Ghi chép 

Người không mang súng

FavoriteLoadingThêm vào "Bài yêu thích"

Làm phim thời bao cấp được cái sướng là không sợ thất nghiệp, đi xong phim này là có phim khác đang chờ. Nhưng chuyện cực khổ thì khỏi phải nói: ở đình ở chùa, ăn uống tập thể, xa nhà lâu…Riêng phim Người Không Mang Súng mà tôi đi thì cái ở có phần đặc biệt hơn: ở với người dân tộc K’hor trong buôn Đinh Trang Thượng cách huyện Di Linh (Lâm Đồng) 40 cây số! Đoàn chúng tôi kể cả diễn viên có khoảng 60 người, chia thành từng nhóm theo tổ (tổ đạo diễn, tổ quay, tổ ánh sáng, tổ thiết kế, tổ chủ nhiệm) và được người của Uỷ Ban Xã giới thiệu, xin cho tá túc ở các hộ dân. Đó là những căn nhà sàn đơn sơ nhưng rộng thoáng, sạch sẽ. Tôi ở cùng 6 anh em trong gia đình chỉ có hai vợ chồng khoảng trên 30 tuổi, không con cái và cả ngày đi làm rẫy suốt. Ở giữa nhà có một bếp củi lớn luôn đỏ lửa. Cạnh bên là một cần-xé lớn đựng đầy những trái bắp to mà chủ nhà hiếu khách cứ dặn đi dặn lại suốt: “Tự nhiên ăn đi nha”. Chúng tôi cũng không khách sáo, lấy bắp bỏ vô bếp nướng, ăn ngon hơn tất cả những trái bắp nướng mà tôi đã từng ăn. Nhưng rồi chúng tôi, vì bận rộn đi quay suốt, vì thấy thương người dân tộc nên cũng chỉ ăn xã giao. Chúng tôi thấy có những ngày trời chưa sáng, cô chủ nhà đã gùi bắp đem ra chợ Di Linh bán. 40 km đi bộ men theo đường đèo. Chiều, ven đường gần chợ có nhiều người K’hor ngồi bán bắp nướng, chỉ khác là không có mỡ hành như ở Sài Gòn và các tỉnh miền Tây. Đàn ông dân tộc ở buôn Đinh Trang Thượng này còn thường cùng nhau đi vào rừng săn bắn. Có hôm chị cấp dưỡng của đoàn phim mua được con mễnh vừa to vừa rẻ để nấu cho anh em, ăn một bữa ngon như tiệc. 

Ở trong buôn không có tiệm tạp hoá, chỉ có mấy tiệm bán rượu cần. Rượu cần đựng trong cái ché lớn có ống hút dài. Tập tục của người K’hor cũng lạ: nhà nào có rượu là bà con đi ngang thấy cứ vào “hút” thoải mái. Bữa kia tổ ánh sáng của đoàn phim có 8 người hùn tiền mua một ché rượu cần về để trong nhà, định đi ăn trưa xong về uống. Ai ngờ khi về thấy có 2, 3 người đang thay nhau hút lấy hút để. Nhìn thấy anh em, một người nói: “Mua về mà không uống, tụi này uống đừng thắc mắc nha”. Anh tổ trưởng vội vàng thanh minh: “A, cái này là hùn tiền nha. Ai uống phải hùn đó”. Nghe vậy họ ngưng hút, tiu nghỉu bỏ đi.

Cái ở với chúng tôi cũng đơn giản: cứ trãi chiếu ra, bỏ đồ cá nhân lên, ở nhà thì ngồi chơi, đi thì cuốn lại, tối giăng mùng ngủ. Tắm thì ra suối. Người K’hor làm sẳn những ống dẫn nước từ trên nguồn bằng tre rừng, nước luôn tuôn dòng mạnh mẽ. Tổ thiết kế dựng một nhà tắm tạm ba mặt dành cho nữ. Nam thì cứ thoải mái tắm trần. Chúng tôi toàn tắm đêm. Nước suối mát trong, coi vậy mà còn sạch và thơm hơn nước máy. 

Bài viết này muốn tả về nỗi cực khổ “hiếm gặp” của đoàn phim, nhưng có một kỷ niệm đáng nhớ không thể không kể về địa điểm quay này năm ấy, đó là sự mất tích của anh phó chủ nhiệm tên Dũng. Chuyện này lúc đó xôn xao cả Hãng phim Giải Phóng. 

Anh Dũng là cán bộ kháng chiến cũ, rất thích đi rừng săn bắn. Đêm nào rảnh rỗi là anh theo người dân tộc vào rừng. Bữa kia đi săn anh mang về một con cù lần. Nó chỉ bị thương nhẹ do đạn sớt qua. Anh chăm sóc cho nó và cột trên hàng rào cây ngay nhà tổ cấp dưỡng. Mấy người dân tộc đi săn chung với anh nói: “Đi săn mà gặp con cù lần là xui lắm”. Họ bảo họ đã về hết ngay lúc đó, còn anh Dũng không nghe mà còn ở lại bắt cho được. Anh Dũng mang cù lần về rồi lại đi tiếp. Và đêm đó anh bị mất tích luôn không thấy về. 

Chúng tôi báo công an xã, họ cho người đi tìm. Mấy thợ săn người K’hor cũng chia nhau vào rừng, hy vọng kiếm được Dũng. Hãng phim cử cán bộ lên Di Linh để phối hợp. Nhưng đã qua đến ngày thứ 6 mà anh Dũng vẫn biệt tăm. Chúng tôi ai cũng cho là anh đã đi lạc trong rừng và bị cọp vồ. Vợ anh, cũng là nhân viên hãng phim thì khóc hết nước mắt. Phước chủ may thầy, đến ngày thứ bảy, đúng một tuần thì anh trở về. Anh được công an Bảo Lộc đưa lên Di Linh, về lại đoàn phim. Người anh gầy sút thấy rõ, gương mặt tiều tụy, hai má hóp sâu và tay chân trầy xước. Anh kể, đêm đó anh theo dấu vết con hổ rồi lạc trong rừng. Anh đi mãi đi mãi, đói ăn lá cây, khát uống nước mưa còn đọng lại rải rác đây đó. Nhờ kinh nghiệm đi rừng thời kháng chiến cũ nên anh không bị ăn nhầm các loại cây, nấm độc. Cuối cùng anh ra tới bìa rừng thuộc địa phận Bảo Lộc. Khi nhìn thấy mấy người dân đi làm rẫy, anh vừa mừng vừa mệt lã nên quỵ xuống ngất xỉu. 

Bộ phim Người Không Mang Súng chúng tôi làm có nội dung đề cập đến Fulro, mà địa điểm quay chính là sào huyệt của chúng trước khi bị truy quét phải tháo chạy vào rừng sâu. Nghe đồn thỉnh thoảng  về đêm có vài tên tàn quân vẫn còn lén ra gặp đồng bào dân tộc để xin đồ ăn. Lời đồn đó đúng ra sẽ làm tăng thêm nỗi lo sợ của anh em đoàn phim về một trận giao tranh giữa bộ đội ta và tàn quân Fulro. Nhưng không. Coi thế mà đoàn phim cũng gan dạ lắm (nhất là đạo diễn, quay phim, tổ khói lửa từng là dân kháng chiến ở R). Hơn nữa chúng tôi cũng bận rộn suốt ngày đêm để quay cho xong bối cảnh nên ít có thời gian nghĩ đến chuyện ấy. Ban đêm, hôm nào không có kế hoạch quay là cả đoàn đi ngủ sớm vì chả có gì để giải trí. Giấc ngủ nơi miền núi rừng xa xôi hẻo lánh sao mà êm đềm, yên ả! 

Sĩ Huỳnh

Related posts

Leave a Comment

%d bloggers like this: