Ghi chép 

Tại sao tôi không trở thành nhà văn?

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Ngoài làm thơ, viết văn tôi còn sáng tác thơ châm biếm, đả kích. Đó là vào những năm 1980- 1981. Tôi làm bài nào là được báo đăng bài đó. Tôi chỉ gửi cho báo Sài Gòn Giải Phóng, mục thơ châm biếm do anh Cung Văn phụ trách. Bút danh khi ấy của tôi là Tú Cận.

Năm 1981 tôi đi phim “Đứa con bị từ chối” của đạo diễn Lê Dân. Họa sĩ thiết kế lúc bấy giờ là chú Vĩnh Bảo. Chú mời anh Huỳnh Bá Thành (họa sĩ Ớt) làm trợ lý). Anh Thành tánh tình điềm đạm, hiền hậu, dễ gần gũi. Biết tôi có bài đăng báo, anh nói: “Em đi phim có nhiều thuận lợi để viết bài về phim ảnh. Viết đi, có gì khó khăn anh chỉ cho”. Tôi hỏi anh sao mấy bài thơ châm của tôi đăng báo Sài Gòn Giải Phóng không thấy mời lãnh nhuận bút? Anh trả lời: Có bài được đăng thì cứ đến tòa soạn lãnh, đâu cần phải mời.

Thời gian trôi đi, mãi mà tôi vẫn chưa viết được bài nào về phim, dù tôi cứ đi hết phim này đến phim khác. Cho đến một hôm tôi viết một bài giới thiệu bạn tôi là họa sĩ thiết kế Huỳnh Phúc Nghĩa để đăng báo tường của Hãng Phim Giải Phóng nơi tôi công tác. Bài viết bị từ chối, không biết lý do gì. Buồn buồn tôi gửi bài ấy cho báo Tuổi Trẻ thì độ một tuần sau được đăng. Một chuyện tréo ngoe là bài đăng ấy lại được nhân viên phụ trách làm báo tường cắt ra dán lên cho mọi người cùng “thưởng thức”.

Qua bài viết đó, chị Cát Vũ của báo Tuổi Trẻ chủ động gặp tôi. Chị khuyến khích tôi viết tiếp về điện ảnh. Bài viết tiếp theo của tôi là bài giới thiệu đạo diễn tài liệu Đinh Anh Dũng. Tôi gặp anh tại Hãng Phim ngõ ý phỏng vấn. Anh vào căn tin mua mấy điếu thuốc lá Du Lịch mời tôi. Bài viết được đăng ngay sau đó.

Một chuyện trùng hợp kỳ lạ là sau khi tôi viết bài giới thiệu họa sĩ Huỳnh Phúc Nghĩa và đạo diễn Đinh Anh Dũng thì hai anh lại đạt được giải họa sĩ và đạo diễn phim tài liệu  xuất sắc của Liên hoan phim năm đó. Một bài viết khác giới thiệu họa sĩ thiết kế Phạm Nguyên Cẩn, bạn tôi, không ngờ sau đó anh cũng nhận được giải họa sĩ xuất sắc trong bộ phim “Hoa Cát” (Lê Văn Duy đạo diễn).

Về truyện hài châm biếm tôi cũng có thử sức qua, viết mấy tiểu phẩm gửi báo Công Nhân Giải Phóng (ngày nay là báo Người Lao Động). Gửi bài nào là được chọn đăng bài đó khiến tôi rất phấn khích, thừa thắng xông lên. Tôi quen nhà văn Hào Vũ công tác ở báo Văn Nghệ Long An (Anh Hào Vũ là bạn của bạn tôi- họa sĩ Phạm Nguyên Cẩn). Tôi gửi anh mấy tiểu phẩm và được báo Văn Nghệ chọn đăng sau đó. Anh lên Sài Gòn chơi, mang nhuận bút lên cho tôi. Anh bảo: “Anh em trong tòa soạn thích bài của cậu lắm đấy”.

Với tôi, chuyện sáng tác thơ văn chỉ là ngẫu hứng. Mấy chục năm mà chỉ có hơn trăm bài thơ, vài ba truyện ngắn thì thật là quá ít ỏi. Riêng thơ chỉ có vài bài được đăng báo, còn lại chỉ là “của để dành” lâu lâu lục lại coi chơi. Công việc làm phim đã “ngốn” hết thời gian nhàn rỗi của tôi. Tuy vậy, nếu siêng hơn, có lẽ giờ đây tôi đã là một cây bút có chút ít tên tuổi, được kết nạp vào Hội Nhà Văn rồi cũng nên. Thật là tiếc quá!

(29/6/2022)
SĨ HUỲNH

Related posts

Leave a Comment

%d bloggers like this: