“Nghề” ăn xin

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Hồi nhỏ ra tiệm bánh mì của ba má chơi, thỉnh thoảng thấy ông ăn xin kia đến xá xá vài cái, nói giọng run run mong được bố thí. Thấy tội nghiệp quá, tôi thò tay lấy 2 đồng trong hộp tiền lẻ để cho ông. Má tôi thấy nhưng không cản. Đợi ông ăn xin đi rồi má mới nói:
▪︎ Mai mốt con đừng cho tiền thằng cha đó nữa. Vợ chồng chả có nhà lầu ở ngoài Vàm á, nhưng rủ nhau đi ăn xin khắp chợ.
▪︎ Ủa, nhà giàu vậy sao đi xin ăn hả má?
▪︎ Tại mắc cái nghiệp đó con.
Lần khác, ông ăn xin lại đến, má tôi làm mặt lạnh nói:
▪︎ Thôi ông ơi. Ở nhà lầu, biệt thự mà đi xin ăn, mắc cỡ quá đi.
Ông ta quày quả bước đi, ngoảnh cổ lại ném ánh mắt giận dữ về phía má tôi.
Lâu ngày tôi quên nên một hôm ông ăn xin lại đến, xá xá tôi. Tôi lấy tiền lẻ cho ông. Ông nói cám ơn bằng giọng run run, nhưng câu tiếp theo thì đầy vẻ đanh thép:
▪︎ Con còn nhỏ mà có lòng nhân hậu, còn hơn người lớn mà tâm địa ác nhơn.
Ông vừa nói vừa liếc nhìn má tôi đang bận gói bánh mì cho khách.
Nghe ông ta nói tôi mới sực nhớ chuyện cũ. Lại thấy ông có ác cảm với má tôi nên tôi không thích. Những lần sau ông ta đến, tôi giả bộ ngó lơ không nhìn thấy.
Nói về chuyện bố thí, tôi nhớ người anh em bà con cô cậu. Chỉ một bữa đi ăn chung với người yêu, anh về cho tôi biết đã quyết định chia tay. Hỏi lý do, anh đáp:
▪︎ Đang ngồi ăn thì có mấy người ăn xin đến. Tao móc tiền lẻ cho mỗi người một ít thì cô ấy bảo “Họ có chân có tay nhưng lười lao động. Anh cho họ chi uổng tiền”. Tao cho vậy là cái tâm cô ấy không tốt.
Tôi góp lời:
▪︎Cô ấy nói cũng đúng đó chứ. Mà ăn mày bây giờ đông lắm, bố thí sao cho đủ.
Nghề ăn xin ngày càng được “nâng cấp”. Ở các đô thị lớn đã hình thành những tổ chức quản lý các nhóm ăn mày, hàng ngày rải người khắp nơi để xin ăn. Đó thường là các trẻ em bị bắt cóc và huấn luyện thành ăn mày chuyên nghiệp, các thanh niên, người già giả dạng kẻ tàn tật. Số tiền thu được mỗi ngày không phải nhỏ. Đó là nghề “chăn dắt ăn xin” mà các tổ chức chính quyền rất khó khăn khi đối phó (*).

Nhưng tôi lại nhớ có một lần ngồi quán cà phê, bỗng dưng nghe tiếng khóc nức nở, quay sang thì thấy người phụ nữ bán vé số đang quệt nước mắt. Thì ra chị bị cặp trai gái kia giả bộ lựa vé rồi cầm cả xấp chuồn êm khi chị qua mời bàn khác. Chị bảo xấp đó cũng hơn 20 vé. Thấy tội nghiệp, tôi cho chị 200 ngàn, nhưng chị không nhận và nói:
▪︎ Cám ơn anh, nhưng tôi không lấy đâu. Anh muốn giúp thì mua vé số giúp là được rồi.
Tôi đồng ý, mua hết xấp vé còn lại, vị chi cũng gần 400k. Chị vé số đi rồi, tôi còn thẩn thờ nghĩ ngợi. Không ngờ ở đời có người tốt như vậy, không muốn nhận những đồng tiền không phải do công sức của mình tạo ra.
Từ rất lâu, tôi không còn thói quen bố thí nữa. Người Sài Gòn dường như cũng thờ ơ với kiểu từ thiện này. Chừng như tệ ăn xin đã “giảm tần suất” qua cơn đại dịch.

(25/8/2022)
SĨ HUỲNH

(*) https://vnexpress.net/chan-dat-an-xin-cuoc-boc-lot-sieu-loi-nhuan-3939099.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: