

Người ta thường nói “Nhàn cư vi bất thiện”, còn với tôi phải gọi là “Nhàn cư…suy bất tiện”, có nghĩa là quá rảnh rỗi đâm ra suy nghĩ vẫn vơ, bận tâm với những thứ không còn phù hợp, tiện lợi của cuộc sống. Cuộc đời luôn biến động, thăng hoa, đổi mới. Những gì cũ kỷ sẽ sớm bị đào thải, sẽ chỉ còn trong kỷ niệm. Vậy nhưng vì nhàn rỗi, tôi cứ mãi nghĩ ngợi về chúng với ít nhiều nỗi niềm bâng khuâng khó tả.
Như vừa mới đây trong khu nhà trọ tôi dọn sang phòng mới. Mỗi ngày đi tới đi lui, đi qua đi lại ngang căn phòng cũ mà lòng cứ thấy bùi ngùi, nhớ từng vị trí trong căn phòng đã gắn bó với mình gần 3 năm rưỡi.
Rồi như chuyện bé Na con gái 3 tuổi của vợ chồng hàng xóm mỗi ngày chạy sang phòng tôi chơi, vừa mến tay mến chân chưa đầy một tuần đã nghe tin họ sẽ về quê luôn khiến tôi cứ buồn buồn mãi.
“Nhàn cư suy bất tiện” – nói nôm na vậy có vẻ không đúng câu cú nhưng chắc dễ hiểu cho hoàn cảnh của tôi. Trên đây chỉ là hai ví dụ tôi muốn trưng ra cho các bạn dễ hình dung. Còn, còn rất nhiều những sự việc khác khi trôi qua, mất đi đều để lại trong tôi nhiều nghĩ suy, luyến tiếc. Mà, đôi khi tôi cũng không hiểu mình luyến tiếc điều gì.
Mấy tháng trời Sài Gòn giãn cách vì Covid -19, tôi ở nhà, chỉ quanh quẩn trong nhà và khu phố trọ, không hề bước ra đường phố. Chả trách gì tư tưởng bị gò bó, cùng quẩn. Sự nhàn cư đã lên đến đỉnh điểm. Không biết có phải vì thế mà ban đêm tôi cực kỳ khó ngủ. Giấc ngủ luôn chập chờn, gián đoạn.
Sài Gòn đang trở về cuộc sống bình thường mới, không áp dụng chỉ thị 15, 16 hay 19. Bây giờ là “sống chung với lũ”. Tin tức mỗi chiều tối cho thấy số ca nhiễm đang giảm, số ca khỏi bệnh tăng nhanh và số ca tử vong còn dưới 2 con số. Tôi cũng chưa dám đi đâu, mà thật ra cũng không có chỗ đi. Cà phê vẫn chưa cho uống tại chỗ, chỉ mua mang về. Rạp chiếu phim, tiệm karaoke chưa được phép hoạt động. Tôi lại vẫn ru rú trong nhà và tiếp tục “nhàn cư”. Những nỗi niềm bâng khuâng, luyến tiếc, bùi ngùi lại có dịp sinh sôi nảy nở.
Lúc đầu tôi cứ tưởng trạng thái tinh thần ấy là đặc tính của tuổi già, nhưng hóa ra không phải. Những người lớn tuổi khác quanh tôi không ai bị như vậy cả, bởi vì họ đều có việc làm, chí ít là làm vườn, trồng rau cải như ông chủ nhà trọ.
Của đáng tội, vợ tôi vốn không cho tôi làm gì cả, đến rửa cái bát cũng bảo “để đó cho em”. Sống với nhau 4 năm rồi hầu như tôi đã quên hẳn chuyện làm bếp. Về hưu rồi, đã ở không lại thêm bị nhàn cư. Hồi xưa tôi biết kho thịt, nấu canh, kể cả làm xíu mại. Giờ chiên cái trứng cũng không nên thân. Mấy năm trước mỗi ngày tôi còn xách nước lên lau gác. Giờ cầm cây chổi để quét nhà cũng thấy mỏi tay.
Đó là tất cả về chuyện nhàn cư của tôi.
Còn một vấn đề khá “nhức nhối” nữa cũng đeo đẳng tôi mãi, đó là lòng trắc ẩn, sự cám cảnh với những sự việc có khi rất bàng quang. Chẳng hạn như có hai anh em kia ở kế bên phòng tôi, suốt ngày đóng cửa chẳng quan hệ với ai. Vậy mà một buổi tối kia họ trả phòng, dọn đồ đi về quê, vì mùa dịch bị thất nghiệp, trước khi đi người anh chào tôi một tiếng. Chỉ thế thôi mà tôi suy nghĩ mấy ngày liền, hàng ngày nhìn cánh cửa phòng khóa kín mà lòng buồn vô hạn.
Rồi tôi lại cảm thương cho mấy người ở trọ một mình, nhất là những người tạm thời thất nghiệp vì Covid 19. Có người đã cạn tiền, muốn về quê nhưng không về được.
Trái tim tôi chia nhiều ngăn quá, tình cảm lai láng quá nên nhiều lúc tôi cảm thấy như nghẹt thở. Không biết đây có phải là hệ quả của tuổi già không?
Giờ ngồi đây viết những dòng này tôi còn cảm thấy mệt mỏi, khó thở. Tôi muốn kể lễ về tâm trạng lúc này của mình để mong bạn đọc cảm thông, góp ý. Chứ thật sự lâu lắm rồi tôi không có được một ngày vui.
(13/10/2021)