Bạn của một thời

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Tôi học khoa Thống kê- Toán, lớp Thống kê nông nghiệp. Đó là do trường phân chia như vậy chứ không phải theo nguyện vọng của sinh viên. Trường tôi là trường Đại học kinh tế thành phố Hồ chí Minh, nguyên là cơ sở của Đại học luật khoa cũ. 

Lớp tôi có anh Út mà chúng tôi hay gọi là “người cao nhất nước”. Vì người dong dỏng cao nên anh Út chọn ngồi bàn cuối. Út quê ở Phan Thiết. Tôi thân với anh từ bữa anh đứng lên phát biểu ý kiến, có ý đề cao tôi. Hôm ấy là buổi học cuối, thầy Khản chủ nhiệm cho chúng tôi thư giãn nửa tiếng. Thầy nói:

  • Em nào có tiết mục gì thì lên biểu diễn cho các bạn xem nào. 

Cả lớp im lặng, người này nhìn người kia. Tôi đưa tay xung phong:

  • Thưa thầy, em xin hát một bài vọng cổ ạ.

Thầy hơi ngạc nhiên nhưng cũng chìa tay mời tôi. Tôi bước lên bục giảng, giới thiệu bài hát:

  • Tôi xin hát bài vọng cổ “Cây sáo trúc”, mời các bạn lắng nghe.

LƯU THUỶ HÀNH VÂN

“Hương nước mặn mà đưa ôi thướt tha

Mà bôn ba xuôi dòng

Xa xa ngọn sóng bơi bơi phóng mình trên sông

Đời ung dung cây trúc xinh phong trần

VỌNG CỔ

Tiếng sóng giỡn trăng hay tiếng nhạc đời vọng về xóm mới. Mà nghe tiếng trúc xôn xao phơi phới….vươn mình…. Gió lặng trời xanh cùng nghe tiếng sáo bên sông tha thiết ân tình . Khoan nhặt bỗng trầm cung oán cung xuân, mặt đất dạn dày thơm thơm hương bưởi hương chanh. Ơi người thổi sáo bên sông, có phải anh là giải phóng quân. Chị hai em là gái chính chuyên , mà nghe tiếng sáo anh đôi má hồng ửng đỏ…”

Bài này giọng nam và giọng nữ ca chung. Đoạn vừa rồi là của nữ nhưng vì các bạn chưa để ý nên cho qua. Đến đoạn sau:

LƯU THUỶ HÀNH VÂN

Theo tiếng nhạc vờn bay hay tiếng ai

Lời thiết tha ngọt bùi

Em đây em gái của anh ven bờ Cửu Long

Lòng quyện theo mấy cung xuân đường”.

Đoạn này nhiều bạn đã chú ý lắng nghe nên đến câu “Em đây, em gái của anh ven bờ Cửu Long” thì cùng cười ồ lên. Tôi hơi bối rối một chút nhưng trấn tĩnh được ngay, ca hết bài. 

Tưởng rằng tôi hát “mở hàng” xong thì sẽ có nhiều bạn khác lên đóng góp. Ai dè chẳng có ai. Anh Út ngồi bàn cuối đưa tay phát biểu:

  • Tôi thấy bạn Sĩ có tinh thần tập thể, dù hát có hơi run nhưng vẫn mạnh dạn biểu diễn. Xin cho bạn ấy một tràng pháo tay.

Cả lớp vỗ tay rào rào. Hôm đó xong tiết học Thống kê- toán, anh Út rủ tôi ra ngồi quán cà phê với mấy bạn nữa. Từ hôm đó tôi quen với anh, ngày càng thân thiện. Có nhiều hôm ăn cơm ký túc xá xong, hai đứa tôi ra ngồi quán cóc. Anh bắt đầu kể chuyện Tam quốc chí cho tôi nghe, nhưng chỉ kể đoạn nào có mưu kế Khổng Minh. Anh kể rất hay, giọng điệu khi trầm mặc lúc sôi nổi. 

Học xong chương trình, chúng tôi được trường cho đi thực tập để viết đề án tốt nghiệp. Tôi và anh Út được phân công về Chi cục thống kê, phòng Nông nghiệp. Sếp tôi rất khó tính, ngày nào cũng điểm danh. Anh Út lại thường đi trễ, có hôm nghỉ mà không xin phép trước. Sếp cắt cử tôi đi Bình Chánh, Thủ Đức để lấy thống kê tiến độ gieo trồng và năng suất cây trồng. Còn anh Út thì được phân đi huyện khác. Làm việc trong phòng, lâu lâu sếp lại nhìn quanh quất và hỏi:

  • Anh Út đâu rồi nhỉ?

Ra trường, tôi được Hãng phim xin về làm nhân viên phòng tài vụ, được cô phó giám đốc cấp cho một phòng trong chung cư của Hãng. Anh Út ghé tôi chơi cả tuần, ngày nào cũng đi đâu đó, sáng đi tối về. Tốt nghiệp xong được phân công về Phan Thiết nhưng anh không nhận nhiệm sở. Tôi hỏi:

  • Sao anh không đi làm?

Anh nói nhỏ chỉ đủ tôi nghe:

  • Tui đang lo đóng tàu và móc nối người vượt biên. 

Tôi giật mình:

  • Chà, nguy hiểm lắm đó. 

Rồi anh đi. Bặt tăm luôn từ đó. Không biết anh có đến được nước nào không hay đã chôn thân ngoài biển cả. Mấy mươi năm rồi tôi không có tin tức gì của anh. Có người bạn nói anh đã định cư ở Mỹ nhưng tôi không tin, vì ngần ấy năm anh vẫn không liên lạc với tôi. 

Sau này, mỗi lần nhớ đến chuyện ca vọng cổ trong lớp học, tôi tiếc sao mình không sửa chút xíu bài hát, câu “Em đây, em gái của anh ven bờ Cửu Long” sửa thành “Phải em, em gái của anh ven bờ Cửu Long”. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, nhờ các bạn cười ồ lên như vậy nên tôi mới quen thân được với anh Út. 

(27-8-2020)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *