

Tôi về ra mắt gia đình bên vợ, lòng hồi hộp lo âu. Thật ra tôi không muốn tiến thêm bước nữa, nhưng vì thương cô ấy đã chịu nhiều tủi cực, mười mấy năm ở vậy nuôi con, và vì ân tình sâu nặng, nên tôi quyết định sống chung. Tôi không còn nghĩ gì cho mình mà chỉ muốn dành thời gian còn lại của đời mình cho hạnh phúc của vợ.
Tôi lo vì mình đã già, hơn vợ đến 26 tuổi, không biết gia đình vợ có chấp nhận, đồng ý chú rể này không. Vợ tôi luôn động viên, nói mẹ và các em dễ thương lắm, anh đừng lo. Tôi nhủ lòng phải tự tin lên, cố gắng hoạt bát để chiếm cảm tình nhà vợ. Nhưng không được. Già rồi mà cứ như trai trẻ, run rẩy trong lòng.
“Run như run thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng”
(Ave Maria – Hàn Mặc Tử)
Tôi chào mẹ, tiếng “mẹ” xuất phát tự cõi lòng, khiến chính tôi cũng suýt trào dâng nước mắt. Đây chính là bà mẹ hiền với những nếp nhăn trên vầng trán của một đời sương gió. Nụ cười của mẹ thanh thoát bao dung. Tôi chào các em, bắt gặp sự thân quen không hề sượng sùng, những cái mỉm cười gần gũi. Tôi chào các cháu, lòng tràn ngập yêu thương. Ở đây sao giống nhà tôi quá. Tôi như vừa về đến nhà mình.
Bố vợ tôi đã mất trước đó một năm. Vợ tôi hay nói bố mà còn sống, gặp anh chắc hai cha con sẽ vui lắm. Tôi vẫn tin như thế. Vợ tôi còn kể, hàng năm cứ sắp đến mùng 5 tháng 5 là bố gọi điện cho từng đứa con, bảo về mừng Tết Đoan ngọ. Bố thường chuẩn bị sẵn các món để cả nhà cùng quây quần bên nhau ăn uống thật vui vẻ.
Năm đó tôi cùng gia đình vợ làm đám giỗ đầu tiên cho bố. Mẹ tôi rất ngoan đạo. Có ông Trùm và nhiều tín hữu đến nhà đọc kinh. Bà nội của vợ tôi cũng có mặt. Bà gần như thuộc lòng Kinh thánh.
Rồi tôi đến nhà thăm chú thím Út. Chú đúng là người nông dân chân đất, bình dị, mộc mạc như ngọn lúa ngoài đồng, như trái ngô trên rẫy. Thím thì có nụ cười mời chào thân thiện. Chúng tôi vào thăm bà. Bà nội tuổi đã cửu tuần rồi mà còn đi lại một mình được. Bà chống gậy ra ngồi phòng khách. Giờ bà chỉ còn chú Út là con trai nên về ở để chú chăm sóc. Bà hỏi tôi nhiều về gia đình, tôi cứ y như sự thật mà kể. Biết tôi theo đạo, bà mừng.
Tôi về nhà mẹ, ra vô con hẻm thường xuyên mà không biết hàng xóm có những ai. Thấy vợ tôi chào người nào là tôi chào người đó. Mắt tôi kém nên nhìn ai cũng giống ai, không phân biệt được. Bởi vậy nên khi nghe mẹ tôi báo tin vợ chồng tôi sẽ làm buổi tiệc báo hỷ, ai cũng nói: “Đúng rồi. Chứ thấy thằng đó đi ra đi vô hoài mà có biết là thằng nào đâu”. Tôi cười thầm, yêu quá câu nói thân thương trìu mến ấy.
Mẹ tôi ngày ngày chăm sóc bầy gà, vườn rau và lo cho mấy đứa cháu. Các em tôi ai cũng đi làm, đứa ở Biên Hoà, đứa Long Thành, hai đứa ở cách nhà mẹ vài trăm mét đến ba, bốn cây số. Cuối tuần cả nhà tụ về đông vui. Tôi làm quen với hai đứa cháu nhỏ, được chúng mến yêu quyến luyến.
Tôi về nhà mẹ, ít đi Nhà thờ vì không có xe và vì sáng ra vợ tôi bận giữ đứa cháu gái còn nhỏ. Lần xưng tội tôi bị Cha phạt ra đọc kinh Kính Mừng 50 lần, nhưng rồi vẫn phạm lỗi. Tôi mong một ngày gần đây sẽ thu xếp được chuyện này. Mẹ tôi không bỏ một Thánh lễ chúa nhật nào và các lễ trọng đều có mặt. Lúc bố tôi còn sống cũng thế, còn phụ giúp Nhà thờ nhiều việc, chẳng hạn như trang hoàng Noel hay các lễ lớn.
Thắm thoát tôi làm rể nhà mẹ cũng được gần ba năm. Cả nhà đối với tôi ngày càng thân thiết. Các em cột chèo của tôi ai cũng dễ thương, đối xử với tôi như anh em ruột. Mấy đứa cháu đều kính trọng tôi, hai đứa cháu nhỏ càng lớn càng quấn quít bên tôi. Gia đình này thật sự đã là của tôi, vừa đi đã nhớ.
(25/6/2020)