Bà ngoại của hai đứa con tôi

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Năm nay bà ngoại của hai đứa con tôi đã gần trăm tuổi, sức khỏe đã giảm nhiều, chỉ nằm một chỗ. Từ ngày ly hôn với vợ cũ tôi không còn về thăm mẹ nữa. Nghe con tôi nói dạo này bà cứ nhớ nhớ quên quên khiến lòng tôi xốn xang ray rứt.
Ông ngoại của con tôi mất đã lâu, tôi cũng không về lo ma chay, nhang khói. Nhiều lúc tôi cảm thấy mình quá tệ bạc. Nhưng biết sao được, có những lý do không thể nói ra, vả chăng tôi cũng không muốn người đời trách chê mình ngụy biện.
Lần đầu về nhà cha mẹ chơi, xa lắc xa lơ tận vùng đất xưa của Quang Trung – Nguyễn Huệ, tôi đã cảm nhận được không khí của một gia đình lễ giáo. Nói khó thì không phải, dù nghi thức giao tiếp có hơi khe khắt hơn vùng Nam bộ của tôi. Tôi thích ứng khá nhanh, vì thật ra tôi thấu hiểu truyền thống và bản thân tôi cũng là người đúng mực.
Lúc ấy mẹ còn khỏe lắm, sáng ra đi chợ, về làm thức ăn. Ở vùng Tây Sơn – Phú Phong- Bình Định cá lóc hồ, đầm to lắm, thịt ngọt thơm. Hồi còn khỏe cha tôi vẫn thường đi câu. Nghe kể có người nuôi cá lóc, có con lên đến 8 kg, thân dài hơn 0,7 mét, đường kính hơn 0,15 mét, da láng tưng màu đen kịt. Thường mỗi sáng mẹ dọn lên mâm một đĩa cá lóc hấp, một rỗ rau xanh, cuốn bánh tráng chấm nước mắm ớt, cả nhà quây quần làm bữa điểm tâm “ngon chưa từng thấy”. Bánh tráng miền Trung dày, có đính những hạt mè đen thơm béo, tưởng sẽ dai lắm ai dè cắn một miếng nghe giòn tan trong miệng.
Nhà cha mẹ có vườn bên hông, ao rau muống trước cổng nhà và khu giếng nước, chuồng gà phía sau. Cha trồng dừa, chuối, cam quít, đu đủ và rau thơm, ngày nào cũng chăm bón. Mẹ thì thấy làm cả ngày không ngơi tay, khi thì sàng gạo, khi ủ bột, lúc làm cải bẹ để phơi, ướp muối. Mẹ có 7 đứa con, ai cũng lập gia đình cả. Có anh Hai và chị Bốn ở ngoài phố, cách nhà mẹ chừng 2 cây số, thường vào chơi. Chị Năm thì buôn bán ở chợ Qui Nhơn, lễ tết mới về. Anh Ba thì ở tận Giồng Trộm- Bến Tre, mùa hè thường dẫn hai đứa con gái về thăm ông bà nội. Cha mẹ có cháu nội và cháu ngoại đủ cả, đứa nào cũng ngoan hiền dễ thương và đứa nào cũng gọi tôi là “dượng Sáu”.
Mẹ tôi dáng người roi roi, hơi dong dỏng cao, tướng đi nhanh nhẹn. Tánh mẹ cũng vui vẻ nên được nhiều bạn bè giao tiếp, hay đến nhà chơi. Tôi về, tối ngủ trong phòng nhỏ kế bên phòng khách. Giường tôi ở ngoài, có lối ra sân. Cha nằm giường trong, chính giữa có bộ sa lông nhỏ ngồi chơi uống trà. Chiều tối, mẹ vào giăng mùng cho tôi, đợi lúc tôi đi nằm thì bắc ghế ngồi cạnh bên, thì thầm đủ nghe:

  • Ở trong đó có chuyện gì thì cho mẹ biết nhé. Vợ con tuy lớn đầu chứ còn dại lắm. Con nói mẹ để mẹ dạy nó.
    Thỉnh thoảng mẹ lại ngồi nói với tôi những câu đại loại như thế lúc tôi đi ngủ. Lời lẽ của mẹ như rút ruột, van lơn. Tôi cảm động quá nhưng cũng không biết nói gì hơn:
  • Dạ, tụi con sống cũng hòa thuận, hạnh phúc lắm. Mẹ yên tâm.
    Có một lần em gái út vào chơi, chứng kiến cảnh chị mình hơi quá đáng nên về mét mẹ. Mẹ ngồi đọc cho em viết một lá thư gởi vào. Trong thư mẹ nhắn nhủ:
  • Có bầu rồi mà hung dữ quá sẽ ảnh hưởng đến con sau này đó.
    Năm đó đứa con đầu lòng của chúng tôi chào đời, cha mẹ vui khôn xiết. Lúc thôi nôi bé tôi nhờ anh bạn chụp mấy tấm hình gởi về, cha tôi lộng dưới mặt kính chiếc bàn to nơi phòng khách, ai đến cũng khoe.
    Tôi về chơi cha mẹ không cho làm gì cả, sướng như tiên. Mới đụng tới chiếc gàu định múc nước giếng đổ vô khạp, mẹ vừa thấy đã vội kêu lên:
  • Thôi, để đó cho mẹ.
    Gặp cha cũng thế:
  • Ui, con xách làm gì. Để cho cha.
    Mỗi lần về anh Hai đều vào rủ tôi đi thăm mấy chú, mấy dì. Hai anh em chở nhau trên chiếc xe máy mới tinh, dù đã mua rất lâu nhưng anh Hai ngày nào cũng chăm sóc. Tánh anh là vậy, rất kỹ lưỡng. Mục đích của anh là giúp tôi giao tiếp, chào hỏi bà con. Ở miền Trung người ta xem trọng chuyện này lắm.
    Tôi về, suốt ngày ôm mấy cuốn tạp chí Văn cũ kỷ của anh Ba còn giữ lại, phần nào hiểu được bức tranh toàn cảnh của văn học thời trước 1975. Lúc mới giải phóng tôi vừa đúng 20 tuổi, thường làm thơ viết truyện đăng báo. Về Tây Sơn, tôi có làm một bài thơ, đến giờ vẫn còn lưu trong nhật ký:

PHỐ NÚI

Về đây nghe gió lặng yên
Phố trên cao nắng đốt miền tuổi thơ
Chiều về khuất tán cây thưa
Đồng xanh thèm một cơn mưa rã rời
Núi xa nương rẫy tím trời
Tiếng con chó đốm sủa chơi bên hè
Vườn cam ngọt chút hương quê
Liếp hành trúng một vụ mùa ngẩn ngơ
Đêm tàn còn mãi cơn mơ
Tây Sơn vó ngựa phất cờ khởi binh…

(Tây Sơn, Phú Phong 05/7/2005)

P/S: Thị trấn Phú Phong là thị trấn huyện lỵ huyện Tây Sơn, nằm về phía tây của tỉnh Bình Định, giáp với Xã Tây Phú ở phía Tây, trên ngã 3 sông, có quốc lộ 19 chạy qua trung tâm thị trấn.

Tôi có lỗi với mẹ, đã phụ lòng mong ước của Người. Dù sao cũng còn hai đứa con tôi, lâu lâu chúng cũng dẫn vợ con về thăm bà ngoại. Khi cưới vợ đứa nào cũng đưa về ra mắt ông bà.

Cầu Chúa chúc lành cho mẹ.

(24-2-2021)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: