

Mỗi ngày, khi nắng đã lan vào mép cửa, khu phố trọ vắng tanh là lúc tôi bắt đầu viết bài. Tôi ghi chép bằng Notes trên iPhone.
Tôi chỉ viết cho mình đọc, chỉ chia sẽ trên Facebook trong ngày xong thì xoá. Có vài người vào xem. Họ có đọc hết bài không hay chỉ lướt qua, hoặc đọc một đoạn rồi bỏ, tôi cũng không biết nữa.
Mùa mưa đã về, nhưng quận 9 tôi ở chưa thấy những trận mưa lớn. Trời hay chuyển, lắc rắc vài hạt, hoặc có khi được một cơn mưa rào thoáng vội. Lúc trời dịu mát, ý tưởng trong tôi bỗng tuôn trào. Như bài “Chiếc cầu sàn nước” tôi viết một mạch đến hết mà vẫn cảm thấy chưa hoàn tất, còn nhiều chi tiết chưa được nói hết.
Thật ra tôi cảm thấy mình viết không hay, câu chữ chưa gãy gọn, súc tích. Và câu chuyện chưa được hấp dẫn. Sao cũng được, miễn là mỗi ngày có một đoạn ngăn ngắn để đưa lên trang web là tôi đã thỏa mãn.
Dạo này tôi hay bị ý nghĩ về tuổi già đeo bám đến bực bội. Thật ra vì thị trường phim ế ẩm, chứ nếu không tôi sẽ không được nghỉ ngơi. Hai tháng trước tôi nhận một show phim nhiều tập nhưng vì Covid-19 nên bị gác lại. Đời làm phim không có tuổi hưu.
Sáng nay trời đẹp quá. Nắng lên rồi nhưng không gay gắt, xiên khoai qua khung cửa phòng trọ, soi một vệt dài ấm áp nơi chiếc bàn tôi ngồi. Nhiều người đi làm, phòng trọ vắng hoe.
Hôm qua tôi viết bài về người bạn hai mươi năm của mình. Bài có ít người đọc. Khi chọn ảnh đại diện, tôi vào Facebook để tìm trang của anh ấy nhưng không thấy. Sáu năm trước anh có một trang face, tôi biết nhưng không kết bạn.
Tìm được một người bạn thân đã khó, giữ cho tình bạn ấy đến suốt đời càng khó hơn. Đôi lúc nhớ lại tôi cũng tiếc nuối lắm nhưng cũng chẳng biết làm gì hơn. Không như vạt nắng ngoài kia, ửng lên rồi lại phai tàn, chờ ngày mới lại lung linh tiếp. Tình bạn không phải vậy. Người ta luôn hy vọng nó mãi là sợi tơ bền chặt, xuyên suốt không gian và thời gian. Nhưng mấy ai giữ được nó. Chỉ cần một phút giây hiểu lầm, một thoáng hoang mang, đố kỵ, nó đã toang, chỉ còn lại hai đầu những sợi nhỏ lăn tăn, chấp chới.
Cuộc sống đã trở lại gần như bình thường sau một mùa dịch bệnh hiểm nguy, hối hả. Giá trị những ngày cách ly thật to lớn và sâu sắc. Nó phân tán mọi người nhưng đồng thời cũng khiến người ta gần nhau hơn. Đó chính là gia đình, một nền tảng của xã hội.
Tự dưng tôi có một so sánh khá khập khiễng. Như trên màn hình iPhone, khi type chữ sẽ hiện ra một khung lớn chứa các ô chữ, dấu và một ô “dấu cách”. Bấm vào “dấu cách” các con chữ sẽ rời xa nhau. Rồi cũng có dấu x nằm trong ô mũi tên, bấm vào sẽ khiến các con chữ gần nhau lại. Nhưng nếu bấm x nhiều quá các chữ sẽ bị xoá mất, có nghĩa là xoá đi những ý tứ phải nghĩ suy trăn trở mới có được. “Dấu cách” là cách ly, dấu x là bỏ dần sự giãn cách. Tôi chợt cười về sự trẻ con của mình.
Thật thú vị cho những liên tưởng. Bởi vậy khi ghi chép, có lúc câu chữ cứ dồn dập sinh sôi. Điều đó khiến bài văn nhiều lúc trở nên lủng củng, lẫn lộn giữa mở bài, thân bài và kết luận. Nó hoàn toàn không liền mạch, gần như bị cắt đoạn không thương tiếc. Tôi nghĩ, mãi mình sẽ không thể trở thành một nhà văn.
(07/5/2020)