Cô gái đêm khuya
Trong đêm tối như nghe có tiếng chân ai bước nhẹ ngoài cổng rào. Tiếng tàu lá chuối trong vườn xào xạc. Tiếng con cún bị xích dây sủa con mèo hoang. Rồi bỗng dưng không gian trở nên thinh lặng, chỉ còn nghe tiếng vài loại côn trùng chưa biết gọi tên rả rít, hòa quyện một tấu khúc bùi ngùi.
Đêm khó ngủ. Tôi vén mùng chui ra ngoài. Vầng trăng vằng vặc trên cao. Cuối hẻm đá bi ánh đèn leo lét. Tôi châm điếu thuốc cuối cùng còn sót lại, khói bay lẩn quẩn không tan. Trời tự dưng đứng gió.
Bất chợt có tiếng thì thào ở đâu đó gần lắm, nghe muốn nổi da gà:
-Anh ơi, em lạnh.
Tôi quay người nhìn, dáo dác tìm kiếm. Nép bên cổng rào là một hình thù đen nhẻm chừng như đang run bần bật khiến tôi cũng giật bắn mình. Nhưng cánh cổng đã khóa, ngăn cách, nên tôi cũng cảm thấy yên tâm. Tôi lại gần hơn một chút, phát hiện ra đôi cặp mắt long lanh. Gần thêm nữa, đó là một cô gái tiều tụy trong bộ bà ba đen, dáng vẻ chừng mệt mõi lắm. Cô bám hai tay vào song sắt, người như muốn khuỵu xuống. Ánh mắt cô chợt ngời lên vẻ van lơn.
-Ai đây?
Tôi hỏi, lòng đầy trắc ẩn.
-Em bị cướp và bị lạc đường. Giờ đói quá. Anh có thể cho em thứ gì ăn tạm không?
Tôi chưa hết cảnh giác:
-Ăn xong rồi cô đi đâu?
-Chắc em tìm đại hàng hiên nào ngủ tạm.
-Chờ tôi một chút nhé.
Tôi quay vào nhà, vô bếp lục cơm nguội và vài miếng đậu hủ kho còn sót lại sau bữa ăn chiều. Tôi dùng cái hộp nhựa đựng, thêm cái muỗng nhựa hôm qua mua cơm tấm ngoài chợ. Nỗi lo lắng đã tan biến, còn lại là chút cảm thương. Không hiểu sao lại bị cướp nhỉ. Nhìn dáng vẻ người con gái ấy thấy dân dã lắm, đâu giống người có tài sản gì. Để lát hỏi xem cô ấy từ vùng nào lưu lạc đến đây. Thăm người quen? Tìm người thân? Hay là…
Có tiếng động bên cạnh, nhìn sang thấy vợ tôi đang đứng dụi mắt:
-Anh làm gì vậy? Đói bụng à?
-Không.
-Sao không múc cơm vô tô mà xài hộp nhựa?
-Để cho cô gái lỡ đường ngoài kia. Em ra coi cô ấy còn đứng đó không?
Vợ tôi bước ra cổng, nói vọng vào:
-Có thấy ai đâu.
Tôi ngạc nhiên đi ra. Cổng rào im lìm vắng lặng. Cô gái đã biến mất.
-Kỳ vậy ta, mới tức thì đây mà.
-Chắc chờ lâu nên cô ta bỏ đi rồi. Mà ai vậy ta, sao tới đây giờ này. Thôi vô anh ơi. Thấy ớn lạnh quá.
Chúng tôi vào nhà.
Nằm dỗ lại giấc ngủ thật khó, đầu óc cứ suy nghĩ loanh quanh lẩn quẩn. Vợ tôi ngủ lại rất nhanh, xem như chẳng có chuyện gì. Ngoài vườn những tàu lá chuối lại xạc xào, những con côn trùng lại thở than, có tiếng ngỗng kêu ngao ngao nho nhỏ. Đêm miền quê thật yên tĩnh, không chút âm thanh xe cộ ồn ã. Ở vùng quận 9 Sài Gòn tôi ở, tiếng xe đêm thường âm ỉ, thỉnh thoảng có tiếng xe cứu thương và đặc biệt trong tuần, thế nào cũng có tiếng gầm rú của xe đua bất chợt vang lên vào khoảng 1,2 giờ sáng, diễn ra trong gần hai mươi phút. Lâu ngày thành quen, chúng tôi cứ ngủ bình thường như không nghe không biết.
Đêm lững lờ trôi, tôi mãi vẫn chưa dỗ được giấc ngủ. Chợt nghe tiếng la thất thanh vọng vào từ ngoài cổng:
-Cứu…cứu…
Tôi choàng dậy, chạy ra. Cô gái lúc nãy đang bị con chó nhà ai đuổi dí, nhưng nó không cắn, chỉ thè lưỡi quắn đuôi, ra vẻ quan tâm đối tượng hơn là hù dọa. Tôi mở cổng cho cô bé vào. Có điều lạ là vợ tôi và người nhà vẫn ngủ say không ai biết. Tôi mời cô gái ngồi xuống băng ghế ở nhà sau. Cô vẫn lấm lét nhìn ra cổng, một tay đè lên ngực như đang hoàn hồn. Con chó đã bỏ đi. Tôi đem hộp cơm ra, cô gái cầm ngay lấy múc ăn vội.
-Em có phải là con bác Năm ở tổ 1 không?
Vợ tôi hỏi, không biết cô ấy ra từ lúc nào.
-Dạ, sao chị biết?
-Sao không. Em là con thứ mấy của bác Năm?
-Dạ con út.
-Em lấy chồng rồi ở đâu?
-Dạ ở Phương Lâm.
-Nghe bác Năm than thằng chồng em vũ phu lắm phải không? Bữa nay chắc em hết chịu nỗi nên bỏ đi chứ gì. May mà hai đứa chưa có con.
-Dạ…Nhưng em không dám về nhà cha mẹ, sợ hắn lại đến làm phiền.
-Vậy giờ em tính sao? Bắt buộc phải về với hai bác thôi. Có chỗ đâu mà đi.
-Em khổ quá chị ơi. Muốn chết quách đi cho rồi.
-Bậy nhen. Chuyện này dễ giải quyết lắm. Thôi cứ ở đây đêm nay, mai chị tính cho.
-Dạ, cám ơn chị.
Vậy là tôi đã hiểu phần nào vấn đề. Đây là bi kịch gia đình, tiếc là xảy đến với người phụ nữ còn quá trẻ. Tôi bỗng nhớ đến câu chuyện của cô bạn nhỏ mười năm trước về làm dâu đất Bắc. Lúc ấy cô mới có hai mươi hai tuổi, đang độ trẻ trung sung sức. Vừa chân ướt chân ráo bước vào nhà chồng, cô đã phải đảm đương một khối lượng công việc nặng nhọc, khổng lồ, hầu như bao trọn, còn cha mẹ chồng thì ở không, cha nhậu suốt ngày, chồng đi học ở tỉnh khác mỗi tuần về được hai ngày. Mới 3 giờ sáng cô đã phải dậy nấu cơm cho cả nhà, nấu đồ ăn cho đàn lợn, cho bầy gà ăn, tưới rau rồi gánh cải ra chợ bán. Hơn 7 giờ bán xong về chuẩn bị ra ruộng làm việc đồng áng. Trưa cô nghỉ giải lao, ăn cơm mang theo tại chỗ, chiều lại làm đến tối. Về nhà lo nấu cơm chiều, rửa nồi ơ chén bát, xong hết công việc rồi cũng đã 10 giờ hơn, đi nằm để 3 giờ lại dậy, tiếp nối “con đường đau khổ”. Thời gian sau cô còn phải đi mua trái cây mang ra chợ bán. Hơn 4 giờ sáng đã lên đường, đi ghe qua sông cùng bạn hàng rồi thồ về hơn 1 tạ dưa hấu. Cô gái mảnh khảnh bên chiếc xe đạp thồ, quàng hai bên xe hai bao dưa hấu mỗi bao hơn 50 ký. Không thể tưởng tượng nổi. Lúc lên, xuống ghe dù có người phụ đỡ nhưng cũng rất chao đão, thậm chí nguy hiểm. Vậy mà ngày nào cô ấy cũng đi. Về đến chợ nhỏ cô bán rất nhanh, chưa đầy một tiếng đồng hồ đã hết nhẵn. Đó là thời gian sau sinh, đi buôn bán để có tiền lo sữa cho con. Còn một chuyện “quái đản” khác mà cô phải chịu đựng suốt khoảng thời gian làm dâu, đó là vị cha chồng suốt ngày say xỉn, chửi bới suốt bất cần lý do. Có một hôm giữa đêm khuya cô phải bồng con bỏ nhà đi, đến nhà bà chị của cha chồng nhờ tá túc. Vậy mà ông cha chồng còn theo đến nơi, mắng cả người chị khiến cô phải bắt buộc trở về. Hai năm. Hai năm quằn nặng kiếp làm dâu, sức chịu đựng của một cô gái trẻ tha phương gần như đã chạm giới hạn. Cô tìm cách bồng bế con thơ trở về quê mẹ và không bao giờ trở ra đó nữa.
“Cơm sôi bớt lửa, chồng giận bớt lời”, hai người ở bên nhau làm sao tránh khỏi những mâu thuẫn nhưng phải biết cách giải quyết làm cho cho thỏa đáng nhất. Bạo lực là vấn đề được hình thành trong máu thịt của người đàn ông, để thay đổi phải cho họ thời gian và cần có một sự giáo dục nhất định. Đây là vấn đề vô cùng khó khăn vì vậy phải kết hợp bằng nhiều biện pháp. Nhưng phụ nữ Việt khổ cái là mang nặng tư tưởng sợ, nể chồng, sợ bị mất mặt, sợ thiên hạ biết chuyện lại cười chê nên cứ âm thầm chịu đựng. Thật sự, khi mà cuộc sống chỉ toàn là mệt mỏi, đau đớn thì bạn nên dừng lại. Dừng lại để giải thoát cho chính mình.
Mà, phụ nữ có vài người rất kỳ lạ, khó thể hiểu nổi cũng như khó cảm thông. Chẳng hạn như cô vợ của anh người bạn tôi. Anh ấy hiền lành như cục đất. Vậy mà cô vợ lại ngoại tình, cuối cùng ly dị chồng để ở với người đàn ông ấy. Đó lại chính là tay vũ phu có hạng, say xỉn thường xuyên, đánh đập vợ như cơm bữa. Thế mà cô ta lại chịu đựng, còn ra miệng bảo vệ chồng, mắng lại những người góp ý. Thật không thể hiểu nổi.
“Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”
“Chim quyên ăn trái nhãn lồng
Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi”
Những gã đàn ông có thói vũ phu, nặng đầu óc gia trưởng, xem cái tôi của mình trên tất cả nên chắc đã quên béng những câu ca dao tục ngữ về tình chồng nghĩa vợ. Không hiểu tại sao họ lại vô cảm, thản nhiên khi thượng cẳng chân hạ cẳng tay với người đầu ắp tay gối. Những thương tích lắm khi rất nặng nề cũng không khiến họ xao lòng. Thảm kịch gia đình chắc chắn sẽ xảy ra không sớm thì muộn. Không thể chấp nhận như vậy được.
Số phận cô khách đêm khuya này rồi sẽ ra sao? Đây có phải là sự việc cuối cùng không hay lại có cơ tiếp diễn? Trông người phụ nữ này có vẻ hiền lành và chịu đựng, tôi không tin chắc lắm về một tương lai mới mẻ.
SĨ HUỲNH