Ước mơ và hối tiếc: Chúng ta bị ám ảnh bởi những chuyện chưa làm được, thay vì những điều đã làm

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Con người là một thực thể sinh động, tồn tại và vươn lên từ những ước mơ. Tuổi trẻ hay tuổi già đều chất chứa trong lòng nhiều mơ ước. Từ khi còn tràn đầy sinh lực cho đến lúc sức khỏe đã bị bào mòn bởi thời gian, con người luôn không ngừng ấp ủ những khát khao, hoài bão. Đến lúc xuôi tay nhắm mắt vẫn còn có những nỗi niềm thầm kín.
Năm 18 tuổi tôi mơ sẽ trở thành một nhà báo. Thời thế đẩy đưa tôi chuẩn bị làm một luật sư. Và kết cuộc, với một bước ngoặt kỳ lạ, tôi dấn thân vào ngành điện ảnh, dành hết cả đời người cho nghệ thuật thứ 7, một bộ môn mà có nằm mơ cũng không thấy được.
Ngày nay khi đã già, trong tôi vẫn chất chứa biết bao niềm mơ ước. Nhưng như một quy luật, mơ ước bây giờ luôn kèm theo những nỗi niềm hối tiếc không nguôi. Tôi tiếc thời trẻ tại sao làm việc này mà không làm việc kia; tiếc vì không có bản lãnh, thiếu quyết đoán và non kém cả đức hy sinh. Tuổi trẻ của tôi không có sự nông nổi, bồng bột mà luôn nhút nhát, e dè, sợ những đổi thay. Tôi vốn không tin vào những thay đổi mới mẻ nên cam phận, chấp nhận thực tại, “mặc cho con tạo xoay vần”. Hình như những mơ ước của tôi chỉ để làm đẹp thêm cuộc sống.
Vào một ngày kia, tôi phát hiện ra mình đã thật sự già, từ tâm hồn đến thể chất. Mắt kém hơn, tai lãng hơn, dáng đi khập khiễng, tay chân vụng về, đầu óc không còn linh hoạt. Tôi buồn cả mấy ngày, không thiết ăn uống, đêm nằm trằn trọc, làm biếng nói năng. Nhưng rồi tâm trạng ấy cũng vội qua nhanh, vì cuộc sống luôn sinh động, nhiều biến chuyển đổi thay, không thể dừng lại chờ một người cứ mãi trầm tư, buồn nản. Tôi dễ dàng chấp nhận tuổi tác, nhất là khi nhìn lại thấy mình từ lâu đã lên chức ông nội của hai đứa cháu.
Rồi, giống như quy luật đã nói, tôi bắt đầu sống với những nỗi niềm hối tiếc không nguôi. Tôi ân hận vì không gần gũi nhiều hơn với cháu nội, thiếu hẳn những cử chỉ âu yếm, ẳm bồng đứa cháu trai khiến cháu thấy tôi như người xa lạ. Con trai tôi bảo: “Chào ông nội đi con”. Bé rụt rè: “Ông nội”. Rồi thôi, không có gì tiến triển thêm, vì lâu lâu mới gặp một lần. Hàng ngày tôi xem camera thấy cháu nội chơi đùa trong nhà trẻ vậy là đủ. Thỉnh thoảng nhắn Zalo cho con dâu: “Cho ba vài tấm hình của bé My và ku Tủn”.
Tôi hối tiếc vì khi xưa cứ đi phim miết, thời gian gần gũi bên con cái không được nhiều. Giờ tôi cũng không thể nhớ hết các phim mình đã làm, nhưng tôi nhớ rất rõ những chuỗi ngày xa cách gia đình. Lúc con trai đầu tôi được sáu tháng tuổi, tôi về thăm, chìa hai tay ra để ẳm mà con không chịu qua. Vậy mà khi ấy tôi lại coi đó là chuyện bình thường, không mảy may bận tâm suy nghĩ.
Nhưng nói tới phải nói lui. Thật ra tôi cũng có nhiều giai đoạn kề cận bên hai đứa con trai. Sáng sáng chở chúng đi nhà trẻ, mẫu giáo, cùng ăn điểm tâm với nhau. Chiều chiều đón con tan học. Con tôi mến ba nó lắm. Đến bây giờ vẫn vậy. Chúng chu cấp hàng tháng cho tôi, thường xuyên hỏi thăm, có lúc động viên tôi rất sốt sắng. Nhớ có lần tôi nằm viện, hai con tới thăm, bảo “Ba ráng mau hết bệnh để về xem World Cup”. Ồ, sắp đến ngày hội của bóng đá thế giới rồi sao? Vậy là phải mau khỏe lại mới được. Năm đó tôi và các con cùng phấn khích với quả bóng tròn quốc tế suốt cả một mùa hội lớn.
Tôi đang ngồi trước màn hình máy tính. Chiếc PC này là của con trai lớn của tôi mua, đem từ quận 6 lên đến quận 9 để lắp đặt cho tôi, đường xa nắng rám. Nó phải xin công ty nghỉ buổi sáng. Cài đặt xong thì đã sắp trưa. Máy chạy nhanh hơn máy cũ gấp nhiều lần. Tôi hỏi bao nhiêu tiền, con bảo ba triệu mấy, nhưng tôi biết nó giấu, chắc hơn thế rất nhiều.
Ba cha con tôi có một group chat, thường trao đổi nhau chuyện nhà, tin tức bóng đá. Con út tôi thường không bỏ sót một trận bóng quan trọng nào, hay up lên cho tôi link xem bóng đá trực tiếp, cùng hồ hởi, xuýt xoa, tiếc nuối những pha làm bàn. Tôi và hai cô con dâu cũng thỉnh thoảng nhắn tin cho nhau. Tôi sắp làm ông nội tiếp vì con dâu út chuẩn bị sinh em bé.
Vậy cũng được rồi chứ nhỉ? Còn gì nữa để hối tiếc? Vâng, hỏi tức là trả lời, mức độ tự trách mình trong tôi đã dần dần thuyên giảm. Ví như trước đây tôi thường buồn khi nghĩ đến người vợ sau của mình, ước gì được trẻ lại để dành tuổi xuân cho vợ. Hoặc vả, đối với người vợ cũ gần 30 năm chung sống, tôi tiếc đã không đồng lòng với cô ấy về mọi mặt để khỏi phải chia tay. Âu đó cũng là định mệnh, là duyên số. Vợ tôi bây giờ không ai thay thế được. Cô ấy đã vì tôi, hy sinh tất cả để có cuộc sống chung hôm nay. Còn người vợ cũ, sau 14 năm cách biệt chắc cũng đã quên, giờ đây chỉ biết sống vui cùng con cháu.
Ở tuổi này chưa quá già để phải lú lẫn, thui chột cả ước mơ. Còn nhiều lắm những cơn mộng đời thường, những giấc mơ bay bổng. Tinh thần lạc quan, ý nghĩ tươi sáng sẽ giúp ta có sức mạnh đạt được mục tiêu. Tôi sẽ bớt hoài niệm về quá khứ, cũng không quá mơ mộng đến tương lai. Thực tại mới là bức tranh sống động nhất mà ta cần thưởng lãm.

(20/4/2021)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: