Có những bài hát tôi yêu thích, còn bạn thì sao?

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Sau ngày giải phóng, nhất là giai đoạn thập niên 80 – 90 nền âm nhạc Việt Nam có nhiều bài hát hay, gây xúc cảm. Tôi nhớ lần đầu tiên hát bài “Mùa xuân” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn trong chương trình giao lưu giữa đoàn phim và Đoàn thanh niên cộng sản tỉnh Tây Ninh tại khách sạn Hoà Bình, khi kết thúc cả khán phòng im lặng vài giây rồi mới vỗ tay tán thưởng. Lời ca và âm điệu bài hát thật trữ tình, thiết tha, da diết.

Anh, người chiến sĩ và chiếc áo năm tháng dãi dầu
Anh, người chiến sĩ và chiếc áo mưa nắng bạc màu
Đôi tay bâng khuâng nâng cành hoa tím
Và anh nói tặng em mùa xuân”…

Rồi đến bài hát “Mặt trời bé con” của nhạc sĩ Trần Tiến, tôi diễn trong buổi văn nghệ tại Hãng phim Giải phóng cũng được bạn bè đồng nghiệp ủng hộ.

Ngoài kia có cô bé
Nhìn qua khe
Nghe tiếng đàn của tôi
Ngoài kia có chú bé
Trèo cành me
Mắt xoe tròn lắng nghe
Đàn tôi hát câu gì
Mà sao cô bé cười ngộ ghê
Đàn tôi hát câu gì
Mà sao chú bé ngồi mơ màng
Hạnh phúc quá đơn sơ
đời tôi đâu có ngờ
Từng đêm cô bé chờ…
Như chờ từng giấc mơ”…

Lời bài hát đẹp quá. Giản dị mà sâu lắng.
Có một bài tôi thường nhẩm hát một mình và chưa có cơ hội hát trên sân khấu. Ca từ nhẹ nhàng mà ray rứt, trầm lắng, bâng khuâng.

Em nghe trong lòng mình, bâng khuâng ngọn gió đêm
Sao anh không hẹn hò, cho em càng nhớ thêm
Anh đi trong chập chùng, đôi chân ngát hương hoa rừng
Để mùa xuân theo bước chân, cùng anh đến với rừng”…

Đó chính là bài “Hoàng hôn màu lá” của nhạc sĩ Thanh Tùng.
Ca khúc “Mùa xuân bên cửa sổ” của nhạc sĩ Xuân Hồng tuy chỉ diễn tả nụ hôn của người lính và cô công nhân nhưng khi hát lên tôi có cảm giác như là nụ hôn của chính mình với người yêu.

Cao cao bên cửa sổ có hai người hôn nhau
Đường phố ơi hãy yên lặng để hai người hôn nhau
Chim ơi đừng bay nhé, hoa ơi hãy tỏa hương
Và cây ơi lay thật khẽ cho đôi bạn trẻ đón xuân về”…

Tình tứ quá. Tha thiết quá. Những giai điệu làm xao xuyến lòng người.
Muốn diễn được trên sân khấu, tôi phải tập nhiều với ban nhạc là những người bạn bên ngoài Hãng phim. Tập tại phòng chiếu của Hãng. Sơn đàn bass, Vàng đánh trống…Họ chỉ tôi đủ các thứ, từ nhịp điệu đến luyện ngắn bằng giọng bụng. Ngoài chương trình ca hát những dịp lễ, chúng tôi còn đi giao lưu với các cơ quan bạn, chẳng hạn như bệnh viện Saint-Paul (nay là bệnh viện Mắt).
Còn khá nhiều bài hát nữa rất hay mà trong nhất thời tôi không nhớ hết. Đến khi ca sĩ Quang Dũng xuất hiện, các ca khúc do anh trình bày thật nồng nàn, sâu lắng khiến tôi đâm mê, vào các điểm karaoke cứ bấm chọn. Như các bài “Bâng khuâng chiều Nội trú”, “Còn ta với nồng nàn”, “Anh sẽ đến”, “Còn đó chút hồng phai”…Điểm thu hút nhất của các bài hát này chính là ca từ. Các nhạc sĩ đã dùng những lời lẽ mang đậm chất thơ, phả vào tâm hồn người nghe những giai điệu trữ tình lãng mạn.
Những ca khúc về đất nước, quê hương cũng được các nhạc sĩ sáng tác bằng cả tấm lòng, như bài “Đất nước” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, bài “Giai điệu tổ quốc” của nhạc sĩ Trần Tiến. Bài “Đất nước” hát tông cao mới hay, tôi luyện hoài không được. Bài “Giai điệu tổ quốc” cũng thế nhưng “đỡ” hơn một chút. Vào karaoke tôi thường tập hát hai bài này nhưng không thành công.

Tôi nghe giai điệu Tổ Quốc tôi
Dịu dàng trong tiếng ru hời
Tôi nghe giai điệu Tổ Quốc tôi
Trầm sâu trong tiếng đất trời
Tôi nghe trong lời yêu thương nhau
Tôi nghe trong lời ca tha thiết
Phút hành quân mẹ tiễn đưa con
Giai điệu nhớ , giai điệu thương
theo suốt con đường”…

Tôi chỉ viết về những bài hát tôi thích. Mỗi người có những sở thích khác nhau. Âm nhạc cũng không ngoại lệ, có khi còn khác biệt rất xa. Các ca khúc do ca sĩ nữ hát tôi lại ít quan tâm, hay nói đúng hơn là ít nghe, vì ngoài việc thưởng thức ra tôi còn tập hát. Nhưng có một giọng nữ gây ấn tượng với tôi khá lớn, đó là ca sĩ Phương Thanh với những ca khúc như “Giã từ dĩ vãng”, “Một thời đã xa”, “Khi giấc mơ về”…Giọng hát khào khào, có những lúc cung bậc lên rất cao, vang xa tít, “chỉ có thể là Phương Thanh”. Tôi hát karaoke nhiều bài Phương Thanh hát.

Viết về âm nhạc, về cảm nhận vẻ đẹp của từng bài hát là vô cùng, không có đoạn kết. Tôi chỉ mới ghi lại đôi dòng về một số ca khúc yêu thích chưa đâu vào đâu mà đã dài hơn các bài tạp bút khác. Còn nhiều lắm những bài hát hay của 30 năm sau ngày giải phóng đã góp phần làm phong phú kho tàng âm nhạc Việt Nam, làm thay đổi cách cảm thụ của khán thính giả, tôn vinh sự sáng tạo không ngừng nghỉ của những người nhạc sĩ tài ba. Đến nay, những nhạc sĩ ấy có người đã mất, có người ngưng sáng tác vì tuổi cao sức yếu, nhưng thành quả họ tạo ra khiến họ xứng đáng được ghi tên vào biên niên sử âm nhạc nước nhà.
Thời nay xuất hiện nhiều nhạc sĩ trẻ sung sức, có tâm, cố gắng xây dựng thương hiệu riêng, tạo nên những bản tình ca với nhịp khúc mới mẻ, xây dựng được những bản hit khá đặc biệt. Tôi thích Mr. Siro, Tiên Cookie, Vũ Cát Tường, Lê Cát Trọng Lý, Khắc Việt, Nguyễn văn Chung, Châu Đăng Khoa, Khắc Hưng, Tiên Tiên, Hồ Quang Hiếu, Phan Mạnh Quỳnh…là những khuôn mặt trẻ của làng âm nhạc Việt Nam hiện đại nhưng kinh nghiệm sáng tác đã tích lũy được rất dày.
Tuy nhiên, nhạc trẻ hiện nay vẫn còn nhiều những ca khúc với ca từ gần như nôm na, thiếu chất thơ, nhạc điệu lại trùng lắp, trở nên vô hồn. Chủ đề các bài hát này chỉ loanh quanh trong tình yêu nam nữ, chia tay, phản bội. Tôi nhớ có hôm ngồi xe khách, bác tài mở đĩa nhạc gì đó mà tôi không biết tên, kể cả ca sĩ, toàn là những ca khúc tôi mới “được” nghe lần đầu. Nghe được mấy bài, tôi yêu cầu tài xế đổi đĩa vì không đủ kiên nhẫn “thưởng thức” tiếp. Ca từ sáo rỗng, mang hơi hướm bình dân. Nhạc điệu na ná nhau, có bài còn kết hợp đọc rap với những lời lẽ dài dòng trùng lắp.
Đặc biệt là dạng nhạc dân ca mới được sáng tác sau này, dường như toàn bắt chước nhau cả về lời ca lẫn nhạc điệu. Đi xe khách, tài xế mở nhạc dân ca là tôi yêu cầu đổi ngay không chần chừ. Nghe một bài thì còn được, nghe hết đĩa nhạc chắc sẽ bị chai lỳ cảm xúc.
Nhạc Việt thời nay thiếu vắng những bài hát về đất nước quê hương, thường chỉ tập trung vào đề tài tình yêu nam nữ. Thi thoảng cũng có được vài bài về tình cha, tình mẹ. Như ca khúc “Sao cha không” của Phan Mạnh Quỳnh sáng tác và thể hiện trong bộ phim “Bố già” đang chiếm lĩnh màn bạc. Đặc biệt những câu từ ở phần điệp khúc thật cảm động, như xoáy vào trái tim khán giả:

Vì sao cha ơi, chẳng kể con nghe, điều cha tiếc nuối
Từ lâu chôn giấu khi đã quên đam mê đời mình
Để con no ấm cha chật vật mưu sinh
Vượt qua sóng gió, lời cha dẫn bước
Mở rộng tim con, bao dung như cha
Trong đêm đau thương vẫn yêu cuộc đời
Vẹn nguyên mơ ước như ánh sao trời
Nhưng sao không nói cùng con cha ơi?”…

Bài hát “Sao cha không” đã góp phần không nhỏ trong việc dẫn dắt cảm xúc của người xem. MV “Sao cha không” ngay lập tức đạt 1,2 triệu lượt xem chỉ sau 12 tiếng đưa lên mạng, thiết lập kỷ lục mới trong thể loại nhạc phim điện ảnh.

Nói riêng về những ca khúc bolero thời gian gần đây đã trở lại trên thị trường nhạc Việt, tôi xin có đôi dòng tự sự: Có khá nhiều bài hát trước giải phóng tôi gần như thuộc lòng vì đã quá quen thuộc và “dễ hát”, ít có “cao trào”, thường có nội dung trữ tình. Vào tiệm karaoke hoặc hát ở nhà tôi thường bấm chọn những bài này để hát “cho có tụ” chứ cảm xúc ít khi liền mạch. Lòng vòng, tôi chỉ ca đâu được dăm bài, như “Thành phố buồn”, “Mùa xuân đó có em”, “Linh hồn tượng đá”, “Lá thư trần thế”, “Về đâu mái tóc người thương”…Tôi chỉ hát “được” thôi chứ không hay vì không thấy ai vỗ tay hoặc có lời khen tặng giống như khi thể hiện bài hát “Chỉ có một thời”, “Khi”, “Em ơi Hà Nội phố”…Chừng như trong tôi, cảm thụ về dòng nhạc bolero đã bão hòa.

Để kết bài, tôi xin gửi đến bạn đọc một bài thơ vui, nội dung ghép từ những nhan đề bài hát:

Giả vờ thôi em nhé, ướt mi
Giả vờ thôi, như quên rồi, tất cả
Giả vờ thôi, xin làm người xa lạ
Giả vờ thôi, đừng ru lại câu hò
Một cõi đi về, tình lỡ cách xa
Yêu một mình, buồn trong kỹ niệm
Muốn quay ngược thời gian như bài thơ màu mực
tím
Trách ai vô tình, nợ nhau một tình yêu
Cô đơn mình anh, nhớ em trong chiều
Hạnh phúc lang thang, trái tim băng giá
Vầng trăng đêm trôi, đường tình đôi ngã
Thành phố buồn, thành phố mưa bay
Mắt lệ cho người, còn đó chút hồng phai
Lời đắng cho cuộc tình, xót xa đêm định mệnh
Cà phê đắng và mưa, muộn màng ngày anh đến
Nơi tình yêu bắt đầu, nỗi nhớ mong manh…

(TP. Thủ Đức ngày 24 tháng 3 năm 2021)

SĨ HUỲNH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: