Ghi chép 

Thời thơ ấu

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Khi hồi tưởng lại chuyện lúc nhỏ, tôi thường nhớ được hai chuyện: thứ nhất, vào lúc tôi 5 tuổi, một hôm ba tôi kêu các con lại hỏi ý kiến về việc đặt tên cho em trai mới sinh của chúng tôi. Thứ hai, mùng 1 tết năm đó, ông Mập chủ lò bánh mì đến chúc tết và lì xì cho chị em chúng tôi. Tôi còn nhớ ông bảo:

  • Lại lây lại lây, con chai con nhái. 

Có nghĩa là: Lại đây, con trai con gái. Ông là người Hoa, dù ở Việt Nam rất lâu nhưng nói tiếng Việt cũng chưa rành. 

Nhà tôi ở gần chợ Mới, gọi là xã An Hội, thị xã Bến Tre. Đây là khu đất bà Tám (con của bà cố) mua cho anh bà là ông Sáu ở. Sau này ông Sáu lên Sài Gòn nên bà Tám kêu ba má tôi về. Khu đất rộng hơn 1 hecta, trồng nhiều loại cây ăn trái. Ba má tôi chỉ ở, còn tiền đất cho người ta thuê thì hàng năm ông Sáu về thu. Nhà tôi là ngôi nhà trệt ba gian rộng lớn, mái ngói, vách ván, phía trước xây hàng rào lan can và một khoảng sân rộng, có cây mận to và mấy cây xoài tượng, có đặt bàn ông Thiên. Nhà sau, bên phải có cái mương lớn, nước lưu thông ngày đêm nên rất sạch, người lớn thì giặt giũ còn lũ nhỏ chúng tôi thì nhảy xuống tắm bơi. 

Ký ức tuổi thơ tôi gắn liền với ngôi nhà ấy, nhưng mỗi khi nhớ lại, nhiều sự kiện rất lộn xộn không theo thứ tự thời gian. 

Rồi tôi nhớ mình lớn lên, đi học trường trung học bán công Tân Dân của Nhà thờ. Từ nhà tôi đi bộ tới trường khoảng hơn 10 phút. Theo con hẻm ra đường cái, quẹo phải một đỗi là đến chùa Ông, quẹo trái qua cầu Cái Cá, đi một đoạn ngắn nữa rồi quẹo trái ở ngã ba. Từ con hẻm dài nhà tôi ra mà quẹo trái là đi ngang chùa Viên Giác rồi đến chợ Ngã Năm. Đúng là ngã năm, có bùng binh, một ngã đi cầu Kiến Vàng ra Vàm, một ngã ra chợ thị xã, một ngã đi chợ Mới, một ngã đi bệnh viện tỉnh rồi tới xóm Bình nguyên và một ngã vào Thánh thất Cao Đài. 

Ba má tôi có tiệm bán bánh mì ở ngoài chợ thị xã. Lúc 9,10 tuổi tôi hay theo ba má ra tiệm, ngồi chờ ăn ổ bánh mì thịt nóng giòn thơm phưng phức. Tôi còn nhớ lúc ấy ba má tôi điểm tâm bằng tô hủ tíu hoặc bánh canh ở tiệm gần đó mang lại. Nhưng tôi thì chỉ thích ăn bánh mì thịt do má tôi làm, có xíu mại, nhiều ngò, xịt thêm tí nước tương, ngon phải biết. Tôi có thể ăn sáng bằng bánh mì thịt quanh năm mà chưa bao giờ ngán, có điều phải là bánh mì thịt của má tôi. 

Hồi đó tôi quên hỏi ba má, không biết nhờ đâu mà “bắt thăm” được cửa tiệm ngay đầu đường lớn và ngay đầu chợ. Đường vào mặt tiền chợ khá rộng, người ta xây nguyên dãi kios chia làm hai mặt, dài sâu vào trong khoảng 200 mét. Ba má tôi bán bánh mì, sau bán thêm bánh ngọt các loại. Vì chiếm được vị trí đắc địa nên buôn bán đắt hơn mấy tiệm khác. Bánh mì lấy của nhiều lò như Kiến Tân, Tân Sanh, Hữu Đức, Vĩnh Phát. Ông Mập mà tôi kể ở trên là chủ lò Kiến Tân. Thập niên 60 bánh mì được nướng bằng lò than. Từ 1970 nhiều chủ chuyển sang lò điện (Thời gian của tôi cũng chưa chính xác lắm, có xê xích vài năm).

Tôi có khiếu văn chương từ lúc nhỏ, 13 tuổi đã có thơ đăng báo. Lên năm đệ ngũ (lớp 8) tôi viết hăng hơn, gởi bài cho các nhật báo và tạp chí tuổi xanh, tuổi hồng. Nhớ có lần đọc được truyện ngắn đăng báo của nhỏ bạn cùng lớp, không biết nghĩ sao tôi lại đem tặng cuốn tuần báo đó cho nhỏ. Vài hôm sau nhỏ lại mua tặng tôi một cuốn khác, ghi trên mảnh giấy kèm theo: “Hương tặng lại Sĩ để làm kỷ niệm”. Tôi đem chuyện này kể cho thằng em nghe, nó làm ra vẻ quan trọng, nói: “Chết anh rồi, vậy là nó đã…khoái anh”. Tự dưng tôi cảm thấy sợ sợ, vô lớp không dám nói chuyện với nhỏ đó nữa khiến nhỏ giận tôi một thời gian rất lâu. 

Nói về thời bé thơ, bây giờ già rồi tôi mới dám kể câu chuyện “nấm vú”. Số là nhà tôi rất đông anh em, đứa nào lúc nhỏ dại cũng được má cho ngậm nấm vú. Ngủ trưa trên đi-văng mỗi đứa ngậm một cái, màu sắc khác nhau, đứa màu xanh, đứa màu đỏ, đứa màu vàng…Tôi 7 tuổi rồi cũng còn ngậm một cái. Thằng em 6 tuổi, đi học lớp một còn lén đem theo nấm vú, giữa giờ học làm bộ xin đi tiểu để lấy ra nút cho đỡ ghiền. Chẳng may bị thằng bạn phát hiện báo cho cả lớp biết, ngượng quá về…mét má. 

Tuổi nhỏ thích những thứ ăn chơi mà người lớn chê, như là “nước đá nhận” chẳng hạn. Tôi thích món này lắm, canh ông bán hàng đẩy xe ngoài đường cái là chạy ra mua. Ông bào nước đá trên bàn bào, nhận chặt vào chiếc ly nhựa không đáy rồi trút ra, chế si-rô lên giao hàng. Mùi các loại si-rô tuổi thơ chừng như còn thơm mãi đến bây giờ. Si-rô cam, si-rô bạc hà, si-rô dâu…Còn má tôi thì dặn bà bán chè, tàu hủ mỗi trưa cứ ghé nhà, chị em tôi muốn ăn gì cứ bán rồi ra tiệm bánh mì má tôi trả tiền. Gánh chè tuổi thơ là đây, ngon hết biết. 

Dịp tết đến hè về, trường Tân Dân phát động phong trào làm bích báo, tức là báo tường nhưng các lớp hầu như “thiếu nhân tài” nên các trò ít ai tham gia. Tôi “gan cùng mình” nhận về làm một mình, tự viết bài cho thằng em minh họa rồi giao nộp cho ban phụ trách của trường. Báo được dán ở lối cầu thang lên lầu. Có lẽ vì ít quá nên không trưng bày trong phòng triển lãm. Dù sao cũng được Linh mục hiệu trưởng biểu dương trên lớp. Chắc Cha không ngờ tờ bích báo đó là của một người làm. 

Năm đệ ngũ tôi còn có một kỷ niệm vui. Thầy Lâm môn Vạn Vật bảo cả lớp về lấy đất sét nắn này nọ để chấm điểm. Tôi dở nhất là thủ công, chả biết nắn gì. Thằng bạn tôi thật khéo tay, nắn cả một đàn trâu đen nhánh. Suy nghĩ mãi tôi mới nghĩ ra được một thứ, đó là nắn trái đu đủ. Dễ quá phải không? Cái khó là phải sơn màu cho giống. Tôi dùng màu nước, chủ yếu xài màu xanh lá, sau đó thêm chút màu vàng. Chờ khô sơn lại một lần nữa. Làm xong chính tôi còn phải khen mình vì quá giống. Đem nộp thầy, tôi được chấm 18 điểm. Niềm vui được nhân đôi khi thầy Lâm xin tôi trái đu đủ đất sét để về nhà chưng. Bạn tôi nói, đi ngang nhà thầy thấy đặt ngay cửa sổ. 

Tất nhiên chuyện của tôi còn rất dài, khó kể hết ngay được. Hơn nữa tôi cũng phải từ từ nhớ lại để nói cho các bạn nghe những điều đáng nói, chứ không thể viết linh tinh. Nãy giờ tôi đã kể vài giai đoạn về thời thơ ấu của mình. Tuổi thơ hay thời thơ ấu là khoảng tuổi từ khi sinh ra đến tuổi thiếu niên. Cuộc đời tôi cũng chẳng có gì đặc biệt, nhưng thảng hoặc cũng có những chuyện vui, lý thú có thể kể ra hầu bạn đọc, để “mua vui cũng được một vài trống canh”. Hẹn gặp lại các bạn ở một câu chuyện khác, của một giai đoạn khác với một cảm xúc hoàn toàn mới mẻ!

(Sài Gòn, mùa cách ly 2020)

Related posts

Leave a Comment

%d bloggers like this: