả lời nên điện luôn. Chuông reo hoài em không bắt máy. Tôi bực mình lắm. Đang đi show mà tâm trạng không vui nên bị đồng nghiệp chọc ghẹo khiến tôi càng bực hơn, đâm ra nghi ngờ này nọ.
Đến khoảng 4 giờ chiều thì điện thoại reo báo có tin nhắn. Tôi mở lên thấy em ghi chỉ có mấy chữ: “Đang chụp hình mà anh nhắn tin em không coi được. Giờ nghỉ ăn chút rồi chụp tiếp”.
Tức gì đâu! Cũng chẳng thèm hỏi thăm mình một câu.
Tối đó em về, tôi làm mặt lạnh không nói chuyện. Đó là lần đầu tiên tôi tỏ thái độ ghen tuông. Em theo làm hoà mãi mà không được nên mặt mày buồn thiu, bỏ đi ngủ.
Tôi cũng không ngờ mình lại biến đổi nhanh như vậy. Những gì trước đây tôi đều thoải mái cho qua thì bây giờ tôi đều hạch sách, gặn hỏi và nói năng móc ngoé. Đã bắt đầu có những cuộc cải vả, giận hờn càng làm tôi thêm khổ tâm. Càng ngày em càng tìm cách né tránh chuyện gần gũi. Thái độ này của em càng đào sâu thêm khoảng cách.
Và đây là lời trách móc đầu tiên em dành cho tôi kể từ ngày hai đứa quen nhau:
– Anh bây giờ đã đổi khác, không còn là người đàn ông hài hước, vị tha mà em đã từng yêu nữa!
Nhìn vẻ mặt lạnh lùng đến gần như tuyệt vọng của em cộng với ánh mắt buồn u ẩn mà lòng tôi se thắt. Tôi muốn nói lời thì thầm xin lỗi nhưng không hiểu sao cứ ngần ngừ không phát ra được âm thanh.
10-
Đoạn trước tôi có thuật lại sự việc tôi ngạc nhiên không hiểu vì sao em lại về nhà ngay lúc tôi bị ngất đi vì cơn đau bụng bột phát. Thật ra lời giải thích của em thật đơn giản, mặc dù khiến tôi không khỏi có chút hoài nghi: Do giác quan thứ sáu! Bữa đó em đi làm nhưng trong lòng không yên, cứ linh tính về một điều gì đó chẳng lành sẽ xảy đến. Nhắn tin cho tôi mà không thấy hồi âm, gọi điện thì tôi không bắt máy, em lo quá nên xin phép về.
Lần khác, tôi đi quay Long Hải, em nhắn tin nói không hiểu sao sáng giờ cứ lo lo trong dạ, không muốn về nhà. Nhàn thì về quê có việc. Tôi trấn an:
– Không có gì đâu em. Quay cũng sắp xong rồi, để anh xin về trước. Tối khoảng 9 giờ anh đến shop em rồi mình về chung nhé.
Đêm đó em đi ngủ trước, tôi mở mạng online. Đột nhiên nghe em rú lên thất thanh:
– Anh ơi, con gì ghê quá!
Tôi chạy lên gác, trông thấy em đang ngồi thu mình một góc, vẻ mặt đầy sợ hãi. Em chỉ tay vào tấm nệm:
– Hình…như…con…rắn!
Tôi cũng hoảng hồn, một tay vớ lấy cây chổi bông cỏ, tay kia chụp được bình xịt muỗi, định đạp tấm nệm qua một bên. Ai dè từ góc ngoài cùng nơi tấm nệm tiếp giáp với tủ quần áo, một con rít màu nâu sậm gớm ghiếc, to và dài bằng cỡ chiếc đũa, đang loe ngoe, uốn éo chui lên. Tôi trở cán chổi đập đầu nó, tay kia bấm bình xịt. Hình như hơi thuốc xịt làm nó choáng váng nên vẫy vùng loạn xạ. Nó định chui trở xuống nệm nhưng em đã la lên:
– Lấy bình xịt đập nó, anh!
Tôi nghe lời em, quăng cây chổi, dùng tay phải cầm bình xịt ấn nghiến xuống mình nó. Mình nó bị đứt ra làm hai rồi mà tôi vì sợ pha lẫn tức giận nên cứ dập xuống mãi. Con rít khốn kiếp nát ra mấy khúc. Tôi ngồi xuống thở dốc vì hồi hộp.
Em có giác quan thứ sáu thật, còn rất nhạy nữa.
Cãi nhau, làm hoà rồi lại cãi nhau tiếp, toàn là do tôi với những lý do ghen tuông bóng gió. Riết rồi đâm chán nản nên một hôm em bảo:
– Anh. Hay là mình đừng ở chung nữa. Gặp nhau thì vẫn gặp nhưng mỗi người nên ở một nơi. Em mệt mõi lắm rồi, muốn có một không gian riêng để thở.
Đến nước này thì tôi không đồng ý cũng không được. Tôi bảo em để tôi đi tìm nhà. Nhàn lần đầu tiên có ý kiến:
– Hai người kỳ quá. Biết vậy sao hồi đó đến với nhau làm gì.
Nhàn nói như trẻ con, chúng tôi không ai để ý. Nhưng riêng tôi cảm thấy hối hận. Từ bữa đó tôi hay tự trách mình, có khi tự sỉ vả mình rất nặng. Tôi đã quên lời mẹ em từng nói: em thương tôi, ngoài tình cảm nam nữ còn pha lẫn cả tình cha con. Làm chồng không được mà làm cha cũng chẳng nên thân.
Nỗi ray rứt vì yêu thương và lầm lỗi cứ đeo đẳng tôi. Rồi tôi chợt nghĩ lúc này chính là cơ hội để tôi trả em về với cuộc sống bình thường của một cô gái đang tuổi trưởng thành. Em cần phải lấy chồng, sinh con. Còn tôi là người của một thế giới khác, thế giới của những con người nên an phận. Có thể em sẽ mắng tôi là tên đạo đức giả, một gã đàn ông ích kỹ đến hèn hạ. Nhưng tôi chấp nhận tất cả, vì từ thâm tâm tôi, tôi đang rất yêu thương và tội nghiệp cho chính bản thân mình. Xa em, chính tôi mới là kẻ tuyệt vọng và cánh cửa cuộc đời tôi sẽ khép lại từ đây.
Em đối xử với tôi vẫn bình thường như trước. Vẩn tâm sự, kể chuyện ở tiệm tóc và vẫn…ngủ chung. Có điều, em ít sôi nổi như xưa. Em thật tốt tính, chưa bao giờ thù hằn, hờn giận ai lâu, thường tìm cách né tránh những kẻ mình không thích.
Tôi đã tìm được chỗ ở mới nhưng giấu địa chỉ, không cho em biết. Đó là một căn nhà nhỏ ven kênh rạch, cách nhà em không xa nhưng phải đi bằng một con hẽm khác, độc lập. Thật ra tôi cũng không muốn ở trong khu vực này lâu, vì buồn quá, nhất là trước mắt sẽ là những tháng ngày cô độc. Tôi phải ở đây, gần nhà em, mới có thể từ từ xoa dịu được tâm hồn. Phải nói là để đối phó với cú sốc của đời mình mới đúng. Tôi đã có dự định của riêng mình, là đổi số sim, dặn dò đồng nghiệp trong công ty (dù em chưa biết công ty tôi ở đâu) và tìm cách né tránh cơ hội gặp mặt. Có lúc tôi tự cười chế giễu mình: né tránh làm gì! Biết đâu người ta cũng đâu muốn gặp lại mình nữa! Nghĩ đến đây, lòng tôi đau như cắt. Không, không! Nghĩ vậy là tôi chưa hiểu em. Em không phải là người như vậy. Chỉ tại tôi thôi!
Để khỏi sa vào vòng lẩn thẩn tôi quyết định nói với em:
– Anh sẽ nghỉ làm, về quê ở luôn. Mẹ anh sống dưới quê cũng neo đơn lắm.
Em hốt hoảng:
– Không được. Em nói rồi, mình chỉ không ở chung một nhà thôi, mọi quan hệ vẫn bình thường mà. Anh không được nghỉ làm, không được về quê đâu đó. Mình cần có thời gian để suy nghĩ cho tương lai.
– Anh nghĩ là chúng mình cần chia tay để em tìm kiếm một hạnh phúc khác.
– Anh muốn em lấy chồng chứ gì. Được, hãy sống bên cạnh em để tìm cho em, hoặc em sẽ tìm và anh có ý kiến. Em cần anh, thiệt đó.
– Để anh suy nghĩ lại.
Em siết tay tôi:
– Hãy là người đàn ông mà em mãi mãi yêu kính nha anh!
Đã quá muộn màng rồi. Những việc tôi làm, cách tôi đối xử với em đã khiến chính tôi bị tổn thương. Lòng tự trọng của một người đàn ông không cho phép tôi tự tha thứ cho mình. Tôi nhủ thầm mà như nói với em: “Hãy quên anh đi, như quên một người không xứng đáng!”.
11-
Tôi muốn kết thúc câu chuyện này thật nhanh, vì nó đã bắt đầu tới những trang buồn thảm. Mà các tình iu của tôi ai nấy cũng đều còn rất trẻ, có bạn còn đang ở tuổi teen, cần phải vui là chính, để có niềm tin vào cuộc sống.
Nhưng cũng không sao. Mình có thể cho câu chuyện một kết thúc khác, có hậu và vui hơn được mà. Hãy giữ đoạn kết thật của câu chuyện cho riêng mình, để ấp ủ nó từng đêm, để luyến tiếc, để tự vấn lương tâm mình trong những năm tháng còn lại của một kiếp đời cô độc!
Một sự trả giá?
Không thể nào!
Tôi luôn sống thật với con người của mình. Tôi không bao che, dung túng cho sự sai trái của bản thân. Tôi luôn đối đầu với sự bất công do chính mình mang lại cho kẻ khác. Và cuối cùng tôi luôn chiến thắng chính tôi.
Trong lúc tôi chuẩn bị tự trừng phạt mình, chuẩn bị ra đi thì em mang về cho tôi một tin mới đầy bất ngờ thú vị:
– Anh khoan dọn đi nha anh. Em vừa điện thoại với mẹ. Em sẽ xin nghĩ khoảng một tháng để về quê sửa nhà cho xong trước mùa mưa này.
Rồi em về quê. Ngày nào em cũng nhắn tin với tôi, có khi khuya vẫn nhắn. Em nói là rất vui vì làm việc có ích cho gia đình. Em khoe còn kiếm được việc làm cho mẹ và các em nữa, đó là nuôi một bầy gà con.
Vài hôm sau em nhắn một tin quan trọng, tôi xem mà buồn vui lẫn lộn. Em bảo dì Chín dẫn con trai út qua hỏi cưới em cho nó. Em và mẹ bàn qua tính lại cả đêm mà chưa biết trả lời dì Chín thế nào. Em bảo tôi cho ý kiến. Tôi trả lời ngay không do dự:
– Anh nghe em kể về thằng đó rồi. Nếu em có thể làm lại một cô gái quê như hồi nhỏ thì nên đồng ý. Anh chỉ sợ em không thể bỏ được Saigon!
Chưa được trọn tháng em đã báo tin vì thương mẹ và vì nghe lời anh, em đã đồng ý chuyện cưới gã. Tôi bị choáng và hụt hẫng cho dù đã tự mình làm công tác tư tưởng cho mình lâu nay. Có lẽ do tôi không ngờ sự việc lại tiến triển nhanh quá, ngoài dự đoán của tôi. Tôi nhắn tin chúc mừng em, không quên dặn dò em mọi việc phải thật cẩn trọng, vì hôn nhân không phải chuyện có thể giỡn chơi.
Nhàn đã có bạn trai mới, đi chơi vắng nhà suốt. Hôm nghe tin em nhắn sắp lấy chồng Nhàn chưng hửng hỏi tôi:
– Ủa, sao chị Tư nhắn tin…
– Tháng sau làm đám hỏi phải không?
– Anh biết rồi hả? Sao kỳ vậy? Em tưởng…
– Anh và chị Tư em chỉ còn coi nhau như bạn thôi. Lâu rồi.
Tôi nói xong chờ xem phản ứng tiếp theo của Nhàn, ai dè chỉ nghe phán một câu trớt quớt:
– Thôi vậy cũng được đi.
Gần đến ngày em trở lên Saigon, tôi báo với Nhàn rồi dọn nhà. Tôi mua một sim di động mới, báo cho gia đình và bạn bè rồi khoá sim cũ. Tin nhắn của em còn sót lại trên máy đó là một tin rất dài, nhắn vào lúc 2h30 sáng, nội dung tóm tắt: em lấy chồng là vì mẹ em và vì tôi. Sau đám cưới hai vợ chồng em sẽ lên Saigon làm ăn sinh sống. Chồng em sẽ cùng em mở một tiệm tóc nhỏ và em sẽ là cô chủ nhỏ. Em muốn tôi sẽ mãi mãi là người bạn, người anh tốt của em. Em không nghĩ như mẹ, không muốn tôi là người cha tốt của em, chỉ mong tôi mãi là người cha thật tốt của hai đứa con tôi. Những dòng cuối em dành cho tôi chính là ký tự trái tim. Tiếp theo là icon

tượng trưng cho khuôn mặt buồn và giọt nước mắt.
12-
Xe dừng ngay chỗ con đường chia làm ba nhánh, như ba ngón tay xoè ra, đi thẳng là đường nhựa lớn, bên trái là hai đường hẽm rộng có ngôi chùa cổ trấn ngay giữa, cây cối um tùm.
Tôi sang đường, băng ngang qua đường ray tàu hoả, đi một mạch vào con hẽm sâu hun hút. Nắng chiều xuyên qua những tàn cây rậm rạp, lấp lánh những mảnh đồng tiền. Con hẽm dần ngắn lại, bên trái san sát những căn nhà tường xây, mái tôn cũ kỹ, bên phải đối diện cũng có những mái nhà nằm ven một dòng kênh dập dềnh lục bình chiều nước lớn. Nhà tôi thuê nằm ở cuối dãy, nếu đi sâu vào nữa là khu đất trống đang san nền và một ngôi nhà cổ nhiều cây xanh, cây kiễng.
Tôi vừa theo xe của đoàn phim, quá giang về nhà. Đoàn quay Long Hải xong từ trưa, cho anh em đi chợ mua đồ hải sản giờ mới về tới Saigon. Nếu còn ở với em có lẽ tôi sẽ mua vài ký ghẹ vì em rất thích. Còn bây giờ thì…
Tôi vào nhà, quăng chiếc túi du lịch lên salon rồi bắc ghế ra ngồi trước sân hút thuốc. Trời xuống nắng nhanh và mây đen vần vũ. Hổm rày trời cứ thế chứ chưa mưa. Tôi thích những trận mưa đầu mùa, ào qua, mau tạnh, có khi lát sau lại có một cơn mưa kế tiếp.
Tôi gần như cắt đứt liên lạc với em, tính ra cũng gần hai tháng. Nói “gần như” vì cũng có đôi lần về giữa đêm khuya, nỗi nhớ thương da diết đã xui khiến tôi chạy xe vào hẽm cũ, nhìn từ xa xa ánh đèn nhà em còn đang sáng rồi lặng lẽ quay về.
Phải chăng tôi đã tự làm khổ mình, chỉ vì mong em được hạnh phúc? Không, không thể nghĩ đơn giản như vậy được. Hạnh phúc vốn mong manh, chỉ có tình yêu mới là vĩnh cửu! Tôi đã cùng em sẽ chia những tháng ngày hạnh phúc, có lúc tưởng chừng như đã bão hoà. Em còn quá trẻ chưa suy nghĩ thấu đáo đã đành, còn tôi chưa phải già mà đã sinh lú lẫn. Tôi cứ mãi chủ quan, tưởng hạnh phúc là cái kho vô tận, là một loại ngân quỹ gia đình xài hoài không hết nên không biết chắt chiu, vun vén. Nỗi khổ tâm, tự dằn vật mình càng tăng lên khi tôi chợt nghĩ đến điều này: đây là lần thứ hai tôi vấp ngã! Tôi lắc đầu chán ngán bản thân mình. Không còn gì để biện hộ nữa.
Điện thoại reo, tôi cầm lên xem và thấy số của Vinh:
– Đại ca hả…Sorry nha…em không thể làm khác hơn được…có người muốn nói chuyện với đại ca nè…
Tôi chưa kịp nói gì thì đã giật bắn người khi nghe giọng nói của em, có chút gì đó pha lẫn giữa nổi vui mừng, nghẹn ngào và trách móc:
– Anh đang ở đâu? Em muốn gặp!
Tôi sững người, chết lặng. Giọng em van nài, tha thiết:
– Gặp lần cuối cùng cũng được!
Tôi xúc động buột miệng:
– Grammy, tối nay 7g nha em.
– Dạ!
Tôi thừ người ra, đầu óc như rỗng tuếch sau diễn biến bất ngờ, hồi lâu mới định thần lại được. Tôi nghĩ về Vinh và không biết nên trách hay cám ơn nó nữa. Gần đây tôi tình cờ gặp Vinh ở Ciao cafe và được biết Vinh đang là giám đốc marketing cho công ty kinh doanh mỹ phẩm nổi tiếng, đang có nhu cầu làm một mẫu 30 giây phim quảng cáo. Vậy là tôi cho Vinh số liên lạc mới. Thật không ngờ…Phải chăng đó là số mạng?
Chiều tối hôm đó em nhắn tin xin lỗi không đến gặp tôi được. Tôi nửa mừng nữa lo. Em viết: “Hôm nay là đám hỏi của em, nhưng em đã trốn lên Saigon, coi như một hình thức từ hôn. Cả đàng trai đang truy lùng em ráo riết. Em nghĩ trong những ngày này không tiện gặp anh vì không muốn họ tạo rắc rối cho anh.
Anh ơi, em không có lỗi. Đó là do họ lừa dối em. Đến giờ phút cuối họ bắt em phải làm dâu, nói câu nào ra cũng ngược lại với những gì đã hứa với em lúc đầu. Em có thể không cần trốn lánh mà hoàn toàn có quyền đứng trước bà con để tuyên bố huỷ hôn vì lý do họ bội ước. Nhưng em không thể làm được vậy. Em thương mẹ quá, và em cũng chỉ là một cô gái nhút nhát…”
Tôi bàng hoàng như vừa phát hiện ra mình bị mất cắp. Ai đó đã lấy đi mất bản kế hoạch của tôi, kế hoạch về một tương lai khác cho em cũng như cho chính mình. Tôi ngồi bệt xuống sàn nhà, lòng chua xót, uất nghẹn. Thương em quá nhưng giờ tôi đâu biết làm gì. Mọi suy tính đều dẫn đến bế tắc.
THAY LỜI KẾT
Nhiều đêm tiếp theo không ngủ được, tôi thường lang thang trên mạng. Nhớ mới hôm nào tôi tạo cho em một địa chỉ facebook nhưng em chỉ vào vài lần rồi bỏ, có lẽ em không thích hơn là vì bận bịu công việc. Thỉnh thoảng tôi có tag em trên status hay tấm hình nào đó. Em cũng chỉ liếc sơ qua khi tôi đưa cho xem, mĩm cười với tôi, rồi thôi. Em là như vậy, chỉ ham làm kiếm tiền và phấn đấu cho hoài bão.
Tôi nhắn tin cho em nhưng không thấy trả lời. Gọi máy thì không liên lạc được. “Chắc cũng không đến đỗi nào đâu” – tôi nhủ thầm – “Rồi mọi chuyện cũng sẽ ổn thôi. Em sẽ trở lại cuộc sống bình thường như trước đây. Không ai có thể làm khó được em vì em luôn chứng tỏ là người quyết đoán”.
Lúc này tình thế đã đảo ngược: không phải tôi mà chính em mới là người chủ động trong liên lạc. Kế hoạch trốn tránh của tôi đã vỡ lỡ, thay vào đó là em, em mới là người đang trốn tránh. Nỗi dằn vật lại trở về với tôi, âm ỉ trong cô độc. Tôi tiếc cho sự sắp đặt của mình vào giờ phút cuối lại đi chệch hướng. Nếu không em đã có được mái ấm và đã thoả niềm ước mơ “cô chủ nhỏ”.
Tôi mất liên lạc với em từ đó. Có lẽ chúng mình đã hết duyên hết nợ thật sự rồi phải không em? Vậy cũng tốt, miễn là em sống vui.
Công việc khiến tôi bận rộn liên miên. Tôi thích thế, vì để lấp đi khoảng trống tâm hồn. Nhưng một đêm kia, trong cơn say tuý luý tôi đã chạy xe về nhà cũ để rồi gặp lại em như trong một giấc mơ.
Tôi hoàn toàn không tin Nhàn nói. Chắc chắn em đã sắp đặt một cái chết để tôi quên em đi mà vui sống. Nếu em đã chết thì có nghĩa là người mà tôi gặp trên gác chỉ là một bóng ma. Không thể nào. Tôi phải tìm ra sự thật. Lúc này tôi rất lười suy đoán, có lẽ do mệt mõi.
Và sự thật đã đến với tôi không lâu sau đó, khi tôi đọc được dòng status trên facebook của em. Em làm tôi ngạc nhiên quá khi lần đầu tiên tự mình online, nhất là còn nhớ cả password.
Em viết:
“Trực giác báo cho tôi biết rằng anh đã trở lại. Tội nghiệp anh quá. Có lẽ anh nhớ tôi lắm. Tôi cũng vậy, nhưng phải ép lòng thôi. Em tôi gọi điện, tôi cuống quít lên chả biết làm gì. Hồi lâu bình tâm lại, tôi biết mình phải gặp anh.
Trong lúc buồn và cô độc nhất, tôi ước gì có anh bên cạnh. Nhưng phải là anh của ngày xưa- một người đàn ông lạc quan, vị tha và mạnh mẽ. Có lẽ anh sẽ không hề biết rằng từ lúc quen anh tôi đã trở thành một con người khác, ham sống và nghĩ về người khác nhiều hơn. Tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều so với bạn bè cùng trang lứa. “Cô chủ nhỏ” chính là ước mơ mà anh đã tạo dựng trong tôi, một điều tôi biết anh không nghĩ tới mà cứ tưởng đó là hoài bão của chính tôi. Tình yêu của anh đã phả vào hồn tôi hơi thở của hy vọng, xua tan đám mây u ám ngày cũ. Anh đã dạy cho tôi biết cách tự đứng lên sau mỗi lần vấp ngã. Mẹ tôi đã sai khi cho rằng tôi thương anh, ngoài tình nam nữ còn là tình cha con. Không, từ trong thâm tâm tôi hiểu rằng, tôi xem anh như một người yêu thật sự, và cũng không phải tôi đã yêu một người đàn ông đứng tuổi, mà chỉ đơn giản là tôi yêu anh.
Nhưng anh của ngày xưa đã không còn nữa. Nhiều đêm sau mỗi lần gây gỗ, tôi thao thức, lặng lẽ ngồi nhìn anh say ngủ, tôi tự hỏi điều gì đã khiến anh thay đổi? Lòng vị tha, tánh lạc quan trong anh biến đâu mất rồi? Có phải vì quá yêu nên anh đâm ra ích kỹ? Càng ngày sự tổn thương trong tôi càng lớn dần thêm, có lúc tôi còn có ý nghĩ rằng cuộc hôn nhân đầu tiên của anh tan vỡ, lỗi của anh rất lớn.
Dù sao, tôi vẫn yêu anh. Tôi muốn sống với anh theo một kiểu quan hệ khác để giữ anh và anh cũng đã đồng ý. Những ngày tiếp theo đó anh trở nên trầm lặng hơn. Vì hối tiếc? Vì mất tự tin? Hay vì tuyệt vọng? Câu trả lời đến với tôi thật sớm: Anh đang tính toán cho một cuộc chia tay, trả tôi về với cuộc sống bình thường, lấy chồng sinh con như mọi người phụ nữ khác.

Anh yêu!
Em đã khóc thật nhiều khi viết những dòng này. Xin lỗi anh vì em đã dàn dựng kịch bản về cái chết của mình, nhưng em biết sẽ không gạt được anh vì nó có quá nhiều sơ hở. Dù sao thì anh cũng đã hiểu được ý của em.
Em đang cố gắng sống tốt để không phụ lòng anh đã mong cầu cho em được hạnh phúc. Khi rảnh anh có thể đến quán cà phê nơi mình gặp nhau lần đầu tiên. Em sẽ luôn chờ anh ở đó”.
Tôi đến quán cà phê cũ lúc trời đang mưa. Bảng hiệu và cách trang trí trong quán đã khác hẳn, mới mẻ và dễ thương. Lâu lắm rồi tôi không ghé lại nên hơi tần ngần khi chọn chỗ ngồi. Giây lâu tôi cũng tìm được một bàn trong góc giống chỗ hồi xưa, lòng hồi hộp nhìn từng giọt cà phê rơi xuống đáy ly. Quán khá vắng khách giờ tan tầm. Tôi online check mail, khi ngẫng lên chợt phát hiện có một cô bé ở bàn kế bên ngồi gục đầu có vẻ như đang khóc. Động lòng trắc ẩn, tôi lên tiếng:
– Sao khóc vậy bé?
Cô bé lí nhí trả lời mà không nhìn lên:
– Dạ, em đang cười mà!
Tôi nhận ra giọng của em. Cùng lúc em ngẫng lên nhìn tôi, cười thành tiếng. Bị bất ngờ nhưng tôi vẫn cố đóng cho xong màn kịch, tâm trạng vô cùng phấn khích:
– Tôi già rồi, kêu bằng chú đi!
– Dạ, chú!
– Đúng ra phải gọi bằng bác!
– Dạ, bác!
– Ngoan lắm, cô chủ nhỏ!
Em sang ngồi cùng bàn với tôi, ánh nhìn thoáng chút ngạc nhiên:
– Anh biết rồi à?
– Cần tí suy luận là biết chứ gì. Hi hi…Em trang trí quán đẹp lắm!
– Thiệt hả anh? Em cũng mới sang thôi. Để em lấy bánh flan anh ăn thử nhé. Em làm đó!
– Giỏi quá ta!
Em mĩm cười, nụ cười vẫn xinh như ngày nào nhưng gương mặt em trông tiều tuỵ hẳn. Khi em quay lưng đi tôi thấy rõ vóc dáng gầy hơn trước rất nhiều. Cũng phải thôi, một cô gái còn quá trẻ mà cuộc sống phải trãi qua nhiều biến động. Tự dưng trong khoảnh khắc ấy, tôi nhận ra mình không thể biến mất khỏi cuộc đời của em. Tôi phải ở bên cạnh em những lúc em cần. Vì tình yêu thật ra cũng đơn giản lắm, không có nghĩa là phải kết hôn, là phải sống chung, là phải cần sở hữu.
Tình yêu là niềm vui, là nỗi nhớ nhung bất tận!

(HẾT)

SĨ HUỲNH