Mười Một

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Năm 1981 ba má tôi dọn ra thị xã, từ giã vùng Phước Thạnh hẻo lánh xa xôi sau 5 năm gắn bó. Nhà mới ở cầu Kiến Vàng, gần chợ Ngã Năm, là căn nhà nền đất, vách và mái lá nằm trên mảnh đất toàn dừa. Nhưng những cây dừa đã già cỗi, cho ít trái nên huê lợi không có bao nhiêu. Lúc đó Hưng, đứa em trai thứ 11 của tôi đang học năm cuối cao đẳng sư phạm sắp ra trường. 

Tôi ở Sài Gòn về chơi được một tuần thì Hưng nói:

  • Anh còn ở chơi lâu không? Em có “độ” này hay lắm dành cho anh nè.

Tôi tò mò:

  • Độ gì đó?
  • Sắp tới trường em có tổ chức buổi văn nghệ. Trong ba ngày anh có thể viết một vở kịch để em làm đạo diễn không?
  • Ba ngày thì Ok. 

Vậy là tôi dành hết tâm trí cho vở kịch, đầu tiên là tìm ý tưởng, sau đó là xác định nhân vật. Tôi cố tình cho các vai diễn càng ít càng tốt vì tôi biết sẽ tìm người đóng rất khó, các học sinh thường nhát sân khấu. Suy nghĩ đến sáng thì đã ra được chủ đề vở kịch. Tôi cặm cụi viết. Tôi có may mắn đã đọc qua nhiều vở kịch của hai nhà văn lớn của Nga là Acbudop và Gelmann (những vở như Tania, Một Mình Với Tất Cả…) nên cũng có một vài kinh nghiệm sáng tác kịch. 

Vở kịch được hoàn chỉnh sau hai ngày, tôi đặt tựa là “Tình bạn”. Tôi đưa cho Hưng, Hưng cất vào cặp táp không kịp đọc qua vì đang bận rộn. Chiều tối ở trường về Hưng bảo:

  • Em đưa cho Trưởng ban luôn rồi, đọc sơ sơ thấy coi bộ hay à nghen. 

Sáng ra tôi lên Sài Gòn và quên bẳng luôn vở kịch. Mấy tháng sau Hưng có dịp lên thăm, đưa tôi xem một tấm hình và nói:

  • Không ai chịu đóng vai chính nên em đóng luôn. 

Tôi nhìn Hưng trong bức ảnh đen trắng với cái đầu hoá trang băng bó, cảnh trí sân khấu bày biện đơn giản cùng hai diễn viên quần chúng trong vai bạn. Chưa kịp hỏi Hưng đã nói:

  • Vở kịch hay, được vỗ tay nhiệt liệt luôn nha anh. He he.

Năm đó Hưng vừa được 21 tuổi.

Nhớ lại năm năm trước nhà còn trong Phước Thạnh, Hưng thì đi học bên chợ Lách. Mỗi tuần về thăm nhà là Hưng cởi trần vác cuốc ra vườn, chăm sóc hoa màu cây trái. Những việc nặng nhọc đều phải đợi Hưng về, ba má già yếu đâu làm nổi. Cuốc đất trồng cây, tát ao bắt cá đều phải có Hưng. Liên tục năm năm trời như vậy cho đến lúc dọn ra thị xã. Đó là chưa kể khi mới mua đất trong Phước Thạnh, Hưng còn cùng cậu Hai tôi và một người thợ nữa dựng lên căn nhà cho cả nhà ở. Hưng cũng bị cận thị giống tôi, độ cận tăng dần theo năm tháng. Tôi thường tưởng tượng ra hình ảnh Hưng những lúc lao động nặng nhọc, mồ hôi tuôn như tắm, mắt kính cứ tuột xuống phải liên tục kéo lên. Chỉ nghĩ vậy mà thương. Tôi đi làm phim, những lúc quay giữa trưa nắng, mồ hôi nhễ nhại, mắt kính cũng tuột ra như thế, huống hồ gì em tôi. Những lúc cảnh nhà khó khăn như thế tôi luôn vắng mặt vì đi làm ở Sài Gòn. Tôi luôn cảm thấy nợ Hưng, nợ các em mình một lời xin lỗi. Và một tiếng cảm ơn nữa. 

Rồi Hưng cưới vợ. Đó là cô đồng nghiệp mà cũng là hoa khôi của ngân hàng. Huyền về làm dâu cho ba má tôi, đảm đang và hiếu thảo. Hai vợ chồng xin được một căn hộ tập thể, dọn ra riêng. Bé Uyên chào đời trong căn phòng ấy, bụ bẫm dễ thương. Những ngày đó với Hưng tuy còn khó khăn nhưng vô cùng hạnh phúc. 

Hưng học thêm nghề sửa chữa ti vi, nhận hàng về nhà làm. Lúc còn đi học, Hưng giỏi nhất là môn vật lý nên kết hợp với thực tế rất hiệu quả. Ông anh rễ tôi cũng làm thợ sửa ti vi, chỉ bảo Hưng thêm những “tuyệt chiêu” trong nghề. Hai anh em làm việc với nhau rất ăn ý. Nhờ nghề tay trái, Hưng có thêm thu nhập để nuôi con. 

Thời gian cứ trôi xuôi, lấy đi tuổi trẻ của chúng tôi. Có biết bao biến động của cuộc đời, biển cả biến thành ruộng dâu, nhưng tình cảm của anh em tôi vẫn như xưa, nếu không muốn nói là ngày thêm khắng khít. 

Hưng chuyển công tác lên Sài Gòn, hàng tuần đều chạy xe máy về Bến Tre thăm vợ con. Thời gian sau cũng xin được cho Huyền chuyển lên. Hai vợ chồng và đứa con gái ở một căn nhà gần Đầm Sen, sau về chung cư 300 Chương Dương rồi về quận 2, đến giờ mới biết thế nào là an cư lạc nghiệp.

Lúc Hưng ở chung cư Chương Dương thì má tôi sống cùng bà dì ở quận 8, có chị osin giúp việc. Tôi ở trọ bên quận 7, thường qua thăm má. Hưng cũng vậy, cứ vài bữa là chạy qua. Có chuyện gì quan trọng chị osin đều điện cho Hưng và Hưng bao giờ cũng sớm có mặt. Có thể nói là với má, Hưng luôn sẵn sàng có mặt “trên từng cây số”. Bữa kia má tôi đang tập thể dục buổi sáng thì bị té, bị tai biến, người có mặt đầu tiên vẫn là Hưng. Hưng gọi xe cấp cứu và nhanh chóng đưa má vào bệnh viện. 

Hưng có một tánh tốt, đó là làm mà chẳng bao giờ kể công. Những năm tháng má tôi già yếu, Hưng luôn luôn kề cận. Hưng đối với anh chị em luôn nhường một bước. Với tôi Hưng lúc nào cũng mềm mỏng, dễ thỏa hiệp. Có lẽ vì vậy nên tôi thương Hưng nhất, gì cũng ưu tiên cho Hưng. Có một câu chuyện vui mà tôi muốn kể, đó là lúc tôi còn ở khu tập thể quận 3, Hưng lên thăm. Hai anh em xuống ngồi quán cà phê cóc. Hưng nói:

  • Hổm rày má bán ế quá, thâm vốn hết tiền luôn. 

Tôi sờ túi quần:

  • Bữa nay anh cũng còn có mấy chục. Làm sao giờ ta.

Chợt có bé gái bán vé số đến mời. Tôi nhớ hình như mình còn tấm vé chưa dò, liền lục ra. Ôi, không thể tin nổi, tấm vé số đó trúng được 500k. Tôi mừng quá kêu Hưng ngồi chờ, chạy xe ra đại lý lĩnh giải. Đưa 500k cho Hưng, mắt tôi như nhoà lệ:

  • Về em đưa má nhé.

Chuyện này không biết Hưng có kể cho ai nghe không, chứ mỗi lần nhớ lại tôi đều kể cho người quen nghe, ai cũng buột miệng kêu lên:

  • Thật là kỳ diệu!

(12/5/2020)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: