Thơ là người


Ảnh bìa: Tranh “Người thổi sáo” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Nửa đêm lục lọi đi động để tìm mấy bài thơ “được được” hầu gửi cho CLB Thơ Facebook tỉnh Bình Phước, chợt nhận ra lúc trước mình làm thơ hay hơn bây giờ nhiều. Trong khoảng 10 năm đổ lại đây, thơ mình vừa ngắn, vừa sáo rỗng, ý tứ lại trùng lắp và không có gì mới.
Đúng ra cũng không hẳn là “văn ôn võ luyện” mà chính do môi trường sống, ít đi lại và sự giao tiếp bị hạn chế. Quanh đi quẩn lại có vẻ như mình chỉ dẫm chân tại chỗ nên đã bị cùn, mòn vốn sống. Mới hay, các nhà văn sẽ chẳng sáng tác được gì ra hồn nếu cứ ở trong bốn bức tường chơ vơ, trống lạnh.
Đọc lại bài Trăng quê hương thấy sao lạ lẫm, chừng như không phải của mình. Bài Sợi tóc cũng thế. Sao lúc xưa mình làm thơ hay thế nhỉ? Chả bù với bây giờ chả có ý tứ gì cả, gần như chỉ tập trung vào vần điệu. Và những cái kết lửng cũng chẳng mở ra ý tưởng gì mới. Dấu ba chấm cuối bài chẳng mang thông điệp gì đến người đọc, chỉ là do thói quen vô cảm.
Đứng giữa đất trời gió lộng hương khuya
Xiêu lòng ai, màu phù sa châu thổ
Xiêu lòng anh ngọt ngào câu ca cổ
Hỏi sông dài,đâu đò dọc đò ngang
Ở đâu ra những lời lẽ tả cảnh tả tình mượt mà đến vậy?
Có đôi lúc thời gian ngừng lặng
Sợi tóc rơi, ta nhặt được, tình cờ
Nhìn một nửa bạc màu, tim thổn thức
Một nửa đen huyền, ta hằng giấu trong Thơ
Và nỗi xót xa cam chịu ấy đã bật thành tiếng thơ. Cảm xúc ấy từ đâu ra vậy? Hỏi tức là trả lời. Đó là quãng thời gian tôi đi nhiều nhất, đến miền này vùng nọ để làm phim. Chất liệu cuộc sống tràn trề. Bỏ qua nhiều vụn vặt, còn lại chính là những gì cô động nhất, sâu lắng nhất của tâm hồn.
Thơ là người, quả đúng vậy. Thời ấy tôi còn có tuổi trẻ, có nhiều ước mơ, còn niềm lạc quan vui sống. Giờ đây con người dù đã trầm tĩnh hơn, có nhiều trãi nghiệm hơn nhưng sức khỏe đã giảm sút, một trong các yếu tố giúp phả hồn vào tác phẩm. Khi con người ta không khỏe, sự chán chường luôn rình mò xâm chiếm.
Mùa mưa đã về. Cơn mưa đầu mùa thoáng qua vội vàng nhưng vẫn đủ tạo cảm xúc mát lạnh cho thơ ca. Cây chùm ruột trước nhà rụng nhiều trái non vì gió. Con Mực tha con tìm chỗ trú, đầu lòng chỉ có hai chú cún nhỏ bằng bàn tay. Vườn chuối vừa mới bán lá xong, lưa thưa, xơ xác. Về quê vợ bao giờ cũng có nhiều sự kiện để tả cảnh tả tình. Hôm nay trong người thấy khỏe hơn nên đầu óc tôi có được nhiều ý tưởng.
Gửi bài để in sách, có lẽ tôi phải sáng tác thêm ít nhất một bài mới. Chất liệu ở đâu ra? Tôi tự hỏi mình. Tình tự như thế nào để tính sau, nhưng bối cảnh chắc không ở đâu ngoài miền quê vợ.
(17/4/2021)