

Tết Mậu Thân 1968, trước giao thừa tôi xem bộ phim Người Về Từ Đỉnh Núi trên tivi, có minh tinh Thẩm Thuý Hằng thủ vai chính.
Đúng vào lúc tiếng còi hụ ngoài bưu điện tỉnh vang lên thì có nhiều tiếng nổ khiến mọi người cứ nghĩ là tiếng pháo các loại (trong đó pháo đại nổ to nhất). Nhưng rồi cùng với tiếng còi cứ hụ liên tục, tiếng nổ rền khắp nơi giống y tiếng đạn pháo mà chúng tôi thường nói là “pháo kích”. Ba tôi nghe đài và hét kêu cả nhà vào hầm trú ẩn. Đó là chiếc hầm kiên cố làm bằng ván gõ và bao cát, đủ cho hơn chục người trú những lúc có pháo kích.
Giao thừa năm đó cũng là thời điểm chấm dứt vui tết để bước vào chiến cuộc lần đầu tiên lan vào đến thị thành.Nhưng trận chiến ấy đã sớm kết thúc, để lại đổ nát và chết chóc dưới đôi mắt tuổi thơ tôi.
Vài tháng sau, một chuyện bị thảm đã đổ ập xuống ngôi nhà của chúng tôi: Một trái đạn pháo của bên quân đội VNCH “bị lép” và rơi xuống trong đêm khiến chị hai tôi và anh rể bị thương, chị hai phải cưa bàn tay phải và bé gái 8 tuổi con riêng của anh rễ bị nặng hơn không cứu được.
Có lẽ trong những cái tết thời tuổi thơ, tết năm 1968 là đáng để quên nhất, đến cả chữ “Mậu Thân” với tôi cũng là một ám ảnh. Nhưng bù lại 1968 đã ghi đậm một dấu mốc khác như là một định mệnh, khi vào mùa thu năm ấy, tôi vào học lớp đệ thất (lớp 6) trường trung học bán công Tân Dân, trường của nhà thờ Bến Tre do Linh mục Phêrô Phạm Tuấn Tri làm hiệu trưởng. Dưới mái trường thân thương này tôi đã đến gần hơn với Chúa.
Hôm nay 11/11/2017 tôi viết bài này, khi sắp xong mới biết thì ra 13/11 chính là kỷ niệm ngày sinh của Cha Phêrô Phạm Tuấn Tri. Quả là một điều kỳ diệu. Tháng 11/2017 cũng là Tháng cầu nguyện cho các linh hồn. Con xin cầu cho Cha Phêrô luôn được an nghỉ trong Chúa.

