Kỷ niệm quay phim Di Linh


Search Google thấy như sau:
“Di Linh là huyện miền núi thuộc tỉnh Lâm Đồng, nằm trên cao nguyên Di Linh, ở độ cao 1.000 m so với mặt nước biển. Di Linh được Bác sĩ Alexandre John Emile Yersin người Thụy Điển quốc tịch Pháp tìm thấy vào năm 1890”.Một chút nguồn gốc để các bạn hình dung về huyện Di Linh tỉnh Lâm Đồng, cách Đà Lạt 80 cây số.
Năm đó đi quay phim vào đầu mùa mưa tại huyện Di Linh, Lâm Đồng cũng tức là mùa dế, với các loại dế cơm, dế than, dế lửa…thường “tụ tập” dưới các cột đèn.
Nhóm chúng tôi gồm chị cấp dưỡng, anh công nhân ánh sáng, tổ quay, chú lái xe hẹn nhau buổi tối đi bắt dế về chiên giòn làm mồi nhậu. Chúng tôi chỉ cần đi hơn nửa tiếng là đã bắt được khá nhiều dế cơm, đem về nhà bếp và cùng chị cấp dưỡng làm món. Dế được ngâm nước muối, rút ruột, làm sạch bụng, còn lại khoảng 200 gram. Với các gia vị như tỏi, xả băm nhỏ, đậu phộng chiên giòn nhét vào bụng dế rồi bắc lên chảo chiên. Nhóm có khoảng 8,9 người mà xơi 200 gram dế chiên giòn, nhậu với vang Đà Lạt thiệt là bắt mồi, hương vị rất lạ, béo béo, cảm giác giòn giòn vui miệng.
Ở Di Linh, chiều chiều bên vệ đường có bán bắp nướng, trái rất to, của người dân tộc thiểu số gùi ra. Có điều không có mỡ hành như ở các tỉnh miền Tây. Ăn một trái thấy no luôn. Lại có món bánh chao và sữa đậu nành nóng thơm ngon số dách.
Cà phê Di Linh thì khỏi nói, uống nhiều có thể say vì là nguyên chất không pha trộn. Sáng ăn điểm tâm xong “lỳ một lam” thì không gì bằng. Ở đây không có cà phê dỏm, tiệm nào như tiệm nấy, toàn một loại ngon.
Chúng tôi quay lòng vòng huyện Di Linh vài hôm thì bắt đầu chuyển vô buôn làng của người K’Ho. Buôn có tên gọi là Đinh Trang Thượng, cách thị trấn Di Linh khoảng 40km, bằng nửa đường lên Đà Lạt. Vào buôn, phải đi đường đèo rất nguy hiểm, nhất là mùa mưa đường trơn trợt.
Ở buôn làng, đoàn phim xin tá túc ở nhà dân là những căn nhà sàn rộng lớn, có thể chứa hơn chục người. Người K’Ho luôn có một bếp củi hồng ở giữa nhà, đỏ lửa ngày đêm. Họ còn để cả giỏ cần xé bắp thu hoạch được, bảo chúng tôi muốn ăn thì cứ nướng ăn. Ban ngày họ đi rẫy, đi săn. Chúng tôi thường mua lại mễnh để nấu thức ăn cho đoàn.
Người K’Ho có tập tục uống rượu cần không cần mời. Nhà nào có rượu thì hàng xóm láng giềng cứ ghé uống thoải mái. Một bữa Tổ ánh sáng của đoàn mua về một chum, để trong nhà rồi đi quay. Đến xế trưa về thấy một nhóm người đang bên bình rượu hút lấy hút để. Một cậu chạy vô nói lớn:
-Ê, rượu này là hùn đó nha. Hùn tiền đó.Nhóm người nghe chữ “hùn” không biết có hiểu gì không nhưng cũng “tan hàng cố gắng”.
Tổ thiết kế của đoàn làm những ống tre dẫn nước ngoài bờ suối và dựng nhà tắm cho phụ nữ thay đồ. Tắm suối quả là một cái thú không gì sánh bằng, nhất là nguồn nước cực kỳ sạch sẽ.
Ở trong buôn, chỉ duy nhất thứ năm hàng tuần là có “xe tạp hóa” từ thị trấn vào, bán đủ thứ “từ cây kim cho đến chiếc phi thuyền”.
Người dân tộc thấy anh chị em đoàn phim có đeo vòng này, lắc nọ liền gợi ý đổi gà. Lúc đầu cuộc đổi chác rất xôm tụ nhưng về sau có vài anh chị tham lam ra giá món đồ mình cao quá nên họ đâm nản, không thèm đổi nữa.
Trong đoàn phim có anh phó chủ nhiệm vốn là dân kháng chiến cũ, rảnh lúc nào là đi săn lúc đó. Một bữa anh săn được con cù lần, dân địa phương bảo “xui lắm, thả nó đi”. Anh không nghe, đem cù lần về cột ở gốc cây gần bếp ăn của đoàn rồi đi tiếp. Anh đi mất tích gần cả tuần, ai cũng bảo là đã chết. Không ngờ sau đó anh được UBND huyện Bảo Lộc giao trả về đoàn. Thì ra anh đi lạc trong rừng từ Di Linh qua đến Bảo Lộc. Khi về người anh trầy xước khắp nơi. Anh bảo hôm đi săn theo dấu con hổ đến lạc đường lúc nào không hay. Nhờ đi kháng chiến, sống nhiều trong rừng núi nên anh biết cây rừng thứ nào độc thứ nào không để ăn đỡ đói.
Thời nay có làm phim, gặp bối cảnh rừng thẳm núi cao chắc người ta sẽ “đánh mạnh rút mau” chứ không “ăn dầm nằm dề” như chúng tôi ngày đó. Nhưng phải nói nhờ vậy mà chúng tôi có nhiều kỷ niệm vừa lạ vừa hiếm vừa đẹp nhớ mãi không quên.
Bài liên quan: