Ngã ba Gia Canh của tôi
- Có ai xuống ngã ba Gia Canh hôn?
Đó là tiếng của anh lơ xe. Nhiều người lục tục bước đến gần cửa. Ngã ba Gia Canh đã hiện ra trước mắt. Xe tấp vào lề cho khách xuống. Mọi người tỏa đi các nơi, chỉ còn lại vợ chồng tôi. Vợ tôi đã gọi taxi. Chúng tôi đứng chờ xe đến đón.
Tôi đi chuyến chiều, 6 giờ 15 xe lăn bánh. Có hôm đi trễ hơn, 7 giờ tối mới đến Suối Tiên, chờ chuyến xe 7 giờ rưỡi. Xe chạy hơn một tiếng mới đến Dầu Giây, đỗ tại trạm dừng chân cho hành khách đi toilet. Chạy tiếp đến Gia Kiệm, Phú Túc, Phú Cường. Tiếp nữa đến La Ngà, Định Quán. Ngã ba Gia Canh nằm ở cột cây số 114, qua chợ Cầu Trắng một đoạn. Quẹo phải ở ngã ba, chạy thẳng bốn cây số nữa là đến nhà tôi. Từ ngã ba chạy vô Gia Canh, đầu tiên là qua những địa điểm chính như bệnh viện Định Quán, nhà thờ giáo xứ Gia Canh và Uỷ ban xã.
Lần nào về, đến ngã ba Gia Canh cũng hơn 9 giờ đêm. Nhiều hàng quán ở đây vẫn còn mở cửa, đèn thắp sáng lung linh. Đầu ngã ba có xe bán bánh bao, lúc đói bụng nghe mùi thơm quyến rũ.
Bên đường quốc lộ xe cộ ngược xuôi. Xe về Sài Gòn, xe lên Phương Lâm, Bảo Lộc, Đà Lạt. Đầu ngã ba có một dãy phân cách ngắn, trên cắm một cột gắn bốn chiếc loa phát thanh chĩa về bốn hướng và một tấm bảng có mũi tên đề “Giáo xứ Gia Canh”.
Vợ chồng tôi thường về tối thứ sáu, ở chơi hai ngày thì trở lên. Đúng 2 giờ chiều chủ nhật, Hoa và Hồng, hai đứa em gái của vợ tôi đi hai chiếc xe máy, chở tôi và vợ ra ngã ba Gia Canh, chờ xe từ Phương Lâm xuống đón.
Xe từ Sài Gòn đi Định Quán, tôi để ý hành khách xuống tại ngã ba Gia Canh khá đông. Có lần xe vắng khách, thay vì chạy thẳng thì bác tài quẹo vô ngã ba, đưa chúng tôi vô nhà luôn mà không lấy tiền thêm. Đó cũng do vợ tôi là mối ruột, đi xe của bác tài mười mấy năm liên tục. Bình thường thì khi đến ngã ba, tôi gọi điện cho taxi quen ra đón.
Lúc trước, Vũ- em cột chèo với tôi thường ra ngã ba đón chúng tôi, tống ba về. Sau này tôi thấy cực cho Vũ quá nên quyết định đi taxi. Khi trở về Sài Gòn vào thứ hai, chúng tôi thường đi lúc 3 giờ sáng để kịp 7 giờ vợ tôi đi làm. Thời gian đầu có xe vô đón, về sau xe không chịu vào nữa thì nhờ Phú, chồng của Hồng, em gái thứ tư của vợ tôi chở ba ra đón xe. Nếu không có Phú về thì chúng tôi đi trễ một chút, hơn 5 giờ đi bộ ra đầu đường đi chuyến xe 5 giờ 30. Đi giờ này vợ tôi phải xin công ty nghỉ buổi sáng, vì 9,10 giờ mới lên đến Sài Gòn.
Đi taxi hồi tháng 9 năm rồi, tôi gặp bác tài là một phụ nữ. Cô ấy kể gia đình bên chồng vừa xảy ra án mạng, chồng cô bị thương còn cha chồng bị đâm gục, chết tại chỗ. Vụ án xảy ra tại quán cháo vịt ngay ngã ba Gia Canh. Chuyện là có đôi nam nữ vào ăn cháo, khi về nhà, cả hai phát hiện mất điện thoại nên trở lại quán tìm. Do không thấy nên cả hai gây gổ với vợ chồng chủ quán, cho là chủ quán lấy. Sau đó người nam về nhà lấy dao đến đâm anh chủ, cha của anh chủ vào can ngăn cũng bị đâm. Do vết thương nặng quá nên người cha qua đời. Giờ nhắc đến ngã ba Gia Canh, nhiều người nhớ ngay vụ án ấy.
Đưa rước khách đi Sài Gòn hoặc từ Sài Gòn về, các hãng xe như Vân Chính, Thuý Hoa nằm ngoài quốc lộ 20 thường chạy vào ngã ba Gia Canh, đi sâu vào xã. Từ 2,3 giờ sáng đã có chuyến. Các loại xe này thường là xe trung chuyển 16 chỗ, rước khách đưa ra trạm rồi sắp xếp cho lên xe khác để đi.
Ngay ngã ba, phía bên kia đường quốc lộ, các chuyến xe từ Đà Lạt, Bảo Lộc, Phương Lâm về thường đỗ lại đón khách. Có cả những chuyến xe buýt. Nhưng xe không được dừng lâu, chưa đầy một phút đã phải rời đi. Mỗi lần Hoa và Hồng chở vợ chồng tôi ra ngã ba Gia Canh đều qua bên ấy chờ xe. Phía trong bờ lề là đoạn đường song hành với nhiều hàng quán.
Tối hôm qua về đến ngã ba Gia Canh thì đã 9 giờ 5 phút. Vợ chồng tôi đứng chờ taxi cạnh xe bán bánh bao. Vẫn còn nhiều hàng quán mở cửa, đèn quảng cáo sáng trưng. Xe trên quốc lộ 20 vẫn đang dập dìu.
Gần ba năm rồi, tôi đi lại trên tuyến đường này cũng đã rất nhiều lần. Ngã ba Gia Canh với riêng tôi đã trở nên thân thuộc, lúc gặp lại thì mừng vui, lâu ngày không về thì thấy nhớ. Tình cảm đối với một địa danh, một con đường là có thật.
(16/5/2020)