Chị Hai tôi


Chị hai tôi tên Hoa, là con nuôi của ba má tôi. Má tôi sinh đôi hai đứa con gái đầu lòng nhưng không giữ được. Đi coi thầy, thầy bảo phải xin đứa con nuôi thì những đứa sau mới có thể chào đời khỏe mạnh. Ba tôi thì không tin nhưng má tôi quyết chí làm theo. Vậy là chị hai được xin về, nghe má nói xin trong bệnh viện, của một bà mẹ nghèo, bệnh tật. Bà mẹ làm giấy tờ cho con đàng hoàng để tránh rắc rối về sau.
Dù là con nuôi nhưng chị hai được ba má tôi thương yêu, cưng chìu hết mực. Nhưng do ba má không khá giả gì nên chị không được sống trong nhung lụa, chỉ được một cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ của những gia đình lao động.
Rồi má tôi lại sinh đôi tiếp, một trai một gái. Cảnh nhà có đỡ hơn do ba má mở được một tiệm “hàng xén” chuyên bán đủ thứ cần thiết cho nhu cầu khiêm tốn của người tiêu dùng, từ chai nước mắm, hủ chao đến bánh kẹo, cục xà bông, hộp cá mòi…Lúc đó chị hai tôi đã được gần ba tuổi.
Dì của má tôi- tôi gọi là bà Tám, em út của bà ngoại, bị hiếm muộn nên có ý muốn xin đứa con gái của má tôi làm con nuôi (đứa con gái ấy được sinh ra trước nên là chị ba, đứa con trai là anh tư). Bà Tám chỉ hơn má tôi một tuổi, sống thân thiết với má từ nhỏ như hai chị em ruột. Bà như một đại gia, thường xuyên giúp đỡ ba má tôi về tài chánh, nói cho mượn nhưng là cho luôn, không cần phải hoàn trả. Má tôi suy nghĩ mấy đêm liền, thấy thương bà Tám quá nên thuyết phục ba tôi cho con. Số chị ba thật sướng, mới chào đời đã được sống trong một gia đình giàu có.
Chị ba đi rồi, còn lại anh tư với sức khỏe ngày càng kém, hơn một tuổi vẫn chưa biết đi. Má tôi lại coi thầy, thầy phán hai đứa sinh đôi không thể tách rời, sẽ có một đứa khó nuôi, bệnh tật. Qua năm sau má tôi lại sinh một bé gái, đó là chị năm tôi. Nghe thầy nói vậy, má tôi hỏi ý bà Tám để cho luôn anh tư.
Chị hai tôi mới có bốn tuổi đã biết giữ em, biết hát ầu ơ ru em ngủ. Mặc dù đã có con nhưng ba má tôi vẫn thương chị hai, xem chị như con ruột. Chúng tôi lớn lên, không ai biết chị là chị nuôi. Tôi cũng không nhớ đến lúc nào thì mình biết được sự thật ấy, chỉ biết rằng sau khi hiểu chuyện, anh chị em tôi vẫn chẳng quan tâm, vẫn coi chị là người chị đáng kính.

Năm tôi 7 tuổi thì chị đã 16. Vừa làm việc nhà phụ ba má vừa chăm sóc bầy em. Sáng sáng chị đạp xe đi mua đồ điểm tâm cho chúng tôi. Tôi còn nhớ mãi câu chuyện này:
- Thằng Sĩ ăn gì? Bánh mì thịt hay xôi mặn?
- Em ăn bánh bao.
Đúng là trớt quớt, nhưng chị tôi lại cười ha hả. Chị là vậy, tánh tình hiền hậu, siêng năng, chịu khó. Ít khi nào giận hờn ai, gây gỗ với ai.
Rồi chị lấy chồng. Anh Bình chồng chị là người đàng hoàng, ít nói nhưng nhiệt tình, thân thiện. Chúng tôi không biết anh làm nghề gì, chỉ đến nửa năm sau nghe tin anh mất tôi mới biết anh là “Việt cộng nằm vùng”.
Anh Bình ra đi để lại trong lòng chị hai tôi nỗi cô đơn trống vắng. Nhưng chị mau chóng trở về với bổn phận làm chị, tiếp tục chăm lo cho đàn em. Năm đó nhà tôi rời khu phố trọ của bà Hai Đính, chuyển về chợ Mới cách đó khoảng 8 cây số. Căn nhà ấy trước đây bà Tám tôi mua cho ông Sáu ở, nay bà rước ông anh lên Sài Gòn nên kêu ba má tôi về. Nhà mới ba gian rộng rãi, tường vách ván, mái ngói. Mặt tiền nhà thì xây tường gạch, có lan can và một khoảng sân rộng. Hai bên hông nhà là hai mảnh đất trống, bên phải có ao cá to, có bờ cầu sàn nước để ngồi giặt đồ rửa chén. Chị hai tôi lo việc nội trợ, đi chợ nấu ăn và chăm sóc chúng tôi. Chiếc cầu sàn nước gắn liền với chị qua năm tháng.
Rồi chị có người chồng thứ hai, anh Bảy Nhạn, là lính sư đoàn 7. Anh đã có vợ và hai đứa con riêng, nhưng vợ cũ đã qua đời. Anh chị có với nhau ba mặt con, đều là trai, sanh năm một. Anh hai tôi ở rễ, tánh hiền, chất phát, dễ gần gũi.
Bỗng tai nạn ở đâu ập xuống nhà tôi. Một trái pháo của “phe quốc gia” rơi trúng nhà tôi khiến đứa con gái riêng của anh hai mất trong bệnh viện, anh hai bị thương ở bụng và chân, còn chị hai tôi phải cưa mất một đoạn của cánh tay phải. Còn may là chị tôi lại thuận tay trái nên sinh hoạt về sau cũng đỡ khó khăn. Tôi còn nhớ năm đó là 1968.
Sau ngày giải phóng, gia đình tôi dọn vào xã Phước Thạnh. Chị hai tôi ở lại, sống với anh hai và bốn đứa con trong một căn nhà nhỏ ở sau vườn nhà cũ. Anh hai tôi không phải đi học tập cải tạo nhờ trong thời gian đi lính, khi đánh giáp lá cà, gặp lính bên cách mạng anh đều tha cho đi.
Anh hai tôi bệnh mất để lại mình chị tôi nuôi 2 thằng con trai. Đứa con riêng của anh lấy vợ ở Rạch Giá, thằng con đầu của anh chị cũng cưới vợ ra riêng. Cuộc đời chị hai
bước sang trang mới đầy rẫy gian nan, nghèo khổ. Mất một bàn tay, chị không biết làm nghề gì để sống. Buôn bán thì không có vốn. Thời bao cấp anh chị em tôi ai cũng khó khăn cũng không giúp chị được nhiều. Chị năm tôi bên Mỹ thỉnh thoảng có gởi tiền về cho chị. Chị sáu thì cho gạo. Tôi và mấy đứa em lâu lâu cũng có cho chị tiền. Chị phải đi mua bán ve chai để lo cho gia đình.
Có một lần chị năm tôi gởi tiền về cho chị hai để mua chiếc xe lôi cho con chị chạy kiếm sống. Nhưng chưa đầy nửa năm chị đã bán để lấy tiền trả nợ.
Có một giai đoạn chị hai tôi bị lao phổi phải đi bệnh viện. Bệnh lao phải điều trị 8 tháng, nhưng mới có 3 tháng chị đã bỏ ngang vì hết tiền, vì thiếu hiểu biết. Khi phát hiện ra, anh chị em tôi cho chị tiền, thúc giục chị điều trị tiếp.
Lúc còn sống ba tôi có lần bảo chúng tôi sau này nhớ lo cho chị hai. Tôi nhớ mãi lời ba tôi, hơn nữa tôi rất thương chị hai, nên thường cho chị tiền, nhiều hơn lúc xưa. Nhiều lần chị đi xe ôm từ Bến Tre lên Sài Gòn để gặp tôi. Cho tiền chị xong, tôi bảo:
- Mai mốt chị đừng lên đây nữa, tốn tiền xe lắm. Đây là số điện thoại của em, có gì chị cứ điện em sẽ gởi tiền về.
Mấy tuần sau chị gọi cho tôi, than thở cảnh nhà, tôi vội vã gởi tiền cho chị.
Lúc đó chị đã có được đứa cháu nội, là bé gái. Chị cưng lắm, suốt ngày ẳm bồng. Nhưng chị cũng phải đi mua bán ve chai để kiếm sống. Hai thằng con chị đi làm thuê cho người ta, thu nhập thấp nên cũng không đỡ đần gì được cho mẹ. Căn nhà chị ở là nhà tình thương do phường tạm cấp. Đến một ngày, ủy ban phường thông báo cho chị biết là Nhà nước quyết định cấp căn nhà đó cho chị luôn. Có lẽ cuộc đời gian khổ biết bao nhiêu năm đã khiến chị mang trong người nhiều chứng bệnh, nên khi vừa nghe xong thông báo, huyết áp chị tăng đột ngột. Chị qua đời ngay lúc ấy, không kịp trăn trối gì, trên tay còn bồng đứa cháu nội.
(16/5/2020)
P/S: Đọc trên Facebook- nhắc nhở kỷ niệm:
“Chị cả của mình đã mất đêm qua. Thương quá. Viết những dòng này mà nước mắt cứ tuôn trào kg ngăn được. Jack còn có được niềm an ủi cuối cùng là bấy lâu đã lo cho chị, để chị vượt qua được từng cơn khắc nghiệt của cuộc sống. Chị ơi, hãy ngủ yên chị nhé…” (18/5/2010)