Mẹ già như chuối ba hương

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Chỉ có một lần tôi nói với vợ tôi: “Giờ mẹ còn khoẻ, chúng mình nên tranh thủ về thăm”. Vậy là từ đó, cứ mỗi cuối tuần là vợ chồng lại dắt díu nhau về Định Quán. Chắt mót từng đồng lương eo hẹp để về thăm nhà nhưng chúng tôi luôn cảm thấy vui. Sài Gòn- Định Quán, Định Quán- Sài Gòn với chúng tôi là chuyện “như cơm bữa”.

Vợ tôi luôn hiểu ý chồng. Có lúc tôi đang tìm kiếm một món đồ, không nói gì nhưng cô ấy đã lấy nó đưa tôi. Nhiều lúc tôi chưa nói hết câu, cô ấy đã đoán được ý. Câu nói trên của tôi nằm trong ngữ cảnh mà cô ấy có thể lĩnh hội được không mấy khó khăn. Lúc ấy chúng tôi đang nói về má tôi dưới quê. Má già yếu, không còn đi lại được, nói năng chỉ còn lại một vài từ thiết yếu. 

Nhớ một ngày kia nghe tin má bệnh, anh em tôi vội vã về thăm. Năm đó má 86 tuổi, còn nấu ăn giặt giũ được. Má nói: “Hổm rày má bị mệt hoài. Chóng mặt nữa”. Anh em tôi đưa má lên Viện tim. Nằm được mười ngày, thấy má khỏe hẳn, bác sĩ cho xuất viện. Về, má ở trong căn nhà ba tầng của chủ tiệm thuốc tây cho mượn. Em gái tôi làm cho tiệm thuốc ở Bến Tre, được chủ thương yêu tín cẩn. Ông bà chủ mua căn nhà ở quận 3 để sau này cho con lên đi học. Nhà trống, ông bà chủ đồng ý cho má tôi ở tạm. Má ở đó, có đứa em gái kế út và chị giúp việc chăm nom. Chị tôi cũng lên chơi. Em trai út tôi ở nước ngoài về. Hàng ngày anh em tôi đến thăm má. Đó là lần đầu tiên má phải nằm viện lâu như vậy. 

Vài tháng sau đó má tôi chuyển về ở với bà dì tôi bên quận 8. Đó là em út của bà ngoại tôi. Bà dì chỉ hơn má 1 tuổi. Hai người chơi với nhau từ bé. Nay bà dì tôi đã lẫn, sống một mình, thỉnh thoảng có con cháu đến thăm. Nhà bà dì tôi sát bên nhà của bà sui. Má về ở, chúng tôi vẫn thuê chị osin để chăm sóc, tiện thể lo cho bà dì. Hàng ngày tôi từ quận 7 qua thăm. Chị và các em tôi cũng thăm thường xuyên. Chị osin rất giỏi chăm người già, nấu ăn cũng ngon. Lâu lâu tôi đưa tiền chị đi chợ nấu món ngon rồi gọi con cháu ghé ăn. Quê chị cũng ở Bến Tre. 

Tôi ở quận 7, sáng ra đi bộ tập thể dục, đến ngã ba Tân Quy thì kêu xe ôm chở qua chợ Hưng Phú, quận 8 thăm má. 

Má ở quận 8 được mấy năm, một bữa kia đang tập thể dục trước sân thì bị té. Chúng tôi đưa má nhập viện. Bác sĩ nói má bị tai biến, tụ máu não. Nằm viện được nửa tháng, chúng tôi đưa má sang bệnh viện Tâm Đức để nghỉ dưỡng, sau đó trở về nhà quận 8. Má vẫn còn đi đứng được nhưng đã yếu hơn trước. Cuối năm đó chúng tôi đưa má về nhà Bến Tre. 

Tôi đi làm, cuối tuần về thăm má. Chúng tôi thuê một chị giúp việc khác đã đứng tuổi, má rất thương. Mỗi thứ sáu tôi về, tối ngủ ở nhà sau, nằm trên đi-văng, mở quạt treo tường và không giăng mùng. Má nói với nhỏ em tôi:

  • Sao không giăng mùng cho nó. Muỗi cắn chết.

Tôi trấn an má:

  • Không sao đâu má. Có đốt nhang ung muỗi rồi. Ngủ mùng ngộp lắm. 

Tết đến nhà đông vui, em trai tôi ở Canada cũng về chơi. Giao thừa cả nhà ra cổng, dìu má theo để xông đất. Năm đó chị tôi bên Mỹ cũng về thăm má sau ba mươi năm xa quê hương. Mấy ngày trước Tết má gói bánh ú nhân thịt. Con cháu về thăm ai cũng có phần mang đi. 

Rồi sức khỏe má yếu dần, đến một hôm không còn tự đi đứng được nữa. Ăn phải có người đút. Đi tiêu tiểu có người dìu. Má dần ít nói hơn trước. Em trai tôi gởi thuốc bổ, thực phẩm chức năng về cho má uống. Sau mấy lần nhập viện, má không còn tự ăn được, phải đút ống. Từ hôm đó má không còn nói chuyện nữa. 

Má tôi ra đi vào một buổi xế trưa nắng nhạt. Theo như má kể, má tuổi hợi, 96 tuổi, tức là 8 giáp (mỗi giáp là 12 năm). Còn một tháng rưỡi nữa là Tết Canh Tý. Má không kịp ăn Tết cùng con cháu. Tang lễ của má, bất ngờ nhất là có mẹ vợ tôi về dự. Mẹ và em vợ tôi đi từ Định Quán, đến Bến Tre thì điện cho vợ tôi hỏi đường vào nhà. Lễ tang của má tôi làm theo nghi thức Công giáo. Mẹ vợ tôi định ở lại đọc kinh với các tín hữu nhưng nghe nói đến ba ngày nên thôi. Khách viếng rất đông, vòng hoa hết cả chỗ để. Nhà tôi không chấp điếu. 

Thời còn trẻ, tôi chỉ lo cho gia đình riêng của mình, Tết đến mới về thăm ba má. Đến ngày má già yếu, hết giặt đồ nấu ăn được tôi mới hiểu ra mình còn một người mẹ để quan tâm, chăm sóc. Rất may là chưa quá trễ. 

(07/8/2020)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: