Bảo Loan

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Bộ phim truyền hình 2 tập Cây Huê Xà được khởi quay năm 2002 tại xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Đây là kịch bản phim được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Sơn Nam xuất bản năm 1960 tại miền Nam.
Đoàn phim chúng tôi đến Bình Hòa Phước nhằm mùa mưa, một số anh em ở phòng văn hóa xã, số khác xin “tá túc” trong nhà dân. Dân địa phương ở đây rất hiếu khách, lại biết chúng tôi là những người làm phim nên càng quý mến. Toàn bộ bối cảnh phim đều nằm trong xã với cảnh đường làng, sông nước, cảnh vườn tược, chợ quê…
Diễn viên trong phim có Thương Tín (thầy Năm Ðiền), Lê Bình (thầy Hai), Thành Lũy (cậu Bảy), Tạ Nghi Lễ (chú Tám bí thư)… còn có Hứa Vĩ Văn (Lợi), Tường Vân (bác sĩ Yến)…
Tôi “tạm trú” trong phòng văn hóa xã cùng với đạo diễn Xuân Cường, thư ký Quỳnh Nga, phụ thư ký Bảo Loan. Ban ngày thu dọn chiếu mền lại để đi quay, tối về trải ra ngủ. Rảnh rỗi chúng tôi chơi đánh bài tiến lên, Loan không chơi, chỉ ngồi xem và chỉ tôi đánh. Tối tối chúng tôi hay sang quán cà phê đối diện của vợ chồng anh út để hát karaoke. Anh chị út cũng nấu cơm cho đoàn phim ăn. Các món ăn rất đa dạng và đặc biệt ngon theo khẩu vị miền Tây.
Loan dáng người đầy đặn, cao đến 1,68 mét, làn da trắng trẻo ưa nhìn, nhất là nụ cười thường nở trên môi, rạng rỡ, tươi tắn và xinh xẻo. Có thể nói Loan ví như hoa khôi của đoàn phim, sánh ngang hàng với diễn viên nữ chính, được nhiều anh trong đoàn để ý, tán tỉnh. Tánh Loan hiền hậu dễ thương, thường không làm mất lòng ai.
Thật ra tôi cũng thích Loan lắm nhưng lại cảm thấy không thể gần gũi hơn nữa, chỉ vì Loan vốn là bạn gái của thằng đệ của tôi. Hai người cũng chỉ mới vừa chia tay nhau. Có người biết chuyện đã trách tôi “tự ái” không đúng chỗ, bỏ qua cơ hội bằng vàng để có được người đẹp.
Loan có cảm tình với tôi nhiều hơn những anh bạn khác trong đoàn. Tôi nhớ có một đêm hai đứa rủ nhau ra chợ uống nước dừa. Ngồi trên hai chiếc ghế xếp sát cạnh nhau tâm tình chuyện vãn, tôi nghĩ chỉ cần cái nắm tay là sẽ được đáp lại bằng bàn tay siết chặt. Trong ánh điện nhạt nhòa, khuôn mặt Loan lung linh mờ ảo, đẹp liêu trai khiến lòng tôi xao động. Nhưng tất cả đều dừng lại đó, cho dù hai đứa tôi vẫn có những lời bóng gió yêu thương.
Tôi còn có dịp gặp Loan trong bộ phim Hoa Và Nước Mắt, còn nhiều lần cà phê, hát karaoke với nhau, nhưng chưa lần nào bày tỏ yêu thương, dù tôi thừa biết rằng nói ra sẽ được dễ dàng chấp nhận.

☆ GHI CHÚ: Nội dung truyện ngắn Cây Huê Xà: Lài – con của thầy Năm Ðiền – và Lợi – con trai của thầy Hai bắt rắn – yêu nhau. Mối tình này không được hai người cha tán đồng. Ở làng bất ngờ xuất hiện một “mãng xà vương” cắn chết nhiều người. Hai ông thầy được mời để trị con “mãng xà vương” này. Thầy Hai dùng “bùa phép” bắt được “mãng xà vương”, uy tín thầy Hai lên rần trời. Thầy Năm Ðiền tức tối, nghĩ ra mỹ nhân kế. Ông tạo điều kiện cho Lợi đến nhà chơi với Lài. Từ Lợi, ông khai thác được bài thuốc bí truyền của thầy Hai, trong đó có một món thuốc khá bí hiểm được bào chế từ “cây huê xà”. Tuy vậy, ông không tin có cây huê xà thật. Ông nghĩ thầy Hai tìm cách “bịp” ông. Và cuối cùng, ông bị rắn độc cắn chết vì bài thuốc thiếu vị cây huê xà. Lài thấy cha mình chết cũng tự tử chết theo…

Nếu đoạn kết truyện ngắn Cây huê xà đầy bi kịch, thì ở bộ phim truyền hình (2 tập) của Chương trình “Ðiện ảnh chiều thứ bảy”, VTV3, nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân đã có cái kết khác hơn: Cho Lài sống và hơn thế nữa cho Lợi và Lài lấy nhau, kết thúc mâu thuẫn giữa hai gia đình. (https://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/cay-hue-xa–tinh-lang-nghia-xom-53673.htm)

(0:10 ngày 16/10/2021)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: