Thầy Su ở ấp 5 gia đình thuộc tầng lớp khá giả, có ruộng rẫy, nhà ba gian mái ngói, tường xây. Gọi là thầy vì lúc xưa thầy có dạy cấp 1 một thời gian. Sau này vì vấn đề bằng cấp sao đó nên nghỉ dạy.
Thầy Su sống giản dị, mộc mạc nhưng thuộc dạng người ăn ngay nói thẳng. Nhiều người ghét thầy vì cái tính “khó ưa” này. Nhưng thầy vẫn coi như không, kiểu “chơi được thì chơi, không thì thôi tớ chả cần”.
Có nhiều “sự tích” về chuyện ăn ngay nói thẳng của thầy mà bà con trong ấp ai cũng nhớ. Như chuyện ông Năm nuôi chó mà không cho ăn, để chó cứ qua ăn chực hàng xóm. Một bữa kia biết được, thầy Su gặp ông Năm nói thẳng:
● Ông nuôi chó thì phải cho ăn chứ. Có đâu quanh năm suốt tháng để nó qua nhà người ta hoài.
Ông Năm sừng cồ:
● Mắc mớ gì đến ông.
● Tôi thấy sao nói vậy thôi. Còn nghe hay không là chuyện của ông.
Chuyện cũng nhỏ thôi nhưng người ta một đồn mười, khiến nhà kia thường cho chó ông Năm ăn nay ngừng lại luôn. Con chó đói quá, lang thang đến một bữa kia thì biệt tích.
Bữa kia nhà thầy Su có tổ chức tiệc thôi nôi cho đứa cháu nội, mời 5 bàn. Bàn thầy Su ngồi có ông khách kia không biết ai mời, mới uống có mấy lon bia đã cầm ly đứng lên to tiếng:
● Thôi uống đi, 100% nghen, để mừng sinh nhật thằng nhỏ.
Thầy Su ngồi kế bên nhắc khéo:
● Thôi nôi nhen ông. Không gọi là sinh nhật đâu.
Ông nọ mặt đỏ gay, trợn trừng:
● Nói thôi nôi là nhà quê. Bên Tây người ta gọi là sinh nhật. Gọi vậy mới sang.
Thầy Su đứng lên nói với mọi người:
● Sinh nhật là ngày dương. Hôm nay là thôi nôi, làm theo ngày âm.
Ông khách quát lớn:
● Chú mày là ai mà cứ muốn cãi với tao. Muốn chống đối hả.
Thầy Su vẫn điềm tĩnh:
● Ông nói sai thì tôi phải sửa thôi. Mà này, đừng có mà mày tao mi tớ nhé. Nếu không tôi mời ông về cho.
Ông khách đột nhiên tung một cú đấm vào mặt thầy Su. Nhưng thầy vốn đã đề phòng từ trước nên nhanh như cắt đã nắm gọn được bàn tay đối thủ khóa lại. Có lẽ thầy Su nắm chặt quá nên ông khách lộ vẻ đau đớn và kêu rên:
● Ôi…mày định giết tao à.
Thầy Su buông tay, xô ông khách ra xa rồi ngồi xuống cầm ly bia uống tiếp, làm như không có chuyện gì. Ông khách có vẻ quê mặt, mắc cỡ với mọi người nên bỏ ra về ngay.
“Đối ngoại” là vậy, còn “đối nội” cũng không ngoại lệ. Thật ra nhà thầy Su rất đoàn kết, trên thuận dưới hòa, nhưng ai cũng dè chừng thầy, vì mỗi câu nói sai, việc làm không đúng đều bị thầy bắt lỗi. Có một điều mà có lẽ chỉ có người nhà thầy biết là thầy nói đó rồi quên đó, không bao giờ để bụng.
“Ăn ngay nói thẳng” là câu tục ngữ nổi tiếng của nước ta, đại diện cho tính cách chân thật, thẳng thắn, có nghĩa là không lươn lẹo, giả dối. “Mỗi cây mỗi hoa; mỗi nhà mỗi cảnh”, mỗi người khi sinh ra đều mang một số phận riêng, một hoàn cảnh riêng. “Ăn ngay nói thẳng” chính là tính cách mang màu sắc cá nhân riêng biệt.
“Ăn ngay nói thẳng” xét trên nhiều phương diện là phẩm chất tốt đẹp đáng được trân trọng. “Lời thật mất lòng” nhưng lại góp phần chỉ ra những hạn chế, yếu kém để người nghe nhận biết và sửa đổi, góp phần vào sự phát triển của xã hội.
Vài bà bạn thân của vợ thầy Su kể rằng chính vì cái tính ăn ngay nói thẳng mà thầy có rất ít bạn bè. Ở nhà thầy không gần gũi với bất cứ người thân nào, luôn có một khoảng cách nhất định.
Nhưng rồi có một hôm, có một chuyện đã khiến thầy Su phần nào thay đổi quan niệm sống.
Hôm ấy thầy Su đi dự đám cưới con một người bạn, ngồi vào bàn ăn chưa được mấy món thì có ông kia rút trong túi quần ra một xấp lá chuối phơi khô, lần lượt gắp các món ăn cho vào lá chuối gói lại, vừa gắp vừa nói:
● Xin các bác nhé. Mấy đứa con tôi thích mấy món này lắm.
Thầy Su bức xúc quá, lên tiếng:
● Con ông thích thì ông mua cho chúng ăn, sao lại lấy của chúng tôi.
Ông nọ quắc mắt:
● Có ai nói gì đâu. Chỉ có mình ông lên tiếng. Nhiều chuyện quá.
Thầy Su đứng lên, giữ tay ông ta lại:
● Tôi yêu cầu ông ngưng ngay.
Ông ta chọt đôi đũa bên tay kia vào mặt thầy Su. Thầy né người, lách mình ra sau lưng ông ấy, ấn ông ngồi xuống ghế. Ông đỏ mặt tía tay, quê thì ít mà đau thì nhiều vì bị thầy Su khóa người rất mạnh. Giọng ông ta run run:
● Mày ỷ mạnh hiếp yếu nhé. Mày nhớ nhé…
Mọi người nhìn lại mà cảm thấy tức cười vì ông ta mập mạnh, cao lớn hơn thầy Su rất nhiều.
Người ta đồn rằng thời còn trẻ thầy Su đã được chân truyền của một võ sư. Nhưng chưa bao giờ thấy thầy Su ra tay trước mà chỉ toàn là phản ứng tự vệ.
Sau hôm đó, thỉnh thoảng nhà thầy Su lại bị ném đá, lúc chạy ra thì không thấy ai. Trò “ném đá giấu tay” ấy cứ tái diễn hàng tháng trời, cho đến một hôm thầy Su đang cho cháu tập đi trong sân thì một cục đá bằng nắm tay bay vèo vào, xớt qua trán khiến thằng bé chảy máu. Thầy Su rượt theo bắt được. Đó là một chú bé trên dưới 10 tuổi, mình trần trùng trục với cái quần tà lỏn bạc màu. Thầy Su điều tra, nó khai con của “Sáu Bảnh”. Thì ra đó là người đàn ông đi ăn cưới lấy đồ ăn về. Thầy Su dẫn thằng nhỏ về giao cho ba nó và nói một câu dặn dò: “Lần nữa là chặt tay”. Quả nhiên lời hăm dọa rất hiệu nghiệm.
Nhưng từ hôm đó trở đi, tánh tình thầy Su thay đổi hẳn, không bắt bẻ, sửa sai ai nữa. Có người làm ra vẽ rành chuyện, nói: “Thầy Su tu rồi. Giờ ai sao kệ họ, thầy không xía vào nữa”.