Giận hờn

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Hờn dỗi, động từ tiếng Anh là “sulk”. Do you see her sulking about it? – Anh có biết cô ta giận dỗi chuyện gì không? Ở đây tôi chỉ muốn đề cập đến sự giận hờn hơn là sự tức giận, giận dữ. Danh từ “giận hờn” dùng để chỉ sự việc hai người vốn thân thiết không bằng lòng nhau về chuyện gì đó trong một thời gian ngắn. 

Sự giận dỗi thường dễ xảy ra, ở đâu cũng có. Chị giận em, vợ giận chồng, mẹ giận con…Có người, lúc đối đế lắm mới giận, nhưng lại có người “hở một chút là giận”. Có người giận một lát rồi thôi, nhưng cũng có người “giận dai như đĩa”. Tệ nhất có lẽ là sự giận dỗi do hiểu lầm. Đó là chuyện không đáng. Đến khi hiểu ra, biết rằng mình sai nhưng vì sĩ diện nên không xin lỗi, cứ để “bất chiến tự nhiên thành”, ngồi chờ cơ hội làm lành với đối phương. Sự đời là vậy, ít ai chịu nhận mình sai lắm. 

Thông thường, người đứng giữa cố gắng dàn hoà cho đôi bên lại bất lực, khó nói một câu gì khả dĩ “lọt lỗ tai”, có khi còn bị giận lây vì cho rằng không cùng phe cánh. Người im lặng không thèm quan tâm, người dùng dằng bỏ đi. Câu chuyện càng lâm vào bế tắc. 

Có khi một buổi, một ngày đến vài hôm nỗi giận hờn tan đi, người ta trở lại bình thường, nói chuyện lại như cũ coi như không có gì xảy ra. Người “bị giận” có thể xí xoá ngay nhưng có người còn ấm ức, chỉ nói vài câu nhát gừng rồi từ từ mới chịu bỏ qua. Giận hờn thôi mà, chứ đâu phải thù oán. 

Nói thế nhưng trong câu chuyện sắp kể của tôi, sự giận dỗi lại sớm chuyển biến thành nỗi hận. Năm học đó, một hôm tôi thấy tuần báo Quê Hương có đăng truyện ngắn của cô bạn, liền mua một cuốn tặng cô. Qua hôm sau cô ấy lại tặng tôi một cuốn khác kèm theo mảnh thư “Tặng lại Sĩ để làm kỷ niệm vì Sĩ tặng Hương cuốn đó thì trong bộ sưu tập sẽ thiếu đi một cuốn”. Chỉ thế thôi nhưng không hiểu sao tôi lại cảm thấy sợ. Có một nỗi lo lắng mơ hồ cứ chiếm lấy tôi. Tôi nghĩ Hương đã thích mình. Không, tôi hoàn toàn không muốn tình yêu đến quá sớm. Vậy nên tôi làm mặt giận, không thèm nói chuyện với Hương nữa. Hơn nửa khoá học còn lại của năm Đệ ngũ (lớp 8) đó, tôi chủ động “cắt đứt” quan hệ với Hương. Buổi học cuối cùng, cả lớp ăn chè với thầy để chia tay, Hương mang chè cho các bạn, đi ngang qua tôi, Hương nói trỏng:

  • Muốn ăn thì tự lên mà lấy.

Hương đã hận tôi chứ không còn là giận dỗi. Năm học sau tôi chuyển trường và hai đứa tôi không còn gặp lại. 

Thật ra trong tự điển cuộc đời tôi không hề có chữ “giận”. Tôi chưa bao giờ biết giận hờn ai cả và khi “bị giận” thì trong dạ cứ cồn cào, bứt rứt không yên. Càng về già tôi càng cố tránh bớt những lời nói, hành vi có thể khiến người khác giận hờn. Những người thân quanh tôi cũng thế, tôi nhận thấy họ ngày càng bớt đi những dỗi hờn, có cớ hay vô duyên cớ. Hình như ai cũng ý thức rằng: đời đã nhiều cơ khổ, hà tất phải tự mình tạo ra thêm. 

Có mấy lời trong bài hát “Hờn anh giận em” của nhạc sĩ Tuấn Lê, càng nghe càng thấm thía:

“Yêu nhau mới hay hờn dỗi

Dỗi như gia vị cuộc đời

Bà con cô bác có chê hay cười đành chịu vậy thôi…”.

(18.11.2020)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: