Lật mặt 7: Một Điều Ước – câu chuyện nhân quả
Lần đầu tiên, ít nhất như tôi biết được, có một bộ phim điện ảnh mà không có nhân vật nào là phản diện, là xấu. Kể cả người chồng nghiện rượu cũng giữ được mức vừa phải, chưa bao giờ quậy phá xóm giềng. Bộ phim từ đầu đến cuối không có lấy một tiếng chửi thề.
Đó là bộ phim Lật mặt 7: Một điều ước của ca sĩ, diễn viên, nhà sản xuất phim Lý Hải.
Thật ra tôi đi xem Lật mặt 7 vì nghĩ cũng như các phần trước, nghĩa là một phim hành động. Tôi muốn xem kỳ 7 này, Lý Hải sẽ “lật mặt” như thế nào.
Vậy là tôi yên vị trên ghế, nhấm nháp bắp rang bơ và Pepsi để từ từ thưởng thức bộ phim. Không lề mề, chỉ mươi phút thôi, với vài phân đoạn phim đã chứa đựng ẩn ý về một câu chuyện gia đình. Ủa, phim tâm lý xã hội chứ không phải phim hành động sao? Vậy “lật mặt” kiểu nào đây ta?
Thú thực với các bạn, ngay lúc phát hiện ra bộ phim “không có lật mặt gì hết” tôi đã muốn bỏ về, vì phim tình cảm không phải là gu của tôi. Tôi chỉ thích phim hình sự, xã hội đen mà thôi. Chẳng qua đó là lỗi của tôi (chứ không phải của Lý Hải). Bởi vì tôi không có thói quen đọc tóm tắt nội dung. Chứ nếu không…À, chờ đã, nếu tôi biết trước đề tài của phim này thì…tôi đã không đi xem. Và…tôi đã bỏ lỡ một bộ phim xuất sắc!
Lật mặt 7: Một điều ước là câu chuyện kể về người mẹ suốt đời tần tảo, chồng lại qua đời sớm phải nuôi 5 đứa con, chăm lo cho chúng nên người, nên vợ nên chồng, dù mỗi đứa một nơi, bận cơm áo gạo tiền nhưng vẫn một lòng báo hiếu.
Khi bước vào tuổi già, bà sống cùng cô con gái thứ hai có bé gái nhỏ. Bốn người con còn lại của bà, sống ở bốn nơi khác nhau, làm những nghề khác nhau.
Một tai nạn xảy ra khiến bà mẹ phải bó bột ở chân, phải ngồi xe lăn. Nhằm lúc bé gái của cô con gái thứ hai bị bệnh phải nằm viện khiến cô phải chăm sóc dài ngày. Sau khi bàn tính, bốn người con kia chốt lại mỗi người sẽ chăm sóc mẹ một tuần.
Diễn biến tiếp theo, bà mẹ đến ở với bốn đứa con, mỗi người một tuần lễ. Và câu chuyện nhỏ của bốn gia đình người con đã được lồng ghép vào câu chuyện lớn về tình thân gia đình, về sự báo hiếu.
Bốn câu chuyện nhỏ ấy thật ra cũng không nhỏ, vì mỗi chuyện đều có những cao trào, những tình huống thắt nút mở nút tài tình của cặp đôi tác giả kịch bản Minh Hà – Lý Hải. Qua bốn câu chuyện ấy, chúng ta có thể thấy được bi kịch đã không đến, phù hợp với luật nhân quả. Gieo nhân nào gặt quả nấy. Như trường hợp bà chủ nhà hàng xóm lúc đầu kiên quyết, không khoan nhượng vụ xây nhà lấn đất, cuối cùng “nút thắt” đã được mở khi con gái bà chủ về đến. Sự xuất hiện của cô con gái không phải tình cờ mà là tất yếu, để chứng minh cho “cái quả” đã đến hồi gặt. Lòng kính yêu quý mến của cô gái đối với bà mẹ năm con từ “cái nhân” bà đã gieo lúc trước. Vậy là bà chủ bỏ qua không khiếu nại nữa.
Hay như câu chuyện người con đi biển, thoát chết trở về nhờ chiếc áo phao đứa con gái đưa (thật ra là của bà mẹ bảo cháu đi mua).
Hai câu chuyện còn lại cũng thế. Với người con đầu, bi kịch vợ chồng suýt xảy ra khi hàng ngày phải chạy theo vòng xoáy mưu sinh, thiếu sự quan tâm đến con cái. Đó chính là “cái nhân”. May mà có sự xuất hiện của bà mẹ nếu không đã phải “gặt quả”. Người con đầu nói với hai đứa con: Ba xin lỗi vì chỉ biết xây một ngôi nhà đẹp mà quên đi việc phải xây nên một ngôi nhà hạnh phúc. Câu chuyện vợ chồng đứa con làm thuê trên Tây nguyên cũng không ngoại lê. Sự siêng năng cần cù và lòng trung thành đã cảm hóa được ông bà chủ.
Các tuyến nhân vật khác của Lật mặt 7: Một điều ước cũng gợi lên một câu chuyện nhân văn: những người hàng xóm chất phác, tốt bụng và những đồng nghiệp chân thành. Có lẽ chúng ta cũng nên hỏi câu này: nhờ đâu mà được như vây?
Tóm lại, tại sao bộ phim vẫn lấy tựa đề Lật mặt? Lật mặt 7 có nghĩa là ai cũng lật mặt hết, không cần che đậy. À, thì ra ai cũng tốt hết đây mà!
Bộ phim gần như vẽ lại một bức tranh đời sống với gam màu tươi sáng. Những tông màu u tối sẽ bị ẩn đi. Ẩn không có nghĩa là mất, nhưng với một nhân sinh quan tích cực chúng ta sẽ không còn nhìn thấy chúng nữa.
(09/5/2024)
SĨ HUỲNH