Cha Phêrô Phạm Tuấn Tri

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Cha Phêrô Phạm Tuấn Tri được bổ nhiệm làm Cha sở họ Bến Tre vào ngày 24/10/1955. Lúc ấy Cha đang làm Cha phó ở họ Thạnh Phú. Khi về nhận nhiệm sở, Cha Phêrô không cho đón rước, tổ chức tiệc mừng. Lúc Cha về, nhà xứ đã xuống cấp. Khi khởi công xây nhà thờ, quỹ nhà chung chỉ có 60.000 đồng, phải mượn của các họ Đạo khác như Vĩnh Kim (Trà vinh), họ Đạo Cái Mơn…và Cha Phêrô lấy một số tài sản riêng của gia đình.

Ngày 1/8/1956 Cha Phêrô Phạm Tuấn Tri thành lập trường trung học Tân Dân do Cha làm hiệu trưởng.

Tôi học trường trung học Tân Dân năm 1968, lớp đệ thất (lớp 6). Tôi chỉ còn nhớ hai giáo viên dạy tôi là cô Ánh (môn Toán) và thầy Triết (môn Việt văn) vì tôi giỏi hai môn này. Bài luận văn thầy cho đầu năm học là tả buổi ra chơi của trường, khi trả bài đã chấm tôi thấy điểm 20 to tướng màu đỏ bút máy và lời phê “Hay” làm tôi hồi hộp vui sướng. Thời đó điểm 20 là điểm tối đa. Riêng cô Ánh, mãi đến sau này tôi mới biết là vợ của thầy Được dạy luyện thi Tú tài. Chuyện này tôi có viết trong bài “Thầy Được” https://sihuynh.home.blog/2020/04/28/thay-duoc/

Là trường học của Nhà thờ nhưng Tân Dân hoàn toàn không có giờ Giáo lý. Cha hiệu trưởng chỉ lợi dụng lúc thầy cô nghỉ đột xuất để lên lớp giảng đạo. Nói là giảng đạo nhưng thật ra Cha chỉ kể những câu chuyện về Chúa, dựa trên quyển tranh to gấp rưỡi cuốn lịch tháng. Không hiểu sao đến giờ này, đã hơn 50 năm trôi qua mà tôi vẫn còn nhớ bức tranh Chúa đi trên mặt biển và lời Cha kể như còn văng vẳng bên tai. 

Thời gian tôi học trường Tân Dân, mỗi thứ năm Cha đều phát bánh mì miễn phí. Mỗi học sinh được tặng cho một cái phiếu nhỏ bằng giấy pơ luya có đóng mộc trường. Vài đứa nghịch ngợm, cắt mảnh giấy khác rồi thấm nước tờ phiếu để in mộc qua, làm thành một phiếu nữa để lảnh bánh mì. Dù chữ in sang bị ngược nhưng người phát không để ý. Có đứa cho tôi cái phiếu giả nhưng tôi vất đi. 

Mỗi sáng thứ hai đều có chào cờ và Cha Phêrô phát biểu, chủ yếu là để dặn dò các em học sinh. Thường thì Cha chỉ nói khoảng mười phút. Nhưng có một bữa Cha nói hơi dài, đó là về vấn đề “Thiên linh chuỗi”. Một người chép gởi cho nhiều người , đến những 30, 50 bản với nội dung toàn là hù doạ: Ông kia nhận được không chịu chép gởi đi sau đó bị tai nạn, bà kia đã không chép mà còn xé bỏ sau bị ung thư mà chết…Cha Phêrô bảo đó chỉ là trò nhảm nhí, khuyên học sinh nếu có nhận được thư kiểu ấy thì đừng làm theo. Tôi cũng có nhận được một bản nhưng, đọc qua thấy vô cùng tào lao. Như bảo phải tin mà chả biết tin vào điều gì. Vậy mà thời đó vấn đề này lại rộ lên, nhiều người bị lừa, cứ bỏ công ra chép và gửi. 

Đường vô trường Tân Dân có hai lối, cổng chính và bên sân Nhà thờ. Ngày nào cũng vậy, tôi đến trường bằng cổng chính và ra về lối Nhà thờ. Tôi thích khung cảnh cây xanh bóng mát, thích nhìn mặt tiền Thánh đường, thích bờ sông chiều gió lộng. Từ Nhà thờ ra, rẽ trái là ra chợ thị xã, rẽ phải qua cầu Cái Cá đi chợ Mới, chùa Ông và về nhà tôi. 

Vì lý do sức khoẻ, Cha Phêrô Phạm Tuấn Tri xin về hưu năm 1998. Cha được Chúa gọi về lúc 23 giờ 50 khuya Chúa Nhật 16/05/2010 tại Họ Bến Tre, Thành Phố Bến Tre. Đến năm 2016 tôi mới vô đạo, về Bến Tre đi Nhà thờ, trong lòng cứ nhớ trường cũ tình xưa, nhớ Cha Tri hiền hậu và đức độ. 

(11/6/2020)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: