Bỏ phố về vườn

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Anh chị em tôi hồi còn trẻ thường gọi nhau bằng tên – chị Sương, anh Sĩ, Liên, Hoàng, Hưng…- nhưng đến lúc già thì kêu bằng thứ – Sáu, Bảy…Chín, Mười…Dù mỗi người một nơi nhưng thường liên lạc trong nhóm Zalo, chia sẻ buồn vui, thông báo tin tức.

Trong mấy chị em, Chín và Mười là thân nhau nhất, hồi còn trẻ thì đi làm chung ở bệnh viện, nghỉ làm rồi thì cùng bán hàng ăn uống. Cho đến ngày lập gia đình rồi thì cũng làm nghề giống nhau: buôn bán thuốc tây, người bán ở thị xã, người mở tiệm ở huyện. Chín có đứa con gái, Mười có hai thằng con trai đều đã trưởng thành, rất có hiếu.

Nhớ hồi năm 1976 ba má tôi dọn vào xã Phước Thạnh ở trên miếng đất mà bà dì (em bà ngoại) cho tiền mua. Lúc đó nhà chỉ còn mấy đứa em như Chín, Mười, Mười Một, Mười Hai và Út sống với ba má. Trên mẩu đất có đến 3,4 cái hố bom, một cái làm ao nuôi tôm cá, mấy cái còn lại làm thành hai công ruộng trồng lúa. Ba má là dân tiểu thương đâu biết làm ruộng nên toàn bộ đều thuê người từ gieo trồng đến gặt hái. Trên mảnh vườn có khoảng 70 cây dừa, thêm chuối, mía và vài loại cây ăn trái khác như xoài, mãng cầu, đu đủ…Chín và Mười trồng thêm cây xuyên tâm liên để bán lá và hạt giống cho bệnh viện làm thuốc.

Chín, Mười làm bệnh viện ngoài thị xã, mỗi ngày đi về cỡ hơn hai chục cây số. Mười Một thì đi học cao đẳng sư phạm bên Chợ Lách, cuối tuần mới về, mỗi lần về tới nhà là cởi áo ra vườn cuốc đất trồng cây.

Lần đầu tiên tôi về thăm nhà trong xã Phước Thạnh lại nhằm mùa mưa, đường sình lầy trơn trợt làm tôi bị té mấy lần, dơ hết cả quần áo. Qua cầu Hội, là cầu khỉ, tôi phải bò từ từ. Về nhà kể lại, mấy đứa em cười ngất. Ba má khen tôi kiếm nhà thiệt hay, tôi trả lời: nhờ con đi tới đâu hỏi tới đó. Mà trong vùng này ai cũng biết gia đình “chú Tiều” mới dọn vô (Họ nói vậy vì ba tôi vốn là người Hoa).

Còn nhớ một hôm Chín và Mười gánh chuối ra chợ Tú Điền bán, đi khoảng 5 km. Người ta trả rẻ quá nên hai chị em gánh tiếp ra chợ thị xã, đi thêm 3 km nữa. Rốt cuộc cũng chỉ bán được với giá đó. Vấn đề là, nếu hai đứa là chính gốc dân quê thì đoạn đường đi chẳng ăn nhằm gì. Nhưng hai chị em vốn là dân thị tứ, ăn trắng mặc trơn nên chuyến đi đã bào mòn sức lực.

Khi dọn vào Phước Thạnh, ba tôi đã 65 tuổi, còn má thì 53. Vài năm sau ba bị đục thủy tinh thể còn má thì mắt bị kéo mây. Hai người dắt díu nhau đi bộ mấy cây số từ nhà ra hướng cầu Ba Lai để đón xe qua Cần Thơ mổ mắt. Sở dĩ đi Cần Thơ vì má tôi nghe nói con gái của bác sĩ Hoạch (đã mất) cũng là một bác sĩ nhãn khoa nổi tiếng. Thật vậy, ba má đi chuyến đó về mắt đã sáng hơn rất nhiều.

Giờ nhớ lại quãng thời gian ba má cùng các em sống trong xã Phước Thạnh mà thương quá. Lúc đó tôi đang học ở Sài  Gòn cũng không đỡ đần được gì. Thương nhất là hai đứa em gái Chín, Mười mỗi ngày phải đi làm xa, gian nan cực khổ, lương lậu có bao nhiêu đều đưa hết cho má để lo chuyện ăn uống cho cả nhà.5 năm sau ba má tôi bán đất, dọn nhà ra thị xã, kết thúc một giai đoạn dài khó nhọc, vất vả của những người “bỏ phố về vườn” bất đắc dĩ.

(10/5/2023)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: