Phước Thạnh

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Năm 1976 bà dì tôi mua cho ba má tôi một miếng đất trong xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, Bến Tre. Đất gần một mẫu toàn vườn và 2000 mét vuông hố bom đã thành ao. 

Đất mua xong mới cất nhà. Cậu Hai, em bà con của má tôi từ Vĩnh Long qua phụ trách làm nhà. Đứa em thứ 11 của tôi phụ cùng một anh thợ thuê. Khoảng 2 tháng hơn thì nhà làm xong. Đó là một căn nhà tranh vách lá rộng rãi cho mười mấy người ở. 

Cả nhà tôi dọn vào, từ nhà ở thị xã, đi ngã tư Phú Khương vô Tú Điền, đi một chập nữa khoảng hơn cây số thì tới cầu Hội- một cầu khỉ dài không có tay vịn. Qua cầu, rẽ trái đi theo đường đê, đường vườn đâu chừng bốn cây số nữa thì đến nhà mới. Trong vườn có khoảng 70 cây dừa, thêm chuối, mía và vài loại cây ăn trái khác như xoài, mãng cầu, đu đủ…Ao thì ba má tôi nuôi tôm, cá sặc, một hồ cá tra để đi vệ sinh và nuôi một ít heo gà. Ba má cùng mấy đứa em tôi còn trồng xuyên tâm liên để bán lá và hạt giống cho bệnh viện. Sau này ba má tôi cho bang 3 cái hố bom ra để làm ruộng. 

Lúc dọn nhà tôi không có mặt vì đang đi học ở Sài Gòn. Tội nghiệp mấy đứa em tôi phải phụ chuyển đồ, mà đồ đạc nhà tôi rất nhiều, tuy không quý giá gì nhưng rất cần thiết cho một gia đình đông con cái như ba má. 

Tết năm đó tôi về Bến Tre, hỏi thăm đường để vô nhà. Qua cầu khỉ không quen, tôi phải bò. Đi tới đâu hỏi tới đó. Dân địa phương ở đây ai cũng biết gia đình ngoài chợ mới chuyển vào. Tôi đi đến rục cả chân mới tới nhà. Ba tôi đang ngồi trước cửa, đôi mắt đã kém nên tôi vào đến gần mới thấy. Ông kêu lên, vừa ngạc nhiên vừa mừng:

  • Thằng Sĩ về nè bà ơi.

Tôi chào ba:

  • Thưa ba con mới về.

Má tôi từ bếp chạy lên, ra đón tôi:

  • Trời, sao tìm nhà được hay vậy con.
  • Dạ thưa má con mới về. Con hỏi thăm người ta đó má. 

Mấy đứa em tôi cũng ra mừng. Thằng út 9 tuổi thì đang ngồi hút cà dược trị hen suyễn, nhìn tôi cười khó nhọc. Đứa em gái thứ chín hỏi:

  • Nãy anh qua cầu Hội dễ không?

Tôi cười khổ:

  • Dễ gì, anh bò không à.

Cả nhà ai cũng cười. Em Chín cười to nhất:

  • Biết lắm mà. Ha ha.

Năm đó, lần đầu tiên tôi ăn một cái tết chỉ có sum họp gia đình là chủ yếu, ngoài ra không thấy không khí tết ở đâu. Ở trong đất ruộng vườn, nhà này cách nhà kia khá xa, gần nhất cũng phải 50 mét. Chỉ nghe pháo nổ đì đùng thỉnh thoảng vang lên ở đâu đó. Nhà tôi cũng có đốt pháo, nhưng chỉ đốt một phong đêm giao thừa và một phong sáng mồng một tết. 

Hè năm đó tôi lại về thăm nhà. Mùa mưa, đường đất nhão nhẹt, tôi bị trợt té mấy lần, quần áo dính đầy bùn sình. Nhưng niềm vui được về với gia đình đã lấn át tất cả, nên thậm chí tôi còn cười khi bị “chụp ếch”. 

Ba má tôi vốn chỉ là tiểu thương, mấy mươi năm chuyên bán bánh mì ngoài chợ nên đâu biết làm nông. Có miếng ruộng, toàn bộ đều thuê mướn người làm, từ gieo mạ đến lúc gặt hái. Lúa thu hoạch được chỉ đủ ăn. Má tôi bán dừa, mía, chuối lấy tiền đi chợ. Lâu lâu mấy đứa em rọc lá chuối mang ra chợ bán, cũng không được bao nhiêu tiền. Ở nhà vườn, món ăn luôn có sẳn chính là rau cải. Vài hôm má tôi lại ra chợ mua dăm lạng thịt, vài con cá, mua trầu cau, thuốc vấn và mấy thứ cần thiết khác. 

Em trai tôi đi học cao đẳng sư phạm bên Chợ Lách, mỗi tuần về đến nhà là cởi áo ra vườn “cuốc đất trồng khoai”. Hai đứa em gái đi làm y tá trong bệnh viện ngoài thị xã, hàng tháng nhận đồng lương còm cõi về đưa hết cho má. Hai đứa em nhỏ, gái 13, trai 9 tuổi thì chỉ biết đi học. Cuộc sống cứ trôi qua lặng lẽ. Cảnh nhà ngày một khó khăn. 

Năm 1978, ba tôi bị cườm mắt còn má tôi lại bị kéo mây, mắt mờ đi ít nhiều. Má tôi nghe người quen nói bên Cần Thơ có bà bác sĩ khoa mắt rất hay, là con của ông bác sĩ Hoạch lúc xưa vốn rất nổi tiếng. Vậy là má cùng ba dắt dìu nhau đi. Thật là may mắn, sau khi mổ xong đôi mắt của ba má lại tỏ như lúc trước. Nhưng qua chuyến đi anh em tôi mới nhận ra ở hẻo lánh này thật bất tiện. Muốn ra đường chính phải lội bộ bốn năm cây số. Ba tôi nhìn thấy trong xóm có người chết được hai người gánh đi mà chột dạ. 

Vậy mà năm năm sau cả nhà tôi mới chuyển ra được ngoài thị xã, đầu tiên là mua đất ở khu cầu Kiến vàng, năm tiếp theo mua nhà trong thất Cao đài và ở luôn đến ngày nay. 

(08/5/2020)

Bùng binh thị xã Bến Tre xưa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: