

Tuổi thơ của tôi trãi dài những tháng năm bên mái nhà ba gian rộng lớn ở Chợ Mới, thị xã Bến Tre. Cả gia đình tôi quây quần bên nhau trong một không gian yên bình, ba má, các chị, các em tôi đã có một quãng thời gian dài hạnh phúc.
Nghề của ba má tôi là bán bánh mì lẻ ở chợ thị xã, từ sạp nhỏ lên thành tiệm và làm đại lý cho lò bánh mì. Có nhiều lò, như Tân Sanh, Hữu Đức, Kiến Tân, Vĩnh Phát…Ba tôi đặt tên bảng hiệu cho tiệm là Đông Phương, đại lý bánh mì Vĩnh Phát. Tiệm của ba má nằm ngay đầu chợ cùng các tiệm Lạc Long, Ba Lý.
Thời đó chỉ có chị hai tôi là có chồng, ở căn phòng sát nhà ba má, còn lại các chị, các em và tôi đều còn đi học. Anh Bảy Nhạn, chồng chị hai tôi đi lính Sư đoàn 7, là dân gốc Ba Tri. Chị giúp việc nhà tôi mà má tôi thuê gọi là chị Tư, có chiều cao rất “khủng”, hơn 1 mét 7. Chị Tư yêu anh Hoàng, bạn cùng đơn vị với anh rể tôi. Má tôi luôn coi người giúp việc như người nhà, hứa sẽ làm chủ hôn cho hai người. Không ngờ anh Hoàng đi lần đó bị tử trận. Chị Tư khóc hết nước mắt rồi sau đó xin nghỉ luôn.
Dưới mái nhà ấy chị em chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm. Như em gái tôi mua vịt con về nuôi, hàng ngày má tôi cho ăn đến khi lớn cồ cồ. Chiều chiều khi cả nhà đang ngồi ăn cơm thì bầy vịt tới giờ đói, kéo vô rống “cạp cạp” inh ỏi. Má tôi mắc cười quá bỏ chén cơm xuống đi cho vịt ăn. Một hôm má kêu người vô bán hết bầy vịt, đến lúc em gái tôi đi học về, biết chuyện nên cự nự má:
-Tự nhiên bán vịt của người ta!
Má tôi không nhịn được cười:
-Vịt của người ta mà người ta có cho ăn hôn?
Em tôi nghe vậy liền im ruru nhưng trong lòng chắc vẫn còn ấm ức.
Chuyện khác, một hôm có đứa bị ho gà, má cho uống thuốc hoài không hết, nghe người ta bày cho, bèn thuê xe lôi chở mấy chị em tôi ra ngoài Vàm hóng gió. Không ngờ lại hiệu quả, hết ho luôn. Chúng tôi ngồi trên xe lôi của chú Năm, vùa hóng mát vừa ngắm cảnh, đứa nào cũng khoái chí tử.
Có một chuyện đến giờ tôi vẫn không hiểu. Thời đó má rất biết chăm sóc sức khỏe cho bầy con. Tôi nhớ má mua dầu cá chai về cho chúng tôi uống, dù rất tanh nhưng đứa nào cũng uống hết (Thời đó chưa có dầu cá viên). Dầu cá chứa vitamin A bổ mắt, phòng quáng gà. Chúng tôi uống từng đợt, ngưng rồi lại uống tiếp. Vậy mà tôi lại bị bệnh quáng gà, càng ngày càng nặng, đến tuổi này không thể chạy xe ban đêm. Mà nhà chỉ có mình tôi bị.
Ngôi nhà đó rất thông thoáng, có nhiều cửa mở ra “bốn phương tám hướng”. Đầu tiên là cửa chính mở ra sân, cổng đi về hướng lộ cái. Phía nhà sau có 3 cửa, cuối nhà là cửa mở ra khoảng đất nhỏ với cái ao ngăn cách cùng lối xóm, bên trái mở ra đường hẻm, bên phải mở ra sân sau có con mương lớn với sàn nước giặt đồ rửa chén. Tôi thích chiều chiều ra ngồi sàn nước đón gió, ngắm cá lòng tong bay, ngắm bầy vịt vừa bơi vừa rỉa lông nhau, ngắm phía bên kia mương nước là hàng dừa xanh xõa tóc.
Nhớ nhất vẫn là chuyện má chơi số đề để hy vọng có tiền sửa nhà, xây hai bức tường hai bên nhà thay cho vách ván. Má hỏi thím Ba Lòng là bạn trong xóm:
-Muốn trúng 40 ngàn thì mình đánh bao nhiêu tiền chị Ba?
-Thì tính đi…đánh 1 đồng thì trúng được 7 chục đồng…10 đồng trúng 700 đồng… 100 đồng trúng 7 ngàn…
-Tôi muốn xây hai bức tường, thợ nói khoảng 40 ngàn. Giờ đánh con gì hả chị?
-Hồi hôm chị có nằm chiêm bao không?
-Có, tôi thấy có con heo con đi lạc.
-Vậy đánh số 07 đi.
Má tôi nhờ thím Ba Lòng đánh dùm, không ngờ chiều đài xổ đúng con 07. Lảnh tiền xong má liền kêu thợ tới chuẩn bị xây tường. Tưởng trúng đề lần đó má sẽ ghiền chơi tiếp, nhưng không, đó là lần đánh đề đầu tiên và cũng là duy nhất trong đời má. Tường xây xong tôi mới nghe má nói: Nhà đông con gái mà để tường vách ván thiệt là bất tiện. Tôi nhủ thầm, này đúng là bức tường trời cho.
Lúc ấy, đâu như năm 1965, nhà tôi mua chiếc ti vi đầu tiên trong xóm. Cứ mỗi đêm thứ sáu có chương trình cải lương, má mở cửa sau cho láng giềng vô coi. Các bà các chị đến thật đông, dắt theo con cái, có đứa còn ẳm ngữa trên tay. Hết đài rồi mọi người ra về, má lại tỉ mẩn lau mấy chỗ em bé đái. Tôi nhớ có mấy lần cậu Hai tôi bên Sa Đéc qua chơi, vở cải lương đang diễn, cậu chỉ tay vô cặp đào kép trên màn ảnh, nói, ai nghe được thì nghe:
-Thằng này sau này lấy con này.
Tôi theo dõi vở tuồng, đúng như vậy, ai người đó quả thật cưới nhau.
Một hôm đài phát sóng tuồng Lan và Điệp, nhằm lúc cậu Hai tôi sang chơi, cậu chỉ tay vô Lan, nói:
-Con này sau này đi tu.
Tôi lấy làm lạ, sao họ không cưới nhau nhỉ, cậu có lộn không ta? Đến cuối vở tuồng đúng là cô Lan vô chùa quy y thí pháp.
Tôi hỏi má:
-Sao cậu Hai biết Lan đi tu vậy má?
Má tôi cười hiền:
-Tuồng Chuyện tình Lan và Điệp này ai lại không biết.
Còn chuyện này nữa mới thật lạ. Số là từ nhỏ tôi đã bị bệnh động kinh, nghe kể từ trên giường mà tôi bị co giật té xuống đất. Má tôi nghe lời người ta chỉ, mua về con khỉ nhỏ cho tôi ôm. Tôi hoàn toàn không nhớ mình đã tiếp cận chú khỉ như thế nào, chỉ nhớ một chuyện: nó rất “thù” chị Năm của tôi vì nó thì bị xích còn chị Năm lại hay chọc nó. Lâu lâu nó sút dây liền chạy đi tìm chị tôi để trả thù. Cả hai lần nó tuột xích đều nhằm lúc chị chơi u-hấp với bạn hàng xóm trước sân nhà. Thế là nó nhào đến ôm chị cắn cho một phát. Chị đau quá khóc ngất. Ba má nghe chuyện liền mang con khỉ đem cho.
Sân nhà tôi rất rộng, tráng xi măng. Mỗi lần tắm mưa anh em tôi thường chơi đánh võ, đứa này giả bộ đấm vào bụng đứa kia làm nó hộc máu. Máu là màu nước loại màu đỏ chúng tôi pha ra ngậm sẳn trong miệng. Mấy đứa hàng xóm đứng ngoài cổng rào coi khoái chí, cổ vũ. Hết màu đỏ chúng tôi lấy màu cam, màu hồng. Hết luôn màu hồng tôi pha đại màu xanh dương, đánh một phát ói ra xanh lè, tôi kêu là dập tới mật xanh.
Câu chuyện thời tuổi nhỏ của tôi, đâu đâu cũng ẩn hiện hình bóng của má, có kể hoài cũng không hết. Má, một phụ nữ chịu khó, đảm đang, phóng khoáng, rộng rãi, vị tha nhưng tánh khí lại cương nghị, quyết đoán luôn là tấm gương cho anh chị em chúng tôi. Nhà nghèo, đông con nhưng ba má đã chăm nom, dạy dỗ chúng tôi khôn lớn, nên người, trở thành hữu dụng cho gia đình và xã hội.
(11-12-13/5/2023)
Mừng Ngày Củạ Mẹ